Kịch: Ngôi nhà trong thành phố (phần 3)

Tác giả: Xuân Trình

***

BÀ GIÁO:                         Con không ý tứ chút nào…mấy lần mợ phải khép cửa lại đấy

PHƯỚC:                            Anh ta nghe thấy thì cũng chẳng sao

BÀ GIÁO:                         Nhưng anh ấy có gì đáng để cho con gay gắt thế? Các con cãi nhau mợ có nghe cả đấy

PHƯỚC:                            Mợ cũng nghĩ như Thu Hà

BÀ GIÁO:                         Không hẳn thế…Nhưng thôi, ngồi với mợ một lát…con sắp đi rồi. Còn dặn gì mợ không?

PHƯỚC:                            Mợ sẽ vất vả hơn nhiều, nhưng chính là vì chúng con

BÀ GIÁO:                         Mợ hiểu

PHƯỚC:                            Mợ trông nom Thu Hà cho con

BÀ GIÁO:                         Mợ sẽ làm (Ngừng) Nhưng mợ không tin!

PHƯỚC:                            Sao?

BÀ GIÁO:                         Mợ không tin cô ấy chờ đợi con

PHƯỚC:                            (lắc đầu) Con tin mợ ạ…con tin.Vì con rất yêu cô ấy, Song con cũng tin vì cuộc chiến tranh này là của mọi người

                                           (Yên lặng, rồi cầm lấy ba lô)

                                           Đến giờ con đi rồi mợ ạ

BÀ GIÁO:                         (Luống cuống chạy đi chạy lại) Mợ không còn nhớ được là đã chuẩn bị cho con được những thứ gì (bối rối). Lại còn thằng Chi Lăng nữa, để mợ gọi cháu về đã chứ

                                           (Gọi ra ngoài)

                                           Chi Lăng!…Ơi Chi Lăng

 

HẾT CẢNH

***

CẢNH HAI

 

Trong khu sân nhỏ, mặt trước của ngôi nhà. Mùa hè oi bức. Giặc Mỹ đã đánh vào trung tâm thành phố. Trận đánh ban chiều còn để lại một nỗi lo lắng trên vẻ mặt những người trong ngôi nhà. Khuya lắm mà trên những khuôn cửa sổ những gia đình vẫn còn sáng đèn.

Chiếc phản tấm kê ở hàng hiên, thằng bé Lăng nằm ngủ ngay tại đó để tiện chạy ra hầm. Bà giáo thì loay hoay chằng buộc chiếc xe đạp, bao nhiêu là thứ lỉnh kỉnh: Nào mỡ xước, xì dầu, mỳ sợi, áo quần, lại cả thau, nồi, phích nước nữa.

Chiếc loa ọ ẹ rồi phát kêu thành tiếng: “Đồng bào chú ý…Đồng báo chú ý, hướng Đông Nam cách thành phố sáu mươi cây số đang có may bay địch hoạt động. Các lực lượng võ trang sẵn sàng chiến đấu”.

Tiếng chân người chạy sầm sầm ở trên cầu thang xuống.

 

BÀ GIÁO:                       (chạy lại thức cháu) Chi Lăng…dậy..ra hầm mau (thằng bé bị dựng dậy nhưng vẫn ngái ngủ, lại lả người xoài ra phản. Bà giáo nhìn cháu ái ngại). Khổ! …(Cảnh tay cầm chiếc đài bán dẫn, chạy xuống).

CẢNH:                             (vẻ mệt mỏi) Căng thẳng…nó không để yên cho mình lúc nào.

BÀ GIÁO:                       (Nhìn lên tầng gác) Trên anh Cảnh vẫn để đèn kìa!…

CẢNH:                             (Định chạy lên nhưng ngần ngại) Báo động người ta sẽ cắt toàn thành phố.

