Ký ức về Xuân Trình – GSTS – NSND Đình Quang

Tuy đã mỗi người một cõi từ hơn mười ba năm nay nhưng mỗi khi nhớ đến tình bạn với Xuân Trình tôi vẫn cảm thấy sự nồng ấm của những kỷ niệm và niềm vui mà cuộc đời này đã ưu ái dành cho tôi.


GS, TS, NSND Đình Quang.

Tôi bắt đầu quen Xuân Trình từ vở Chuyện những người du kích (1963). Lúc đó tôi đang phụ trách Phân hiệu Kịch nói Việt Nam. Tôi đã nhận và mời Nguyễn Đình Nghi dựng cho sinh viên của trường. Vở kịch tuy chưa có tiếng vang nhưng tôi cảm thấy ở Xuân Trình một tác giả đầy tiềm lực.

Tôi thực sự kết bạn với Xuân Trình với tư cách đạo diễn và tác giả là từ vở Một quê hương Việt Nam (1967).

Tôi vẫn thường gọi Xuân Trình là Nhà báo ám khói và khi Xuân Trình cố ý diện complê thắt cà vạt để đến tôi chơi thì tôi cũng chỉ phong lên đến chức Chánh tổng Yên Hưng quê anh là cùng.

Xuân Trình cười vang không tự ái vì ngầm hiểu rằng tuy mình đã nhiều năm dọc ngang trời biển nhưng tôi vẫn nhìn anh là một nhà viết kịch không những am hiểu mà còn suốt đời gắn bó với quê hương đồng nội, chất quê ở anh vẫn đậm đặc.

Xuân Trình thích thú với những mệnh danh đó vì chúng đã gợi đúng những tình cảm sâu xa trong anh. Tôi thường tâm sự với Xuân Trình. Có những người cầm bút, đi khắp đó đây, gặp chuyện gì hay hay, có tí mâu thuẫn xung đột là đẻ ra được một vở kịch tàm tạm để diễn, viết thì nhiều nhưng không có những chủ đề xuyên suốt, cũng chẳng có một môi trường nào gắn bó,  ở đâu cũng chỉ như một kẻ ngụ cư.

Xuân Trình có điều may là đã biết tự thu xếp đời mình, không bao giờ thiếu Quê hương để thương để nhớ. Hầu như phần lớn cuộc sống, con người, tính cách, lời ăn tiếng nói là những vấn đề đặt ra trong kịch đều bắt rễ từ ở quê hương anh… nên đã đạt tới sự sâu sắc về mặt tư tưởng và chân thực về mặt đời sống.

Có lẽ không ngoa nếu nói Xuân Trình là một nhà viết kịch có nhiều vở giá trị nhất về những vấn đề nông thôn chống Mỹ và ở buổi giao thời chuyển sang cơ chế mới.

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình.

Tôi đã có nhiều dịp đi thực tế cùng Xuân Trình nhưng chưa đâu nhiều bằng về Hà Nam Ninh và Ý Yên. Nhiều lần anh đến rủ, tôi hỏi ngay: “Lại Ninh Bình Nam Định chứ gì?” Anh bảo: “Thâm canh mà lại”. Nhìn chiếc xe máy đã đứt dây ga được anh thay bằng một sợi dây gai nối từ tay ga xuống dưới, tôi hơi ngại. Anh thản nhiên bảo anh đã hẹn dưới đó rồi.

Xuân Trình khiêm tốn, không tin mình có khả năng quảng canh, ở đâu cũng viết được, chuyện gì cũng viết được. Đó còn là một quan niệm: Xuân Trình thường nghĩ đất nước ta hiện tại cơ bản còn là một nước nông nghiệp, mọi bước đi của đất nước đều được phản ánh qua lũy   tre làng. Với tám mươi phần trăm là nông dân, những con người mới của thời đại chúng ta rồi cũng sẽ từ đồng ruộng mà đi lên.

Anh có mối thâm tình với hầu hết mọi người ở tỉnh nhà: từ cán hộ lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban đến các ngành của tỉnh. Các đoàn nghệ thuật coi như là nhà của anh. Đi tới đâu anh cũng như người cùng làng cùng xóm.

Xuất thân là một nhà báo nên Xuân Trình có cái nhìn nhanh nhậy với nhiều chi tiết sống động, là một nhà văn với cái nhìn sâu sắc và nhân bản và với tư cách là nhà viết kịch Xuân Trình biết phát hiện sớm những mâu thuẫn và xung đột đang cản trở bước tiến chung của xã hội.

Hầu như mọi vở của Xuân Trình đều đặt ra được một vấn đề khiến con người phải suy nghĩ trăn trở. Dù cấu trúc kịch mang tính luận đề hay chỉ khách quan phản  ánh một hoàn cảnh thì ẩn nấp sau đó vẫn nổi lên một vấn đề khiến tác giả cũng như người dọc phải day dứt khôn nguôi.

