Xuân Trình là một trong những nhà viết kịch tài năng đã đóng góp xuất sắc cho nền sân khấu Cách mạng Việt Nam. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001.
Ông sinh vào ngày mồng 6 tháng 01, năm Bính Tý (6/1/1936). Quê ông làng Lỗ Xá, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Những vở kịch của Xuân Trình dù ít dù nhiều, đều mang dấu ấn của quê hương ông. Hay nói một cách khác: đặc điểm của địa danh và văn hiến quê ông, đã tạo ra được một Xuân Trình xuất sắc trong nền sân khấu Cách mạng Việt Nam. Ông Xuân Trình được thừa hưởng khá đậm đặc lòng nhân đức của gia đình.
Bà nội Xuân Trình thường nhắc nhở các gia nhân và con cháu là đến bữa cơm là mở cổng cho ăn mày họ vào, bà thường nói: “ăn mày họ chỉ trông chờ vào hai bữa cơm, đến bữa mà không mở cổng cho họ vào để cho họ ăn thì là thất đức”. Bà cũng chính là người trực tiếp xúc thóc, xúc gạo phát chẩn cho nông dân làng Lỗ Xá trong những ngày tháng 3, tháng 8. Bà cũng thường nói, khi cướp đến, thì không cần chống họ làm gì, nhỡ sao khổ thêm, cứ mở cổng, mở kho cho họ lấy thóc, họ đói nên họ đi cướp.
Những giá trị nhân văn trong kịch Xuân Trình, những xung đột bạo liệt, những sự thông minh sắc sảo trong mỗi nhân vật của ông, lẽ nào không bắt nguồn từ nơi ông sinh ra, từ cái làng Lỗ Xá nhỏ bé, lẽ nào không được nuôi dưỡng hình thành trong những gia cảnh của ông để tạo nên những phẩm chất kịch mà chúng ta đang bàn luận hôm nay.
Khi cắt nghĩa một tài năng chúng ta có nhiều góc độ để tìm hiểu, để soi sáng. Chúng ta tìm đến làng, xã, huyện lỵ, tỉnh thành của Xuân Trình để được biết những ngọn gió, những tia nắng, những tiếng nói của bà con quê hương ông đã vun đắp và cho ông những lộc trời, lộc đất, lộc của tình quê hương và cả những đắng cay, những nước mắt, để có một Xuân Trình ngày hôm nay. Cái nôi văn hoá ấy đã đón nhận ông từ thuở lọt lòng.
Thời niên thiếu, Xuân Trình học trường làng. Gọi là trường làng, nhưng học sinh các xã khác cũng về đây học. Ngôi trường được xây dựng năm 1930. Hồi đó có một ông Chánh hội họ Nguyễn Đỉnh lấy quỹ nghĩa sương của làng đứng lên xây trường. Ngôi trường ấy mang tên là trường cơ bản, toạ lạc giữa thôn Lỗ Xá.
Ngôi trường bây giờ vẫn còn, không dùng để học, mà giữ lại như một bảo tàng. Bao nhiêu lần ngôi trường ấy định phá đi lấy gạch để xây trại chăn nuôi cho hợp tác xã, nhưng bà con nông dân thôn Lỗ Xá không đồng ý. Họ tự nguyện góp tiền để mua gạch xây trại nuôi lợn tập thể cho hợp tác xã, chứ quyết không cho phá trường cơ bản. Bởi vì ngôi trường này có biết bao thế hệ đã lớn lên từ đây. Có người trở thành tá, tướng, có các nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, có các giáo sư, tiến sĩ và có cả những anh hùng vô danh và các liệt sĩ đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự sum họp của đất nước. Họ cũng từ ngôi trường này mà ra đi. Ngôi trường cơ bản trở thành tượng đồng, bia đá cho những người vô danh, những người thành đạt lớn lên từ ngôi trường làng. Ngôi trường ấy là máu, nước mắt của các bậc cha mẹ ngày ngày đánh giặc, mò cua bắt ốc, để cho con ăn học.
Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình, ngày đầu tiên cắp sách đi học được vào ngôi trường này. Trường có hai thầy giáo dạy. Thầy giáo Thường dạy lớp ba, lớp tư. Thầy giáo Khánh dạy lớp nhất, lớp nhì.
Khi được lên học đệ nhị, đệ tam (tương đương với phổ thông trung học cơ sở ngày nay), Xuân Trình được học thầy giáo Chu Thiên. Tên thật của thầy là Hoàng Minh Giám (trùng tên với Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Chu Thiên, quê ở xã Yên Thành, huyện Ý Yên, ông là nhà văn, là nhà nghiên cứu. Ông sớm giác ngộ Cách mạng, ông tham gia giành chính quyền tại huyện Ý Yên tháng 8/1945; ông là cán bộ Ủy ban hành chính huyện Ý Yên, rồi là biên tập cho báo Nam Định kháng chiến từ; 1955 ông dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Xuân Trình được học một người thầy có kiến thức sâu rộng về sử học, văn học lại là một nhà văn có tài. Sinh thời, Xuân Trình đã kể cho tôi nghe về một ấn tượng không thể nào quên giữa ông và thầy Chu Thiên, khi ông học đệ tam. Sau giờ sử, thầy giáo đột nhiên hỏi Xuân Trình:
– Nghe nói nhà con giàu lắm phải không? Xuân Trình thưa dõng dạc:
– Thưa thầy vâng ạ, ông con giàu lắm
– Có hay bị cướp không?
– Thưa thầy có ạ.
– Có tổ chức gia nhân chống cướp không?
– Dạ thưa thầy không ạ.
– Sao lại không chống cướp?
– Dạ thưa thầy bà cố con bảo, khi thấy cướp thì mở cổng cho người ta vào. Người ta đói thì người ta mới đi cướp. Chống họ, họ giết cho thì thiệt thòi.
Nghe Xuân Trình trả lời, thầy giáo Chu Thiên đứng lặng trên bục giảng, ông thực sự bị bất ngờ và xúc động. Sau một lúc, thầy Chu Thiên đi đến cạnh Xuân Trình, ông đặt tay lên vai người học trò gày gò, có chiếc răng khểnh giọng ấm áp:
– Thầy khuyên con nên giữ lấy cái nhân đức ấy của gia đình.
Câu chuyện ấy Xuân Trình nhớ suốt đời. Có lẽ vì thế, nên vở kịch đầu tay của Xuân Trình lại viết về nỗi khổ và sự vùng lên của người nông dân trong vở Những người du kích.
Xuân Trình thích diễn kịch từ thuở nhỏ. Những năm tháng học ở trường làng, trường huyện, ông đã cùng với bạn bè thường bày trò diễn kịch. Gọi là kịch cho sang thế thôi, chứ thực ra chỉ là diễn minh hoạ cho một bài hát, một câu ca dao. Xuân Trình được bạn bè phân vai đóng thằng Cuội để minh hoạ cho bài hát Chị Hằng của nhạc sĩ Phạm Duy, bài Thằng Cuội của nhạc sĩ Văn Cao. Giữa sân khấu bạn bè Xuân Trình dựng một cái cột. Gọi là sân khấu cho đúng từ chuyên môn, chứ thực ra đấy là hiện trường cơ bản của làng, quây ba bên bằng cót, tạo thành sân khấu hộp. Trình nhận đóng vai chú mèo bám vào cột đó, còn bà Kha chị ruột Xuân Trình thì đứng giữa sân khấu đọc câu ca dao, tay chỉ vào Xuân Trình đang ôm cột:
“Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo”.
Theo như quy định diễn, khi bà Kha ngâm xong, thì lãng đi một lúc, rồi bà lại ngâm lại. Nhưng bà chưa kịp ngâm lại lần hai thì Xuân Trình bắt chiếc tiếng mèo kêu ”Meo! Meo meo!”. Mọi người cười ồ, bà Kha cũng cười, bà cũng phô cái răng khểnh giống cậu em trai đang đóng mèo mà rằng: “Meo meo cái gì!”. Từ đấy bà Kha không cho Xuân Trình đóng mèo nữa!