TIẾNG LOA:                  Hướng Đông Nam cách Hà Nội 40 cây số vẫn có máy bay địch hoạt động

BÀ GIÁO:                       (Ngước nhìn lên ngọn đèn) Chết kìa!…

                                          (Tiếng bom rung)

                                          (Cảnh chạy ra hầm trước. Bà giáo kéo cháu chạy theo. Bác Điềm ra sau cùng, nhìn lên thấy đèn trên gác, thét gọi)

BÁC ĐIỀM:                    Nhà anh Cảnh tắt đèn đi

                                          (Không thấy tiếng trả lời. Bác chạy trở lại lên thang gác, một lát sau ngọn đèn tắt phụt)

TIẾNG LOA:                  Máy bay địch đã bay xa

                                          (Bà giáo kéo cháu vào- Bác Điềm từ trên nhà xuống)

BÀ GIÁO:                       Một lần chạy nữa là vừa sáng

BÁC ĐIỀM:                    Phòng không thành phố họ gọi đích danh số nhà mình yêu cầu tắt đèn đấy

BÀ GIÁO:                       (chép miệng) Đã nói mãi đấy

                                          (Ngừng)

                                          Chiều nay nó đánh vào thêm những đâu?

BÁC ĐIỀM:                    Phố Huế…Bắn cả tên lửa vào phố Trần Quốc Toản

BÀ GIÁO:                       Người thế nào?

BÁC ĐIỀM:                    Cái này thuộc phạm vi nguyên tắc…địch nó nắm được không có lợi

                                          (Cảnh đến lúc nào, anh ta chêm vào)

CẢNH:                             Ngót một trăm người, cả bị thương, cả chết

BÁC ĐIỀM:                    Ai phổ biến cho anh?

CẢNH:                             Đài

BÁC ĐIỀM:                    Đài địch hả?

CẢNH:                             Đài mình…bản tin chiều mới tố cáo chứ đâu

BÁC ĐIỀM:                    Trên mới phổ biến đài địch là tuyệt đối…

CẢNH:                             Rõ (Định bỏ đi)

BÁC ĐIỀM:                    Hãy khoan (Cảnh dừng lắng nghe) Số nhà 27 ta là phải đặc biệt chú ý vấn đề đèn đóm. Cái này thuộc phạm vi phòng gian bảo mật. Mình để đèn tức là mình tạo điều kiện cho địch nó nom rõ mình…mà như thế là không có lợi.

CẢNH:                             Tôi hiểu rồi

BÁC ĐIỀM:                    Hiểu thì phải chấp hành chứ, cứ có báo động là y như ban bảo vệ lại phải chạy lên tắt đèn.

                                          (Cảnh định đi)

                                          Anh đứng lại nghe tôi phổ biến tiếp đã

CẢNH:                             (quay ngoắt lại) Tôi yêu cầu ông phải lịch sự. Người Hà Nội tôi xưa nay vốn lịch sự

BÁC ĐIỀM:                    Được…Tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm …Nhưng anh thì nếp sống văn minh phải chấp hành đúng. Cái lối ở đâu, thanh niên thời đại mới mà lại ngủ đến 9h sáng. Mà cơ quan nào được phép 9h mới làm việc hả.

CẢNH:                             Sao ông lại có quyền hỏi đến công việc của tôi. Tôi làm việc trí óc, ông hiểu chưa?

BÁC ĐIỀM:                    Trí óc dậy sớm càng minh mẫn

CẢNH:                             Vô lối

BÁC ĐIỀM:                    Thấy lợi thì tôi cứ có quyền xây dựng. Còn tiếp thu hay không là quyền người nghe

CẢNH:                             Tốt hơn là ông nên để cho tôi yên…Ông sống thế nào tùy ông…miễn là đừng đụng đến tôi…có vậy thôi

                                          (Bỏ đi thẳng)

BÀ GIÁO:                       Cũng góp ý thế thôi, bác ạ. Bác cũng cho tôi nói tình thực nhé. Người Hà Nội xưa nay ưa mềm mỏng. Cái gì không đừng được thì mới phải nói thôi. Với lại người ta hiểu biết: Kỹ sư đấy!

