Những người nông dân trong kịch của Xuân Trình – Giang Phong

Vở đầu tay của Xuân Trình là vở Những người du kích (1961) viết về người nông dân vùng đồng chiêm trũng. Ba mươi năm hoạt động sân khấu ông có gần 20 vở dài, trong đó một nửa số vở viết về đề tài nông thôn. Đó là những vở Những người du kích, Quê hương Việt Nam, Việc nhà, Xóm vắng, Chuyện ông Hựng ở lò thúc mầm, Lập xuân, Thời tiết ngày mai, Bạch đàn liễu, Mùa hè ở biển.v.v…


Ở mỗi chặng đường Cách mạng, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, người nông dân của Xuân Trình đã gánh vác những trọng trách mà lịch sử trao cho họ. Những trọng trách ấy dù gian nan, vất vả, dù phải hy sinh đến tính mạng của mình, người nông dân của ông vẫn kiên cường, thuỷ chung. Một chánh Khiết bạo ngược, làm tay sai cho thực dân Pháp, nhưng làm sao thoát khỏi tay “những người du kích”, những người nông dân tin yêu Đảng theo Đảng do đồng chí Thống lãnh đạo (nhân vật trong kịch). Làm sao chúng bắt được những người nông dân phải quay lại làm kiếp trâu cầy cho chúng. Những người du kích tuy chỉ mới phản ánh được hiện thực cuộc sống của những người nông dân vùng đồng chiêm trũng quê ông, nhưng sao những phẩm chất về lòng nhân ái, thuỷ chung, thuần phác kiên cường cứ ngời ngời lên sau cái lam lũ của họ.

Và trước những sự kiện đánh dấu những bước ngoặt của đời sống, Xuân Trình đều có kịch và những người nông dân của ông lại được thử thách tấm lòng trung hậu, kiên cường trước những sự kiện có tính bước ngoặt ấy. Trong cuộc chiến tranh có tính chất huỷ diệt của kẻ thù ở một làng vùng giới tuyến, những người nông dân trong Quê hương Việt Nam, ngoài sự chống trả quyết liệt với kẻ thù, vượt lên cái chết để tồn tại, để xây dựng một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, họ còn phải vượt lên để đấu tranh với đồng chí của mình, với bản thân mình, để xây dựng một niềm tin, giữ vững niềm tin và lòng trung thành với Cách mạng. Tính chất khốc liệt ấy, từ hai phía dồn lại mà người nông dân của Xuân Trình đã vượt qua được, tạo nên một chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Chuyện của những người nông dân, của những người nhà quê ở một làng, nhưng cũng là phẩm chất chung của những người nông dân miền Bắc thời bấy giờ.

Trong Lập xuân, cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật nơi đồng ruộng mặc dù diễn ra rất gay gắt, nhưng đây chỉ là cái cớ của xung đột để người nông dân làm một cuộc đào thải những trì trệ, lạc hậu, những tư tưởng lỗi thời không đáp ứng được những đòi hỏi mới của thời đại.

Thời tiết ngày mai là vở kịch mang tính luận đề. Muốn báo được thời tiết ngày mai, thì ngày hôm nay các nhà khí tượng phải đo được lượng gió, lượng mây, mây tầng, mây tích, độ ẩm, độ nóng, lạnh, hanh khô ra làm sao v.v… Thời tiết của một xã hội cũng không nằm ngoài sự đo đạc, khảo sát ấy. Những người nông dân trong Thời tiết ngày mai đã phải đấu tranh với nhau, với bản thân mình để khẳng định rằng muốn phát triển để bước vào một nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa phải tạo dựng được một cái nền vững chắc về dân trí, về cơ sở vật chất, về trình độ quản lý chứ không phải là cờ rong, trống mở với la liệt khẩu hiệu mà có được. Những người nông dân đã được Đảng giải thoát cho, trong cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ, giờ đây họ phải tự giữ lấy không thể nhẫn nhục, không thể cứ khom lưng cúi xuống mãi cho những lý trưởng mới cưỡi lên đầu lên cổ. Xuân Trình lấy vĩ thanh của vở diễn làm khai từ. Sự việc trong Bạch đàn liễu, coi như có hậu. Anh muốn khép lại một nỗi đau, nỗi vất vả của những người nông dân chân lấm tay bùn. Trước cái nạn cường hào mới Bạch đàn liễu còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

Mùa hè ở biển là một vở hài kịch trữ tình. Ta cười ở đấy, mà cũng khóc ở đấy. Ông Đoàn Xoa trong kịch gốc gác là một nông dân, ông trưởng thành làm đến chuyên viên của một Bộ. Nhiều người cho rằng ông Đoàn Xoa là người lạc hậu trong phong trào khoán sản xuất nông nghiệp. Tư tưởng ấy có nguy cơ tạo nên đói nghèo. Nói như thế cũng đúng, nhưng đấy chỉ là bề nổi. Đoàn Xoa là một phát hiện mới của Xuân Trình về người nông dân. Đoàn Xoa biểu hiện của một niềm tin, niềm tin ấy bất biến, mang tính tín ngưỡng. Sự trung thành của những người nông dân là động lực thúc đẩy cho sự nghiệp Cách mạng. Song, ở sự vâng lời mang tính mê tín bất biến là sự trì trệ, níu kéo sự phát triển của xã hội. Hai tính chất ấy có trong con người Đoàn Xoa, trong người nông dân.

Dù trong hoàn cảnh nào, tình thế nào, những người nông dân của Xuân Trình vẫn vươn lên, hướng tới cái thiện, cái tiên tiến: Kiên cường, thủy chung, nhân ái và thuần hậu. Đó sự nghiệp vẻ vang của Xuân Trình, hầu như gắn bó  với người nông dân. Giải thích điều này như thế nào? Đó là nhận thức của Xuân Trình, song, những nhận thức này được nuôi dưỡng và hình thành từ thuở thiếu thời của tác giả, nơi quê hương ông và trong gia đình ông.

Bản thân Xuân Trình là người rất thạo về công việc đồng áng. Ông rất thích ăn gỏi cua, gỏi cá, mắm tép. Trong những đám hiếu, đám hỷ, Xuân Trình rất dễ hoà mình vào công việc, vừa ăn trầu, vừa đàm đạo về chuyện đồng áng, cất nhà, giỗ tổ với bà con nông dân. Bạch đàn liễu là câu chuyện có thật ở làng Lỗ Xá của Xuân Trình. Chỉ có khác là hai cây bạch đàn liễu và ông Quyền Phó Chủ tịch ở trong kịch, chính là chuyện của ông Uỷ viên Thư ký ủy ban với hai cây xoan trong làng ông.

Quê hương và gia đình Xuân Trình, có một truyền thống yêu nước Cách mạng. Những truyền thống đó gắn liền với đời sống của nông dân. Những vở Những người du kích, Quê hương Việt Nam, Bạch đàn liễu, Xóm vắng và những vở khác phảng phất có hình bóng và tư chất của gia đình và quê hương ông trong kịch.

Năm 2001, Xuân Trình được nhận giải thưởng Nhà nước với 3 vở Thời tiết ngày mai, Mùa hè ở biển Nửa ngày về chiều. Thực chất đây là giải thưởng cho tác giả Xuân Trình viết về nông dân. Chính những người nông dân, những người nhà quê đã làm vinh hạnh cho tác giả.

 

Nhà viết kịch Giang Phong

 

 

 

 

Share this page