Chị em Xuân Trình, cùng với bạn học ở làng làm thành đội văn nghệ. Họ thường diễn kịch, hát, múa vào những tối trung thu, tối 30 tết Nguyên Đán. Trong những người ở đội văn nghệ họ đều có sự nghiệp, ngoài Xuân Trình ra, còn có người đã trở thành nhạc sĩ, nhạc trưởng của văn công Tổng cục Chính trị.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng quyết liệt. Pháp mở rộng mặt trận, chúng đánh chiếm đồng bằng, xây đồn bốt lập tề. Nhóm thanh niên trong đội văn nghệ làng Lỗ Xá, họ lần lượt ra nhập Vệ quốc đoàn, việc học hành của Xuân Trình cũng dở dang. Ông chưa học hết chín năm phổ thông (Hệ học ngày xưa là chín năm, tương đương với hệ 12 năm bây giờ). Lúc ấy Xuân Trình mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi nhập ngũ. Ông nhờ cậy chú ruột cho ông đi thanh niên xung phong.
Bắt đầu từ đây Xuân Trình trong đội thanh niên xung phong làm đường ở Tây Bắc. Từ một anh học trò, con nhà giàu, nay cầm cuốc, cầm xẻng làm đường cho xe, pháo và bộ đội hành quân. Xuân Trình đã cố gắng, để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là lần đầu tiên, cũng là cái mốc đầu đời về lao động chân tay của một anh thư sinh nhà giàu, quen được chiều chuộng, quen sống trong nhung lụa. Xuân Trình đã hòa vào được với đời sống của “công nông binh” lúc đó. Xuân Trình lao động ở đội thanh niên xung phong 3 năm từ 1952 đến năm 1954.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Xuân Trình về làm cán bộ biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam. Công việc ‘‘chữ nghĩa’’ của đời công tác bắt đầu từ đây. Lúc này Xuân Trình mới 18 tuổi, song, ông sớm ý thức được trách nhiệm của một cán bộ Nhà nước. Ý thức được công việc. Ông khẳng định phải có học vấn thì con người mới phát triển được. Ông đề nghị với cơ quan xin đi học. Sau hai năm công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 1956 Xuân Trình thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp, học khoa Ngữ văn. Cùng lớp với ông có nhà văn Lê Khâm (còn có bút danh là Phan Tứ). Lê Khâm lúc đó đã có hai tiểu thuyết rất được bạn đọc quý mến. Đó là tiểu thuyết Bên kia biên giới và tiểu thuyết Trước giờ nổ súng. Xuân Trình thì mới chỉ có sự yêu thích và đam mê văn học mà thôi. Lúc đó ông cũng có viết truyện ngắn, thơ và kịch, nhưng chẳng có cái nào đọng lại. Cho đến sau này, Xuân Trình nghĩ lại, ông cũng không nhớ được tác phẩm mà ông đã viết. Nghĩa là đối với văn học, lúc đó ông vẫn còn trắng tay. Có lẽ vì thế, ông lao vào học tập, khám phá trong văn học, để tìm tòi, soi rọi vì sao những tác phẩm của ông không thành công.
Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, Xuân Trình về công tác tại Tạp chí Văn nghệ năm 1961.
Cũng năm này, ông có vở Những người du kích. Những người du kích Xuân Trình viết về người nông dân vùng đồng bằng chiêm trũng đứng lên chống thực dân Pháp và bọn cường hào bá hộ tay sai. Câu chuyện trong Những người du kích là câu chuyện có thật ở làng Lỗ Xá quê ông. Chánh Khiết tàn ác, làm tay sai cho thực dân Pháp, đã bị đội du kích do đồng chí Thống lãnh đạo, trừng trị đích đáng. Chánh Khiết là nhân vật có thật ở làng Lỗ Xá. Tôi gọi theo tên nhân vật mà Xuân Trình đã đặt. Bởi vì hiện nay con cháu cụ Chánh Khiết vẫn còn. Có người đi theo kháng chiến chống Pháp, có người di cư vào Nam tiếp tục làm tay sai cho giặc.
