Xuân Trình – Nhận thức và khám phá cuộc sống – PGS Tất Thắng

Trước khi viết kịch, Xuân Trình từng viết văn, cả  văn báo lẫn văn sách. Nhiều người chỉ biết đến anh qua các vở kịch. Riêng tôi, tôi lại biết đến và chú ý đến Xuân Trình qua một vài truyện ngắn và ký sự. Bây giờ, nếu nhắc tới tập truyện ký Từ một làng ở Vĩnh Linh (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1970) thì ít ai nhớ truyện ngắn Đường trường tác phẩm đã được tặng giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ hồi nào.


Chuyện kể về một đoạn đường dài sâu vào vùng lửa những năm chiến tranh với hai chiếc xe tải vượt bom đạn trong cái đêm máy bay địch lồng lộn oanh tạc. Cậu lái xe trẻ, ngỗ ngược và hiếu thắng, bẳn tính và ích kỷ đã hãm đường, chèn đường, vượt đường anh lái xe lớn tuổi và thậm chí đã một mình thoát khỏi vòng bom đạn mà để chết cho bạn đường. Nhưng đường dài còn lắm sự bất ngờ. Và chính anh lái xe lớn tuổi, con người từng trải và đức độ ấy đã không bỏ mặc cái cậu lái xe trẻ đáng giận kia, mà đã cứu anh ta trong một tình huống suýt chết. Đường đi, cũng như đường đời còn dài chớ vội hợm mình và ích kỷ, nhất là chớ đối xử với nhau tàn tệ để khi mình có thất thế thì người ta còn cứu, hoặc ít nhất cũng còn thương.

Có thể lý giải sự hình thành phẩm chất nhà viết kịch ở Xuân Trình như là việc cộng lại hai yếu tố nhà báo và nhà văn. Sự nhạy bén nhà báo, sự suy nghĩ nhà văn cùng với lòng mê say sân khấu bẩm sinh (từ hồi còn là sinh viên, Xuân Trình  đã viết kịch và hoạt động sân khấu     ở khoa văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã làm nên nhà viết kịch Xuân Trình. Tính báo chí, chất thông tấn đã nổi lên trong kịch Xuân Trình như một đặc điểm mang dấu vết cá tính sáng tạo.

Có thể nói rằng, mỗi một vở kịch của anh đều là một thông báo về một sự kiện thời sự chính trị của đất nước trong suốt mấy chục năm qua. Về cuộc vận động thanh niên lên đường cứu nước, anh viết Bà mẹ và những người con (1965). Về cuộc chiến đấu của quân dân ta chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, anh viết Quê hương Việt Nam (1967). Về cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật được coi như là khâu then chốt trong ba cuộc cách mạng tiến hành trên đất nước ta dạo nào, anh viết Lập xuân (1970). Về cuộc vận động cải cách dân chủ chống tệ nạn cường hào mới ở nông thôn, anh viết Bạch đàn liễu (1973). Về tổ chức lại sản xuất nhằm tiến lên nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, anh viết Thời tiết ngày mai (1980). Về chủ trương khoán theo chỉ thị 100 của Trung ương anh viết Mùa hè ở biển (1985).

Thậm chí cả về sách lược hòa hợp dân tộc sau Hiệp nghị Paris 1972 anh cũng có kịch Hận thù từ đâu tới. Anh bạn Hồng Phi, trong bài viết về Xuân Trình ngay sau cái chết của nhà viết kịch, có một nhận xét rất đúng rằng, Xuân Trình đích thị là nhà viết kịch xã hội chủ nghĩa (xem báo Văn nghệ số 51 ra ngày 21 tháng 12 năm 1991), bởi vì anh chỉ viết về những sự kiện, những con người ở thời đại xã hội chủ nghĩa hôm nay.  Ngẫm  ra đúng là như vậy. Không thấy Xuân Trình viết một vở kịch nào về đề tài lịch sử?

Ảnh minh họa.

