Xuân Trình – nhà viết kịch tiên phong của sự nghiệp đổi mới

Sáng 21/11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo Hội thảo khoa học quốc gia “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”.


 

Hội thảo do Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam tổ chức, nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và các Hội Văn học Nghệ thuật T.Ư.

NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cho biết: Hội thảo khoa học quốc gia “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới” sẽ diễn ra vào sáng 30/11 tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, các nghệ sỹ sân khấu.

Trong khuôn khổ các hoạt động tại hội thảo, tối 29/11 sẽ có buổi biểu diễn vở kịch “Bạch đàn liễu” và sáng 30/11 diễn trích đoạn vở kịch “Đợi đến mùa xuân” của nhà viết kịch Xuân Trình.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Xuân Nguyên (con trai nhà viết kịch Xuân Trình) chia sẻ: Tôi vui sướng khi có cuộc Hội thảo về người bố kính yêu của mình tới đây. Về góc độ nghệ thuật, đây là giây phút những đồng nghiệp, bạn bè chia sẻ những cách nhìn của bố tôi về văn hóa và về đời sống. Thông qua hội thảo, chúng ta sẽ có thêm cách nhìn mới về bố tôi. Bố ra đi khi chúng tôi còn rất nhỏ. Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với bố. Dù bố bệnh tật nhưng vẫn giành thời gian để viết, làm việc nỗ lực hết mình. Bố tâm huyết với nghề.
 

Toàn cảnh buổi họp báo. 

Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam – Nguyễn Thế Khoa đánh giá: Xuân Trình đã để lại những tác phẩm để đời. Ông viết về thời chống Mỹ với chủ nghĩa anh hùng hiện lên rõ nét. Ông viết về cuộc sống đang diễn ra trước mắt, đó là một việc làm khó khăn đối với tác giả kịch. Có giai đoạn Xuân Trình phải về quê để ở ẩn cho yên thân.
Theo Ban Tổ chức, Hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá chung về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Xuân Trình, về lý tưởng, nhân cách sống, tài năng và nhiệt huyết sáng tác, công tác đóng góp cho quê hương, đất nước, cho nhân dân, cho Đảng; nghiên cứu, đánh giá các sáng tác của Xuân Trình thời xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như thời kỳ cả nước bước vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong thời kỳ đầu đổi mới của đất nước.

 

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình (1936-1991) là một trong những tác giả, nhà lãnh đạo xuất sắc của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Với gần 30 kịch bản được dàn dựng trên sàn diễn các đoàn sân khấu cả nước, sớm tập trung vào vấn đề dân chủ hóa đời sống kinh tế xã hội, đề cao tính chân thật và tính nhân văn của tác phẩm. Trong đó có nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận xã hội như: “Chuyện những người du kích”, “Quê hương Việt Nam”, “Hận thù từ đâu tới”, “Bạch đàn liễu”, “Ngôi nhà trong thành phố”, “Mùa hè ở biển”, “Đợi đến mùa xuân”, “Ngày xưa nơi đây là chiến tranh”, “Ngôi nhà màu hồng ngọc”, “Nửa ngày về chiều”, “Nghĩ về mình”, “Tai hoạ hay rủi ro”.

Kinh Tế Đô Thị

 

 

 

 

Share this page