Hiện thực mới trong kịch Xuân Trình – Tuấn Giang

 

Phần lớn các tác giả kịch Việt Nam phản ánh hiện thực cuộc sống theo một xu hướng chính trị xuyên suốt cuộc đời và tác phẩm của mình, nhưng mỗi người lại tìm một hướng thể hiện riêng trong từng giai đoạn lịch sử  xã hội. Cố tác giả Tào Mạt phản ánh những mâu thuẫn, xung đột kịch trong nội tâm các nhân vật của lớp người mới là mâu thuẫn giữa cái tích cực với tích cực, họ xô đẩy, giành giật nhau nhận phần gian khổ, hy sinh về mình như Anh lái xe và cô chống lầy, Chị Tâm bến Cốc, Đường về trận địa… Lưu Quang Vũ lại đẩy những mâu thuẫn, xung đột kịch lên bề mặt những biến động xã hội, là những bức xúc của nhân dân bằng những việc cần làm ngay, những điểm nóng làm mọi người hả lòng, hả dạ như Tôi và chúng ta, Những khoảnh khắc còn lạiCòn Xuân Trình lặng lẽ, dí dỏm, phản ánh hiện thực mới, bằng lòng nhân ái qua ứng xử giữa các nhân vật kịch để rọi sáng cuộc đời.

Kịch Xuân Trình thể hiện sâu sắc những con người chân quê từ ngôn ngữ nhân vật đến văn hoá ứng xử ở  các vùng miền, qua những vở: Chuyện những người  du kích, Quê hương Việt Nam, Xóm vắng, Bạch đàn liễu… Giai đoạn đầu, kịch Xuân Trình thể hiện những mâu thuẫn, xung đột ở các làng quê qua thân phận người nông dân, biểu hiện lòng căm ghét kẻ lộng hành, cơ hội, nham hiểm, hại người như Quyền trong Bạch đàn liễu. Ông lặng lẽ viết, mong muốn xây dựng một nông thôn Việt Nam: dân chủ, công bằng, dân giàu, nước mạnh.

Ước mơ của ông là sự nghiệp của dân tộc và đất nước ta. Ngay từ khi cầm bút, Xuân Trình đã chọn cho mình một địa danh, một hướng phản ánh hiện thực, cái hiện thực có tính dự báo; đổi mới xã hội, đổi mới sâu khấu sẽ có công chúng. Vì thế, xem kịch Xuân Trình luôn được đón nhận những dòng tâm sự mới. Ông phanh phui những   sự thật xấu xa bị che giấu dưới “tấm áo giáp thần kỳ” của những kẻ lộng quyền, nhân danh Đảng, nhân danh chính quyền để tham nhũng, ngăn cản bước tiến của lớp trẻ tài năng.

Xuân Trình tự đổi mới mình trong phương thức phản ánh hiện thực xã hội và cấu trúc kịch bản, ông thường viết kịch tự sự và kịch luận đề. Sang giai đoạn đất nước đổi mới, tính nhân văn trong kịch Xuân Trình được miêu tả trong ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật đến từng chi tiết nhỏ, bao trùm lên tổng thể tác phẩm qua hướng giải quyết những mâu thuẫn, xung đột kịch. Đây là bước ngoặt mới trong kịch Xuân Trình như Mùa hè   ở biển (1985), Đợi đến mùa Xuân (1987), Nửa ngày về chiều (1990)… qua nhiều vở đoàn kịch Thành Nam đã thể hiện thành công, đầy ấn tượng sâu sắc về kịch Xuân Trình.

Đất nước Việt Nam thời kỳ bao cấp. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Khi đất nước đổi mới, kịch Xuân Trình lại hướng mọi người đặt những mâu thuẫn, xung đột giữa cái lạc hậu và đổi mới. Các nhân vật kịch Xuân Trình đã hiện ra những suy ngẫm về thời cuộc, về nhân tình thế thái, đạo đức… Một cái nhìn bao dung đến mỗi con người, lòng thánh thiện và ác quỷ, lấy nhân tâm làm bài học ứng xử cho các hành vi trong xã hội. Những nhân vật của ông, ai cũng đáng thương đáng quý, bởi họ nhất thời lầm lỗi như Đoàn Xoa, còn trách nhiệm và lòng yêu nước của họ đâu có thiếu. Cái hiện thực trong kịch Xuân Trình giai đoạn đất nước đổi mới là phải đổi mới chính mình, bằng không những hành động tích cực, hăng hái có trách nhiệm của mình lại là sức ỳ, lực cản trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Bác Hồ đã dạy quân đội nhân dân: Trung với Đảng, hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không ít người lầm tưởng rằng: hoà bình thì đánh kẻ thù nào? Có một kẻ thù đồng hiện, bất cứ ai cũng phải chiến thắng, khó khăn nào cũng phải vượt qua, đó là chính mình! Kịch Xuân Trình đã phanh phui thói đạo đức giả, dạy học sinh những điều dối trá, những lý thuyết suông khi mà các em đã đủ bản lĩnh để nhận thức luộc sống như Khương Duy trong Đợi đến mùa xuân (Đoàn kịch Nam Định đã diễn)…

Xuân Trình đổi mới phản ánh hiện thực, đặt chân lý khách quan biện chứng vào những xung đột nội tâm nhân vật, không ồn ào, lên gân. Ngôn ngữ thoại kịch của ông cứ hồn nhiên tâm sự cùng khán giả, nên những năm mở đầu sự nghiệp đổi mới, kịch Xuân Trình được công chúng hào hứng đón nhận. Các tác giả: Tào Mạt, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình… là những người có công đầu đổi mới, chỉ tiếc là những nhân tố, đổi mới trong kịch của họ chưa được tiếp nối ở những thập niên sau.

