Kịch Xuân Trình – tiếng vọng hôm nay và mai sau

Thực tế hoạt động nghệ thuật sân khấu ở nước ta hiện nay đang nảy sinh những vấn đề diễn biến phức tạp, đặc biệt là nhu cầu kịch bản văn học cho sân khấu nói chung và kịch nói riêng. Bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế thị trường xuất hiện, sân khấu bị cuốn hút vào những đề tài mới, đó là những mảng sống đầy sôi động, phức tạp và đầy kịch tính mà ở đó con người vừa tìm kiếm sự tiến bộ, vừa bộc lộ những yếu kém, hèn đớn và thậm chí gian tham, độc ác trước sự lên ngôi của thế lực đồng tiền.


Những nhà văn, nhà viết kịch, cùng đông đảo đội ngũ những người làm sân khấu không thể thờ ơ hay lảng tránh những phức tạp của cuộc sống hôm nay. Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập hơn lúc nào hết đã được các nhà viết kịch khai thác, vận dụng để tạo ra những xung đột kịch mới mẻ, cái đang xảy ra và đặc biệt là tính dự báo, cái có thể xảy ra, trên con đường tiến lên của cuộc sống mới, giống như cánh chim báo bão trong mùa viễn du.

Cuộc sống đã sản sinh ra những con người mới và hơn lúc nào hết những nhà viết kịch đã bám chắc, trụ vững trên nền đất hiện thực cuộc sống xã hội Việt Nam trong từng giai đoạn Cách mạng, để khắc họa nhiều chân dung con người lao động sáng tạo với cách nghĩ, cách làm mới, trong những vấn đề nóng bỏng, bức xúc, những câu hỏi lớn cần được lý giải để giúp cho cuộc sống vận động và đi lên. Trong  số những nhà viết kịch tiêu biểu   ở những thập niên từ 70 đến 90 của thế kỷ XX, nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình nổi lên như một điểm sáng với những vở kịch giàu tính hiện thực, triết lý và đặc biệt là tính dự báo (cái có thể xảy ra) ở trong mỗi tác phẩm của ông. Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Xuân Trình ở lĩnh vực: Viết kịch bản cho sân khấu đã đem lại cho ông giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các vở kịch: Thời tiết ngày mai, Mùa hè ở biển Nửa ngày về chiều.

Nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật tổng hợp gồm ba thành tố rất quan trọng đó là nghệ thuật kịch bản văn học, nghệ thuật biểu diễn và khán giả. Thành phẩm của nghệ thuật sân khấu (vở diễn) bao giờ cũng tồn tại ở dạng trực tiếp trình bày trước khán giả. Thiếu tính hấp dẫn thì không thành nghệ thuật, do vậy muốn nghệ thuật sân khấu thu hút được đông đảo người xem trước hết phải quan tâm đúng mức và có hiệu quả thiết thực tới khâu sáng tác kịch bản văn học. Từ kịch bản qua sáng tạo trên sàn diễn sẽ trở thành vở diễn.

Tính hấp dẫn của những vở diễn sẽ góp phần cứu sân khấu thoát khỏi nguy cơ trì trệ khiến số đông khán giả xa lánh dần ánh đèn sân khấu. Xưa nay, những tác giải kịch bản mô tả cuộc sống theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa, chính là đã nhằm tác động vào tính chất bản năng của con người, kết quả những tác phẩm sân khấu của họ dù có được đầu tư công sức, tiền của và cả sự tuyên truyền rùm beng thì nó cũng mau chóng bị rơi vào sự quên lãng của cuộc sống.

Nhà viết kịch phải trả lời câu hỏi từ lúc trước khi ngồi vào bàn viết: Vì cái gì mà vở kịch này cần thiết ra đời? Có phải đó chính là ý nghĩa xã hội, tính tư tưởng và hiệu quả nghệ thuật trong tác phẩm tương lai! Nghệ thuật thường bắt đầu từ những điều cốt tủy nhất của cuộc sống rồi cũng bằng sự hiện diện của tác phẩm nghệ thuật chân chính nó lại trả về cho cuộc sống những gì là tinh túy nhất, đôi khi vượt ra ngoài ý định của tác giả, vượt ra ngoài cả giới hạn của thời gian và không gian.

Nhà viết kịch cần có bản lĩnh và tài năng. Trước hết bản thân anh phải tự tin, phải vững vàng thì mới hy vọng khi nói ra, được người khác tin theo. Con đường đi tới lâu đài sáng tạo nghệ thuật của nhà viết kịch thật gian truân, vất vả, đầy thử thách, nghiệt ngã những cũng lắm vinh quang. Đó là khi người ấy thực sự hoàn thành nghĩa vụ nhà văn – nghệ sĩ – công dân của mình.