BÁC ĐIỀM:                    Phải xây dựng cho nhau thì mới tiến được chứ.

                                          (Định bỏ đi..quay lại)

                                          Hôm nay bà cho cháu đi chứ

BÀ GIÁO:                       (chỉ chiếc xe đạp) Bác xem kia kìa…loay hoay mãi mà chẳng xong

BÁC ĐIỀM:                    (chạy lại, nắm chiếc yên xe đạp lắc thử) Có mà rơi hết tiệt. Sao bà không gọi tôi?

BÀ GIÁO:                       Có thấy bác rỗi lúc nào

BÁC ĐIỀM:                    Làm gì có rỗi. Nhưng đối với gia đình có con em đi bộ đội, khối phố phải có trách nhiệm (dỡ tung ra, buộc lại)

                                          Bà cho cháu đi sớm nhá. Trên vừa nhận định, rồi nó sẽ đánh khu vực nhà máy điện ta. Hắn còn thấy Hà Nội có ánh sáng là hắn tức hộc tiết. Cả nhà máy, công nhân chúng tôi vừa gửi quyết tâm lên thành xong: “Thà hy sinh đến giọt máu cuối cùng chứ không chịu để thành phố mất ánh sáng”

                                          (Tiếng xe xích đi qua rầm rầm vọng vào, Bác Điềm dừng tay ngóng ra ngoài)

                                          Đại cao đương vận động đấy. Có định cho thằng cháu đi thì sơm sớm. Hôm nay rồi đánh nhau to.

BÀ GIÁO:                       (Đến đánh thức cháu) Chi Lăng ơi!…Dậy, tỉnh ngủ rồi đi cháu

                                          (Chi Lăng ngồi dậy, mắt vẫn nhắm)

BÁC ĐIỀM:                    Nó cao hơn bà rồi…còn nũng

CHI LĂNG:                     Cháu buồn ngủ lắm

BÀ GIÁO:                       Tỉnh ngủ rồi bà cho bát mỳ ăn. Lên sơ tán tha hồ ngủ cháu ạ    

                                          (Bà giáo mang nắm mỳ vào nhà. Thông xộc vào, anh đội mũ sắt)

THÔNG:                          Chi Lăng!

CHI LĂNG:                     (Bây giờ mới choàng tỉnh dậy, nhận ra Thông, nó bật reo lên) Chú Thông! (rồi chạy vội vào nhà) Bà ơi! Chú Thông về

BÀ GIÁO:                       Thằng chó! Anh em chúng bay đi là cứ biền biệt. Tao tưởng quên chúng tao rồi

THÔNG:                          Bác ơi! Nhớ muốn khóc ấy chứ. Hôm nay đứng ở sân bay nhìn về Hà Nội, con cứ mắng mình: sao cái thằng Thông này mày lại làm xây dựng, sao không làm phi công mà bay sả về

                                          Từ xa chiếu ống nhòm theo dõi, thấy khói ở phía Bắc thành phố cao tưởng nhà máy điện mất rồi. Buổi tối đi trên đường về, lại thấy ánh sáng Hà Nội bật lên. Chúng con ngồi trên xe mà reo lên như điên. Như vậy là nhà máy không việc gì chứ bác.

BÀ GIÁO:                       (chỉ bác Điềm) Khi nó đánh, bác Điềm vẫn ở trong nhà máy đấy

THÔNG:                          (đi đến phía bác) Bác là công nhân ở nhà máy?

BÁC ĐIỀM:                    Nó đánh vào đống than cám nên khói bốc cao lên thế

THÔNG:                          Bộ đội chúng cháu vô cùng biết ơn bác

BÁC ĐIỀM:                    Cũng là khu phố che chở cho cả đấy. Các phố quanh cận bây giờ đều sơn đen cho giống màu nhà máy cả

THÔNG:                          Bác bảo thế nào?

