Phía trước vẫn là mùa xuân – Lê Thu Hạnh

Gần ba chục năm, nhà văn – nhà viết kịch Xuân Trình chẳng còn vương nợ trần gian. Nhận định về tính dự báo trong tác phẩm Xuân Trình của giới chuyên môn và đồng nghiệp, chắc giờ đây cũng mang ra thẩm định được rồi.


Nhà viết kịch Xuân Trình.

Dự báo – có thể hiểu là ông đã nói trước, phỏng đoán hay khẳng định rằng những sự việc ấy, con người ấy sẽ có mặt, tồn tại đến tương lai; chỉ ở vị trí cao hơn trên đường xoáy ốc mà thôi.

Có thể như ông viết: Gieo một hạt mầm xuống đất, nếu mùa đông lạnh giá không tách vỏ, thì hãy đợi đến mùa xuân ấm áp, thế nào cũng nhú một chồi xanh.

Tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống như một quy luật tất yếu ở đời, là nền móng chắc chắn cho tác phầm của ông tồn tại.

Trong bài viết: “ Để có vở diễn giá trị ”, bàn về hiện tượng kịch bản và vở diễn của nhiều tác giả và đơn vị sân khấu lạc điệu với đời sống xã hội, ông gọi đó là hiện tượng “vồ sẩy”. Ông còn khẳng định: giới chuyên môn đã dùng khái niệm này quen rồi.

Nhưng… ai lại gọi đó là vồ sẩy? Nghe như người nông dân ở quê ông đi bắt ếch ấy. Đã là người trong giới chuyên môn, có lẽ người ta sẽ nói, đó là hiện tượng chủ quan, xa rời cuộc sống.

Dù khiêm tốn đến đâu, Xuân Trình cũng tự đặt mình ra ngoài nhóm những người đoán sai, xác định nhầm mối quan tâm, thẩm mỹ của công chúng này không phải bằng lý luận hay lý sự, mà bằng tác phẩm.

Những kịch bản của ông không hề minh họa hay viết để chào mừng, nhân dịp bất cứ sự kiện nào. Ông viết để nói được những băn khoăn, bức xúc và thua thiệt; để làm dịu nỗi đau chính mình.

Yếu tố dự đoán hay dự báo chỉ được xác định và khẳng định khi rất nhiều kịch bản của Xuân Trình vượt qua được khắc nghiệt của thời gian cũng như đào thải của thời cuộc.

Viết về chiến tranh vệ quốc, ông có kịch bản Quê hương Việt Nam.

Trong Quê hương Việt Nam, bên cạnh một bí thư Đoài với phẩm chất  người Cộng sản, luôn xông xáo, có mặt ở những nơi bom đạn ác liệt nhất, là phó bí thư Tùy. Ai có cho rằng: Tùy là người cơ hội, nhát gan, tùy cơ ứng biến, tùy khúc đáo giang, tùy nước thả câu cũng khó lòng bắt bẻ cho được. Vì tất cả được ngụy trang, ngụy biện bằng việc lo cho an toàn của dân. Trên vùng đất lửa Vĩnh Linh khi ấy, đúng là để dân chết vì bom đạn, cán bộ có tội. Mà cũng thật sự, nó đã trở thành chỗ ẩn nấp an toàn cho những đảng viên không muốn “dây dưa” với chiến tranh.

Lý sự của Tùy thế này: Đồng ý là lúa chín quá rồi. Nhưng ở đây là túi bom. Cả làng đã sơ tán. Vận động dân về gặt lúa, lại còn giúp bộ đội làm công sự đánh trả máy bay Mỹ ư? Tốt thôi. Quân với dân như cá với nước mà. Với lại, dân có thóc ăn cũng đỡ cho nhà nước không còn phải san sẻ bớt lương thực gửi ra tiền tuyến.

Nhưng liệu có phải chúng ta đưa dân ra làm lá chắn sống ngay trên mảnh đất bom đạn đang cày đi xới lại này hay không? Kẻ thù muốn biến nơi đây thành vùng trắng, cắt đứt đường giao thông, tiếp tế. Vậy nó quyết đánh. Ta quyết đưa dân về… Họ đâu có tấc sắt trong tay. Như vậy là giết dân.