Đó là hiện trạng thực tế của đất nước ta. Bây giờ đất nước đã thống nhất, tất cả đều là con một nhà, viết tên thật, không có lợi cho đoàn kết lúc này. Những người du kích tuy chỉ mới phản ánh được hiện thực cuộc sống của những người nông dân vùng đồng chiêm trũng quê Xuân Trình, nhưng sao những phẩm chất về lòng nhân ái thủy chung thuần phác kiên cường cứ ngời ngời lên sau cái lam lũ của họ.
Sau đấy mấy năm, Xuân Trình rời Tạp chí Văn nghệ, sang tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ở báo Văn nghệ, Xuân Trình vừa làm biên tập, vừa làm phóng viên. Từ 1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh ra miền Bắc bằng không lực. Cuộc chiến tranh phá hoại hậu phương miền Bắc ngày càng ác liệt. Xuân Trình với chiếc xe đạp cọc cạch, đầu đội mũ sắt của bộ đội pháo phòng không, với nhiệm vụ phóng viên, ông đạp xe đến các trận địa, lấy tin, viết phóng sự, viết bút ký gom góp chất liệu cuộc sống để viết truyện, viết kịch.
Truyện ngắn “Đường trường” của ông được giải chính thức cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ. ”Đường trường” kể về hai người lái xe: một già, một trẻ trên cung đường ra tiền tuyến. Anh lái xe trẻ lúc nào cũng hung hăng đòi vượt xe ”ông già”. Ông lái xe già chỉ mỉm cười và sẵn sàng cho vượt. Với kinh nghiệm của người lái xe già, đường trường này phải biết giữ sức, có mưu lược thì mới vượt nổi bao chặng bom đạn của kẻ thù để về đến đích. Bài học này Xuân Trình lấy từ kinh nghiệm bản thân. Có nhiều người cùng công tác với ông, ganh tài, đố kỵ với ông cũng ”hung hăng” định ”vượt lên” như tay lái xe trẻ. Xuân Trình cũng chỉ mỉm cười vẫy tay, xin nhường đường cho vượt. Nhưng nào có vượt nổi!
Năm 1967, Xuân Trình xin đi thực tế ở tuyến lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh. Nơi đây là điểm hủy diệt của kẻ thù. Sự khốc liệt ấy là thước đo lòng trung thành, sự hèn nhát của từng cá nhân con người với Tổ quốc, với quê hương.
Nhiều người trở thành anh hùng nơi tuyến lửa này, cũng có người sợ hãi trả thẻ Đảng để chạy trốn. Xuân Trình tự nguyện đi thực tế ở đây để thử sức mình, thử ngòi bút của mình. Mấy tháng trời ông nằm trong địa đạo Vĩnh Linh cùng với nhân dân Vĩnh Linh, bám trụ nơi địa đầu giới tuyến, đánh trả sự hủy diệt của kẻ thù.
Ở đây ông trực tiếp gặp được những người anh hùng của thời đại bằng xương, bằng thịt. Họ cũng bình dị, chất phác như những bà con nông dân quê ông. Ông thấy gần gũi và kính trọng. Xuân Trình trở ra Bắc, ông về quê làng Lỗ Xá thời gian này Xuân Trình cho ra vở Quê hương Việt Nam. Quê hương Việt Nam viết về một làng ở Vĩnh Linh, sau chuyến đi thực tế của ông. Ca ngợi lòng dũng cảm, lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân Quảng Bình nói riêng, của người dân Việt nói chung hết lòng thủy chung với Đảng, với dân, vượt lên đau thương, mất mát, khẳng định phẩm chất anh hùng của người dân Việt Nam.
