Kịch ‘Bạch đàn liễu’ mang tính thời sự sau 50 năm

Quyền – chủ tịch xã – trong vở “Bạch đàn liễu” hứa giúp vợ chồng ông Lượng xác minh giấy tờ nếu họ cho hắn hai cây bạch đàn làm xà nhà.


Bạch đàn liễu được nhà biên kịch Xuân Trình viết năm 1972, Đoàn kịch Trung ương dàn dựng năm 1973. Vở chỉ xuất hiện trên sân khấu một lần, sau đó không được diễn vì vấn đề kiểm duyệt. Đạo diễn Trần Lực dựng lại vở để tri ân nhà viết kịch quá cố, với tinh thần và cách thể hiện đương đại. Tác phẩm công diễn tại rạp Đại Nam, phố Huế, Hà Nội tối 29/11.

Kịch lấy bối cảnh làng quê Bắc Bộ năm 1968, xoay quanh chuyện tình của Độ – Liễu (Quân Ly – Phương My đóng) bắt đầu từ cây bạch đàn và kết thúc khi gốc cây bị đốn ngã, qua đó gửi gắm thông điệp về thực trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, tham nhũng khiến người dân khổ sở.

 

Cảnh trong vở diễn “Bạch đàn liễu” do Trần Lực đạo diễn. Ảnh: Trần Hồng Thắng.

Tác phẩm mở đầu với hình ảnh đôi trẻ đứng tâm tình dưới gốc cây. Họ trò chuyện về hương hoa bạch đàn và trao nhau lời thề nguyền trước khi Độ lên đường nhập ngũ. Trong quân đội, Độ thể hiện tốt và có cơ hội được kết nạp Đảng. Tuy nhiên, việc xác minh lý lịch gặp nhiều vấn đề do Quyền – chủ tịch xã (Hoàng Tùng đóng) liên tục gây khó dễ. Quyền nghi ngờ ông bà Lượng (bố mẹ Độ) viết đơn tố cáo hắn tham nhũng gửi lên huyện – lá đơn thực chất do Liễu viết. Quyền sau đó khẳng định sẽ tìm cách xác minh giúp nếu ông Lượng (NSND Trung Anh) cho hắn hai cây bạch đàn làm xà nhà. Bà Lượng (Khuất Quỳnh Hoa) run rẩy cầu xin chồng không đốn cây, trong khi ông Lượng nén lòng giơ rìu chặt, rồi quỳ xuống trước gốc cây đổ bật khóc vì ân hận, bất lực. Chuyện tình của Độ – Liễu cũng vì thế mà chia cắt.

Tính thời sự của vở kịch trong vấn đề tham nhũng, lạm dụng chức quyền khiến khán giả thích thú. NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: “Vở diễn được viết cách đây 50 năm nhưng vẫn đầy ý nghĩa, nêu bật những vấn đề thời sự nóng của xã hội ngày nay khiến con người phải suy nghĩ”.

NSƯT, đạo diễn Trần Thế Cương khen Trần Lực dàn dựng sáng tạo, gọn nhẹ mà sâu lắng. “Không ồn ào, dài dòng nhưng vở kịch vẫn truyền tải được tinh thần và những điều tác giả muốn gửi gắm. Tính thời sự trong việc xây dựng Đảng, chính quyền phục vụ lợi ích nhân dân vẫn phù hợp với ngày nay”, ông nói.

Vở kịch ban đầu dài khoảng ba tiếng, được đạo diễn Trần Lực rút ngắn xuống 75 phút. Những câu chuyện mang tính sinh hoạt, mối quan hệ của nhân vật được cô đọng thông qua tự sự của nhân vật. “Kịch xoáy vào những vấn đề chính, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, người dân và chính quyền, tình yêu đôi lứa với tiết tấu nhanh để phù hợp khán giả hiện đại, nhưng vẫn giữ được tinh thần của tác giả”, Trần Lực nói. Đạo diễn còn lồng ghép những câu thoại mang đậm hơi thở đời sống hiện đại như “Nhà bao việc”, “Khó nhưng không phải là không có cách”, “Cán bộ chúng ta cứ sai đâu sửa đấy”… khiến khán giả cười rộ.

Dàn diễn viên giúp thể hiện tốt nội dung vở kịch. NSND Trung Anh và Khuất Quỳnh Hoa khắc họa thành công hình ảnh người nông dân lam lũ, thấp hèn trước quyền thế. Nghệ sĩ Hoàng Tùng vai ông Quyền – chủ tịch xã – được khen ngợi khi thể hiện hình ảnh cán bộ tham nhũng, lạm quyền. “Dáng đi tất tả, lúc vấp chân cũng khéo, thái độ hách dịch trước người dân, luồn cúi khi gặp cấp trên khiến tôi tưởng tượng được hình ảnh cán bộ sâu mọt làm khổ dân”, khán giả Đinh Hoàng (42 tuổi, Cầu Giấy) nhận xét. Ngọc Trâm, Quân Ly, Phương My diễn tròn vai.

Các nghệ sĩ (phía sau) chơi nhạc trực tiếp trên sân khấu. Ảnh: Trần Hồng Thắng.

Sân khấu thiết kế tối giản với hai cây bạch đàn và hai chiếc ghế. Các câu chuyện được kết nối với nhau bằng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng. Phần âm nhạc được thể hiện trực tiếp kết hợp thu sẵn. Nghệ sĩ ngồi phía sau các diễn viên, chơi một số nhạc cụ như đàn bầu, sáo… Tác phẩm kết thúc với bài hát do NSƯT Nguyễn Thanh Nam sáng tác và thể hiện nói về tình cha mẹ, sẵn sàng làm mọi thứ vì con – một thông điệp khác trong vở kịch. Những giai điệu “Cha mẹ ân cần/ Tương lai phía trước/ Đường đời còn xa/ Hỡi ai còn có mẹ cha/ Đừng để mẹ khóc cha buồn người ơi…” khiến hơn 400 khán giả xúc động và vỗ tay tán thưởng.

Xuân Trình (1936 – 1991), là nhà văn, nhà viết kịch, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Xuân Trình có nhiều tác phẩm gây tranh luận về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật như Chuyện những người du kích, Quê hương Việt Nam, Lập xuân, Hận thù từ đâu tới, Bạch đàn liễu… Trong chuỗi sự kiện tri ân ông, hội thảo khoa học quốc gia “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới” cũng được tổ chức sáng 30/11 tại rạp Đại Nam.

 

VnExpess

 

 

Share this page