Kịch: Ngôi nhà trong thành phố (phần 5)

Kịch Ngôi nhà trong thành phố (phần 1)

Kịch Ngôi nhà trong thành phố (phần 2)

Kịch Ngôi nhà trong thành phố (phần 3)

Kịch Ngôi nhà trong thành phố (phần 4)

 

Tác Giả: Xuân Trình

***

 

CẢNH                              Tôi có việc cần phải đi. Hôm nay làm không xong thì ngày mai, quan trọng gì

BÁC ĐIỂM                     (nhìn Thu Hà) Tôi nom chị quen thế, như đã gặp chị ở đâu rồi

THU HÀ                          Có…tôi đã gặp bác rồi

BÁC ĐIỂM                     À..thôi chết…Chị là người yêu cậu Phước..Tôi gặp chị hôm cậu Phước lên đường…

THU HÀ                          Vâng…đúng thế

BÁC ĐIỀM                     Khu nhà chúng tôi đây rất mến cậu Phước. Cậu ấy là người hiểu biết, học thức…Chị đến tìm bà giáo?

THU HÀ                          Vâng

BÁC ĐIỀM                     Như thế là rất phải. Bà cụ cũng sắp về rồi đấy. Bà ấy dặn tôi mà.

THU HÀ                          Tôi đến đã lâu, nhưng bây giờ thì…Có lẽ tôi không chờ được

CẢNH                              Ta đi chứ

BÁC ĐIỂM                     (băn khoăn tìm kiếm gì, bỗng nhiên bác hỏi Thu Hà) Tôi muốn nhờ chị một chút, chẳng biết chị có giúp được tôi không?

THU HÀ                          (vui vẻ) Vâng…Bác cứ nói

BÁC ĐIỂM                     Kể ra cũng chẳng có gì phiền phức. Tôi bận phải đến nhà máy. Tôi là thợ lò chị ạ, đến giờ tôi phải đi làm không chậm được. Tôi có con cháu gái đến chơi, nó gửi cái túi để đi lấy vé tàu, nó về ngay đây thôi. Tôi gửi chị chùm chìa khóa. Nó phải đứng ngoài thì tội lắm (đưa chùm chìa khóa) Tôi tin chị, tôi mới dám gửi.

CẢNH                              (khó chịu) Lỡ việc chị ấy thì sao.

BÁC ĐIỀM                     Không…cháu sẽ về ngay thôi, vì đằng nào nó cũng phải ra tàu để kịp đi chuyến bảy giờ. Tôi tin chị tôi mới dám gửi.

THU HÀ                          Thôi được… (cầm lấy)

BÁC ĐIỀM                     Không lâu đâu chị ạ (bỏ đi mất)

CẢNH                              Kỳ cục thật (nhìn theo bác Điềm)

THU HÀ                          Tôi cũng chẳng có gì vội lắm…hơn nữa làm sao có thể từ chối bác ấy được…bác ấy phải đi kịp giờ làm. Bác ấy là công nhân nhà máy điện.

CẢNH                              Một con người không còn biết lịch sự chút nào. Ai cũng có thể nhờ vả được.

THU HÀ                          Cũng vui chứ! Nhưng bác ta có vẻ là một người thành thật.

CẢNH                              Lúc đầu thấy ông ta ngồ ngộ, cũng vui nhưng sống cùng thì thật là cực hình. Cứ nghĩ đến ông ấy là tôi đã không thể nào vui lên được.

THU HÀ                          Anh với bác ta đúng là hai thái cực

CẢNH                              (vẻ mếch lòng) Tôi chả muốn được so sánh gì với bác ta.

THU HÀ                          (nhận thấy ở Cảnh vẻ khó chịu) Có vậy mà anh mếch lòng ư (ngó ra ngoài) Ơ hay. Sao không thấy ai cả thế giới này.

CẢNH                              Đã bảy giờ rồi đấy..