Có hợp lý không? Nếu chứng minh là không hợp lý, chắc phải vất vả lắm, nếu không nói là đuối lý ngay từ đầu!

Ừ thì bảo thời chiến nó vậy, chứ giờ hòa bình rồi, khác chứ.

Người như phó bí thư Tùy làm sao còn đất sống.

Có khác thật. Nhưng bình có thể khác, còn rượu vẫn cũ như thường.

Vì tận bây giờ, vẫn còn, thậm chí càng nhiều những kiểu người lợi khẩu, chỉ ba tấc lưỡi mà họ xoay chuyển ngay được cách nhìn, cách nghĩ, đố ai vặn vẹo cho được.

Vạch mặt những cán bộ thôn xã tham lam, bắt nạt, bòn rút của dân, ông viết Bạch đàn liễu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ở hậu phương,  không chỉ có hừng hực không khí thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, “ tất cả vì miền Nam ruột thịt ” với những điển hình như: “ Gió Đại Phong”,  “ Sóng Duyên hải”, “ Trống Bắc Lý ”…, mà cũng có những xóm làng, những gia đình nông dân phải gạt nước mắt mà cưa cây bạch đàn có giá trị cả vật chất lẫn tinh thần, cắp nách con gà, chở xe con lợn, dắt mũi con bò … sang nhà cán bộ xã vì muốn chứng thực giấy tờ, muốn được đi học hay đơn giản là được yên thân.

Lại sẽ có ý kiến: Ngày xưa đói kém, lại thời bao cấp, việc tham vặt, móc túi lẫn nhau thì có. Chứ bây giờ no đủ, chắc vấn đề lạc hậu mất rồi.

Đồng ý những chuyện ấy không đại diện cho cả xã hội. Nhưng vẫn nhức nhối và hệ lụy đến bây giờ.

Bởi ngày xưa chỉ là chôm chỉa vặt, bòn rút của công theo kiểu:

Ở trại lợn. Hôm nay ông ấy vác vài cây chuối, lấy vài yến gạo. Mai nhà có việc, bế vào con lợn con, bê ra con lợn to. Lợn trại cốt đủ đầu là được. Xã viên độc mỉa rằng lợn nuôi thành chuột, vào khiêng ra bế. Răng nhọn như đinh…”

Tham của dân con cá mớ rau, lại phải ngụy trang lắt léo bằng những lời thắt buộc về nhân nghĩa, đạo lý. Ngay cả khi bị tố cáo cũng mềm mỏng mà đe nẹt:

Đơn kiện có gửi lên huyện lên tỉnh, cuối cùng vẫn cứ chui về ngăn kéo Ủy ban xã chứ đi đâu! … Phải căn cứ vào ý kiến xã, chứ ai làm thay. Những anh điều tra vô nguyên tắc, chúng tôi kiện cho sầy vẩy ra ấy chứ. Ngồi uống nước với mấy anh viện Kiểm sát,  tôi bảo hay họ kiện cáo thì cho tôi nghỉ… Các anh chỉ cười. Ăn bàn, ăn cược gì cho cam!.

Ngày nay, ai đã nói về lớp cường hào mới ở nông thôn nhỉ?

Đó chính là anh hùng nhất khoảnh, thủ lĩnh một vùng, ngang nhiên tham

 ô, tham nhũng, coi trời bằng vung, coi dân như cỏ rác.

Ngày xưa mất cây bạch đàn, con lợn con gà, thì ngày nay mất nhà mất đất.

Xin được dẫn hai câu thơ đắng ngắt của Nguyễn Duy:

                                      Cướp xưa lén lút, tù mù

                             Cướp nay gióng trống, phất cờ, phóng loa!

Cấp độ có cao hơn, có tiến bộ.

Nhưng cướp nay không thể không có manh nha, mầm mống từ cướp xưa. Cướp mà Xuân Trình đã từng bắt tận tay, day tận mặt!

  Cũng kỳ lạ là bất thành văn: Chống lại những kẻ đó, tức là chống lại chính quyền!

