Xuân Trình, Người mê mải kiếm tìm – Nguyễn Gia Nùng

Trong tổ sáng tác 9 người của lớp Ngữ văn, khóa 3, Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy chỉ có Xuân Trình hướng vào con đường viết kịch. Thật ra, trước đó anh chỉ viết văn xuôi, thường là bút ký và đôi ba truyện ngắn. Vở kịch đầu tiên Trình thành công là Những người du kích viết về Hà Nội ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Gần  2 năm sau, năm 1962, Những người du kích được công diễn, khán giả nồng nhiệt đón nhận. Đây là mối duyên đầu, đồng thời cũng là bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của Xuân Trình. Từ đây, Xuân Trình dấn thân vào nghiệp sân khấu. Mặc dù mấy năm sau này, anh có tập ký Từ một làng ở Vĩnh Linh (1968), tiểu thuyết Thời tiết ngày mai (1983), nhưng những sáng tác nở rộ, gây nhiều tiếng vang trong dư luận người đọc, người xem của anh đều là những kịch bản mang tính thời sự nóng bỏng: Lập xuân (1967), Quê hương (1968), Hận thù từ đâu tới (1972), Bạch đàn liễu (1973), Ngôi nhà trong thành phố (1974), Xóm vắng (1975), Đoàn tàu đi về phương Nam (1977), Cố nhân (1979), Cuộc đời này là của chúng mình (1983), Mùa hè ở biển (1985), Đợi đến mùa xuân (1986)…


Ngay từ tuổi mới lớn, những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ở miền quê Ý Yên – Nam Định, Xuân Trình đã tham gia lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ chiến đấu ở các mặt trận phía Bắc. Hòa bình, anh chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam rồi được cử đi học khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp. Ra trường, về Báo Văn nghệ rồi chuyển sang Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Xuân Trình luôn là một con người xông xáo, năng nổ, có lối sống phóng khoáng với cá tính riêng của mình, mà những ngày ở trường, khi xét đối trọng kết nạp Đảng anh luôn bị phê bình là tự do chủ nghĩa, tư tưởng tiểu tư sản(!).

Mặc dù vậy, Xuân Trình luôn lạc quan, yêu đời. Anh ưa hài hước, kể chuyện có duyên và dường như không giận ai bao giờ, mặc dù đôi khi những lời đùa châm chọc của anh với ai đó rất sắc sảo, độc có khi làm người ta nhớ đời. Gầy, cao lỏng khỏng, hàm răng hơi thiếu trật tự, nhưng với vẻ phớt đời, thậm chí luôn tự châm biếm mình. Xuân Trình lại tỏ ra rất lãng mạn, hào hoa, có duyên ngầm, ngay cả với phái đẹp. Hồi ấy, trong các trường đại học ở Hà Nội có phong trào học quốc tế vũ.

Hầu như buổi liên hoan văn nghệ nào cũng có mục khiêu vũ trước khi kết thúc, có khi cả sân trường ở cơ sở 1 Lê Thánh Tông biến thành một sân khiêu vũ khổng lồ. Trong những lần như vậy, Xuân Trình luôn là cây nhảy điệu nghệ nhất của lớp văn chúng tôi, có thể nhảy đôi với những nữ sinh nhảy đẹp vào bậc nhất của trường. Những ngày đi thực tế về lao động gặt lúa giúp dân ở Đại Định – Hà Đông, Xuân Trình cũng lao động vào loại giỏi.

Ngoài giờ lao động, anh say mê tìm hiểu, ghi chép về lịch sử chùa Bối Khê, về nghề nón làng Chuông, về những người du kích nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp ở đây mà tất cả đều ít nhiều thành chất liệu quý  cho những sáng tác của anh sau này. Những năm làm báo rồi chuyển sang giữ những trọng trách của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Sân khấu, Nhà xuất Bản Sân khấu, Xuân Trình luôn là một trong số ít những nhà viết kịch thường xuyên có mặt ở những nơi ác liệt nhất của tuyến lửa khu IV, mặt trận Quảng Trị, cũng như gặp gỡ những điển hình mới trong sản xuất, chiến đấu ở các tỉnh miền Bắc để sáng tác.

Mặc dù có sức đi, sức viết rất khỏe nhưng do luôn lao vào tìm tòi cái mới nên không ít vở kịch của Xuân Trình thời gian này gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, có nhiều ý kiến đánh giá trái ngược nhau thường là phải gọt bớt những gai góc mới công diễn được.

Vở Lập xuân lấy đề tài đổi mới giống lúa và kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp bị thổi còi vì vạch ra cái bảo thủ, lạc hậu của mấy nhân vật lãnh đạo. Vở Quê hương lúc đầu có tên là Quê hương Việt Nam còn có diễn biến hồi hộp hơn, trước buổi công diễn bị đột xuất đình hoãn để xét duyệt ở cấp cao hơn bình thường, vì nghe đâu vở diễn có vấn đề. Đề tài của vở này viết về cuộc sống và chiến đấu ở một xã thuộc Vĩnh Linh. Hay tin, tôi chạy đến nhà, lo lắng hỏi thăm. Xuân Trình cười buồn, nhưng giọng vẫn pha chút hài hước:

Người ta chất vấn mình: Vở kịch tuy chỉ viết về một xã, nhưng có ý khái quát lên cả nước lên mới lấy lên Quê hương Việt Nam. Thế mà trong vở có một ông cán bộ chủ chốt của xã lại có tưởng hoang mang, dao động, sợ địch, tác giả muốn ám chỉ đồng chí nào ở  Trung  ương vậy? Hỏi như thế  thì mình chỉ còn cách chào thua thôi!”.

