Sau 50 năm, ‘Bạch Đàn liễu’ được công diễn

Sáng 30.9, khán giả đến chật kín khán phòng rạp Đại Nam (Hà Nội) để thưởng thức vở diễn “Bạch đàn liễu” trong Liên hoan sân khấu kịch Thủ đô lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội (từ 26.9 đến 3.10). Một vở diễn có số phận đặc biệt, cố nhà viết kịch Xuân Trình viết kịch bản năm 1968 được dàn dựng năm 1973 nhưng sau bao lần xét duyệt, đều bị bỏ lại không cho công diễn. Phải đến ngày hôm nay, khán giả mới được thưởng thức vở diễn hấp dẫn này.


Cảnh vở “Bạch đàn liễu” diễn sáng 30.9 tại rạp Đại Nam (Hà Nội). Ảnh: VV

Một vở diễn hay

90 phút như một trận đấu bóng kịch tính và hấp dẫn, vở diễn đã cuốn hút khán giả ngồi xem say sưa đắm mình vào không khí của một câu chuyện xảy ra thời chiến tranh nhưng qua bàn tay của đạo diễn Trần Lực vẫn mang sắc thái đương đại và giá trị của thông điệp mà nhà viết kịch gửi gắm vẫn giàu ý nghĩa hôm nay.

Đó là câu chuyện về vợ chồng ông Lượng có cậu con trai Độ đi bộ đội, một ngày đẹp trời cô chiến sĩ đồng đội của Độ về kiểm tra lý lịch để xét kết nạp Đảng cho anh. Bản thân ông Lượng đang làm ở trại chăn nuôi bị một Phó Chủ tịch xã lộng quyền, vừa tham nhũng “tranh phần ăn của lợn” vừa ức hiếp đẩy ông về đội sản xuất nên ông Lượng mất hết lòng tin. Cô Liệu hàng xóm là người yêu của Độ lại bị ông Quyền ngăn không cho đi học Đại học vì muốn ép cô phải cưới con trai mình.

Liệu đã viết đơn kiện lên trên, Quyền đối mặt với án kỷ luật nhưng hắn lại đe dọa không ký giấy để giúp cho Độ vào Đảng, khiến vợ chồng ông Lượng sợ hãi… Ông Lượng phải chặt 2 cây bạch đàn để “dâng” cho Quyền làm nhà và tránh mặt Liệu… Kết cục thì Quyền cũng bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng nhưng tình yêu của đôi trẻ tan vỡ vì Liệu nghi Độ thay lòng đổi dạ…

Phải đặt vở kịch vào bối cảnh những năm chiến tranh mới thấy sự dũng cảm và quyết liệt của cố tác giả Xuân Trình khi nhìn thẳng vào sự thực đời sống và đề cập tới quyền dân chủ của con người, phê phán hiện tượng lộng hành, mất dân chủ, tham ô của một Phó Chủ tịch xã. Và thông điệp sâu sắc tác giả gửi gắm chính là tương lai, số phận của con người nằm trong tay mỗi cá nhân và nếu mỗi cá nhân không tự đứng lên đấu tranh thì không ai cứu giúp họ, như nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói: Cần phải biết tự cứu mình trước khi trời cứu.

“Bạch đàn liễu” (biên tập: Đỗ Trí Hùng), đạo diễn Trần Lực và nhóm Lực team với thế mạnh về thể hiện tính ước lệ của sân khấu đã khắc họa đậm nét tính cách nhân vật, cùng tung hứng nhịp nhàng với nhau, tạo nên một vở diễn ấn tượng, hài hước mà sâu cay, chua chát. Có những câu thoại sắc bén như “Làm quan phải ăn một tý thì người ta mới làm quan”…

Nữ diễn viên Ngọc Trâm với tạo hình rất riêng biệt từ đài từ, cách bước chân nhấc cao và giậm mạnh tạo thành dấu ấn quyền uy của bà bí thư xã Thanh. Hoàng Tùng vai ông Quyền đã diễn tả linh hoạt, biến ảo sự chuyển biến sắc thái đa dạng trong vai nhân vật Quyền một quan tham. NSND Trung Anh sở trường những vai khổ khổ, tâm trạng lần này vào vai ông Lượng, diễn xuất chững chạc và gây biểu cảm mạnh ở giọng nói. Các diễn viên khác như Khuất Quỳnh Hoa vai bà Lượng, Phương My vai Liệu, Lê Minh Quân vai Độ đều thể hiện được màu sắc riêng trong diễn xuất.

Tính phản biện xã hội mạnh mẽ và dấu ấn nhân văn

Tác giả Xuân Trình sinh năm 1936, mất năm 1991, từng làm Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. Ông là một tác giả lớn của nền sân khấu Việt Nam, nổi tiếng với những kịch bản sân khấu chính luận “gai góc” giàu chất trí tuệ, vừa có tính dự báo, vừa mang tính phản biện xã hội sâu sắc. Ông quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, cũng như cái bảo thủ, cái xấu cần phải loại bỏ.

Cách đặt vấn đề dũng cảm, ngôn từ mạnh mẽ, vì thế mà một số kịch bản của ông bị xét duyệt nhiều lần và có cái đã dựng mà không được cho công diễn. Khán giả khó quên những vở kịch của ông như “Bạch đàn liễu”, “Hận thù từ đâu tới”, “Ngôi nhà trong thành phố”, “Cuộc đời này là của chúng mình”, “Chuyện tình trong rừng cấm”, “Mùa hè ở biển”, “Đợi đến mùa xuân”, “Nghĩ về mình”, “Nửa ngày về chiều”… Xuân Trình rất tài trong việc xây dựng nhân vật, như Đoàn Xoa trong “Mùa hè ở biển”…

Năm 2005, tuyển tập “Xuân Trình – Tác phẩm chọn lọc” do Nhà Xuất bản Sân khấu ấn hành theo đơn đặt hàng của Nhà nước, dày hơn 1.300 trang càng cho thấy một chân dung, một nhân cách và tài năng của một kịch tác gia lớn. Tháng 11.2019, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến… tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”.

Nhà viết kịch Xuân Trình viết về cái tốt hay viết về cái xấu thì thông điệp cuối cùng ông hướng tới luôn giàu tính nhân văn, khát vọng về một cuộc sống dân chủ, bình đẳng và hạnh phúc cho mọi người.

 

Báo Lao Động

 

 

Share this page