Kịch: Ngôi nhà trong thành phố (phần 4)

Tác giả: Xuân Trình

***

NHÂM:                            Sống cạnh nhau từ nhỏ… Vậy mà em cũng chẳng biết hết anh ấy… Lắm lúc em cứ nghĩ, thôi kệ, mình cứ bận tâm tình hiểu làm gì nhỉ (ngừng). Nhưng chính lúc nghĩ thế, lại là lúc nghĩ đến anh ấy nhiều

THÔNG:                          Đúng…thường là thế

NHÂM:                            Bộ binh chắc là vất vả hơn phòng không phải không?

THÔNG:                          Tùy

NHÂM:                            Sức anh ấy cũng không khỏe lắm. Nhưng cũng may anh ấy có nghị lực

                                          (yên lặng)

                                          Anh ấy là người có nghị lực

                                          (còi xe)

THÔNG:                          (lúng túng) Thôi tôi phải đi

NHÂM:                            Anh có hứa sẽ đến chơi với chúng tôi luôn không?

THÔNG:                          Tôi rất muốn. (cúi chào) Chào chị

NHÂM:                            (gọi với) Anh Thông!…Nếu có gặp anh Phước …(ngừng lại) À thôi, anh ở phòng không

                                          (Thông bỏ đi)

                                          (Bà giáo lật đật ra)

BÀ GIÁO:                       (ngạc nhiên) Ơ hay…đâu rồi?

NHÂM:                            Anh ấy phải đi ngay, có xe đón

                                          (nghe tiếng xe, nhìn theo xe)

BÀ GIÁO:                       Cái thằng!

                                          (Quay lại nhìn Nhâm)

                                          Em thấy thằng Thông nó thế nào?

NHÂM:                            (hồn nhiên) Anh ấy tốt đấy chứ ạ…Trong số bạn bè anh Phước, anh ấy là người con mến

BÀ GIÁO:                       Nó chân thành lắm kia

NHÂM:                            Mà lịch sự chứ ạ…Nhưng gặp lần trước, anh ấy tự nhiên hơn nhiều…bữa cơm tiễn anh Phước, anh ấy cứ khen, suýt nữa con phát khóc vì ngượng.

BÀ GIÁO:                       Nó cũng vừa nhắc đến buổi hôm ấy, Nó bảo nó không thể quên được. Đến nỗi, mỗi lần có thức gì quý nó lại nghĩ bụng “giá vào bàn tay cô Nhâm thì phải biết”

NHÂM:                            Anh ấy có gia đình chưa bác?

BÀ GIÁO:                       Chưa, vẫn gọi đùa nó là lính phòng không

NHÂM:                            Ấy chết, vậy mà ban nãy cháu cũng gọi thế sợ anh ấy phật lòng

BÀ GIÁO:                       Nó chả để ý đâu

NHÂM:                            (đắn đo) Cháu có một cô bạn, năm nay thi tốt nghiệp sư phạm…Nó rất tốt bác ạ

BÀ GIÁO:                       Thông nó yêu cháu đấy

NHÂM:                            (bàng hoàng lắc đầu) Không..cháu không hợp đâu…Cháu không hợp với anh ấy đâu. Rồi các anh sẽ khinh thường cháu. Cháu đã quyết định rồi, cháu sẽ sống như thế này thôi, cháu sống với các em cháu, với ba cháu, với bác

                                          (Gục vào vai bà Giáo khóc, bà Giáo vuốt mái tóc Nhâm để trai vai mình)

BÀ GIÁO:                       Khi nói điều ấy thì chính bác cũng đau lòng kia. Nhưng bác quý cháu Nhâm ạ

                                          (Nhâm càng nức nở nhiều hơn trên vai bà, thằng Chi Lăng chạy như bay vào)

CHI LĂNG:                     Bác Nguyễn về rồi …Bà ơi! Nguyễn đã về rồi.

                                          (Bác Nguyễn đầu đã bạc, khoác một cái ba lô khá nặng vào)

BÀ GIÁO:                       (niềm nở) Bác…Bác đi vắng ít hôm mà cháu nó cứ thắc thỏm mong mãi

BÁC NGUYỄN:             Tôi mới ở khu Bốn ra

NHÂM:                            Bác để tạm cái ba lô xuống đây

                                          (Bà giáo quạt mấy cái rồi đưa chiếc quạt cho bác Nguyễn)

BÁC NGUYỄN:             Cảm ơn bà

BÀ GIÁO:                       (với Chi Lăng) Con gặp bác ở đâu?