Vô lý mà làm mãi, nói mãi, đến một ngày, tự nhiên thành có lý!           

Vậy nguyên do gốc là tại đâu?

Phải chăng quyền lực đi cùng với quyền lợi nên mới lắm hệ lụy vậy? Không muốn mất quyền lợi riêng, con đường hoàn hảo nhất là đánh đồng nó với lợi ích tập thể, cố ý đặt nó dưới sự bảo kê của chính quyền. Tự nhiên, tất cả như được dán tem đảm bảo. Từ đó, nỗi e ngại, sợ sệt trong người dân tuy vô hình nhưng rất thật.

“… Cứ tưởng đút lót một tý, nhẫn nhục một tý cũng là chuyện thường tình. Nhiều người sống như vậy. Mình cũng chỉ giống họ mà thôi…”.

Hay lại nói rằng vấn đề Xuân Trình nêu ra ngày ấy nay đã lạc hậu?

Vậy thử hỏi ngay trong mỗi chúng ta: Liệu đã hết hẳn những lo lắng, hoang mang, sợ sệt chưa khi chỉ nghe phong thanh, đồn thổi rằng bản thân mình đang      “ được” cấp trên lưu tâm, bởi đã phạm một khuyết điểm gì đó mà có nghĩ mấy ngày cũng chưa ra. Cấp trên hay cõi trên nhiều khi chẳng cụ thể là ai, tổ chức nào, nhưng vẫn sợ. Sợ như sợ ma vậy.

Nói là ma vì ai đã thấy mặt ngang mũi dọc ma ra làm sao, nhưng vẫn sợ.

Trước đây không lâu, cụm từ “ vấn đề nhạy cảm ” mới ra đời, chỉ như tiếng sấm ì ầm giữa thinh không. Ấy vậy mà chẳng bao lâu, nó nhiễm tới mức chính chúng ta lại cũng nói với những người khác, nhất là với cấp dưới của mình: “ Thôi, vấn đề này nhạy cảm lắm, đừng động tới cho lành!”

Khoán sản trong nông nghiệp, một việc làm dù đưa người dân thoát đói khổ, nhưng vẫn phải chui lủi, lén lút bởi có những người lãnh đạo máy móc vô cùng nhiệt tình, bảo thủ đến cố thủ ngay cả trong đức trách nhiệm, vì dân như Đoàn Xoa của Mùa hè ở biển.

Công thức hay phép tính của lẽ tất nhiên: Ngu dốt cộng với nhiệt tình thành ra phá hoại. Không những phá hoại, lại còn kéo giật lùi đời sống, phá hủy lòng tin của người dân.

Ông Đoàn Xoa có thể gom hết người xã mình lên thành phố ăn xin lại, biếu họ chút tiền hay cơm nguội phơi khô rồi khuyên họ về quê. Không rõ là tránh cho họ mấy ngày không phải đi hành khất; hay tránh cho sĩ diện của ông bị tổn thương.  Nhưng ông không đủ tri thức để nhận ra và công nhận cách làm ăn mới. Dù nó đã đưa những người ăn xin quê hương ông, đất nước ông thoát khỏi đói nghèo.

Lại cũng có vẻ như ông không đủ rộng lượng nhìn dân no đủ.

Điều đó xuất phát từ tâm địa xấu xa ư?

Xin thưa là không phải.

Mà đó là lòng trung mù quáng. Hay nói khác đi, là nguyên tắc cứng nhắc đến mê muội.

Chẳng là mọi nơi còn đang đói kém. Về đến làng thấy mọi người mát mặt, lại không vui lên được à?”

Hóa ra vẫn còn chuyện xấu đều hơn tốt lỏi. Đói cả nước hơn no một làng nữa cơ đấy.

Nhưng như vậy mới giải thích được tại sao đất nước mình lại có một thời tồn tại những điều vô lý không sao hiểu nổi. Mà đã không hiểu nổi, thì giải thích cũng còn là chật vật. Đó là việc tìm ra một con đường thoát đói bớt nghèo cho dân lại bị coi là phản động. Việc đổ mồ hôi thực sự trên cánh đồng của mình để có mùa gặt bội thu phải lén lút như phạm pháp.