THU HÀ                          Phiền anh quá!

CẢNH                              Thật ra tôi cũng chẳng có việc gì bận rộn. Là tôi sốt ruột cho chị thôi.

THU HÀ                          Không nhẽ ông ta nói sai.

CẢNH                              Thu Hà đừng nên ngạc nhiên. Bây giờ chắc là chị thông cảm rồi, chúng tôi phải sống hàng ngày với người như thế.

                                          (ngừng)

                                          Hay mời chị lên tôi chơi

THU HÀ                          Thôi…lỡ cô ta trở về, không gặp được

CẢNH                              (lắc đầu)…là một cực hình.

                                          (bà giáo về nhà. Nhìn thấy Thu Hà, bà mừng rỡ đến sửng sốt)

BÀ GIÁO                        Ai như Thu Hà đấy phải không?

THU HÀ                          (Giật mình quay lại) Bác!

BÀ GIÁO                        Em phải chờ lâu rồi à, tội quá! Em đến từ lúc nào?

THU HÀ                          Dạ…cháu đến từ biệt bác…Ngày mai đoàn chúng cháu đi vào phục vụ hỏa tuyến.

BÀ GIÁO                        Ấy đấy…thế là em cũng lại đi rồi, cứ bảo nhau đi hết đi, để bác lại một mình

                                          (nhìn Thu Hà, vẻ thương yêu)

                                          Một đêm nằm bây giờ lòng bác chia đi làm bao nhiêu ngả: Phần nào cho anh Hải ở tận trong kia. Hai vợ chồng trao thằng bé cho bác rồi đi biền biệt, năm chừng mười họa mới có một tin ra. Phần nào nghĩ về anh Phước nghe nói cũng đang sắp sửa đi vào. Cháu Chi Lăng trên sơ tán, thằng bé hôm nay bà về mà khóc theo mãi, giờ lại em nữa. Lòng thì chia đi bao ngả thế nhưng rồi chẳng biết có anh chị nào nghĩ đến mẹ không?

                                          (chợt nhìn ra ngoài)

                                          Anh Cảnh ơi!…vào chơi!

CẢNH                              Dạ…thôi…cháu phải ra bến xe có việc.

                                          (dắt xe máy đi thẳng)

BÀ GIÁO                        Sáng mai em đi rồi ư?

THU HÀ                          Vâng…Phải có mặt ở chỗ tập trung.

BÀ GIÁO                        Sao không nói với bác sớm hơn…Nhưng tập trung rồi cũng còn ít ngày nữa mới đi chứ.

THU HÀ                          Dạ…Đoàn cũng khong chủ động được, vì lần này là đi vào phục vụ quân đội.

BÀ GIÁO                        Giá lên với em vài ngày thì có sao không?

THU HÀ                          Dạ…chỉ ngại bác đi xa thôi…vả lại ngày giờ đi cũng không biết được

BÀ GIÁO                        (nhìn Thu Hà) Nói thật với mợ nhé…Đi thì em cần những thức gì nào?

THU HÀ                          (gục vào vai bà giáo) Cháu chỉ thiếu những cái nhìn như bác vừa nhìn cháu thế thôi. Trước khi bước đến đây cháu ngập ngừng mãi…Các bạn cháu nó đều về thăm nhà, cháu thì chả có ai mà thăm. Ba cháu còn ở chiến trường.

BÀ GIÁO                        Thế còn mợ? (Thu Hà nức nở khóc) Mợ xin lỗi…tại sao hôm nay mợ mới hỏi em chuyện ấy (vuốt tóc Thu Hà) Ở đây với mợ…Mợ nấu cơm ăn, vừa ở nơi sơ tán về, mợ cũng chưa ăn cơm mà.

THU HÀ                          Con không ở được. Con phải ra bến xe để đêm nay kịp đến chỗ tập trung.

BÀ GIÁO                        Các bạn đến đây đón con cùng đi

THU HÀ                          Con đi một mình.