BÁC NGUYỄN:             Thấy đương chơi một mình với cái cột điện. Hỏi thăm cháu bảo cháu sắp đi sơ tán

BÀ GIÁO:                       Vâng…tôi cho cháu tránh đi…Ngôi nhà ta mai sơn bác ạ

BÁC NGUYỄN:             Biết tin, tôi vội về để nhìn lại căn nhà một lần…

                                          (Nhìn căn nhà)

                                          Nhâm…xí nghiệp cháu sơ tán đi đâu?

NHÂM:                            Cháu ở lại

BÁC NGUYỄN:             Vậy thì tôi vẫn còn hàng xóm

BÀ GIÁO:                       Ấy chết…bác không đi?

BÁC NGUYỄN:             Tôi đang viết về thành phố, về ngôi nhà của chúng ta đấy

BÀ GIÁO:                       Ngồi đâu chả viết được ạ

BÁC NGUYỄN:             Đấy…Nếu tôi không về kịp thì cả cái không khí giã từ cuối cùng này tôi cũng không có nữa. Người ta cũng có thể tưởng tượng được đấy, nhưng tưởng tượng thì mới chỉ là mình nghĩ thôi

BÀ GIÁO:                       Nhưng sợ nó đánh dữ dội quá

BÁC NGUYỄN:             Hồi toàn quốc kháng chiến, suýt nữa tôi cũng bị bỏ lại ở thành phố, song trung đoàn Thủ đô phải cho một tiểu đội vào đón

BÀ GIÁO:                       Bác ăn ở đâu?

BÁC NGUYỄN:             Tôi vẫn tự lo lấy

CHI LĂNG:                     Quầy thức ăn chín đã đi về chỗ vườn hoa Hàng Đậu rồi bác ạ

BÁC NGUYỄN:             Rồi bác tự tìm được thôi

CHI LĂNG:                     9h, bác nhớ đấy, xích lô chở thức ăn chín họ đưa hàng về. Họ thường qua lối này

BÁC NGUYỄN:             Bác nhớ rồi

BÀ GIÁO:                       Sáng rồi, tôi cho cháu đi bác ạ, còn phải qua đò giang

NHÂM:                            Đợi cháu

BÀ GIÁO:                       Ở nhà thôi, cô còn đi làm, tôi không cho cô đi đâu

                                          (Bà giáo dắt xe ra, thằng Chi Lăng tay bám đằng sau, nhưng vẫn nhìn bác nhà văn)

BÁC NGUYỄN:             Đi Chi Lăng nhé. Học khá vào đấy. Chú ý văn phạm. Bạn nhà văn mà viết sai văn phạm thì không nên tý nào

                                          (ngừng) Còn những chuyện về khu Bốn, bác sẽ gửi sách cho cháu

                                          (Bà giáo An đưa cháu đi khuất. Bác Nguyễn vẫy tay theo. Bỗng nhiên thấy Chi Lăng trở lại)

CHI LĂNG:                     Cháu đã để sẵn cục gạch xếp hàng cho bác rồi. Cái viên gạch hoa vỡ là của nhà mình đấy

BÁC NGUYỄN:             Ờ..ờ…bác nhớ!

                                          (Chi Lăng chạy đi. Bác Nguyễn đứng lại bần thần, lấy sổ tay ra ghi, rồi bỗng bác rút mùi soa ra lau nước mắt)

 

HẾT CẢNH

***

CẢNH BA

 

Vẫn cảnh cũ, buổi chiều. Trên tấm kính cửa phòng Phước đóng kín có viết mấy hàng chữ bằng phấn trắng: “Mợ đưa Chi Lăng về quê, ở nhà nhà chú Nhân. Nếu con đi xa thì điện ngay cho mợ lên thăm”

Màn mở, bác Điềm tay đeo băng đỏ bảo vệ, đứng gọi to ra ngoài

 

BÁC ĐIỀM:                    Mời các đồng chí sang bên này

                                          (Những người thợ quét vôi sang)

NGƯỜI THỨ NHẤT:    Tiếc quá. Tháng trước tôi mới quét vôi căn nhà này

BÁC ĐIỀM:                    Thế nào là “Thà hy sinh tất cả…” Trên đã dạy là khu phố chúng tôi cứ chấp hành đúng

NGƯỜI THỨ HAI:        Bắt đầu từ đâu đây?