Không muốn giải thích cũng phải thấy một điều: Nguyên tắc về tuân thủ đường lối đã ăn quá sâu. Cái gì thuộc về nghị quyết, về quy định, quy ước đều tuyệt đối đúng, mãi mãi đúng. Kể cả vật có đổi, sao có dời thì việc thi hành đều chứng tỏ trung thành.

Nhà văn đã hạ bút:

Bây giờ các anh ấy buồn cười lắm kìa. Cứ đưa sẵn ra một cái mẫu buộc mọi người làm theo, không cần biết là nó có phù hợp nữa không…”

Ai mà không biết hay đoán ra “ các anh ấy” là ai. “ Các anh ấy ” có quyền lực đến đâu.

Chính sách có phù hợp với cuộc sống nữa hay không chưa cần bàn. Mà chỉ cần nó an toàn theo mọi nghĩa cho “ các anh ấy ” là được.

Khi vấn đề tập thể chịu trách nhiệm được ( hay bị ) chuyển sang vai trò quy trách nhiệm cho cá nhân, đâu phải ai cũng dám đứng ra đảm nhận.

Nhiều người trong số họ cũng lo lắng, xót xa cho dân mình, gia đình mình mãi trong vòng luẩn quẩn đói triền miên, no phút chốc.

Nhưng để thoát được cái cùm chính mình chui vào ấy, vượt lên cách nghĩ cách làm đã thành thói quen, thành tư tưởng, khó lắm chứ đâu ngày một ngày hai!

Nhưng cũng thật may mắn: Việc tuân thủ nguyên tắc không khiến một số cán bộ ăn no ngủ kỹ trên cương vị của mình. Họ dấn thân và mạo hiểm, cùng người dân mò mẫm tìm đường; khi đã tìm ra thì quyết không bỏ cuộc.

Như vậy cũng có nghĩa, bão tố sẽ ập xuống đầu bất cứ lúc nào.

Chỉ Xuân Trình là nhìn ra nét hài kịch trên cái nền bi kịch:

Tôi cũng đến mắc bệnh thần kinh mà chết mất thôi. Từ ngày làm khoán, cứ thấy bóng cán bộ về làng là hớt hải đuổi theo chân người ta, giấu diếm như cái thằng ăn cắp ấy…”

Phê bình, thậm chí phê phán những cán bộ không sát thực tế, không đủ trình độ nhận ra cái mới, Xuân Trình chỉ nhẹ giọng mà thấm:

Ông Xoa ạ, ông đã có lòng cưu mang lúc tôi gặp khó khăn. Nhưng ông chỉ coi nhân dân chúng tôi như thứ để mà thương xót, chứ không phải để trân trọng. Hiện nay cả làng này đều oán ôngHọ nói ông không thương họ… ”

Với những kẻ bòn rút, rẻ rúng dân, ông không đẩy họ vào thế đối đầu, mà rất lạ, một lời trách như thể con mà dại, thì cái ( tức cha mẹ, ở đây là dân ) phải mang vậy:

“  Cán bộ cũng là con em mình chứ ai. Nhưng lúc có chức có quyền không dễ ai cũng kiềm chế mình được.  Thấy người ta sai, mình làm ngơ đi một lần, hai lần… Rồi họ sinh hư đi vì thế.”

Chắc không phải cán bộ hư chỉ vì dân nuông chiều, làm ngơ trước sai trái. Nhưng người dân lấy đạo lý con dại cái mang mà giải thích, tự nhận trách nhiệm về mình đã làm hiệu ứng cảnh cáo và cảnh tỉnh tăng rất nhiều.

Ngày nay, kinh tế chuyển sang cơ chế gọi là thị trường. Người ta không cần phải giấu đi cả vật chất và cách sống của mình. Không những biên độ về giàu nghèo càng cách biệt, mà thái độ kỳ thị vì vậy cũng nặng nề hơn.

Tự cho mình là tầng lớp quý tộc, tinh hoa của xã hội, một số người có chức quyền, có tiền của, hay mang danh người nổi tiếng để cho rằng đương nhiên mình được hưởng những ưu đãi, thậm chí còn muốn đứng trên luật pháp.