BÀ GIÁO                        Không được. Mọi khi người ta đi đến bến xe cũng là sự thường, nhưng bây giờ đường vắng.

                                          (ngừng)

                                          Đúng rồi…để mợ nhờ Nhâm     nó đi với con..

THU HÀ                          Phiền chị ấy, con chả muốn.

BÀ GIÁO                        Chị em phiền nhau một chút là thường, có sao nào (gọi vào phía trong nhà)

                                          Nhâm ơi!…

                                          (Nhâm ra)

NHÂM                             Bác gọi cháu.

BÀ GIÁO                        Cùng đi với em Hà ra bến xe một tý giúp bác được không?

                                          (Nhâm yên lặng)

                                          Đi một mình, em nó sợ

NHÂM                             (lặng lẽ) Vâng..Thôi cũng được

BÀ GIÁO                        Xe bác còn để đấy, chưa khóa đâu.

                                          (Nhâm lặng lẽ ra trước)

                                          Con đi Thu Hà nhá…Đi đến đâu thì gửi thư về cho mợ, đừng như chúng nó.

THU HÀ                          vâng…con đi (chợt nhớ) Suýt con quên. Bác gì ở nhà trên gửi con chùm chìa khóa cho cô cháu gái. Bác ấy bảo chậm nhất là bẩy giờ cô cháu sẽ về, vậy mà con chờ chẳng thấy đâu.

BÀ GIÁO                        Bác nào con?

THU HÀ                          Bác già trong ban bảo vệ ấy mợ.

BÀ GIÁO                        Bác ta làm gì có cháu gái, gia đình ở cả trong xa kia. Nhưng thôi…đưa mợ, mợ trả lại cho

                                          (cầm lấy)

                                          Cả một chùm chìa khóa to như thế này.

                                          (ngừng)

                                          Thế là bác ấy tin con lắm đấy, chẳng bao giờ bác ấy lại rời cái chùm chìa khóa ra như thế này…

                                          (Bà tiễn Thu Hà ra cửa. Nhâm dắt xe đạp đứng chờ. Họ đi. Bà giáo đứng nhìn theo mãi rồi đi vào nhà. Những người sơn nhà từ trên thang gác xuống. Họ giở bánh mỳ ra ăn)

NGƯỜI THỨ NHẤT     Cái ông mãnh ấy, bỏ nhà đi rồi khóa luôn cửa ra hành lang lại. Thế là phải bỏ dở.

NGƯỜI THỨ HAI         Xem chừng anh ta không thông.

 

NGƯỜI THỨ NHẤT     Kể ra quét đen cùng màu với nhà máy điện lúc này cũng gay lắm chứ. Nhưng khó nói, cán bộ đấy.

NGƯỜI THỨ HAI         Sang thật.

NGƯỜI THỨ NHẤT     Độc thân mà

NGƯỜI THỨ HAI         Xì…độc thân! Vừa rồi cậu không nghe anh ta hót đấy à?…Hót như thế thì thánh cũng phải đổ…Nhưng mình phải chịu bố già Điềm lù đù thế mà cáo ra trò.

NGƯỜI THỨ NHẤT     Cái gì?

NGƯỜI THỨ HAI         Làm mà mình vẫn để ý tất đấy nhá. Cái chùm chìa khóa mà cậu không biết à?

NGƯỜI THỨ NHẤT     (vẻ thật thà) Sao?

NGƯỜI THỨ HAI         Cụ thộn…! Cái chùm chìa khóa đã giam chân cô bé lại đấy. Phải nói hắn thù ông già đến chết. Tuyệt thật, bố già cáo ra cáo.