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình là một trong số những người như thế. Ông quan niệm: Sân khấu đòi hỏi một khả năng khám phá vô tận, khám phá xã hội, khám phá con người, làm lộ thiên trong đó những sự thật mới, những chân lý mới mà những người với cách nhìn, cách nghĩ bình thường thì không thể nào phát hiện ra được. Khám phá chính là một yêu cầu, một khả năng quan trọng nhất nhằm đạt   tới sự hấp dẫn. Xuân Trình luôn tự đặt ra yêu cầu và tự mình phấn đấu thực hiện, đó là kịch phải tạo được sức mạnh lôi cuốn hàng ngàn, hàng vạn khán giả cùng say sưa nhập cuộc. Nếu mất đi tính chất xã hội sâu sắc, tư tưởng chủ đề cũ kỹ, nông cạn thì vở kịch ấy sẽ không còn sức mạnh gì nữa và mọi thành tố khác của kịch cũng sẽ nhạt nhẽo và không còn cơ sở để tồn tại.

Ngay từ vở kịch dài hơi đáng kể đầu tiên là Quê hương Việt Nam, Xuân Trình đã từng được đắm mình trong thực tiễn anh hùng và nhiều vẻ của đất nước. Thực tiễn nóng bóng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng và là   đề tài lớn cho sự nghiệp sáng tác văn học kịch của ông. Xuân Trình với tư cách là nhà văn, nghệ sĩ sáng tạo vừa với tư cách là một nhà tuyên truyền, cổ vũ sự nghiệp chiến đấu và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bằng chính các tác phẩm kịch nóng bỏng hơi thở thời đại của ông. “Tính báo chí, chất thông tấn đã nổi  lên trong kịch Xuân Trình như một đặc điểm mang dấu vết cá tính sáng tạo. Có thể nói rằng, mỗi vở kịch của anh đều là một thông báo về một sự kiện thời sự, chính trị của đất nước trong suốt mấy chục năm qua” (Xuân Trình – nhận thức và khám phá cuộc sống, PGS Tất Thắng, Nhà xuất bản Sân khấu – Hội Văn học nghệ thuật Nam Hà tháng 2 năm 1992)

  • Vận động thanh niên chống Mỹ cứu nước, ông viết vở Bà mẹ và những người con (1965)
  • Chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, ông viết vở Quê hương Việt Nam (1967)
  • Về ba cuộc Cách mạng (trong đó có cách mạng kỹ thuật), ông viết Lập Xuân (1970)
  • Chống cường hào mới, phát huy quyền dân chủ, ông viết Bạch đàn liễu (1973).
  • Tổ chức lại sản xuất theo con đường lớn XHCN, ông có Thời tiết ngày mai (1978)
  • Khoán nông nghiệp theo chỉ thị 100 ông viết Mùa ở biển (1985)
  • Chống xuống cấp về giáo dục, ông viết Đợi đến mùa xuân (1987)
  • Bàn về lẽ công bằng, đãi ngộ người có công, ông viết Nửa ngày về chiều (1990)

Rồi Xóm vắng, Chuyện tình trong rừng cấm, Ngày xưa nơi đây là chiến tranh, Nghĩ về mình, Tai họa hay rủi ro…

Xuân Trình là nhà viết kịch của thời đại mới xã hội chủ nghĩa, ông chính là một trong những tấm gương phản ánh hiện thực Cách mạng đương thời. Ông luôn   có tư chất thông minh, sắc sảo, hóm hỉnh ngay cả trong nhận thức và sáng tạo.

“Nhà viết kịch đã nhận thức cuộc sống trong những vấn đề nóng bỏng và gay gắt của nó. Đó là một cung cách nhận thức tập trung cô đọng và do đó rất kịch. Sự khám phá cuộc sống ở Xuân Trình trước hết là khám  phá những vấn đề cấp thiết, những vấn đề chín muồi, đang đòi được giải quyết, đang tìm câu trả lời, đương nhiên là những vấn đề tiềm tàng, nung nấu trong lòng sâu cuộc sống. Có thể nói rằng không một vở kịch nào của Xuân Trình lại không nổi lên sắc nhọn, có khi như một mũi khoan, cái vấn đề nó xoáy sâu vào sự tiếp nhận của người xem, buộc người xem phải suy nghĩ. Và chính cái tính vấn đề đó đã làm cho kịch Xuân Trình khác hẳn kịch của các tác giả cùng thời, có khi khác tới mức trộn cũng không lẫn (Xuân Trình – nhận thức và khám phá cuộc sống, PGS Tất Thắng: NXB Sân khấu – Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam, số tháng 2/1992).