Đâu phải cơ chế này mới đẻ ra lũ người ấy?

Trong kịch bản Cách mạng, nhà văn Nguyễn Khải chẳng viết về đám nghị sĩ salon của chế độ Saigon cũ. Họ chỉ biết ăn chơi giết thời giờ, tụ bạ bàn chuyện chính trị đầy hăng hái và thiên kiến. Họ cho mình là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Nguyễn Khải đã hạ một câu: Đó là những người tồn tại, sống trên sự thối rữa của đồng loại.

Vậy ra thời nào, chế độ nào cũng có!

Càng ngày, họ càng đông lên và vênh váo hơn mà thôi.

Xuân Trình là một trong những cây bút viết kịch nhìn thấy và đưa thành công

 những người này lên trang giấy.

Đó là: Ngôi nhà trong thành phố, Đợi đến mùa xuân, Ngày xưa nơi đây là chiến tranh và nhiều kịch bản khác nữa.

Dưới những trận bom Mỹ trút xuống Hà Nội, người dân xích lại gần nhau hơn. Họ chia sẻ mọi thứ để cùng tồn tại, kể cả chia lửa.

Chuyện người dân sống xung quanh nhà máy điện Yên Phụ Hà Nội tự nguyện quét vôi khu nhà mình cùng màu với nhà máy để đánh lạc hướng kẻ thù, hy vọng chúng thả bom chệch hướng, không làm mất nguồn điện thủ đô.

Xét cho cùng, đó là việc làm kỳ cục chỉ vì lòng tin ngây thơ, đánh giá thấp  kỹ thuật định vị tối tân của không quân Mỹ.

Nhưng điều ấy vì sao lại khiến ta trào nước mắt?

Hy vọng Mỹ không ném bom trúng nhà máy, có nghĩa trái bom sẽ rơi vào … khu dân cư quanh đó.

Người dân sẵn sàng chết.

Khi đó, hầu như chẳng ai nghĩ thiệt hơn, lo cho mạng sống riêng mình.

Chỉ có một người không muốn vậy. Đó là Cảnh.

Anh khó chịu với ông tổ trưởng dân phố nhiệt tình nhiều hơn trình độ, vô tư làm phiền người khác bằng cách liên tục kiểm tra, không ngừng vận động cư dân hết chuyện này tới việc kia. Sợ nhất là ông coi ai cũng phải yêu nước, phải hy sinh lối sống của riêng mình. Cá nhân phải nhạt nhòa, hòa lẫn với tập thể. Thậm chí, phải hy sinh nhu cầu của mình cho lợi ích chung.

Nghĩ đơn giản rằng trong tâm thế cả nước cùng đánh Mỹ – một đối phương mạnh hơn rất nhiều lần – thì việc đoàn kết trong một khối thống nhất phải là chuyện sống còn.

Ấy vậy mà không phải. Có nơi, có lúc, có người, việc khác biệt, thậm chí đi ngược lại với cả một cộng đồng lại được tính vào bậc thang đẳng cấp.

Lôi ra những người tự coi mình là tầng lớp trên, đứng ngoài cuộc sống cộng đồng, đứng ngoài cuộc chiến tranh của cả dân tộc, đương nhiên hưởng những mối lợi bằng khôn lỏi, vô cảm, thậm chí dã man, Xuân Trình đã thành công.

Ngày nay, kiểu người như vậy lại càng nhiều.

Trong cuộc sống hàng ngày, trên báo chí, nhất là mạng xã hội: Họ làm mình không nổi bật quá lố thì cũng gây chú ý bởi scandal.

Nhóm người tự cho mình là tầng lớp tinh hoa, quý tộc trong xã hội.

Đương nhiên họ có quyền ban phát và bố thí.

Họ là tâm điểm, là “ tinh hoa”, hay là tất yếu của số ít sinh ra ngay từ trong số đông?

Chỉ biết rằng tuy không đông, càng không là tất cả, nhưng thời nào và ở đâu họ cũng có mặt. Và nhất định không đứng yên.