 BÁC ĐIỀM:                   Làm như thế cho mục tiêu rộng ra

THÔNG:                          Cháu hiểu rồi! Cháu hiểu rồi, ôi Hà Nội oai hùng quá

BÁC ĐIỀM:                    Mai là sơn đến ngôi nhà này

THÔNG:                          Dân tự nguyện chứ!

BÁC ĐIỀM:                    Tất nhiên rồi

THÔNG:                          (say sưa) Hà Nội muôn năm…Cháu tưởng đâu chỉ có trong Quảng Bình, Vĩnh Linh dân mới dám đập nhà ra mà lát đường thôi. Những người Hà Nội ở xa, biết tin này chắc sẽ khóc mất.

BÁC ĐIỀM:                    Thì công nhân chúng tôi khi được tin dân tự nguyện chia bom với mình cũng đã khóc rồi đấy

                                          (ngừng) Nhưng thôi…tôi cũng phải đến nhà máy đây, sáng rồi

                                          (Với bà giáo)

                                          Nên cho cháu đi sớm, tránh giờ cao điểm phòng không bà giáo ạ.

                                          (ngừng)

                                          Có gửi gắm được đi đâu chút gì thì gửi, khối phố mình trước sau cũng cầm bằng là tan

BÀ GIÁO:                       (ngẫm nghĩ) Bằng như máu thịt còn chả tiếc

                                          (ngừng, yên lặng) Coi như hiến cả…

                                          (Bác Điềm đi)

THÔNG:                          Phước có thư từ gì về chưa ạ?

BÀ GIÁO:                       Không có

THÔNG:                          Tính nó thế…Con được chuyển về xây dựng sân bay trong thành phố

BÀ GIÁO:                       Đảo qua thăm mợ chửa?

THÔNG:                          Sơ tán hết cả. Cái Ly viết thư cho cháu

BÀ GIÁO:                       Con bé dạo này ngoan. Một mình cai quản bốn đứa em mà đứa nào cũng sạch sẽ, văn phép

THÔNG:                          Mợ con có khỏe không?

BÀ GIÁO:                       May được cái không ốm. Bữa nào tranh thủ về mua mỳ, mua gạo lại ghé thăm và ngủ với bác. Cả đêm nói chuyện về các anh.

THÔNG:                          Con nhớ mợ con quá (ngừng)

                                          Thu Hà sao?…Cô danh ca ấy độ này hát trên đài nhiều lắm. Mỗi lần nghe cố ấy hát, con lại nhớ thằng Phước không chịu được

BÀ GIÁO:                       Con bé cũng đến đây luôn

THÔNG:                          Đi qua đường phố Hà Nội lúc này, con cứ muốn giữ chặt lấy tất cả kỷ niệm. Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Chả cá, ngõ Phất Lộc, phố Tràng Tiền. Mỗi khu nhà mang một dấu ấn một thời thượng. Hình như Sở Văn hóa đương tập trung họa sĩ ghi lại hoa văn kiến trúc của những đền đài cổ. Ghi mà giữ. Ôi! Đến cả mùi hoa sữa buổi tối mở cửa sổ ra thấy nôn nao cả người: Ấy vậy mà sau đây nếu Hà Nội chỉ còn một đống gạch vụn, mà thoáng gặp mùi hoa sữa thì con òa lên mà khóc mất

BÀ GIÁO:                       Thằng chó! Mày làm bác khóc rồi đây này

                                          (ngừng) Để rồi bác nấu cho cái gì mà ăn…đi đêm chắc đói rồi

THÔNG:                          Cháu phải đi ngay thôi

BÀ GIÁO:                       Sẵn rồi mà

                                          (Bưng cho Thông bát mỳ)

                                          Cứ ngồi đây mà ăn cho bác xem (nhìn Thông) Chúng tao phải thương nhớ chúng mày đến tận bao giờ.