BÁC ĐIỀM:                    Tùy. Nhưng cứ nên quét từ trên xuống

                                          (Cảnh chạy ra)

CẢNH:                             Khoan! Tại sao lại không quét từ dưới lên?

BÁC ĐIỀM:                    Đằng nào chả thế. Ngày hôm nay là xong hết thôi

CẢNH:                             Đồ đạc tôi đã gửi gắm được mấy tý đâu

BÁC ĐIỀM:                    Thì anh cứ tiến hành

CẢNH:                             Dẫu sao thì cũng cứ nên để cho mọi người xếp xong đã rồi quét mới phải. Đừng sợ thằng Mỹ nó không biết cách đánh nhằm vào đây

NGƯỜI THỨ NHẤT:    Hay chúng ôi quét nhà bên cạnh vậy

BÁC ĐIỀM:                    Ấy chớ

NGƯỜI THỨ HAI:        Nhưng đã nhất trí đâu nào

BÁC ĐIỀM:                    Có gì mà chưa nhất trí đâu (lúng túng). Quyết tâm thư chúng tôi gửi lên thành rồi

                                          (Đến hội ý riêng với Cảnh)

                                          Mình đang phấn đấu khu nhà năm tốt, chớ để anh em người ta đánh giá, làm giảm cái quyết tâm của ngôi nhà mình

                                          (Cảnh làm thinh không nói, với những người quét vôi nhà)

                                          Nhất trí rồi đấy. Hai anh xơi điếu thuốc đi rồi ta tiến hành

                                          (Xốc hộp thuốc ra)

NGƯỜI THỨ NHẤT:    (định cầm điếu thuốc, bỗng rụt lại)

                                          Loại này tôi chịu.

                                          (Xách xô đi lên gác, tất cả đi theo, Thu Hà đến. Thấy căn nhà đóng cửa im lìm, cô sững lại, vẻ thất vọng. Cô đến bên cửa, ngập ngừng rồi đưa tay bấm chuông, đứng đợi rồi bấm liên hồi. Nghe thấy tiếng chân người, Thu Hà lấy chiếc lược charisongs, chuốt lại tóc, hy vọng đứng đợi. Cửa mở, Nhâm ra)

NHÂM:                            Chị hỏi ai?

                                          (Thu Hà quay lại)

                                          À…xin lỗi..

THU HÀ:                         Bác có nhà không ạ?

NHÂM:                            Nhà đi sơ tán cả

THU HÀ:                         Bao giờ về chị có biết không?

NHÂM:                            Tôi không rõ…vào chơi

THU HÀ:                         (ngập ngừng) Thôi

NHÂM:                            Chị có nhắn gì không ạ?

THU HÀ:                         Không (bỏ đi)

                                          (Nhâm định khép cửa, Hà quay lại)

                                          À…Chị có địa chỉ của anh Phước không?

NHÂM:                            (lắc đầu) Tôi tưởng anh ấy phải viết thư cho chị chứ

THU HÀ:                         (gật đầu) Cảm ơn!

                                          (Nhâm khép cửa lại, Hà đứng lặng, vẻ ngập ngừng. Cô đến trước phòng Phước, nhìn vào trong. Thấy hàng chữ ghi, cô lẩm nhẩm đọc). “Mợ đưa cháu về quê, ở nhà chú Nhân. Nếu con đi xa thì điện ngay để mợ lên thăm”.

                                          (Tiếng lòng)

                                          Em cũng sắp đi xa rồi. Nhưng em chẳng còn ai để mà từ biệt. Mẹ thì mất sớm, bố đương ở chiến trường. Hôm nay trước khi đi, chúng nó được về thăm cả nhà, em thì chẳng biết đi đâu. Em đến đây từ biệt căn nhà của anh

                                          (Thu Hà lấy tay vẽ lên nền tấm kính bụi phủ):

                                          Từ biệt căn phòng của chúng ta

                                          (Viết xong Thu Hà xóa ngay vì ngượng)

                                          Thu Hà cúi đầu bỏ về

                                          Có tiếng gọi “Thu Hà”. Cô dừng lại bàng hoàng, nhìn quanh không biết ai gọi mình, thì Cảnh xuất hiện)

THU HÀ                          À…Tôi còn đương bàng hoàng không biết ai gọi tên mình. Anh không đi sơ tán?