Đã có không ít người xem thừa nhận rằng, kịch của Xuân Trình  có sức hấp dẫn về tính vấn đề của chủ đề   và tính mới mẻ của nhân vật lý tưởng là hình tượng về con người mới của thời đại chúng ta. Mặt khác là kịch Xuân Trình có nhiều sự phát hiện nhà văn rất đáng chú ý. Cũng có người cho rằng, kịch Xuân Trình ở một số vở, tính hành động chưa thống nhất, không có xung đột quán xuyến nên những vở kịch đó diễn lên thường khó đạt được hiệu quả nghệ thuật như tác giả mong muốn.

Nét nổi bật của kịch Xuân Trình đó là tính hiện đại giàu chất triết lý, dự báo nằm trong các vấn đề tưởng tuy rất đời thường mà rất sâu sắc ở tầm cao ý nghĩa xã hội, nhân bản xuyên suốt chiều dài các vở kịch của ông. Điều đó chứng tỏ kịch của ông luôn bám sát vào cuộc sống bề bộn phức tạp, đáp ứng những nhu cầu và mong mỏi của người xem là được chứng kiến những cảnh đời chân thật, gần gũi với họ, đó cũng là trách nhiệm của người nghệ sĩ chân chính đối với cuộc sống hiện thực đương thời.

Điểm lại các vở kịch từ Quê hương Việt Nam (1967) đến vở Nửa ngày về chiều (1990) của nhà viết kịch Xuân Trình, có một điều khiến mọi người rất dễ thống nhất: “Xuân Trình là một nhà viết kịch luôn khám khá cuộc sống và đặt ra trong tác phẩm những vấn đề lớn với những ý tưởng mạnh mẽ, táo bạo, có khi đụng chạm tới đường lối, sách lược của Đảng, Nhà nước trong những thời điểm chuyển tiếp của những bước đi. Cho nên không dễ gì chiếm được ngay sự chấp nhận và đồng tình ủng hộ.

Những hạn chế lịch sử có tính tất yếu trong cách nhìn nhận mối quan hệ giữa chính trị và nghệ thuật của một số cán bộ lãnh đạo đã nhiều phen gây sóng gió cho quá trình dựng vở. Trong những lúc ấy, Xuân Trình luôn tỏ  ra là một cây bút có bản lĩnh vững vàng, một Đảng viên làm nghệ thuật vì mục đích chiến đấu cho lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ông luôn vững tin vào động cơ trong sáng của mình, tin vào sự sáng suốt của những tập thể lãnh đạo và tin vào công chúng khán giả cùng đồng nghiệp của ông. “Với đất nước và mai sau thì còn phải chờ thời gian thử thách; còn đối với quê hương thì Xuân Trình xứng đáng được coi là một trong những người con có tài năng suất sắc… Tác phẩm và cuộc đời anh sẽ còn sống mãi với quê hương” (Kịch Xuân Trình, Lê Huệ – Phó Chủ tịch UBNT tỉnh Hà Nam, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nam Hà; NXB Sân khấu – Hội Văn học nghệ thuật Nam Hà – 1992).

Đất nước Việt Nam từ năm 1985, đặc biệt là từ sau Đại hội 6 của Đảng (tháng 12- 1986) cho tới nay đã chuyển sang một bước ngoặt quan trọng, thời kỳ đổi mới để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, để sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong xu thế giao lưu, hội nhập. Đó là sự lựa chọn và xác định đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đổi mới trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội… Nhưng trước hết là đổi mới về cơ chế quản lý từ quan liêu bao cấp sang kinh tế hàng hoá vận hành theo cơ chế thị trường với nhiều thành phần tham gia nhưng có sự quản lý và điều tiết  của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói chính sách đổi mới và mở cửa đã mang lại những kết quả quan trọng dần dần đưa nền kinh tế đất nước thoát  ra khỏi sự suy thoái và khủng hoảng, từng bước ổn định và tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội trong sự nghiệp mới. Những kết quả đạt được đã giúp chúng ta vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã. Đó cũng là thắng lợi to lớn, quan trọng liên quan đến số phận của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã tốn bao xương máu mới giành được từ tháng 8/1945 đến nay.

Văn học nghệ thuật Cách mạng đã trụ vững bằng  đôi cánh sáng tạo của chính mình. Các văn nghệ sĩ nhất là các nhà văn, nhà viết kịch mà trong đó Xuân Trình là một đại diện ưu tú giống như người thư ký của thời đại. Với hành trang trên 20 vở kịch tiêu biểu của ông đã chứa đựng các vấn đề nóng hổi, bức xúc, chứa đựng tính dự báo (cái có thể xảy ra) ngay trong cuộc sống và trong tương lai. Các vở kịch của Xuân Trình đã mang được dấu ấn của thời đại mà ông đang sống. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật hoàn toàn xứng đáng với tầm vóc và sự cống hiến cho Cách mạng của nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình. 

 

Nguyễn Chiến Thạc

 

 

 

Share this page