THÔNG:                          Đừng có nhớ chúng con. Đi..chúng con có nhớ nhà bao giờ đâu. Với lại đi đâu có bạn đấy, việc gì mà nhớ (ngừng) Cô Nhâm còn ở đây hay đi sơ tán, bác?

BÀ GIÁO:                       Con bé ở lại trực chiến. Không có nó thì buồn chết

THÔNG:                          Bữa cơm hôm Phước đi…rồi không thể nào mà quên đi được đấy. Đến nỗi cứ nhìn thấy con cá ngon, miếng thịt tươi nào là lại nghĩ ngay: vào tay Nhâm thì phải biết.

BÀ GIÁO:                       Thế là nó bắt mất hồn cậu rồi

THÔNG:                          (lúng túng) Con…con công nhận thế…nhưng khốn khổ…Nhâm yêu thằng Phước lắm, yêu ghê gớm.

BÀ GIÁO:                       Nó cũng có cảm tình với con đấy chứ. Để mất con bé ấy thì bác tiếc lắm. Chọn được người con gái ngoan thì thời nào cũng khó lắm cháu ạ. Các cụ ngày xưa đi kiếm dâu vất vả lắm, thấy tiếng đồn ở đâu có con gái ngoan là phải theo chân về tận nhà bắt quen với người cùng phố để mà lân la, tìm hỏi, rồi lại đến cái cầu đánh tiếng chạm ngõ, theo sau tết, cưới hỏi. Nhanh ra cũng mấy năm trời, gặp phải nhà khó thì 2 năm, 3 năm…

                                          Đèn sáng..con bé dậy chuẩn bị đi làm rồi đấy, hay lên thăm nó một chút

THÔNG:                          Gia đình không đi sơ tán ạ?

BÀ GIÁO:                       Có hai bố con ở nhà thôi, Ông bố là thợ hàn, dễ tính lắm

THÔNG:                          (ngập ngừng) Con chịu thôi bác ạ

BÀ GIÁO:                       Ơ hay…Chỉ được cái bạo mồm

THÔNG:                          Nhưng chẳng nhẽ tự nhiên vác xác lên… ngượng chết

BÀ GIÁO:                       Rồi nó sẽ hiểu chứ…Với lại lần trước con bé chẳng mời cậu lên chơi là gì

THÔNG:                          Chắc đâu cô ấy còn nhớ

BÀ GIÁO:                       Chán cậu…chả bù với anh chàng bác sĩ đến đây tán tỉnh nó, bám như đỉa ấy.

THÔNG:                          Vậy ra đã có người

BÀ GIÁO:                       Nó sinh ra là để chờ cậu chắc

THÔNG:                          Thôi…lỡ người ra đã…

BÀ GIÁO:                       Ừ, vậy thì bác bảo nó nhận lời ông bác sĩ đi là phải

THÔNG:                          Bác (bối rối) .. Con không quên cô ấy được đâu

BÀ GIÁO:                       Bác tưởng anh lịch sự kia

                                          (ngừng) Nếu nó có tới nơi tới chốn rồi thì bác nào bảo anh đến

THÔNG:                          (mừng rỡ) Thật là chưa có gì chứ bác

BÀ GIÁO:                       Cứ lên đi

THÔNG:                          (nắn lại ve áo chỉnh tề) Cháu có nên đội mũ sắt không ạ?