Một số vở khác như Bạch đàn liễu, Mùa ở biển… với những mức độ khác nhau, cũng đều phải trải qua sóng gió mới ra một công chúng được. Điều đáng mừng là không vì vậy mà anh nhụt chí, trái lại, càng kích thích anh xông xáo, tìm tòi cái mới để sáng tạo không ngừng. Nhưng tranh luận về vở này chưa kết thúc, anh đã có vở khác tiếp theo. Sau này, khi được hỏi, anh tâm sự: Tôi chưa coi những tác phẩm mà tôi đã có là tất cả. Tôi giao phó đó cho sự sàng lọc của thời gian năm tháng. Còn tôi, tôi vẫn mải miết tìm kiếm, sáng tạo…

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình.

Tuy vậy, có đôi lúc anh cũng cảm thấy cô đơn, mệt mỏi như một người lữ hành đơn độc trên con đường đang phải tự khai phá để tới được  cái đích còn mịt mù xa tắp phía chân trời. Có đêm mùa đông, trời hanh khô, rét buốt đang cùng tôi đi dạo trên những con đường đêm đã vắng vẻ của Hà Nội, anh bỗng đọc hai câu thơ của anh và hỏi tôi có thích không: Sương đêm víu nặng hai vai/ Một mình với bóng là hai một mình. Tôi nói có thể xếp hai câu này vào những câu thơ hay nhất viết về những nỗi buồn, cô đơn của con người, anh cũng chỉ cười không nói gì, lại lặng lẽ đi tiếp. Anh có thói quen khi tập trung suy nghĩ, đặc biệt là trong thời gian sáng tác, thường đãng trí với những công việc khác. Như chính anh kể lại, có lần đến lấy quần áo ở tiệm may, thử xong, thấy vừa ý, anh ung dung cầm gói quần áo ra về, chủ tiệm nhắc trả tiền, anh mới chợt nhớ ra, xin lỗi, nhưng khi trả tiền xong, anh lại ra về, bỏ quên luôn gói quần áo. Hay có lần, đang đèo vợ đi trên đường phố bằng chiếc Mobylette tàng tàng được coi là phương tiện hiện đại lúc ấy, bất ngờ gặp bạn, anh dừng xe nói chuyện say sưa rồi khi bắt tay tạm biệt bạn xong, anh nổ máy cho  xe chạy luôn, bỏ mặc vợ bên đường. Đã thế, khi về đến nhà, thấy cổng khóa, lại nghĩ vợ đi đâu vắng, không có chìa khóa, anh đành ngồi chờ ở vỉa hè, để rồi khi chị vợ mệt đứt hơi vì phải lếch thếch đi bộ mất cây số mới về đến nhà mà chỉ khi nhắc anh mới nhớ ra ngọn nguồn câu chuyện.

Với bạn bè, anh luôn giản dị, chân tình, không hề định kiến… Anh thường nhắc bằng giọng chế giễu một ông bố nào đó hay đánh con chỉ vì thấy nó ít giống mình! Có lẽ, chính vì tư duy cởi mở như vậy nên anh có quan hệ thân thiết với nhiều người có những tính cách rất khác nhau, không phân biệt tuổi tác ở lớp Văn. Dù lúc ấy chưa phải là đảng viên, anh vẫn chơi thân được cả với  Lê Khâm nguyên tắc, khắc khổ; Đoàn Minh Tuấn phóng khoáng, tự do; Lê Văn Tụng, Lê Trọng Sâm lớp trưởng, bí thư chi bộ chững chạc, bài bản, cả với số mấy lưu học sinh như Kim Nhật Nguyên, Khổng Ứng Hách (Triều Tiên), Chu Lung (Mông Cổ), Ina Zimônhia (Liên Xô)… cũng rất thích nói chuyện với Xuân Trình…

Trước cổng trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội năm 1961 Từ trái ngồi: Rồng, Chu Lung, Trác
Hàng giữa: Ngữ, Sâm, Nhuận, Ngọc Trai, Liên. Hàng sau đứng: Trình, Nùng, Long, Ngạn, Phú, Phán, Trực Sau cùng: Vấn, Vũ Công Tiến

Xuân Trình ra đi đột ngột ở tuổi 55, khi tài năng đang vào độ chín và khoảng trời tự do sáng tạo đang được mở rộng trước mắt những người cầm bút. Cùng với sự ra đi của Lưu Quang Vũ và một vài người khác, càng ngày chúng ta càng trân trọng, nhớ tiếc những nhà viết kịch tài năng, giàu sáng tạo đang độ sung sức như Xuân Trình.

Với hơn hai mươi tác phẩm để lại, dẫu có tác phẩm chỉ là sự tìm tòi thể nghiệm ban đầu, nhưng những gì Xuân Trình đã miệt mài kiếm tìm, sáng tạo suốt hơn ba mươi năm rất đáng được ghi nhận trong thành tựu ngành nghệ thuật sân khấu của đất nước từ sau Cách mạng Tháng Tám 1954 đến nay và anh xứng đáng được coi là một trong những người dũng cảm mở đường, luôn đi tìm cái mới để vươn lên phía trước.

 

Nguyễn Gia Nùng

 

 

 

Share this page