CẢNH                              Tôi ở lại…sống chết với Thủ đô mà (tủm tỉm cười) Theo cách nói của ông Điềm.

                                          (ngừng)

                                          Hình như chị sắp vào tuyến lửa?

THU HÀ                          (ngạc nhiên) Anh biết à?

CẢNH                              Tại sao chị ngạc nhiên. Hôm nay chị đến đây, thì ngày mai giới hâm mộ chị đã biết tin.

THU HÀ                          Anh không định chế giễu tôi đấy chứ…Tôi…một sinh viên mới ra trường, còn ăn lương tập sự.

CẢNH                              Tôi không tin chị nghĩ thực như thế   . Roobectino chẳng hạn. Chú bé chưa hề là sinh viên một trường âm nhạc, vậy mà cả thế giới biết tên…

THU HÀ                          Đấy là thiên tài.

CẢNH                              Tuyệt thật. Trước khi nổi tiếng cậu ta cũng chẳng nghĩ mình là thiên tài.

                                          (nhìn Thu Hà mỉm cười)

                                          Chắc chị còn nhớ buổi tổng duyệt của đoàn chị chuẩn bị lên đường hỏa tuyến chứ.

THU HÀ                          Anh cũng tới dự?

CẢNH                              Đúng ra thì tôi không được vinh hạnh ấy.

THU HÀ                          Vì là buổi tổng duyệt thôi

CẢNH                              Nhưng chị Thu Hà có biết tôi đã làm cách nào để vào được nhà hát không?

THU HÀ                          Tôi thì nghĩ cũng đơn giản thôi

CẢNH                              Đúng…Nếu là đối với chị, nhưng tôi thì tôi đã phải phóng xe máy đi năm chục cây, đèo một cậu bạn cũng là tay có thế lực trong giới các chị về, anh ta mới xoay nổi cho tôi một cái vé hạng bét, ngồi ở trong góc chuồng gà ấy.

THU HÀ                          Anh nói mới thảm hại chứ.

CẢNH                              Như thế đối với tôi đã là hạnh phúc lắm.

THU HÀ                          Anh yêu âm nhạc đến thế?

CẢNH                              Chị lại châm vào cái điều cay cú của tôi rồi. Hồi còn học phổ thông, tôi đã có lúc nổi điên lên xin vào học âm nhạc. Nhưng một nghệ sĩ dương cầm lấy tay tôi xem qua mà bảo “Anh đi mà học thợ nguội thì hơn”

THU HÀ                          Vậy mà tôi lại có cảm tưởng là anh khá am hiểu đấy

CẢNH                              Có khi tôi lại khốn khổ về những điều khích lệ như thế. Tôi thì vẫn nghĩ là bà giáo đã cho tôi những lời khuyên chân thành. Tuy nhiên tôi không bỏ sự ham thích.

                                          Hồi học ở nước ngoài, có bao nhiêu tiền tôi đều mua đĩa hát. Một chiếc đĩa hát người      ta có thể mua được hai cái quạt máy. Nghe âm nhạc tôi cứ như những bà cô ngồi đồng, thấy như mình được đến với một thế giới hoàn toàn khác lạ. Cuộc đời như vừa bị đập ra và nặn lại theo điều mình mơ ước. Tôi yêu Soopanh. Với Sôpanh, thì con người được chắp cánh mà bay lên. Đã có người bình luận rằng với một khúc thức của Mozza có thể pha loãng ra thành một giao hưởng của một nhạc sĩ hạng trung. Beethoven thì tuyệt vời rồi, bản “Xanhphôni patxtôran” của ông là một bức tranh toàn bích.

THU HÀ                          Thật ra thì bản thân tôi nghe cũng chưa cảm thụ được và rung  cảm hết với cái hay của những bản nhạc vĩ đại ấy.

CẢNH                              Vậy thì chúng tôi chịu cái tiếng là mù âm nhạc cũng chẳng đáng tự xỉ. Phải không?

                                          Đúng ra thì tôi không nên bộc bạch quá lộ liễu, vì như thế có thể sẽ làm chị khó chịu. Nhưng khán giả hôm ấy sẽ làm chứng cho tôi. Chị có nhớ hôm ấy khán giả vỗ tay đòi chị ra chào bao nhiêu lần sau khi chị hát xong bài dân ca “Người ơi, người ở đừng về”

THU HÀ                          Tôi thường phải tập trung vào việc thể hiện hơn là đếm số lần khán giả hoan nghênh.