NGƯỜI THỨ NHẤT     Thôi.. làm đi  

                                          (Họ cầm xô thuốc đen rẽ về hai bên thì Phước về. Phước hớn hở, ngó vào nhà, nhìn thấy mẹ, anh mỉm cười, không gọi mà gõ cửa. Nghe tiếng chân mẹ chạy ra, Phước đứng nép vào ria tường nấp và ra hiệu cho hai người quét sơn đừng nói. Bà giáo mở cửa ngó ra)

BÀ GIÁO                        Ai hỏi tôi? (Phước bất ngờ ôm choàng lấy mẹ)

PHƯỚC                           Mợ!..Con sắp đi xa, được nghỉ mấy ngày về thăm mợ đây.

BÀ GIÁO                        Thu Hà vừa ở đây xong

PHƯỚC                           (giật mình) Đâu?

BÀ GIÁO                        Ra bến xe rồi, Nhâm nó đưa đi đấy…nhanh lên là kịp..

PHƯỚC                           (quăng ba lô cho mẹ, vùng chạy, rồi chững lại) Bến xe nào mợ?

BÀ GIÁO                        Đi Trung Hà con ạ

HAI ANH QUÉT VÔI   (cùng hét) Nhanh lên…nhanh lên mới kịp

                                          (Phước chạy) 

BÀ GIÁO                        (lúng túng) Biết có gặp được con bé không?

 

HẾT CẢNH

***

CẢNH BỐN

 

Bến xe ô tô đi Trung Hà

Một góc bến xe nơi sơ tán: Chiếc cột đèn bằng sắt kiểu cổ, dưới chân là chiếc ghế đá. Một dãy hầm công cộng chạy ngang qua sân khấu. Những người chờ xe nằm la liệt cạnh hầm. Kẻ mắc võng, người trải ni lông nằm. Tiếng ồn ào của những người xếp hàng ở phía trong, lúc rầm rì lúc ồn ã.

                                            Cảnh từ một góc sân khấu chui ra, anh ta có vẻ vất vả lắm mới lấy được chiếc vé. Anh ta vừa vuốt lại những nếp áo nhăn, vừa lầu bầu chửi.

CẢNH                                 Quân thô bỉ…dẫm cả lên đầu lên cổ người ta

ANH HÀNG LƯỢC         Lược đua-ra, xác thần sấm chính cống năm hào một chiếc

                                            (Cảnh ngó về phía xa như ngóng ai)

                                            Ông anh muốn tìm mua chiếc lược tặng ai chăng?

                                            (xòe ra năm sáu chiếc lược)

                                            Xin cam đoan một lời với ông anh, không đích thị xác thần sấm, giả về tiền ngay. Năm hào một chiếc, có thể chải sáu kiểu, như vậy là không đầy một hào một kiểu.

CẢNH                                 (cầm lấy chiếc lược xem, đột nhiên anh ta bỏ xuống rồi đi thẳng)

ANH HÀNG LƯỢC         Ơ hay…Chuyện gì mà anh ta như bị ma làm

                                            (Nhâm và Thu Hà đã ra tới nơi. Họ ngơ ngác vào phía trong)

NHÂM                                (đến hỏi chị hàng hoa) Chuyến xe chín giờ tối đi Trung Hà ở đâu chị?

CHỊ HÀNG HOA              Chưa chạy (chỉ về phía trong) Nhưng cô xem kia kìa.

NHÂM                                (ngó theo tay chỉ và bảo Thu Hà) Đông lắm…sợ không lấy được vé.

THU HÀ                             Đằng nào thì đêm nay em cũng phải có mặt ở trên ấy. Hay em đến trình bày với trạm điều xe

NHÂM                                Không ăn thua đâu…Phải lo cho Hà lên xe được đã.

                                            Hà cứ vào trạm điều xe..Nhâm chờ

                                            (Hà tất tưởi đi. Nhâm tháng thấy Cảnh đi qua cô gọi) Anh Cảnh!

CẢNH                                 (quay lại miễn cưỡng) Kìa chị Nhâm

NHÂM                                Anh có việc gì mà ra bến xe?