Phải chăng từ chức năng phản ánh của văn học mà xét thì kịch Xuân Trình đã có thể là một trong những tấm gương của hiện thực cách mạng đương thời. Tuy nhiên, vấn đề đâu chỉ đơn thuần ở tấm gương mà ở chỗ tấm gương như thế nào. Trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu Xuân Trình, Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Dương Ngọc Đức nói: “Từ viết văn, viết báo, Xuân Trình chuyển sang viết kịch và nhanh chóng trở thành một trong những cây bút xuất sắc nhất của sân khấu chúng ta” (Xem báo Văn nghệ số 51 – 21 – XII – 1991).

Vì sao có một sự nhanh chóng như thế? Xuân Trình đã làm mình nổi mình lên, làm trội mình lên, làm vượt mình lên giữa nhiều bạn viết bằng sự thông minh trong phản ánh hiện thực cuộc sống. Thông minh ở đây tôi nói trên cả hai khía cạnh nhận thức và sáng tạo. Đúng ra mà nói thì, cũng như nhiều nhà văn cùng thời, anh không tránh khỏi sự phản ánh hời hợt hoặc là để ca ngợi hoặc mặt khác, để phê phán một cách phiến diện, một chiều. Có điều anh đã nhanh chóng giã từ cung cách phản ánh ấy. Kể từ Quê hương Việt Nam, nghĩa là 4 năm sau vở đầu tay Chuyện những người du kích (1963), Xuân Trình đã chấm dứt thời kỳ phản ánh hiện thực một cách hồn nhiên, sơ lược, để bước vào thời kỳ nhận thức và khám phá cuộc sống.

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình.

Vở Quê hương Việt Nam viết về một làng vùng tuyến lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh trong cuộc chiến tranh huỷ diệt của kẻ thù. Ở đây không chỉ đơn thuần là sự phản ánh tính chất khốc liệt của cuộc chiến cũng như sự ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân ta. Cuộc sống ở đây đã được nhìn nhận như là, cuộc vật lộn ghê gớm giữa cái sống và cái chết, một cuộc vật lộn cả trong bản thân mỗi con người.

Có cả một tình yêu bị xé lẻ, có cả một đảng viên xin ra Đảng. Đến Lập xuân thì cuộc sống lại được nhìn nhận ở góc độ khác. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở đây đã được diễn tả trong mối xung đột giữa hai thế hệ, và gay gắt hơn trong cuộc đào thải cán bộ kể cả những cán bộ từng có công đối với cách mạng một thời song bây giờ không đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới nữa. Một ví dụ khác, Mùa hè   ở biển, phong trào khoán trong sản xuất nông nghiệp đã được nhìn nhận như là cuộc đấu tranh hết sức kiên trì và khôn khéo, không chỉ là giữa đồng chí với nhau mà là giữa cả những người ruột thịt như vợ chồng, cha con, với sự bảo thủ.

Nó không những là nguyên nhân gây nên sự đói nghèo đến kiệt quệ của xã hội, mà còn là hành động đến tổn thương đến đổ vỡ trong tình cảm con người. Trường hợp các vở khác như: Đợi đến mùa xuân (1986), Ngôi nhà màu hồng ngọc (1988), đều như vậy cả. Xuân Trình quả là cây bút nhậy bén. Chẳng những từ những sự kiện chính trị lớn như đã nói ở trên mà cả từ những vụ việc nhỏ, như việc xây dựng ngôi nhà cho Hội nghệ sĩ sân khấu, hay làm nhà cho bản thân mình, anh đều có thể viết nên kịch. Ở Ngôi nhà màu hồng ngọc, những chính sách không phù hợp với thực tiễn mà còn ngăn cản sự phát triển xã hội đã được nhìn nhận ở góc độ rất văn học là góc độ nhân bản. Những người hiền, người lành khi răm rắp thực hiện những thủ tục, những chính sách lỗi thời thì bị hành hạ đến khốn khổ, đã đành. Nhưng nguy hiểm hơn là, trong quá trình đó tình cảm của họ, tâm hồn của họ đã bị tổn thương, những vết rạn nứt, sứt mẻ đến mức có nguy cơ không hàn gắn được…

