Xuân Trình – Một tài năng

Xuân Trình xuất hiện trên làng văn, làng báo vào những năm 60 với nhiều bút ký, phóng sự và kịch ngắn. Từ đó bạn đọc làm quen và chú ý tới một cây bút nhiệt tình, có lửa. Từ những năm 70, Xuân Trình chuyển hẳn sang làng sân khấu chuyên viết kịch và làm báo sân khấu. Hàng loạt vở kịch của anh mang hơi thở của cuộc chiến đấu chống Mỹ xuất hiện: Bà mẹ và những người con, Hận thù từ đâu tới, Cố nhân, Bạch đàn liễu. Tiếp theo là những vở kịch phản ánh cuộc sống trong thời bình như: Ngày xưa nơi đây là chiến tranh, Cuộc đời này là của chúng mình, Đợi đến mùa xuân, Chuyện tình trong rừng cấm, Xóm vắng, Mùa hè ở biển, Nửa ngày về chiều, Nghĩ về mình… Chừng ấy khối lượng tác phẩm, chưa kể văn xuôi và tiểu luận sân khấu đã cho chúng ta thấy sức làm việc của nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Xuân Trình như thế nào.


Giáo sư Hoàng Chương

Xuân Trình là một nghệ sĩ năng động, luôn luôn xông vào thực tế nóng bỏng. Trong những năm chống Mỹ, anh từng đội mũ rơm, mũ sắt vào nằm ở tuyến lửa Vĩnh Linh nắm bắt cho được những thực tế ác liệt nhất của chiến tranh. Bản thân anh đã nhiều lúc nghĩ mình không thể nào sống được dưới làn mưa đạn của địch. Nhưng bộ đội và nhân dân đã che chở cho anh trọn vẹn và anh đã sống,

đã viết nên những trang nóng bỏng, những vở kịch ngợi ca trí thông minh, lòng dũng cảm tuyệt vời của nhân dân ta, bộ đội ta trong cuộc chiến đấu và chiến thắng bọn xâm lược hung bạo nhất của thời đại.

Rời chiến trường, Xuân Trình lại lao vào thực tế cũng không kém phần gay gắt và sôi động ở nông thôn. Từ thực tế trên những cánh đồng chiêm trũng ở quê hương Hà Nam Ninh của mình, anh đã viết những vở kịch Thời tiết ngày mai và vở hài kịch trữ tình Mùa hè ở biển. Đây là vở kịch thành công nhất của anh đã được thưởng Huy chương Vàng trong Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985 và sau đó được trình diễn trước các đại biểu Quốc hội ở Hội trường Ba Đình.

Nhà viết kịch Xuân Trình rất chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, ghét thói lợi dụng chức quyền để vơ vét của nhân dân, thể hiện trong các vở Ngôi nhà màu hồng ngọc, Đợi đến mùa xuân. Kịch của Xuân Trình ít viết về hai phía địch, ta, mà thường phản ánh một chiều, về những người tốt nhưng phải chịu đau khổ thiệt thòi, vì những ràng buộc của xã hội bao cấp, và vì những chính sách  bất công, không hợp lý. Tư tưởng đó thể hiện rõ trong vở Nửa ngày về chiều mà hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1990 đã xếp vào loại được giải. Xuân Trình cho biết, anh đã ấp ủ vở kịch này từ một câu chuyện có thật đã nhiều năm và anh viết nó khá nhiều thời gian, thậm chí viết cả trong ba ngày tết. Anh vừa viết vừa khóc vì thương cho số phận của nhân vật chính, một trung tá về hưu, muốn cố giữ cho được phẩm chất của người cộng sản, nhưng

càng giữ cho cuộc sống trong sáng bao nhiêu thì càng bị cái tiêu cực, cái lạc hậu, cái bất công càn phá bấy nhiêu. Có thể nói, Xuân Trình là một nghệ sĩ tâm huyết với nghề, muốn dùng tiếng nói và ngòi bút của mình góp phần cải tạo, đẩy lùi cái xấu, điểm tô cái tốt. Anh luôn luôn suy tư, trăn trở và luôn luôn muốn góp cho Đảng những ý kiến để làm cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng thành hiện thực, để cho xã hội tốt hơn, cho cuộc sống tươi đẹp hơn.

Đặc biệt, đối với ngành sân khấu, trên cương vị Phó Tổng thư ký kiêm Tổng biên tập Tạp chí và Nhà xuất bản của Hội, Xuân Trình luôn luôn đề xuất nhiều ý kiến hay góp phần làm cho sân khấu không xuống cấp, và để cho đời sống nghệ sĩ đỡ khổ. Xuân Trình mất đi, sân khấu mất một cây bút sắc sảo, tác giả của những vở kịch đậm đà tính hiện thực, tính chiến đấu và chất trữ tình.

 

Giáo sư Hoàng Chương

 

 

Share this page