CẢNH                                 À, tôi đi tiễn một người quen

NHÂM                                (nhìn về phía trong) Bến xe đi Trung Hà đông quá.

CẢNH                                 Chị đi Trung Hà à?

NHÂM                                (lắc đầu) Tôi giúp một người bạn.

CẢNH                                 Có phải người đi với chị vừa rồi là…

NHÂM                                Anh cũng quen đấy

CẢNH                                 Thu Hà phải không?

                                            (Nhâm gật đầu)

CẢNH                                 Nhác thấy nhưng tôi không dám tin

NHÂM                                Sao vậy?

CẢNH                                 Trước tôi cứ tưởng khác kia

NHÂM                                Chắc chắc đấy… Họ rất yêu nhau. Anh Phước chính thức giới thiệu Thu Hà với gia đình và khu nhà chúng ta

CẢNH                                 Vậy thì việc chị đưa Thu Hà ra đây phải coi là một hành động cao thượng.

NHÂM                                Tôi không nghĩ thế…Cũng có thể tôi làm theo nhiệm vụ.

CẢNH                                 Với ai?

NHÂM                                Những người đi chiến đấu

CẢNH                                 Quan trọng quá!

NHÂM                                Bảo vệ tình yêu cho người đi chiến đấu cũng có thể coi là nhiệm vụ hậu phương được chứ. Anh có thấy thế không?

CẢNH                                 Tôi thì lại nghĩ: Chị Thu Hà là người biết suy nghĩ. Hơn thế chị ấy còn là người tự do, đến pháp luật cũng chẳng có quyền ngăn cấm nữa là.

NHÂM                                Nhưng lương tâm thì có. Anh thử nghĩ xem nếu như xảy ra chuyện gì đối với Thu Hà    trong khi anh Phước còn đang đi chiến đấu thì là điều đáng ân hận chứ.

CẢNH                                 Ồ mà sao chúng ta lại mất thì giờ bàn chuyện ấy nhỉ?

                                            (ngừng) Xin phép chị

                                            (Cảnh đi. Thu Hà ra, vẻ bối rối)

THU HÀ                             Có thể em bị lỡ mất chị ạ….vé khó khăn lắm

NHÂM                                Thôi được…cứ để Nhâm vào xếp hàng..Hà ở đây trông xe, nếu nhờ vả ai giúp được thì càng tốt.

THU HÀ                             Em làm phiền chị quá

NHÂM                                Nên lo cho khỏi nhỡ đã

                                            (Nhâm vào khuất. Thu Hà đứng lại lo lắng, ngơ ngác. Một bác nông dân mồ hôi, mồ kê nhễ nhại đi ra, vừa xem lại chiếc chiếc vé mua được)

THU HÀ                             (đến gần) Bác có thừa vé…

BÁC NÔNG DÂN            Ấy không…Mỗi người chỉ mua được một chiếc thôi.

                                            (Thu Hà lại ngơ ngác săn tìm)

ANH NHẠC BƯỚM        “Người Châu Yên em bắn máy bay…” hay “Đường cày đảm đang” nào?…

                                            (Thu Hà không để ý, lắc đầu) Năm xu một bản còn sợ đắt à?

THU HÀ                             (Nhìn lại khó chịu) Ơ hay!

ANH NHẠC BƯỚM        (Nhận ra Thu Hà) Ấy chết..(Hơi nghiêng mình cúi chào rồi bỏ đi. Phía trong có tiếng gọi lớn)

                                            “Có một vé đi Trung Hà để lại đây”

                                            (Ông cụ già và Thu Hà cùng chạy lao vào. Một lát ông cụ đi ra, tay cầm chiếc vé vẻ hớn hở)

CỤ GIÀ                              Thật là phúc đức, cả ngày hôm nay cứ đứng bến chạy máy bay..