Họ tồn tại có lý do, lý lẽ hẳn hoi.

Nhiều khi họ hấp dẫn không ít người bởi chính những lý lẽ đó.

Chúng ta có nên mặc nhiên đưa họ vào danh sách những nhân vật phản diện?

Điều đó lại không đúng, không thỏa đáng ngay cả trong cái thời sân khấu nói riêng và văn nghệ nói chung chỉ có hai loại, hai kiểu người: Chính diện ( người    tốt ) và phản diện ( kẻ xấu )

Hay là họ lấp lánh đứng giữa? Cũng khó mà cũng không nên khẳng định.

Chỉ biết rằng: Họ không chịu biến mất trong kịch Xuân Trình.

Họ đã thành công khi đòi cho mình một chỗ đứng.

Chỗ đứng ấy – dù bị lên án – vẫn vững chắc cho tới bây giờ!

Những con người ấy, nặng ra thì có tên Cơ hội, Thủ đoạn… Khó nhận biết hơn thì rất nhiều là Khôn vặt, Ma lanh, Tùy thời… vân vân.

Rồi ngay từ trong kịch của ông, họ làm nên cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ngay cả trong mỗi chúng ta, liệu có một phần nào, lúc nào… dù ít dù nhiều, giống họ không?

Hình như Xuân Trình luôn đi ngược dòng, luôn “ gây sự ” hay sao ấy.

Mặc dù văn chương của ông nôm na, mộc mạc như ngôn ngữ nông dân đồng bằng Bắc bộ.

Mặc dù có đi tìm đoạn văn nào, lời thoại nào chát chúa, quyết liệt để chứng minh cho tình huống kịch gay gắt thì khó.

Phần nhiều, ông khề khà kể chuyện…

Nhưng mâu thuẫn lại nằm trong chính lời thoại điềm tĩnh ấy.

Tiếng cười cũng lại từ đó mà ra.

Xin dẫn chứng thoại của nhân vật ông Đoàn Xoa trong Mùa hè ở biển:

Câu trước ông nói: “ Không có lý luận nào thuyết phục hơn thực tế. Cơ chế của hợp tác đấy! Ai bảo nó cùm trói sản xuất? Quy mô lớn đấy! Ai bảo không đủ sức quản lý? Ai bảo xã viên không phấn khởi?…”

Câu sau của ông đã là: “ Đồng chí là bí thư xã, thấy dân xòe tay ăn xin thế mà không biết nhục à? … Ngày trước còn đổ cho phong kiến đế quốc. Bây giờ mọi thứ trong tay mình rồi. Đổ cho ai? …”

Còn khi dân đối thoại với lãnh đạo về vấn đề một mất một còn của cơ chế, sinh tử của đời sống, cũng lại không vì vậy mà đao to búa lớn:

HUẤN: – Vừa nghe phong thanh là cả bí thư huyện dưới cũng được triệu lên ngồi làm kiểm thảo về chuyện khoán chui kia kìa.

CỤ BẢN: ( Mặt thượt ra ) –  Vậy thì nó ra làm sao? Dân có được quyền tham dự vào việc của mình không?

HUẤN: ( Thở dài ) –  Cùng lắm tôi xóa mẹ nó khoán đi rồi tôi nghỉ!

CỤ BẢN: –  Ừ, anh rút lui như thế thì yên thân anh đấy. Còn chúng tôi thì lại sắp sẵn bị gậy.

Giờ cũng là lúc quay lại vấn đề: Tác phẩm ông có tính dự báo? Hay tiên

 đoán? Hay khẳng định được tương lai?

Chiến tranh cách mạng, tiền tuyến, hậu phương, cải cách giáo dục, hậu chiến… hầu như ông đều có kịch bản. Như vậy có thể khẳng định đó là ưu điểm của cây bút Xuân Trình được chăng? Cũng có thể được.

Nhưng rồi: Nếu không xung kích trên mọi vấn đề của thời đại, xã hội như vậy, có được coi là một văn nghệ sĩ, một nhà văn?

Vậy là lại phải xem trên góc nhìn: Nhà văn ấy không những viết cái gì, mà viết như thế nào.