Nhiều bạn nghề đã nói đến cái tính vấn đề trong các vở kịch của Xuân Trình. Nhà viết kịch đã nhận thức cuộc sống trong những vấn đề nóng bỏng và gay gắt của nó. Đó là một cung cách nhận thức tập trung, cô đọng và do đó rất kịch. Sự khám phá cuộc sống ở Xuân Trình trước hết là khám phá những vấn đề cấp thiết, những vấn đề chín muồi đang đòi được giải quyết, đang tìm câu trả lời, đương nhiên là những vấn đề tiềm tàng, nung nấu trong lòng sâu cuộc sống. Có thể nói rằng, không một vở kịch nào của Xuân Trình lại không nổi lên sắc nhọn, có khi như một mũi khoan, cái vấn đề nó xoáy sâu vào sự tiếp nhận của người xem, buộc người xem phải suy nghĩ. Và chính cái tính vấn đề đó đã làm cho kịch Xuân Trình khác hẳn kịch của các tác giả cùng thời, có khi khác đến mức trộn cũng không lẫn!

Mặt khác, chính cái tính vấn đề ấy đã khiến cho đa số các vở kịch của anh đều hoặc là gặp khó khăn lúc dàn dựng và tổng duyệt, hoặc là gây nên những cuộc tranh luận khi vở diễn ra đời.

Tôi có dịp cùng sống, cùng công tác, cùng những chuyến đi thực tế với Xuân Trình, cùng chia xẻ những suy tư thai nghén, những tìm tòi sáng tạo với anh. Tôi thấy, điều mà anh quan tâm nhất, day dứt nhất là làm sao xây dựng được những hình tượng điển hình về con người thời đại chúng ta. Dường như, cả cuộc đời anh là một cuộc mải miết đi tìm những hình mẫu cho con người ấy.

Một cô Lụa ở vùng Tam Điệp đã vào Thời tiết ngày mai với tên thật của cô. Một cán bộ già ở Thanh Hóa suốt ngày mặc chiếc áo đại cán đã vào Mùa hè ở biển với cái tên ông Đoàn Xoa. Một đảng viên về hưu quê ở Nghệ  An không biết đăng ký hộ khẩu ở đâu đã vào Nửa ngày về chiều. Và nhiều người đã biết rằng, một cô biên tập viên Tạp chí Sân khấu đã vào Ngôi nhà màu hồng ngọc cũng như nhiều nhân vật khác ở cơ quan Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã vào Nghĩ về mình. Một cô gái chợt bất gặp lúc chiều tối, bên bờ suối, giữa một miền rừng không có dân cư đã vào vở Ngày xưa nơi đây là chiến tranh (1988), vở kịch lạ nhất của Xuân Trình, lạ cả trong nhận thức và khám phá cuộc sống, lạ trong xây dựng hình tượng nhân vật. Nơi ấy ngày nào, khi còn là chiến tranh thì cuộc sống tuy gian khổ, khốc liệt nhưng vẫn là cuộc sống, vẫn hầm hập những con người. Bây giờ, cả một xóm nhỏ ven rừng đã bỏ về xuôi, để lại một ông già và một cô con gái không biết vì lẽ gì, vì sự chờ đợi gì mà vẫn còn sống ở cái nơi vắng vẻ đến hoang vu đó? Phải chăng, ngày xưa, vì lo cho con cái mà ông đã lợi dụng chỗ sơ hở của chiến tranh?

Và bây giờ cũng vì lo cho con cái mà ông lại từ chối sự thật? Hay chính vì sự “lo lắng” ấy mà đứa con trai cả thì vào tù và đứa con gái út thì phải sống biệt lập với mọi người? Quên đi tất cả những nhân vật trong kịch của Xuân Trình thì cũng còn nhớ được một Đoàn Xoa. Nguyên cái tên nghe đã lạ! Đoàn Xoa, con người của một thời chúng ta hằng sống, hằng trải, hay nói một cách khác, một thời chúng ta từng trải hằng sống, đã được diễn tả thu nhỏ, tập trung trên con người. Đoàn Xoa – với ông ta tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá mọi người là sự tuân thủ tuyệt đối, chấp hành tuyệt đối chính sách, mặc dù cái chính sách đó đã trở nên quá lạc hậu với sự tiến bộ của xã hội, mặc dù chính cái chính sách đó đã làm nhiều người trong làng, trong xã phải đeo bị, chống gậy đi ăn mày. Với Đoàn Xoa, tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá con cái là sự vâng lời tuyệt đối, cụ thể là vâng lời ông.

