‘Ngôi nhà trong thành phố’ tái hiện Hà Nội thời chiến

Vở kịch vừa ra mắt thể hiện vẻ đẹp kiêu hùng của thủ đô thời kỳ bị không quân Mỹ ném bom phá hoại. 

 

Thanh Hương (trái) và NSƯT Thu Hà trong một phân cảnh.

Ngôi nhà trong thành phố của cố tác giả Xuân Trình được dựng bởi Nhà hát Kịch Hà Nội. Vở diễn lấy bối cảnh giai đoạn 1968 – 1970, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam. Bà giáo (NSƯT Thu Hà) chuẩn bị tiễn Phước – con trai thứ hai lên đường nhập ngũ, trong khi con trai cả chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) vẫn bặt vô âm tín. Phước trở thành niềm tự hào của gia đình, trường học, thành phố. Anh ra đi, để người bạn gái – ca sĩ Thúy Hà – lẻ loi trong thành phố. Nhâm – cô bạn thân thời thơ ấu của Phước – cũng ôm mối tình đơn phương với anh trong vô vọng. 

Tác phẩm tái hiện không khí náo nức của lớp lớp thanh niên ra mặt trận qua cảnh các tân binh tập trung lên đường. Trong khi người nhà bịn rịn, xót xa, cố đạp xe vòng ra ngã tư để nhìn con lần cuối, những người ra trận thể hiện tinh thần hào hứng, lạc quan. 

Vở kịch gây xúc động khi gợi nhớ những tháng ngày Hà Nội bị Mỹ ném bom phá hoại. Tiếng máy bay luôn ù ù trên đầu, chúng xả bom bất kể ngày đêm, vào bến xe, bệnh viện, nhà máy. Phân xưởng của Nhâm có nhiều công nhân thiệt mạng, các gia đình phải kéo nhau đi sơ tán. Nhiều thanh niên quyết ở lại để “sống còn” cùng thủ đô. Các hộ dân đồng loạt sơn đen ngôi nhà của họ để đánh lạc hướng không quân Mỹ, tình nguyện “chia bom” với các địa điểm trọng yếu. 

Trong vai bà giáo, NSƯT Thu Hà tái hiện thành công vẻ dịu dàng, thanh lịch của người Hà Nội xưa. Bà giáo ít nói, hiền lành, không to tiếng với ai. Không chỉ yêu thương con trai, bà lo toan cho cả cô công nhân hàng xóm, đồng đội, bạn bè của con. Khi phải rời xa ngôi nhà thân yêu để đi sơ tán, bà bịn rịn, xót xa nhưng tràn trề quyết tâm: “Bằng như máu thịt còn chẳng tiếc, coi như hiến cả con ạ…”. 

Mỗi nhân vật của vở kịch khắc họa trọn vẹn bức tranh Hà Nội những năm bom đạn. Đó là cô công nhân Nhâm cần cù, vừa hăng say sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thủ đô. Ông tổ trưởng dân phố nói nhiều, tốt bụng, luôn sẵn sàng tuyên truyền đường lối, chính sách của đất nước mọi lúc, mọi nơi. Cô ca sĩ Thuý Hà quen sống trong nhung lụa nhưng cuối cùng vẫn lên đường ra chiến trường phục vụ bộ đội. Vở kịch còn tái hiện không khí rộn ràng của thời bao cấp qua việc đặt gạch mua cơm, xếp hàng mua vé xe… 

Giữa bầu không khí bi tráng ấy, tác giả vẫn đan cài những chi tiết nên thơ, khắc hoạ vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội. Anh lính trẻ Thông ngậm ngùi nếu Hà Nội bị phá nát, chỉ cần ngửi thoang thoảng hương hoa sữa, anh sẽ ngay lập tức nhớ về những kỷ niệm xưa. Tác phẩm cũng sử dụng một số đoạn nhạc ngắn của Chopin, Mozart và ca khúc O Sole Mio (Mặt trời của tôi) do Eduardo di Capua sáng tác, tạo nên nét lãng mạn, tình tứ. Ca khúc chính xuyên suốt vở kịch – Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) – khắc hoạ một Hà Nội anh hùng nhưng không kém phần tình tứ. Tinh thần ấy được gói gọn trong lời thoại của nhân vật nhà văn Nguyễn: “Hà Nội nổ súng, nhưng Hà Nội vẫn nở hoa, hoa nở ngay nách hầm” (trích tuỳ bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của cố nhà văn Nguyễn Tuân).

Giữa những ngày chiến trận cam go, tình yêu của Phước và Thuý Hà là nét chấm phá lãng mạn, làm giảm đi không khí bi thương của vở kịch. Sau nhiều hiểu lầm, họ trở về bên nhau. Tuy nhiên, tình yêu cá nhân vẫn tạm xếp sau tình yêu đất nước. Vở kịch kết thúc với cảnh Phước chở Thúy Hà ra bến xe để cô kịp đến địa điểm tập trung, chuẩn bị vào vùng chiến sự.

Ngôi nhà trong thành phố được cố tác giả Xuân Trình viết năm 1973, Nhà hát Kịch Hà Nội khởi công dựng từ tháng 8 năm nay. Tác phẩm sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ ba, diễn ra thời gian tới. 

Cố tác giả Xuân Trình (1936-1991) là một trong những nhà viết kịch tiêu biểu của nền kịch nói Việt Nam hiện đại. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm như Bạch đàn liễn, Nửa ngày về chiều, Mùa hè ở biển… Ông từng là phó tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí sân khấu, giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu. Năm 2001, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

 

Hà Thu/VNE

 

 

Share this page