Hội thảo khoa học quốc gia về nhà viết kịch Xuân Trình

Ngày 30-11, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam và Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới Xuân Trình.


 

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên.

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình (1936 -1991) từng làm Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản sân khấu từ năm 1983.

Xuân Trình xuất thân trong một gia đình giàu có nhưng ông đã từ bỏ “cậu ấm” để dấn thân vào con đường sáng tác văn hóa nghệ thuật – nghề cao quý nhưng vô cùng vất vả nhất là sáng tác kịch bản sân khấu. Ông đã để lại cho nền sân khấu cách mạng Việt Nam gần 30 kịch bản sân khấu có giá trị nghệ thuật.

Các tác phẩm tiêu biểu của Xuân Trình gồm có: “Chuyện những người du kích”, “Quê hương Việt Nam”, “Lập xuân”, “Hận thù từ đâu tới”, “Bạch đàn liễu”, “Ngôi nhà trong thành phố”, “Xóm vắng”, “Cố nhân”, “Thời tiết ngày mai”, “Mùa hè ở biển”, “Đợi đến mùa xuân”, “Ngày xưa nơi đây là chiến tranh”, “Ngôi nhà màu hồng ngọc”, “Nửa ngày về chiều”, “Nghĩ về mình”, “Tai họa hay rủi ro”…

Tại hội thảo, các đại biểu đã có những đánh giá chung về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Trình, về lý tưởng, nhân cách sống, tài năng và nhiệt huyết sáng tác, công tác đóng góp cho quê hương đất nước, cho nhân dân, cho Đảng.

Các đại biểu dự hội thảo cũng nghiên cứu, thảo luận, đánh giá sáng tác của Xuân Trình thời xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như thời kỳ cả nước bước vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong thời kỳ đầu đổi mới của đất nước.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá: “Nhìn chung, những tác phẩm của Xuân Trình ra đời thành công nhiều và tai nạn nghề nghiệp cũng không ít. Tuy nhiên, với bản lĩnh, sắc sảo, tác phẩm của ông có tính dự báo, hình tượng nhân vật sinh động, tư tưởng nghệ thuật đậm chất chính luận đã làm nên một Xuân Trình với những tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao”.

Bên cạnh việc đánh giá cao chất lượng các kịch bản do Xuân Trình sáng tác, các đại biểu đánh giá những đóng góp của ông trên các cương vị lãnh đạo nhất là khát vọng và ý nghĩa của những công việc ông đã triển khai thực hiện xã hội hóa hoạt động của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trên cương vị Phó tổng Thư ký Thường trực cũng như của hai cơ quan trực thuộc hội mà ông trực tiếp phụ trách là Tạp chí Sân khấu và Nhà Xuất bản Sân khấu.

Hội thảo cũng đúc kết từ cuộc sống, sự nghiệp sáng tạo và công tác của Xuân Trình những bài học cần thiết, hữu ích cho các nhà viết kịch, các nhà lãnh đạo sân khấu hôm nay trong sự nghiệp phấn đấu xây dựng một nền sân khấu tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thông qua hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm xem xét truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình.

Một cảnh trong trích đoạn vở diễn “Đợi đến mùa Xuân” nói về cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục. Ảnh: Bích Nguyên

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức đã dàn dựng, biểu diễn lại vở kịch “Bạch đàn liễu” và trích đoạn vở “Đợi đến mùa Xuân” của tác giả Xuân Trình cho công chúng thưởng thức. Đây là hai tác phẩm nổi tiếng, có giá trị tư tưởng cao và cả tính dự báo về đạo đức xã hội.

 

Biên Phòng

 

Share this page