                                            (Thu Hà ra cùng đồng chí bộ đội)

THU HÀ                             Tôi đến trước mà đồng chí lại không để

BỘ ĐỘI                              Nhưng ông cụ già thế kia

CỤ GIÀ                              Cảm ơn chú…thật đúng là bộ đội Cụ Hồ.

THU HÀ                             (năn nỉ ông cụ) Cháu có việc rất cần…Hay cụ nhượng lại cho cháu.

CỤ GIÀ                              Chị thông cảm. Hôm nay tôi không về thì con cháu nó kéo nhau đi tìm

                                            (Thu Hà đứng lại thất vọng, thì bỗng nghe tiếng gọi)

                                            “Tôi cũng có chiếc vé muốn nhượng lại đây”

                                            (Thu Hà quay ngoắt xô tới…nhận ra Cảnh, cô sững lại, bẽn lẽn)

THU HÀ                             Anh…tôi đương lo phải bơ vơ đây

CẢNH                                 Đời nào tôi lại để chị gặp cảnh ngộ ấy.

THU HÀ                             Anh ra lâu rồi

CẢNH                                 (gật đầu) Và hôm nay tôi mới hiểu cái cảnh xếp hàng mua vé ở đây

THU HÀ                             (bối rối) Anh tốt quá! Anh tốt hơn cả những gì tôi thường nghĩ về anh kia. Thành thật mà nói, anh có mặt lúc này làm cho tôi vô cùng cảm động.

CẢNH                                 Chị lại quá lời rồi…Một việc nhỏ mọn thế này có nghĩa gì đối với tình cảm tôi quý Thu Hà

THU HÀ                             (nhìn Cảnh) Anh tận tình quá

CẢNH                                 Chị làm cho tôi lúng túng rồi đấy (ngừng)

                                            Chúng ta ra bến xe đi..Xe Trung Hà đậu tít tận đằng cuối phố

THU HÀ                             Nhưng đằng nào thì cũng báo cho chị ấy biết tin chứ. Anh vui lòng đợi tôi một chút.

CẢNH                                 (đỡ lấy chiếc túi) Chị cho phép tôi giúp chị.

THU HÀ                             (đưa chiếc làn cho anh ta rồi chạy vào đám đông. Cảnh tới chị hàng hoa)

CHỊ HÀNG HOA              Cậu mua hoa cắm nhà hay là mua tặng đây.

CẢNH                                 Cho tôi một chục hồng

CHỊ HÀNG HOA              Chắc chắn cậu là người gặp may rồi. Còn vừa đúng một chục thôi. Hoa chúm chím thế này.

                                            (Thu Hà ra, vội vã. Cô càng bất ngờ khi đưa cho mình bó hoa)

THU HÀ                             (băn khoăn) Đông quá…Không biết chị ấy ở chỗ nào.

CẢNH                                 Rồi tôi sẽ báo giúp chị.

THU HÀ                             Anh lại mua hoa nữa kìa

CẢNH                                 Chẳng phải là ngày Thu Hà rời Hà Nội để lên đường là gì? (đưa hoa tặng)

THU HÀ                             Anh là một người cầu kỳ

CẢNH                                 Vì tôi không muốn Hà Nội của chúng ta mất đi nhiều thứ quá. Kể cả tục lệ có một bó hoa cho người thân đi xa

THU HÀ                             (nhận bó hoa, nâng niu) Cảm ơn anh!

CẢNH                                 Nếu được chị cho phép, tôi sẽ đưa chị lên tận nơi.

                                            (Thu Hà yên lặng) Hay nếu có điều gì không tiện.