Gia đình ông thuộc hàng đại điền chủ. Rất giàu. Nhưng trong họ mạc và gia đình đều có người tham gia, thậm chí đổ máu cho cách mạng, cho dân tộc.

Bản thân ông sống trong nhung lụa, nhưng lại trưởng thành trong bom đạn; không những xung phong đi thực tế nơi túi bom ác liệt, mà còn trực tiếp tham gia xẻ đá vá đường hỏa tuyến.

Hình ảnh Độ khao khát lý tưởng, dũng cảm và đầy tình yêu thương trong Bạch đàn liễu nếu không có nhiều là hình ảnh tuổi trẻ của ông thời kỳ là thanh niên xung phong mở đường ra tiền tuyến, thì cũng mang nặng mong ước của người thanh niên Xuân Trình đến với cách mạng vừa theo truyền thống gia đình, vừa muốn tự tìm cho mình một lý tưởng.

Sinh trưởng và được giáo dục trong một gia tộc từ nhận thức về cuộc cách mạng, quyết góp xương máu cho tự do của quê hương, độc lập của đất nước, thì hầu như là tất yếu, Xuân Trình vô cũng mẫn cảm với những điều vô lý hay bất công, thua thiệt…trong đời sống người dân, nhất là những người chân lấm tay bùn, làm ra hạt thóc mà chưa chắc đã no, vinh quang may mắn chắc gì được hưởng, nhưng thiệt thòi bất hạnh thì chịu đương nhiên.

Ông sinh ra, lớn lên bên cạnh họ, chứng kiến gia đình bao lần phải xúc gạo cứu đói. Mãi rồi như thấm. Mãi rồi tương lân. Lắm khi hiển hiện giữa những hàng chữ bao điều vô hình mà rất thật. Rõ ràng Xuân Trình cũng đói, cũng rét, cũng ức oan ngậm miệng với nông dân; rồi cũng lại rơi lệ khi họ được cởi trói, minh oan, được bưng bát cơm ngạt ngào nhưng đẫm nước mắt mồ hôi sau nhọc nhằn cày cấy.  

Nghe Xuân Trình tỉ mỉ viết về cách trồng cây lúa: Mạ phải bao nhiêu lá, đẻ mấy thân mới mang cấy xuống. Thời tiết ra sao mới cho mạ bén rễ. Nước cao bao nhiêu khi lúa đến thì con gái… Đâu phải ông chỉ biết thóc bạt ngàn kho lẫm nhà mình, đâu phải chỉ thấy hạt gạo trắng như nó đương nhiên phải trắng. Mà một hạt dẻo thơm biết mấy nắng mưa, biết bao khó nhọc.

Không ai viết về người nông dân hay như Xuân Trình.

Không ai hiểu người nông dân tới tận cùng gan ruột như ông.

Họ cực nhọc nhiều mà hưởng ít.

Dũng cảm lắm, nhưng cũng đầy nhút nhát.

Xông pha đấy, rồi lại đầy thủ thế, thỏa hiệp.

Cần mẫn mong no ấm, nhưng có một chút là thỏa mãn, quay sang tư hữu.

Nhưng… cái chữ “ nhưng ”  này khiến Xuân Trình bất tử:

Đừng bao giờ xéo lắm một con giun, dồn con người vào chân tường.

Đối với người nông dân càng phải vậy.

Họ không chỉ quằn như thân phận con giun bị chà đạp, mà họ sẽ tạo ra bão tố.

Chẳng thế mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã chiến thắng bởi được người dân, đặc biệt là nông dân đồng lòng.

Chẳng thế mà cách mạng cho lối làm ăn mới trong nông nghiệp đã thành công vì nông dân quyết chí.

Chẳng thế, khi được chăm lo và tôn trọng, họ làm nên lịch sử.

Có người nói kịch Xuân Trình đọc hay hơn dựng.

Tôi lại không cho là vậy.

Kịch bản đọc hay. Vậy phần còn lại là tài năng đạo diễn.

Nếu đạo diễn nào coi xung đột kịch chỉ là quát tháo bằng miệng và đấm đá bằng tay chân, thì không thể hiểu được Xuân Trình.

