Hội thảo về nhà viết kịch Xuân Trình: Khẳng định cống hiến của Xuân Trình đối với nền văn học nghệ thuật

Sáng 30/11/2019, tại Rạp Đại Nam – Nhà hát Chèo Hà Nội (89 phố Huế, Hà Nội), đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc gia “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”. Các nhà nghiên cứu đánh giá cao cống hiến của Xuân Trình đối với nền văn học nước nhà.


Toàn cảnh Hội thảo Khoa học Quốc gia về nhà viết kịch Xuân Trình. Ảnh: Thắng.

Kịch Xuân Trình mang tính “đột phá”

Trong phát biểu đề dẫn, Nhà báo – Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, đánh giá cao kịch Xuân Trình. Một lần nữa, Nguyễn Thế Khoa cho thấy tầm quan trọng và tính lâu bền của kịch Xuân Trình đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà, cũng như đối với đời sống của chúng ta hôm nay. Xuân Trình xứng đáng được vinh danh hơn nữa.

Nhà viết kịch Xuân Trình.

NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá: Xuân Trình là một trong những người đáng kể của bầu trời Sân khấu vào cuối những thập niên của thế kỷ XX. Xuân Trình có nhiều kịch bản có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng. Người mà được trong giới đánh giá là cánh chim đi đầu trong việc dự báo đời sống xã hội thông qua các tác phẩm: Mùa hè ở biển; Nửa ngày về chiều; Đợi đến mùa xuân; Bạch đàn liễu; Quê hương Việt Nam…

Xuân Trình sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng ông lại dấn thân vào con đường sáng tác văn học nghệ thuật, ông đã “bén duyên” sân khấu từ những năm 1960 với vở “Chuyện những người du kích” khi ông còn ngồi trên ghế trường Đại học. Xuân Trình thành công nhiều nhưng cũng gặp tai nạn nghề nghiệp nhiều. Ông bản lĩnh, kín đáo, sắc sảo, tác phẩm có tính dự báo, ngôn ngữ chắt lọc, hình tượng nhân vật sinh động, tư tưởng nghệ thuật đậm chất chính luận.

Nhà báo – Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.Ảnh Thắng.

Trong bài “Kịch Xuân Trình – Kịch “đối đầu về tư tưởng” của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nhắc lại những quan niệm của Xuân Trình về kịch. Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh đến tính “đột phá” của Xuân Trình khi ông “đối đầu về tư tưởng”, đây có thể được coi là sự dũng cảm và cách nhìn thời cuộc thẳng thắn của Xuân Trình.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ảnh Vũ Gia Hà.

Phạm Xuân Nguyên cũng đánh giá lại “thuyết không xung đột” trong văn học nghệ thuật từ Liên Xô “đổ bộ” vào nước ta thời Xuân Trình. Đó là thuyết “gây tác hại lớn cho văn học nghệ thuật ở các nước xã hội chủ nghĩa một thời gian dài và khi thuyết đó vào Việt Nam, cho đến khi Xuân Trình viết bài “Nâng cao chất lượng văn học của kịch chống Mỹ” chỉ ra một khuyết điểm của các vở kịch viết vào thời kỳ này là “không có mặt đối lập về tư tưởng”, thì thuyết đó “là một nguyên nhân chính gây ra sự tẻ nhạt, một chiều của nghệ thuật trong đó có kịch nói”.

NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ảnh Thắng.

Phạm Xuân Nguyên nói thêm về quan điểm của Xuân Trình: Ông nêu lên một biểu hiện tiêu biểu của “thuyết không xung đột” trong kịch là kết cấu của vở thường xoay quanh một câu chuyện hiểu lầm. Và kịch kết thúc bằng cách “đại đoàn viên” vui vẻ khi sự sự hiểu nhầm đã được gỡ bỏ mà theo Xuân Trình thì tỷ lệ kết thúc như vậy nếu không phải một trăm phần trăm thì cũng là chín mươi chín phần trăm. Đến mức ông phải kêu lên: “Đã có thời kỳ sự hiểu lầm trong kịch phổ biến tới mức mà tôi có cảm tưởng như xã hội ta không còn vấn đề gì phải đem ra thảo luận nữa”.

Phạm Xuân Nguyên đưa ra quan điểm của mình: “Đời sống vào kịch là hoàn toàn tốt đẹp, lãnh đạo không có khuyết điểm, tập thể nhân dân là một khối thống nhất thuần nhất, không có những vấn đề gai góc,  mọi sự đều ngọt ngào, êm đẹp. Nhưng như thế là cái chết của kịch, như thế là kịch không có chất văn học”.

“Cốt tủy của đời sống, theo Xuân Trình, là sự đấu tranh của mặt đối lập như tối sáng, đen trắng, phải trái, là phải nhìn đời sống như một quá trình trong đó “bên cạnh những điều tốt đẹp vẫn còn những cái chưa hoàn mỹ”.

Những trăn trở, suy nghĩ của Xuân Trình về đời sống, về văn học nghệ thuật giúp hiểu được tại sao các vở kịch ông viết ra lại thường bị lao đao, trắc trở. Tư tưởng lớn nhất trong kịch của ông là tư tưởng nhân dân và theo Xuân Trình, tất cả những cái đi ngược lại dân, làm hại dân, gây đau khổ mất mát cho dân dù đến từ đâu đều là tư tưởng đối lập cần phải phê phán và chống lại. Phạm Xuân Nguyên cũng dẫn lại một số vở kịch như “Quê hương Việt Nam” (1967), “Bạch đàn liễu” (1973), “Mùa hè ở biển” (1985”… với các nhân vật để nói lên sự “đối đầu về tư tưởng” của nhà viết kịch Xuân Trình.