THU HÀ                             Cũng chẳng có điều gì…Tùy anh

                                            (Thu Hà và Cảnh cũng đi)

                                            (Nhâm ra nhìn theo họ ngạc nhiên)

NHÂM                                Thì ra anh ta đã đón đợi ở đây rồi

                                            (lắc đầu)

                                            Chỉ tội cho bác giáo…săn đón, chiều chuộng mãi (Nhâm lưỡng lự rồi dắt xe chạy theo. Những người bán hàng đổ ra, rao như chợ vỡ)

ANH NHẠC BƯỚM        Nhạc bướm năm xu hát mỏi mồm đây…

ANH BÁN LƯỢC             Lược đuy-ra, xác thần sấm chính cống. Năm hào một chiếc có thể chải sáu kiểu đây…

                                            (Phước chạy tới nơi, anh vừa thở vừa hỏi)

PHƯỚC                              Chuyến xe đi Trung Hà chạy chưa?

ANH BÁN LƯỢC             Chuyến sáng mai thì vẫn còn vé đấy.

CHỊ HÀNG HOA              Bảo thật thì người ta còn chất chưởng…đi rồi anh ạ.

                                          (Phước ngồi xuống ghế, rũ người ra vì mệt)

ANH BÁN LƯỢC:         Sáng nay xuất hành bà chị có đèn nhang đến miếu gốc gạo không đấy?

CHỊ HÀNG HOA:          Ăn thua gì

ANH BÁN LƯỢC:         Hoa đã tưởng đem về muối dưa, gặp món bở họ rước đi cho lại còn

CHỊ HÀNG HOA:          Bán xong mới biết rằng hố. Giá cứ xướng năm tiền thì anh chàng cũng phải chi

ANH BÁN LƯỢC:         Rõ chán. Rút kinh nghiệm nhá. Đám ấy tôi xem cũng đi ngang về tắt thế nào

CHỊ HÀNG HOA:          Rõ lại còn. Anh chàng có vẻ đương muốn chưng nên mình mới tiếc của

ANH NHẠC BƯỚM:    Các đằng ấy có biết cô nhận hoa là ai không nào?

ANH BÁN LƯỢC:         Thôi đừng giở trò thâm thúy rởm nữa. Ở cái đất Hà Thành này thì sống cạnh nách còn chẳng biết nhau, nữa là người giữa đường còn mang ra mà đố

ANH NHẠC BƯỚM:    Ấy chết. Danh ca đấy bố ạ

                                          (Phước giật mình)

                                          Cô bé vừa mới ở trường âm nhạc ra mà đã đánh bạt các bà chị đấy

ANH BÁN LƯỢC:         Đích thị Thu Hà đấy phải không? Ừ …Có thể thật. Chính mình cũng cảm thấy ngờ ngợ

                                          (Với anh nhạc bướm)

                                          Đằng ấy đểu…Biết rõ thế mà chẳng máy mình

ANH NHẠC BƯỚM:    Các cậu phải tinh ý chứ. Mình rao bán nhạc, nhưng khi nhận ra mình chẳng khẽ cúi chào một cách rất tài tử là gì, chào xong là mình chuồn thẳng….gặp người cùng giới nó phiền ra

ANH BÁN LƯỢC:         Người ta là danh ca, mày là thằng bán nhạc mà đã lo là cùng giới…Thế cái tay tặng hoa chắc cũng là cùng giới với cậu

ANH NHẠC BƯỚM:    Xã hội phân công chứ

                                          (Cả đám cùng cười) Dẫu sao thì mình cũng hơi ghen

PHƯỚC:                          (nãy giờ anh ngồi nghe, rất khổ tâm và tới mức không chịu nổi phải quát lên) Thôi đi!

                                          (cả đám im bặt, anh nhạc bướm nói thầm vào tai anh bán lược) Sao anh ấy lại nổi khùng lên nhỉ?

                                          (Nhâm ra nhìn thấy Phước, cô ngạc nhiên)

NHÂM:                            (khẽ gọi) Anh Phước!

                                          (Phước nhìn lên, yên lặng, Anh không giấu nổi nỗi bực bội) Thu Hà vừa mới ra xe…Có khi anh đến còn kịp

PHƯỚC:                          (lắc đầu) Đằng nào cũng lỡ rồi

NHÂM:                            Thu Hà về thăm anh, ngày mai đoàn của cô ấy vào phục vụ chiến trường

PHƯỚC:                          Cô ấy đến thăm tôi à?