CẢNH                              Nhưng người xem chúng tôi thì đếm. Tôi đếm rất rõ ràng năm lần, có phải đúng thế không? Và nếu không có những người sợ chị mất nhiều sức thì tôi chắc khán giả còn yêu cầu nữa.

                                          Khán giả hôm ấy thì phải nói là tuyển lựa. Tôi thì tôi bàng hoàng về chất giọng, giọng Xooprano đâu phải là hiếm, nhưng cái chất giọng của chị thì thật là riêng biệt. Chính vì thế mà chị đã mang cái mới vào cho dân ca. Tôi không dám nói xấu những người hát trước chị. Họ làm cho tôi chán cả dân ca. Nó quê mùa làm sao. Nghe họ hát, tôi cứ như nhìn thấy cả những chùm tóc đuôi gà và búi tóc củ hành ở trước mặt mình..Tôi phải cảm ơn chị vì chị đã làm cho tôi yêu lại dân ca…

THU HÀ                          (lúng túng) Anh khích lệ tôi quá.

CẢNH                              Chị hãy nhìn tôi xem, tôi có phải là một kẻ tán tụng dối trá không?

THU HÀ                          Thầy dạy thanh nhạc của tôi cũng đã có nhận xét tương tự như anh. Nhưng thầy chỉ bảo là ở tôi mới chỉ là một cái mầm, giọng tôi có cái trong sáng nhưng thiếu chất chắc khỏe, nên sẽ khó khăn khi đi vào thể hiện những tình cảm mới.

CẢNH                              Điều ấy thì dễ hiểu. Vì những người trong nghề chịu buông một nhận xét như thế đã là cố gắng quá sức của họ.

THU HÀ                          Có khi tôi thành kiêu ngạo vì những nhận xét của anh đấy.

CẢNH                              Chị đã nói được như thế thì tôi cũng tin chuyện ấy chẳng bao giờ xảy đến cả.

THU HÀ                          Ngày mai tôi lên đường vào tuyến lửa. Lần này chúng tôi phải đứng trước những khán giả hết sức đáng kính trọng. Những người đang chiến đấu.

CẢNH                              Nhưng không phải người nào đã chiến đấu cũng đều hiểu được nghệ thuật đâu. Tôi yêu cầu chị phải giữ giọng. Đó là tài sản quốc gia đấy, chị Thu Hà ạ. Mà tất nhiên không phải ai cũng biết điều đó.

THU HÀ                          (cảm động) Cảm ơn (yên lặng). Mấy giờ rồi anh nhỉ?

CẢNH                              Chị cũng không đeo đồng hồ nữa…(lắc đầu). Tôi chịu các nghệ sĩ.

THU HÀ                          (ngượng ngùng) Tôi bỏ quên…lúc đi vội cũng không kịp đeo (Thu Hà ngượng vì nói dối)

CẢNH                              Sáu giờ kém mười lăm rồi. Mùa hè trời sáng thế mà rồi tối nó ập đến lúc nào không hay.

THU HÀ                          Đêm nay tôi phải có mặt ở chỗ tập trung trên sơ tán.

CẢNH                              Ô tô đến đón chị chứ?

THU HÀ                          Không..tôi đi một mình

CẢNH                              Chị nghệ sĩ quá đấy (ngừng)

                                          Chị cho phép tôi đưa đưa chị đi.

THU HÀ                          (lắc đầu) Không nên

CẢNH                              Hay chị cho phép tôi nhờ một bạn gái giúp chị

THU HÀ                          Tôi không nghĩ như vậy.

CẢNH                              Chỉ vì tôi không thể nào yên tâm được.

THU HÀ                          Sợ phiền anh.

CẢNH                              (cười) Chỉ có thế thôi ư? (cười một cách tế nhị) Phiền chị chờ tôi một chút.

THU HÀ                          Không sao.

                                          (Bác Điềm ra , nhìn hai người, bỗng gọi Cảnh)

BÁC ĐIỂM                     Anh Cảnh ở nhà cho các đồng chí ấy quét vôi căn buồng của anh

CẢNH                              Vậy thì cần gì đến tôi       

BÁC ĐIỀM                     Anh phải mở cửa người ta mới ra hàng hiên được.

 

(Còn nữa)

 

 

 

 

Share this page