Xuân Trình viết kịch để khẳng định triết học riêng của mình

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhắc lại những kỷ niệm của bà với Xuân Trình, đó là những kỷ niệm nói lên tính cách và tư tưởng của Xuân trình. Nguyễn Thị Minh Thái coi Xuân Trình như người anh của mình và cho rằng,  Xuân Trình viết kịch để khẳng định triết học riêng của mình, mặc dù ông khởi đi từ nhà báo, nhà văn. Với Xuân Trình, kịch hay phải đặt trong đối thoại với đời sống bằng chính cái đặc thù của kịch là ĐỐI THOẠI. Xuân Trình đã sử dụng đối thoại, như phương cách tối ưu, bắt đầu từ ứng xử đời sống, với người cùng nghề sân khấu và với cái viết kịch của chính mình.

Đạo diễn Lê Chức.

Cái viết kịch bằng đối thoại kiểu Xuân Trình đặc hiệu, đã mặc nhiên đem đến cho các văn bản kịch của ông một số phận: luôn bị “mắc kẹt” trong sự đối lập đến cực đoan, với cách biệt chỉ trong gang tấc. Đó là các cặp phạm trù: thành công và thất bại, ngọt ngào và cay đắng, vinh quang và đen tối, ủng hộ và phản đối, đỉnh cao và vực sâu… Xuân Trình là người viết kịch kiên định và nhất quán.

Trong bài “Thế giới kịch của Xuân Trình”, PGS Tất Thắng đánh giá: Thế giới kịch của Xuân Trình là nơi kết tinh đến đông đặc cái mà ta thường gọi là chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Xuân Trình không tái hiện hiện thực khách quan mà từ cái cuộc sống ngoài đời phong phú và phức tạp, sinh động và tinh vi để sáng tạo nên cái thế giới của mình, nơi những cảnh đời diễn biến, những con người hành động đều do Xuân Trình mường tượng ra và hư cấu nên.

Trong thế giới kịch của Xuân Trình, có một hệ thống nhân vật nữ được diễn tả với tất cả sự nâng niu yêu mến đến đắm say, cảm phục… nó khiến ta có cảm tưởng rằng tác giả đã dành tất cả tình cảm và trí lực vào họ. Xuân Trình sắc sảo và táo bạo. Ông dám khắc họa cái phẩm chất đảng viên của một quần chúng ngoài Đảng.

Kịch Xuân Trình không dừng lại ở tính thời sự, nghĩa là không chỉ tái hiện hiện thực cuộc sống, trong tính nóng bỏng của những sự kiện, những con người và nhất là những vấn đề mà mọi người đặc biệt quan tâm. Xuân Trình đã đi xa hơn thế, ông đã sáng tạo nên một thế giới trong đó những con người, những sự kiện của hiện thực cuộc sống được ông hóa thân, đúng hơn là hóa xác thành những cảnh đời, những nhân vật trong thế giới kịch của mình, để gửi gắm vào đó những suy ngẫm của ông về hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Trong bài “Cảm nhận nghệ thuật về nhà viết kịch Xuân Trình” , Đạo diễn Lê Chức đã nhắc lại hình bóng Xuân Trình, đó là con người có vóc dáng cao lớn, lưng hơi gù. Lê Chức khẳng định Xuân Trình chủ động sáng tác theo hai khuynh hướng: Thời sự cập nhật  và thời đại lâu dài. Xuân Trình đi trước, nắm chắc quy luật phát triển “tâm sinh lý” con người. Ông dự báo những “nút giao” mà vấn đề đó sẽ tới trong tương lai. Ông có cái nhìn từ trong vấn đề ra, nhanh như nhà báo và sâu sắc nhân bản của một nhà văn với một phẩm chất công dân cao cùng trách nhiệm của người cầm bút biên niên văn học – nghệ thuật của thời đại. 

Các bài phát biểu còn lại (trong số 40 bài tham luận) đều đánh giá cao những cống hiến lớn lao của Xuân Trình đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà, cũng như khẳng định tính trường tồn của kịch Xuân Trình. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng mong rằng, kịch Xuân Trình sẽ được công diễn nhiều hơn nữa, bởi tính nghệ thuật và hữu ích đối với xã hội. Mong rằng tới đây, Xuân Trình sẽ được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nhà viết kịch Xuân Trình (1936 – 1991) được coi là một trong những tác giả, nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Với gần 30 kịch bản được dàn dựng trên sàn diễn, nói về các vấn đề dân chủ hóa đời sống kinh tế xã hội, đề cao tính chân thật, nhân văn. Các tác phẩm tiêu biểu: “Chuyện những người du kích”, “Quê hương Việt Nam”, “Lập xuân”, “Hận thù từ đầu tới”, “Bạch đàn liễu”, “Ngôi nhà trong thành phố”, “Xóm vắng”, “Cố nhân”, “Thời tiết ngày mai”, “Mùa hè ở biển”, “Đợi đến mùa xuân”, “Ngày xưa nơi đây là chiến tranh”, “Ngôi nhà màu hồng ngọc”, “Nửa ngày về chiều”, “Nghĩ về mình”, “Tai họa may rủi”…

Từ những năm 1960-1990, Xuân Trình được coi là nhà viết kịch tiên phong của sự nghiệp đổi mới. Ông còn là một nhà lãnh đạo sân khấu với khát vọng đưa sân khấu thoát khỏi bao cấp, xã hội hóa thực sự.

Cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Trình để lại nhiều bài học quý giá của một nghệ sĩ chiến sĩ tài năng, một nhà lãnh đạo văn nghệ nhiệt huyết, luôn gắn bó máu thịt với hiện thực cuộc sống, với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc, Đảng và nhân nhân.

Xuân Trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT và đã được đặt tên cho một đường phố ở thành phố Nam Định.

 

Văn Hiến

 

 

 

Share this page