Năm 1970, Xuân Trình được về công tác ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Năm này, ông hoàn thành hai vở. Vở ‘‘Việc nhà’’ và ”Lập xuân’’.
Từ khi về Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Xuân Trình từ một cán bộ chuyên môn, ông lần lượt được đặt vào các vị trí: Thư ký tòa soạn Tạp chí Sân khấu, Trưởng ban Sáng tác của Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu, Phó Tổng Thư ký Hội.
Công việc sự vụ của ông chồng chất, bù đầu. Song, hầu như năm nào ông cũng có vở. Đó là các vở: Lập xuân, Việc nhà, Bạch đàn liễu, Hận thù từ đâu tới, Ngôi nhà trong thành phố, Xóm vắng, Chuyện ở lò thúc mầm, Thời tiết ngày mai, Cố nhân, Cuộc đời này là của chúng mình, Chuyện tình trong rừng cấm, Mùa hè ở biển, Đợi đến mùa xuân, Nghĩ về mình, Nửa ngày về chiều v.v và v.v. . .
Xuân Trình viết không nhiều, nhưng mỗi vở của ông ra đời, đều để lại trong lòng người đọc, người xem một ấn tượng sâu sắc.
Có lẽ thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, gian nan của nghề văn chương, song lại nghèo khó về vật chất, nên con cái của nhà văn Xuân Trình không ai theo nghề của bố. Cậu con trai Nguyễn Khôi Nguyên là làm đốc khu vực cho hãng Cocacola sau đó thì sang làm giám đốc cho hãng thuốc lá Malbro. Nguyễn Thị Việt Yên, con gái Xuân Trình, tốt nghiệp Trường Sân khấu điện ảnh, khoa Biên kịch vào làm ở chương trình văn nghệ của VTV3. Nhưng rồi cô, theo chồng định cư bên Đức.
Xuân Trình có hai người anh trai, một bà chị gái và ba em gái. Anh trai cả là Nguyễn Xuân Chất, anh trai thứ hai là Nguyễn Xuân Khoa, chị gái là Nguyễn Thị Kha. Họ đều là cán bộ của Đảng và Nhà nước, cả ba đều đã mất.
Ba người em gái là Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Nguyễn Thị Khang và Nguyễn Thị Bảy. Hiện chỉ còn bà Khang và bà Bảy. Bà Bảy là người em út, gắn bó tình cảm và công việc với Xuân Trình rất nhiều. Những năm chưa có máy vi tính, bà Bảy thường chép tay các bản thảo cho Xuân Trình. Những ngày Xuân Trình ốm nặng, bà luôn bên giường bệnh của anh trai mình. Xuân Trình trút hơi thở cuối cùng bên người em gái út thương yêu của ông.
Nguyễn Xuân Nam, cháu đích tôn của gia đình, nguyên là Cục phó của Thanh tra Chính phủ. Nguyễn Xuân Nam là người có học, có tâm. Những ngày xây dựng lại nhà thờ của gia đình, những ngày giỗ, tết, Nam vẫn từ Nam bay ra Bắc về với quê hương, về với cội nguồn, về với làng Lỗ Xá nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của chú ruột mình: Nhà viết kịch Xuân Trình.
Năm 1991, Xuân Trình mắc bệnh ung thư vòm họng, ông được tổ chức cho nghỉ việc để chạy chữa, dưỡng bệnh. Nhưng Xuân Trình là con người của công việc. Ông nhớ việc làm, nhớ nghề, nhớ sân khấu. Bạn bè thân tình, trong đó có Tiến sĩ nhà viết kịch Trần Đình Ngôn và đạo diễn Hà Bảo tổ chức một kíp diễn vở Tai nạn hay rủi ro của Xuân Trình, tác giả cùng đi với đoàn, diễn ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam v.v.. Xuân Trình vui lắm, nhưng nghề nghiệp, bạn bè thân hữu cũng không thể kéo ông trở lại với cuộc đời được nữa. Ông ra đi vào ngày cuối đông năm 1991.
Nhà Viết Kịch Giang Phong