Xuân Trình, người dự báo ngày mai – PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái

Xuân Trình, trong mắt tôi trước hết là một người cầm bút có tinh thần trách nhiệm rất cao trước trang viết của mình- điều mà không phải bất cứ ai, phàm đã đeo đuổi nghiệp văn chương, cũng đều có sẵn trong mình. Đó là một phẩm chất hiếm quý chỉ có ở những nhà văn đích thực.


PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái.

Trong văn nghiệp ông, cái tính cách ấy khiến ta liên tưởng đến chất hiệp sĩ của một Lục Vân Tiên, một Từ Hải, một Đôngkysốt và cũng lạ thay, cái tinh thần “trọng nghĩa khinh tài” ấy không hề phương hại đến cái đa tình nồng nhiệt của tính cách Rômêô cũng sẵn có ở nơi ông. Ông đa dạng trong văn nghiệp: Viết văn xuôi, viết kịch, làm báo, làm nghiên cứu nghệ thuật và làm thơ – những bài thơ như những mảnh tình riêng của ông, tựa như những giọt nước mắt rơi thầm cho bản thân mình. Tuyệt hay là những bài thơ ông viết về mẹ ông – một bà già chân quê vùng đồng chiêm trũng Ý Yên, Nam Hà – quê ông.

Tất cả sự đa dạng ấy của tài năng ông đã được chính ông xây cất trên một nền triết học – trải qua nhiều năm tháng trắc nghiệm đời sống – đó là sự đau đáu, khắc khoải của ông trước thân phận con người, nhất là những người đàn bà.

“Tinh thần hiệp sĩ”, tâm thức triết học trong suy tư về cuộc sống, lòng yêu lớn với con người đã kết thành một khối nguyên chất trong lý tưởng thẩm mỹ và trong toàn bộ hình tượng nhân vật của ông. Và bao giờ Xuân Trình cũng là mình, một nhất nguyên, không chia cắt, nhất là ở 2 phương diện chính yếu của đời ông: Sống và viết. Ông sống, yêu, cảm, đau, nghĩ… thế nào, thì trang viết của ông thực chứng như thế. Cái mà ông lưu tâm và quan thiết nhất để viết một cái gì, nói cho đúng hơn là cái buộc ông phải viết, đó là những vấn đề liên tiếp mọc ra từ hiện thực cuộc sống quanh ông, về con người và thời cuộc.

“Tôi phải viết, không thể không viết, con người ấy, vấn đề ấy nó ám tôi quá, chẳng thể dừng được, phải viết thôi!”. Ông thường nói như vậy với các đồng nghiệp và đôi khi lẩm bẩm nói với chính bản thân mình… rồi những vấn đề của thân phận người, của đời sống ấy cứ ám mãi vào ông, bám riết ông, cho đến khi một tác phẩm ra đời. Nó ám theo cách nào, nó sẽ ra đời theo cách ấy. Nếu nó yêu cầu ông phải dùng đối thoại chan chát, sắc sảo, bởi nó là những xung động xã hội lớn, có ý nghĩa hoành tráng thì ông buộc phải sử dụng hình thức kịch? Nếu nó cứ nhằng nhẵng đeo dính lấy ông trong tâm tưởng, khiến ông suy tư thao thức triền miên về nó, ông buộc phải viết tiểu thuyết. Có lần thậm chí ông đã viết xong kịch mà chất liệu vẫn ứa tràn, khiến ông phải cho ra đời “thêm” một tiểu thuyết rồi mới cảm thấy nhẹ lòng bởi các nhân vật thôi không hành ông nữa. Đó là trường hợp kịch và tiểu thuyết mang chung một tên: Thời tiết ngày mai.

Và nếu nó đòi ông đi giải quyết và định hướng, thậm chí “hội thảo” với nó, ông viết những công trình nghiên cứu… còn, nếu nó yếu đuối, gõ khẽ khàng, nhẹ nhẹ vào trái tim đa cảm của ông bằng một tiếng thầm, thì ông làm thơ – thơ tình…

Tất cả những con đường khác nhau ấy trong hoạt động sáng tạo của Xuân Trình đều nhằm một định hướng triết học duy nhất – một “La mã” của riêng ông mà ông quyết bắt mình phải đến. Đó là việc thiết lập trong các tác phẩm của ông một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh với người đương thời trên cái nền triết học của riêng ông.

Ông tin niệm rằng, đã là nhà văn thì cách gì cũng  đối thoại được với cái thời cuộc mình đang sống – bằng chính tác phẩm của mình, thông qua hình tượng văn học. Với nhiệm vụ phát ngôn tinh thần, mỗi nhân vật của nhà văn có thể chứa đựng một câu hỏi nghi vấn trước cuộc đời, hoặc có thể là lời giải đáp, cũng có khi là dự báo… tầm cỡ lớn của nhà văn chỉ có thể xác định bởi tầm cỡ lớn của nhân vật. Không có cách gì xác định nhà văn lớn nếu không căn cứ và sức sống và chiều sâu tư tưởng của nhân vật. Là người viết, Xuân Trình yêu Hamlet, Vua Lia, Macbet, Ôtenlô của Sêchxpia, cậu Vanhia, cô Nhina trong Chim Hải âu Ba chị em của Tsêkhôp theo cách đó. Ông cho rằng vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của chàng hoàng tử Đan Mạch Hamlet là một vấn đề trường tồn của con người, chừng nào con người còn hiện diện và vấn đề của chàng Đôngkysốt cũng thế thôi: Một hiệp sỹ “lãng mạn cuối mùa” luôn trật lất ra khỏi thế giới đang sống bằng tất cả ngu ngơ mộng mị của mình…

Nhân vật Đoàn Xoa trong Mùa hè ở biển của Xuân Trình, có phảng phất bóng dáng của Đôngkysốt, nhưng là một nhân vật bé nhỏ đáng thương cũ kỹ, hoàn toàn trật nhịp với cái mới và hoàn toàn lầm lẫn về mình.

Những “bi kịch” theo kiểu ấy làm đau lòng Xuân Trình khi diễn tả, và sự sắc sảo trong việc phát hiện những vấn đề đôi khi đã làm hại ông ở tính tiên đoán của nó. Bạch đàn liễu, Thời tiết ngày mai, hai vở kịch xuất sắc đã bị đình diễn một thời gian bởi sự dự báo quá tinh tường của ông về số phận của con người.

Nhưng tất cả các thăng trầm ấy không hề làm nhụt chí ông. Chỉ với viết, ông mới có dịp đối thoại và thể hiện thái độ, và bao giờ ông cũng chỉ muốn cho con người hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, cái Thiện thắng cái Ác, cái Chính thắng cái Tà.

Ông đã không ngừng mơ về một kết thúc có hậu cho các nhân vật ông yêu. Và về phương diện này, ông là một nhà nhân văn. Vì thế, tác phẩm của ông mãi còn, khi thân ông đã về với cát bụi!

 

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

 

 

 

 

Share this page