Nhằm đánh giá đúng mức tầm vóc và vị trí của nhà viết kịch Xuân Trình trong nền sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học “Xuân Trình, nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”.
Chương trình sẽ diễn ra vào ngày 30.11 tại rạp Đại Nam, Hà Nội. Tại cuộc họp báo giới thiệu về Hội thảo (21.11), rất nhiều những đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi của ngành sân khấu đã chia sẻ những cảm xúc, những kỷ niệm đặc biệt đối với Xuân Trình, nhà viết kịch đã có rất nhiều vở diễn nổi tiếng gây nên nhiều tranh luận về nội dung tư tưởng nghệ thuật, góp phần tạo nên diện mạo cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.
Nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo Xuân Trình (1936-1991) là một tên tuổi lớn hàng đầu của sân khấu hiện đại Việt Nam. Ông từng đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2001; nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu… Xuân Trình có rất nhiều vở diễn nổi tiếng gây nên nhiều tranh luận về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật từ giữa những năm 60 – 90 của thế kỷ XX như Chuyện những người du kích; Quê hương Việt Nam; Lập xuân; Hận thù từ đâu tới; Bạch đàn liễu; Ngôi nhà trong thành phố; Xóm vắng; Cố nhân; Thời tiết ngày mai; Đợi đến mùa xuân; Chuyện tình trong rừng cấm; Mùa hè ở biển; Nửa ngày về chiều… Thậm chí, có vở phải duyệt đi duyệt lại mãi mà vẫn không được ra mắt công chúng.
Đạo diễn Đào Quang cho biết Đoàn kịch Hà Nam Ninh dựng 5 vở của Xuân Trình thì có 3 vở đã giành giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp và tạo nhiều sự trao đổi trong dư luận. Đồng thời cũng là một đơn vị nghệ thuật vô cùng vất vả khi mỗi lần ra mắt vở của nhà viết kịch Xuân Trình. Còn nhớ vào Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980, đoàn dựng vở Thời tiết ngay mai của Xuân Trình đã xong xuôi chuẩn bị đi hội diễn thì được tin vở diễn này không được tham dự vì có ý kiến cho rằng có những lệch lạc về nội dung tư tưởng trong vấn đề nông nghiệp, nông thôn.. Tuy vậy, Thời tiết ngày mai sau khi ra mắt công chúng Nam Định, Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Đặc biệt như vở Mùa hè ở biển do đoàn kịch Hà Nam Ninh dàn dựng có tới 11 lần sơ duyệt và tổng duyệt, thậm chí giới sân khấu còn tổ chức hội thảo để đánh giá về giá trị của vở diễn này.
Họa sĩ, NSND Lê Huy Quang kể rằng, ông có rất nhiều cơ duyên thiết kế mỹ thuật cho các vở kịch của Xuân Trình. Ông nhớ lại thời bao cấp khốn khó ông cùng với tác giả và đạo diễn Đoàn Anh Thắng đã rất vất vả để cùng nhau đi Hà Nam Ninh dựng vở. Thời đó, muốn đi xe khách ở Bến Kim Liên, Hà Nội để xuống Hà Nam Ninh (cũng như đi các tỉnh, thành phố khác) quả là một cực hình với người dân – xếp hàng từ đêm đến sáng mà vẫn không mua nổi chiếc vé… Vì thế, phải vất vả cậy nhờ mấy tay anh chị phe vé ở ngay bến, tác giả Xuân Trình, đạo diễn Đoàn Anh Thắng và họa sĩ Lê Huy Quang mới có một chỗ đứng chen chúc đến khổ sở trên cái ô tô khách cũ kỹ chật cứng người và hàng hóa, nhất là vào mấy ngày sau Tết âm lịch. Không ít lần ê kíp sáng tạo phải đi nhờ cả xe tải, lúc nhờ được ô tô com-măng-ca bộ đội và cả cuốc bộ.
NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: Xuân Trình có tính năng động trong tổ chức, tài năng trong lĩnh vực sáng tác. Tác phẩm của ông mang tính tiên phong, dự báo, ông nhìn thẳng, tố cáo tiêu cực của xã hội. Các hình tượng nhân vật của ông, tôi cảm giác như họ khoác tay chúng ta hiện nay đi vào đời sống.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên (con trai nhà viết kịch Xuân Trình) xúc động nói: Tôi và gia đình rất vui và tự hào khi có cuộc Hội thảo về người bố kính yêu của mình tới đây. Về góc độ nghệ thuật, đây là giây phút những đồng nghiệp, bạn bè chia sẻ những cách nhìn của bố tôi về văn hóa và về đời sống. Thông qua hội thảo, chúng ta sẽ có thêm cách nhìn mới về bố tôi. Bố ra đi khi chúng tôi còn rất nhỏ. Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với bố. Dù bố bệnh tật nhưng vẫn giành thời gian để viết, làm việc nỗ lực hết mình. Bố tâm huyết với nghề.
Ai đó đã nói rằng, để sống cùng hậu thế, người viết phải biết cách đi trước thời của mình. Có lẽ Xuân Trình là một trong những tác giả như thế. Hầu hết các kịch bản của ông đều không chỉ phản ánh một cách chân thực và sinh động những cảnh đời ấm lạnh của những tháng năm mà ông đã sống, mà còn ẩn chứa những dự báo, lúc mơ hồ lúc rất rõ rệt, về tương lai trên một góc nhìn có thể nói là mới mẻ, mang nhiều tính phát hiện. Ông đã dám sớm đả động đến những tiêu cực tuy mới manh nha nhưng đã rất tiềm tàng khả năng phá hoại cuộc sống hướng thiện và quý trọng những giá trị tinh thần của thời bao cấp. Ông cũng là người cảm nhận được và dám bộc lộ ra cái nhìn mang tính thân phận về các cá nhân trong va đập của những biến cố xã hội và chiến tranh. Tổ chức Hội thảo để có những đánh giá khách quan về những giá trị trong tác phẩm của Xuân Trình là vô cùng cần thiết đối với những người làm nghệ thuật sân khấu hiện nay.
Báo Văn Hóa