Mỗi lời nói, mỗi đoạn dẫn, thậm chí như giải thích kiểu nhà văn viết kịch, đều thâm sâu, ý tại ngôn ngoại. Cả núi cao vực sâu đằng sau câu nói khơi khơi, có khi  “ thật thà, ngây thơ ”.

Không hiểu ông, sao dựng được kịch của ông, sao hiểu được là  kịch Xuân Trình đầy mâu thuẫn, xung đột được?

Đơn giản, mâu thuẫn kịch của ông chính là khác nhau, đối chọi về tư tưởng, về tập quán, tri thức, về mẫn cảm với những khác biệt giữa công lý và bất công, hạnh phúc và bất hạnh, tiến bộ và bảo thủ, nhân đạo và phi nhân…

 

*

  *              *

 

Xuân Trình luôn viết về hiện đại.

Viết về lịch sử, dã sử cũng đáng trân trọng. Nhưng nhìn rõ những vấn đề của cuộc sống ngay trước mắt, viết về nó thành công, chắc không phải ai cũng muốn dấn thân, cũng dám chịu đựng mọi hệ lụy như ông.

Không ít tác giả muốn mượn xưa nói nay.

Ai hiểu thế nào, hiểu đến đâu thì hiểu.

Độ an toàn cho tác giả. cho kịch bản thành vở diễn đương nhiên cao hơn.

Có nhà phê bình còn cực đoan: Tại sao có những tác giả thông thạo, nhiệt tình thái quá khi viết về lịch sử, về vua chúa vậy? Ngày ấy mà gặp vua, thì chính họ chắc cũng phải dập đầu xuống đất. Không ai có gan ngẩng lên nhìn mặt Rồng.

Chưa nói, theo nghĩa đen, tức là tư thế con người mà nói: Chăm chăm nhìn vào quá khứ, không ít thì nhiều, người đó cũng đang quay lưng lại với thực tại.

Tôi chỉ nói một chút theo nghĩa đen thôi.

Bởi có vinh quang, hào hùng bao nhiêu thì lịch sử vẫn là lịch sử. Đó là bài học muôn thuở. Nó chỉ nên chiếm số phần trăm vừa phải trong cả một đời viết văn.

Còn hiện tại mới là cuộc sống hiện hữu của mỗi con người.

Xuân Trình nói: Tác phẩm hay là tác phầm nhiều người soi thấy họ trong đó.

Những câu hỏi phải được trả lời.

Tri kỷ đông đảo của người dân phải được tìm thấy trong đội ngũ tác giả.

Bây giờ, lại bây giờ, người ta kêu gọi người cầm bút hãy viết nhiều, viết hay về cuộc sống của chính những người xung quanh họ, của chính xã hội này. Chưa khi nào, hai chữ “ đương thời”, “ hiện đại” lại cần thiết và thách thức nhà văn vậy.

Phía trước vẫn là mùa xuân

Mùa xuân, khi đất trời hồi sinh, đủ điều kiện khí hậu, đất đai, những gì gieo trồng, hy vọng…nằm lặng lẽ qua ngày đông tháng giá, sẽ nảy mầm, đơm hoa kết trái.

Mùa xuân thời cuộc, nếu được cởi trói, tạo điều kiện, chắc chắn cái mới, điều tốt đẹp sẽ vươn dậy, làm thay đổi cuộc sống.

Để thấu hiểu những gì một sương hai nắng người nông dân cấy trồng trên cánh đồng dông bão để có mùa vàng no ấm hôm nay, hãy đọc kịch Xuân Trình.

Để thấm thía những gì cả dân tộc này đã và đang phải trải qua thác ghềnh và trả giá, cũng hãy đọc kịch Xuân Trình.

Chỉ những gì, những ai sống sót hoặc kiên gan qua được một mùa giá buốt, một thời khắc nghiệt đầy biến động, mới đủ thính tai để nghe, đủ rộng lòng để trân trọng ngay cả một phút giây bình yên, một tiếng tách rất khẽ của hạt mầm nhỏ nhoi khi mùa xuân tới.

 

LÊ THU HẠNH

 

 

 

Share this page