                                          (Những người bán hàng vẫn lảng vảng nghe trộm)

ANH NHẠC BƯỚM:    Thế ra cái anh ban nãy

ANH BÁN LƯỢC:         Thì mình đã nói là có chuyện đi ngang về tắt mà lại

                                          (Phước thấy xì xào nhìn về phía họ)

ANH NHẠC BƯỚM:    (bảo anh bán lược) Té thôi…không có bỏ mẹ (họ bỏ đi)

NHÂM:                            Cô ấy vẫn đến thăm luôn đấy. Cô ấy không hề biết hôm nay anh về…

PHƯỚC:                          Càng tốt

NHÂM:                            Anh khó hiểu thế

PHƯỚC:                          Tôi hay Nhâm?

NHÂM:                            Em thì có gì là khó hiểu

PHƯỚC:                          Nhâm đương nói dối

NHÂM:                            Chẳng phải là cô ấy đến thăm anh là gì. Cô ấy đứng ngoài nhìn vào căn phòng anh…Và chắc anh hiểu điều ấy cũng chẳng làm em sung sướng đâu. Nhưng rồi thực sự em thấy thương cô ấy. Em thấy cô ấy yêu anh, rất là yêu là đằng khác, và em đã ân hận vì mình lạnh nhạt

PHƯỚC:                          Thôi đi. Nhâm cho nói dối tôi như vậy là cao thượng ư? Nhâm có nói tốt hơn sự thật thì cũng không thể làm cho cô ấy tốt hơn được kia mà

NHÂM:                            Em chỉ nói sự thật thôi

PHƯỚC:                          Thế không phải có người đã mang đóa hoa đón cô ấy đấy ư?

NHÂM:                            (lúng túng) Ai nói với anh?

PHƯỚC:                          Tôi có muốn nghe đâu, đây là chuyện tình cờ. Người ta nói về một người nổi tiếng.

NHÂM:                            (yên lặng và hiểu ra) Tôi cũng đang nghĩ về chuyện ấy. Tôi định níu theo xe đấy…Tôi cũng có lỗi

PHƯỚC:                          Nhâm vẫn thấy mình chưa đủ cao thượng à

NHÂM:                            Anh đừng chế giễu tôi…mà lỗi tại anh nữa

PHƯỚC:                          (ngước mắt nhìn) Tại tôi à?

NHÂM:                            Tại sao anh không hề có lá thư nào cho người ta. Hay anh tự cho mình sinh ra để cho mọi người theo đuổi. Chiều nay trước khi đi cô ấy đến hỏi tôi địa chỉ của anh. Tôi chế giễu cô ấy nhưng rồi tôi lại thấy xót xa thay cho cô ấy. Nhưng khi ấy thì cái lão Cảnh đeo đẳng chạy theo chân cô ta, nói khôn khéo đến xảo quyệt…(yên lặng) Xe đạp đấy…Anh đến ngay chỗ cô ấy thì hơn

PHƯỚC:                          Làm gì chứ?

NHÂM:                            Làm gì à? Một cô gái Hà Nội giàu tình cảm mới vào đời khó lòng tránh khỏi (ngừng)

                                          Nếu thực sự anh yêu cô ấy.

                                          (Phước cầm xe đạp định đi. Một hồi còi báo động. Đạn phòng không đan đầy trời. Nhâm và Phước chạy vào hầm thì một tràng bom rùng đất. Phước chạy ra)

PHƯỚC:                          (nhìn đám lửa kêu lên) Nó đánh khu mình rồi.

                                          (Họ kéo tay nhau chạy lao về phía có ngọn lửa)          

MÀN

(Hết)

 

 

 

 

 

Share this page