Mặc dù chính vì sự vâng lời ấy nên cô con gái đã ngót 30 tuổi đời mà suýt nữa thì ế! Còn đứa con trai duy nhất đã lớn mà vẫn ngửa tay xin tiền bố, trong khi ông bố thì nghèo xác đến mức mỗi lẫn nghỉ phép về thăm nhà đều đem theo một ba lô cơm nguội phơi khô làm quà. Với ông ta, tất cả các hoạt động kinh tế đều phải do Nhà nước nắm giữ. Tôm, cá hễ không do cửa hàng mậu dịch bán đích thị là tôm cá “chui” rồi! Còn con gái mà ăn mặc kiểu bikini “hai mảnh” rồi lại tắm biển với con trai thì sự nguy hiểm đã ở cấp độ báo động? Với Đoàn Xoa, quả thực ta được chia tay với quá khứ bằng tiếng cười châm biếm!

Dấu vết nhà văn để lại đậm nét trong một số vở kịch của Xuân Trình. Ở đó giàu chất văn học hơn là chất sân khấu. Ta có thể giải thích vì sao kịch Xuân Trình  đọc  lên thì hay thì thấm, nhưng dựng lên đôi khi lại loãng, lại nhạt. Đây là một sự thật, nhưng có thể là một sự thật chưa đầy đủ, khi mà Xuân Trình chưa có bạn đạo diễn tâm đắc. Một đêm lập xuân xôn xao cả đất trời với những chồi non cựa quậy trong làn mưa lớt phớt. Một xóm vắng dưới ánh trăng mờ chiếu đêm đêm văng vẳng tiếng còi tầu mà người tìm về quê vẫn bị lạc lối… Những chi tiết “nhà văn” như thế ta bắt gặp rất nhiều trong kịch của Xuân Trình.

Một biệt thự trong chiến tranh mà vườn cây được dùng làm nơi chôn cất tử thi liệt sĩ, đến khi hòa bình đã trở thành đầu mối của một tình tiết kịch. Bởi     vì chỉ có trong chiến tranh thì sự phi lý biệt thự – nghĩa trang mới xảy ra. Bây giờ trong hòa bình, hậu quả của nó trở nên gay gắt. Những người sử dụng biệt thự như nghĩa trang không thể hiểu nổi những người sử dụng nghĩa trang như biệt thự. Và họ quay ra cấu xé lẫn nhau. Hình thức xung đột kịch đã trở nên mới lạ. Đó là một tình tiết đầy kịch tính trong vở Nửa ngày về chiều, một trong những vở cuối cùng của Xuân Trình.

Với những vở kịch cuối cùng, hình như Xuân Trình đã có sự biến chuyển trong nhận thức và khám phá cuộc sống. Bây giờ anh đã nhìn cuộc đời từ cái nhìn của một người bộ hành nhưng không đi nữa, mà lại dừng lại để suy ngẫm về mình, về người, về nhân tình thế thái, khi mà gần như cả cuộc đời đã mải miết theo cuộc hành trình để đến lúc chợt nghỉ chân thì đã nửa ngày về chiều. Giọng điệu ngậm ngùi và chua chát đã có lúc nổi lên như một bè chính của bản hòa tấu. Một người tốt, một lối sống môđéc, một tác phong làm việc công nghiệp… đã trở nên cô đơn lạc lõng và thậm chí tội lỗi giữa một tập thể lạc hậu và dốt nát (Nghĩ về mình). Một cuộc đời hy sinh tận tụy cho quân đội và cách mạng, lúc về già phải gửi thân ở nhà trẻ mồ côi (Nửa ngày về chiều). Một hành động hồn nhiên thánh thiện bỗng trở thành tai họa, khi mà cái ác cứ lộng hành trước con mắt mọi người    và cả pháp luật (Tai họa hay rủi ro). Phải chăng chính Xuân Trình hay là các nhân vật của anh đã tự đối diện với bản thân mình để tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề, những câu hỏi mà cuộc sống cứ đặt ra ngày một nhức nhối hơn. Có câu hỏi anh đã trả lời được ít nhất là trong tác phẩm Nghĩ về mình. Và có cả câu hỏi anh còn treo lơ lửng đó (Tai họa hay rủi ro).

 

PGS. Tất Thắng

 

 

 

 

Share this page