Sân khấu kịch của ta đang thưa vắng khán giả có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân hàng đầu là chưa đổi mới sân khấu hiện đại. Khi toàn cầu đã bước sang thế kỷ XXI, các trào lưu kịch hiện đại: Tượng trưng, hiện thực ảo vọng, kịch hành động, kịch giả tưởng phi lý… thì sân khấu của ta vẫn là kịch tự sự, miêu tả những sự kiện cuộc sống xã hội – Đặc biệt là nội dung các tác phẩm chưa theo kịp hiện thực mới mang nhịp sống, tư tưởng thời đại. Đó là những điều mà công chúng mong đợi. Kịch Xuân Trình chưa làm nên những chấn động sân khấu, nhưng ông đã có những nhân tố đổi mới sân khấu, đầu tiên là phản ánh hiện thực cuộc sống từ căm ghét những kẻ lộng hành, chuyển sang nhân ái bao dung.

Hiện thực mới trong kịch Xuân Trình, phản ánh những mâu thuẫn, xung đột cá nhân mang tính xã hội, chống lộng quyền, tham nhũng, chống thói quan liêu, bảo thủ, níu kéo sự nghiệp đổi mới đất nước. Ngợi ca những tư tưởng tiên tiến, xây dựng nhân cách con người thời đại. Xuân Trình, một trong số ít tác giả kịch Việt Nam dám đương đầu với dư luận, dũng cảm khởi xướng tư tưởng đổi mới. Ngay ở  giai đoạn đầu cầm bút, ông  đã phản ánh những con người mới anh dũng chiến đấu, xây dựng quê hương, đồng thời chống tệ gia trưởng, đòi hỏi dân chủ, công bằng xã hội.

Ông viết bằng cả trái tim nhân hậu, tình yêu quê hương, nhân vật kịch là những con người bình thường như ta vẫn gặp trong cuộc sống đời thường, dễ thương và đáng ghét. Mỗi nhân vật là một mẫu người đầy tính cách, có thái độ minh bạch trước cuộc sống, gần gũi giữa nghệ thuật với đời thường. Kịch Xuân Trình luôn bám sát những miền đất quê hương, phản ánh những con người đi trước thời đại, ước muốn của họ là ý Đảng, lòng dân. Ông ra sức bảo vệ chân lý cho lớp người đổi mới, dù phải trả giá cuộc đời, đó là những nhân vật kịch, hay là những con người mà ông   đã nhận biết họ trong cuộc sống vượt lên, xây dựng quê hương, vì Tổ quốc phồn vinh. Hiện thực mới trong kịch Xuân Trình là:

  • Phản ánh những hiện tượng của lớp người mới vượt trước thời
  • Xây dựng nhân vật là những mẫu người thường gặp trong cuộc sống đời thường, có sức thuyết phục công chúng.
  • Hé mở hiện thực mới là một cuộc chiến quyết liệt, nhưng hãy tin ở cuộc sống tốt đẹp, phải hành động để chiến thắng.

Kịch Xuân Trình từ phản ánh hiện thực tự nhiên, mô tả các hiện tượng có thật trong cuộc sống mang tính minh họa hiện thực đến thể hiện ý tưởng đổi mới xã hội, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn hoá, văn minh. Đó là ý nguyện một đời cầm bút, đi và viết của ông. Xuân Trình thể hiện tâm nguyện ấy, qua ngôn ngữ văn học kịch đầy tính nhân văn trong hành động ngôn ngữ, hành động nhân vật. Các nhân vật kịch Xuân Trình phần lớn là những mẫu người suy nghĩ trước, nhìn thấy trước hành động, nhưng không cao siêu, lạc lõng. Hành động của lớp người ấy hồn nhiên như chính cuộc sống yêu cầu họ, mà họ tự nguyện đến với công việc. Tính nhân văn cao cả của kịch Xuân Trình thấm đậm trong các nhân vật, tiên tiến, hay lạc hậu, lỗi lầm hay cố ý, đều ứng xử bằng hành động bao dung, nhìn về tương lai, mỉm cười bước tới. Kịch Xuân Trình để lại trong lòng công chúng niềm cảm phục, yêu thương, một bài học cao quý về lẽ sống nhân hậu, vị tha, bỏ lại những lỗi lầm trong quá khứ, hướng tới ngày mai: nồng ấm, chân thành.

 

Tuấn Giang

 

 

 

 

Share this page