BÀ GIÁO:                       Có bom đạn gì đâu, có chăng thì nên chải lại cái đầu đi một tý (đưa cho Thông chiếc lược)

THÔNG:                          (chải xong, ngượng ngùng ngồi thụp xuống)

                                          Eo ôi! Cháu chịu thôi

BÀ GIÁO:                       (cười lắc đầu) Tôi chán cậu lắm

                                          (ngừng) Thôi để tôi gọi con bé xuống dưới này vậy

THÔNG:                          Đừng bác ạ

BÀ GIÁO:                       Đừng là thế nào (gọi to) Chi Lăng

                                          (Tiếng Chi Lăng dạ từ trên tầng gác)

                                          Thằng bé lại lên trên bác Nguyễn…Bác ấy đi khu Bốn có mấy ngày mà thằng bé cứ ngơ ngác đợi

THÔNG:                          Bác nhà văn ấy ạ?

BÀ GIÁO:                       Bác ấy mến thằng Chi Lăng lắm, thỉnh thoảng lại gọi nó lên đọc truyện, rồi hỏi ý kiến nó như hỏi người lớn vậy

                                          (Chi Lăng xuống)

CHI LĂNG:                     Đi chưa hả bà?

BÀ GIÁO:                       Cháu lên mời cô Nhâm xuống chơi đã

THÔNG:                          (bối rối) Đừng…Chi Lăng

CHI LĂNG:                     Sao ạ?

BÀ GIÁO:                       Cứ đi đi…mời cô xuống bà hỏi

                                          (Chi Lăng chạy lên)

THÔNG:                          (lúng túng) Thôi..cháu về đây ạ (gãi đầu)

BÀ GIÁO:                       Lớn rồi, đừng có trẻ con

                                          (Nhâm vội vã xuống, đầu cô chưa kịp chải. Thông lúng túng quay đi)

NHÂM:                            (cảm động, gọi khẽ) Anh Phước!

THÔNG:                          (bối rối) Không…tôi

NHÂM:                            À, xin lỗi (ôm lấy mớ tóc) Cháu chả kịp chải nữa

BÀ GIÁO:                       Cái thằng Chi Lăng nói dối cô phải không?

CHI LĂNG:                     Cháu phải nói là có chú bộ đội về thôi chứ

BÀ GIÁO:                       Thông nó sốt ruột thấy Hà Nội bị đánh phá nó về thăm bác cháu mình

NHÂM:                            Em cũng sắp đi làm ca. Lúc Hà Nội bị đánh, anh ở tận đâu?

THÔNG:                          Xa…à cũng gần thôi..Vĩnh Phú

NHÂM:                            Xưởng em hy sinh mất 2 người

THÔNG:                          Nó đánh vào xưởng?

NHÂM:                            Không, 2 đồng chí ấy đi cứu sập. Nó vòng lại đánh đợt 2

BÀ GIÁO:                       Thông nó đợt này về xây dựng sân bay ngay trong thành phố. Phước đi vắng, có Thông ở gần đây cũng yên tâm

NHÂM:                            Thỉnh thoảng anh đến chơi nhé…Anh Phước đi vắng, có việc gì em chẳng biết chạy đến ai mà hỏi.

BÀ GIÁO:                       Tình hình có gì mới cậu phải đến thông báo ngay cho bác cháu tôi đấy

                                          (vào nhà, kéo cả Chi Lăng đi)

THÔNG:                          (lúng túng) Bác!

                                          (Nhâm không hiểu, ngơ ngác nhìn)

NHÂM:                            Anh Thông có ở gần chỗ anh Phước không?

THÔNG:                          Dạ…không…Phước bên bộ binh

NHÂM:                            Ừ nhỉ..Anh là phòng không…

                                          (ngừng) Hồi em cùng với bác lên thăm anh Phước, đến Hòa Bình thì phà bị đánh hỏng, xe không sang được. Hai bác cháu đi bộ, suốt một ngày giời, hỏi thăm đường mãi đến nơi thì anh ấy lại đi dã ngoại. Hai bác cháu ra về, vừa buồn, vừa mệt.

THÔNG:                          Tôi cũng mong thư nó…

NHÂM:                            Đến thư về nhà anh ấy cũng không hay viết

THÔNG:                          Tính nó thế

(còn nữa)

 

 

 

 

Share this page