Và  hơn thế, qua những vấn đề đặt ra, Xuân Trình đã không muốn dừng lại ở sự phản ánh thụ động. Anh luôn suy nghĩ về xu thế của sự phát triển và bất bình với những gì đang kìm hãm cuộc sống tiến lên.

Những luận đề của Xuân Trình, nếu không là tất cả thì đa số cũng đều mang tính dự báo.

Chính vì tính luận đề mà người xem thiên về giải  trí, lười suy nghĩ không hăm hở tìm xem anh. Chính vì tính dự báo, vạch ra những tiêu cực, những quan niệm lỗi thời đang có cơ kìm hãm xã hội mà nhiều người, nhất là những cấp lãnh đạo thường ngần ngại, nghe những phương án giải quyết táo bạo và mới mẻ cũng băn khoăn do dự.

Tôi đã dựng của Xuân Tình bốn vở: Một quê hương Việt Nam, Bạch đàn liễu, Xóm vắng Cố nhân. Kể cả những vở không trực tiếp dựng, như Mùa hè ở biển, với tư cách là Thứ trưởng phụ trách khối nghệ thuật cũng phải cùng anh chèo chống để vở có thể tham gia Hội diễn 1985.

Nói chung hầu như mọi vở của anh đều phải duyệt lên duyệt xuống nhiều lần. Bạch đàn liễu đã phải duyệt đến bẩy lần, qua nhiều cấp, chỉ vì phê phán hiện tượng lộng hành mất dân chủ, tham ô, thất đức của cá nhân một phó chủ tịch xã. Tên của nhân vật này cũng phải đổi vì vô tình lại trùng tên lãnh đạo của một bộ nọ.

Khổ! Giờ nhớ lại cái thuở ấu trĩ đó vẫn không khỏi mủi lòng và buồn cười. Có lẽ nhắc lại sân khấu thời chống Mỹ và đổi mới tư duy người yêu sân khấu không thể không nhắc đến Xuân Trình.

Ở cõi vĩnh hằng hẳn Xuân Trình có thể tự an ủi là mình đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử sân khấu Việt Nam.

Nhưng lúc sinh thời niềm vui của anh chỉ là niềm  vui trong giông bão. Mỗi lần dựng vở là một trận chiến. Anh được đón nhận niềm vui và hồi hộp của bạn bè cũng nhiều mà phải lo chèo chống với những quan niệm bảo thủ, lỗi thời cũng lắm.

Đã có lúc Xuân Trình nản chí, định bỏ Hà Nội. Kiếm một mảnh đất sau núi Cánh Diều ven thị xã Ninh Bình để ở ẩn. Nhưng rồi ý thức công dân, niềm say mê nghề nghiệp và những trăn trở trong anh đã không để anh yên. Là một tác giả có mặt trong mọi biến chuyển của đất nước trong chiến tranh qua Một quê hương Việt Nam, Ngôi nhà trong thành phố, Hậu thù từ đâu tới… Đã có có mặt trong những cuộc vận động lớn nhỏ trên mặt trận nông nghiệp như Lập xuân, Bạch đàn liễu, Thời tiết ngày mai, Mùa hè ở biển… làm sao anh có thể chỉ an nhàn với cảnh bầu rượu túi thơ được.

Xuân Trình lại hăm hở viết. Với cương vị Tổng biên tập Tạp chí và Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu rồi Phó tổng thư ký Hội với trăm công ngàn việc nhưng cây bút của Xuân Trình không lúc nào ngơi nghỉ.

Ngay khi đã ngã trọng bệnh, cơ quan đề nghị anh cứ tập trung lo chạy chữa, Xuân Trình vẫn luôn đảo đến trụ sở Hội.

Tâm sự với tôi, Xuân Trình bảo sớm muộn có lẽ rồi anh cũng sẽ đi, nhưng anh không muốn trước cái chết sinh học anh đã phải chết về mặt tinh thần.

Kết bạn với Xuân Trình gần ba mươi năm ngoài tính năng động, đi nhiều, thích nhậu, nói to, hay cãi… viết nhiều vở gai góc với những vấn đề nóng hổi, tôi còn thấy ở Xuân Trình một khuôn mặt khác.

Những lúc cùng nhau lặng lẽ đi trên đường phố hay qua đêm trên một căn gác nhỏ tỉnh lỵ vắng vẻ tôi đã bắt gặp một Xuân Trình đa cảm, hay xúc động, nặng nhiều nỗi ưu tư.

Xuân Trình căm ghét những kẻ lộng hành, cơ hội, độc ác… bao nhiêu thì cũng thương cảm cho những thân phận nhỏ bé, khổ hạnh bấy nhiêu và Xuân Trình không chỉ trăn trở với những gì trước mắt mà còn băn khoăn nhiều nỗi về cuộc đời này.

Qua Xóm vắng, Nửa ngày về chiều, Nghĩ về mình… Xuân Trình không chỉ là một cây bút xung kích trong chiến tranh, đã góp phần đổi mới sân khấu vào thời mở cửa mà còn là một tác giả đậm tính nhân văn sâu sắc.

 

GSTS – NSND Đình Quang

 

 

 

 

Share this page