Niềm tin nhà giáo

Tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội), khán giả Thủ đô vừa được thưởng thức vở “Đợi đến mùa xuân” nổi tiếng của cố tác giả Xuân Trình.


Tác phẩm viết về đề tài giáo dục, từng gây được nhiều tiếng vang và có giá trị dự báo. Trong bản diễn mới này, tác giả Nguyễn Anh Vũ trong vai trò biên tập và đạo diễn Đào Duy Anh đã táo bạo lồng ghép nhiều nội dung hiện đại, mang hơi thở thời sự, được đông đảo người xem đón nhận. 

Vở kịch xoay quanh một quãng đời đầy biến cố của cô giáo Nhung, nhân vật tiêu biểu cho những người thầy tận tụy, yêu học sinh, muốn giáo dục bắt nguồn từ sự tôn trọng học sinh và gìn giữ các chân giá trị. Cô là người dám thay đổi quan niệm cũ giáo điều, thiếu hợp lý và có phần xa rời hiện thực cuộc sống và dũng cảm phê phán xu hướng bệnh thành tích trong giáo dục. Người xem có thể cảm nhận về sự bất biến của những đức tính cao quý của đạo đức nghề giáo nơi cô Nhung dù trải qua nhiều khó khăn. Trong đó, điểm sáng chính là niềm tin tuyệt đối vào tương lai. 

Hầu hết trong các kịch bản của tác giả Xuân Trình, đặc biệt là trong vở diễn này, từ bố cục nội dung đến lời thoại của tác phẩm đều chặt chẽ, phê phán những kẻ cơ hội núp danh nhà giáo, che đậy bằng những vỏ bọc đạo đức. Nhân vật thầy giáo Khiết chính là điển hình cho những kẻ cơ hội, hám danh, lấy môi trường đào tạo kiếm tiền, hiện hình qua vở diễn như mặt trái tiêu cực của giáo dục.

Cảnh trong vở.

Có thể nói, vở kịch này chính là “mảnh đất” màu mỡ để ê-kíp dàn dựng gửi gắm nhiều thông điệp đến ngành giáo dục. Bên cạnh những câu chuyện như bệnh thành tích, nhận hối lộ để chạy điểm, chạy trường, sự thiếu tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ thầy trò, các thông điệp mới mẻ được lồng ghép khéo léo. Như lời than của nhân vật bảo vệ trường về việc “một cây phượng đổ mà người ta muốn chặt tất cả các cây phượng trong trường”, hay lời phàn nàn “ý thức học sinh càng ngày càng kém, càng hư” khi ông biết chuyện cô Nhung bị học trò xúc phạm… Sự kết hợp hoàn hảo của quá khứ và hiện tại đã khiến người xem thích thú đón nhận, dễ dàng tiếp cận, ngay cả với phần đông những khán giả trẻ.

Một lần nữa, tác phẩm “Đợi mùa xuân đến” lại rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về những tiêu cực trong ngành giáo dục. Tác phẩm phản ánh những mặt trái tiêu cực, nhưng vẫn không quên nhắc nhở người xem hãy đặt niềm tin vào những nhà giáo chân chính.

 

Báo Nhân Dân

 

Share this page