Bước đầu tìm hiểu những giá trị các tác phẩm Xuân Trình – TS Trần Đình Ngôn

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình sáng tác chủ yếu bằng thể loại kịch, nhưng ông cũng đã từng viết truyện ngắn, tiểu thuyết, viết phê bình sân khấu, bàn về những vấn đề sân khấu đương thời. Hầu hết các vở kịch và các bài viết phê bình tiểu luận của ông đã được Nhà xuất bản Sân khấu tập hợp in trong cuốn “Xuân Trình – tác phẩm chọn lọc” xuất bản tại Hà Nội, năm 2004. Về văn xuôi có tiểu thuyết “Thời tiết ngày mai” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành tại Hà Nội năm 1983, và tập truyện, ký “Từ một làng ở Vĩnh Linh” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1970.


Cố tác giả Xuân Trình.

Tập truyện và ký “Từ một làng ở Vĩnh Linh” được xuất bản cách đây (2018) 41 năm, qua nhiều lần chuyển đổi nhà ở, văn bản đã bị thất lạc và chưa sưu tầm lại được, nhưng người thân của tác giả vẫn còn nhớ nội dung tập truyện ký đó ghi chép phản ánh hiện thực sôi động của một vùng quê được mệnh danh là đất lửa, đất thép Vĩnh Linh trong những năm chống chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ. Vào những năm 1964 – 1970, Nhà văn, nhà báo Xuân Trình đã nhiều lần đi thâm nhập thực tế vào Vĩnh Linh và viết nên những truyện ngắn, bút ký phản ánh hiện thực đời sống của quân dân vùng tuyến lửa đất thép Vĩnh Linh với những giá trị hiện thực và tư tưởng cao, được độc giả đương thời ghi nhận.

Tiểu thuyết “Thời tiết ngày mai” được tác giả tự chuyển thể từ kịch bản sân khấu cùng tên. Ngoài sự thay đổi về ngôn ngữ diễn tả, nội dung và tư tưởng của cuốn tiểu thuyết vẫn giữ nguyên như trong kịch bản kịch nói của Xuân Trình đã được Đoàn Kịch Nam Hà dàn dựng. Vì vậy, nghiên cứu, khẳng định những giá trị của vở kịch “Thời tiết ngày mai” cũng đồng thời là nghiên cứu khẳng định giá trị của tiểu thuyết “Thời tiết ngày mai”.

Do điều kiện tư liệu hạn chế và do có sự tương đồng giữa kịch bản và tiểu thuyết “Thời tiết ngày mai” như đã trình bày ở trên, cho nên chúng tôi không đi sâu nghiên cứu một số tác phẩm văn xuôi của tác giả Xuân Trình mà tập trung nghiên cứu bước đầu về những giá trị của kịch Xuân Trình cùng các bài viết phê bình vở diễn, và bàn về một số vấn đề của sân khấu đương thời.

Tuy vậy, thiển nghĩ vẫn cần phải nhắc lại rằng tác giả Xuân Trình đã từ văn xuôi đến với kịch, các tác phẩm văn xuôi của ông đã đạt tới những giá trị nhất định và tạo đà để ông tạo dựng sự nghiệp văn chương của mình ở thể loại kịch.

Xuân Trình là một trong những nhà viết kịch tiêu biểu của sân khấu Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Các vở kịch của Xuân Trình luôn luôn đứng ở mũi nhọn của cuộc cách mạng văn hoá tư tưởng trong cuộc đại cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước. Nhiều vở kịch của Xuân Trình khi ra đời đã gây tiếng vang lớn về sự thành công hoặc tạo ra cuộc tranh luận về những vấn đề tư tưởng mà tác phẩm đề cập tới.

Kịch Xuân Trình có một phong cách cá nhân khá rõ nét trong phương pháp nghệ thuật, tạo nên vẻ riêng độc đáo không lẫn với một nhà viết kịch nào khác. Cùng với những giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật đã góp phần quyết định tạo cho kịch Xuân Trình có một vị trí xứng đáng trong nền sân khấu Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.

Tìm hiểu những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của kịch Xuân Trình là một việc hết sức cần thiết như là sự góp phần vào việc nghiên cứu về tác giả tác phẩm sân khấu Việt Nam thế kỷ XX – một thời hoàng kim của sân khấu nước nhà.

  1. Giá trị hiện thực của kịch Xuân Trình

Trên 30 năm cầm bút, Xuân Trình chỉ viết kịch về đề tài hiện đại, phản ánh hiện thực đời sống đương thời và đề cập đến những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Tìm hiểu kịch Xuân Trình, ta thấy đầu tiên là giá trị hiện thực hay nói một cách khác là tính chất hiện thực.

Hiện thực cuộc sống được phản ánh trong kịch Xuân Trình là cuộc sống của nhân dân các tỉnh miền Bắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước (bao gồm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và chi viện cho miền Nam). Hiện thực đó thể hiện trong các vở kịch: Chuyện những người du kích (1964), Quê hương Việt Nam (1967), Hận thù từ đâu tới (1973), Bạch đàn liễu (1973), Ngôi nhà trong thành phố (1974), Xóm vắng (1976), Cố nhân (1977), Thời tiết ngày mai (1989), Chuyện tình trong rừng cấm (1984), Cuộc đời này là của chúng mình (1984), Mùa hè ở biển (1984 – dàn dựng 1985), Đợi đến mùa xuân (1985 – Nxb Sân khấu in năm 1987), Ngày xưa nơi đây là chiến tranh (1988, Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng 1992), Ngôi nhà màu hồng ngọc (1988), Nghĩ về mình (1990), Chuyện ông Hựng ở lò thúc mầm (1989), Nửa ngày về chiều (1990), Tai hoạ hay rủi ro (1990). Số lượng kịch bản của Xuân Trình chưa thật nhiều so với một số nhà viết kịch khác, nhưng hiện thực cuộc sống được phản ánh trong kịch Xuân Trình đều là hiện thực sôi động trên những “mũi nhọn” của cuộc đấu tranh cách mạng với những vấn đề nóng bỏng đương thời, hàm chứa những xung đột xã hội sâu sắc và quyết liệt. Đó là mâu thuẫn xung đột giữa tinh thần cách mạng tiến công với thái độ ngại khó ngại khổ ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Đó là mâu thuẫn xung đột giữa những con người tận tuỵ hết lòng hết sức “vì chủ nghĩa xã hội, vì miền Nam ruột thịt, vì mọi người”, dám chấp nhận mọi sự hy sinh với những kẻ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, cơ hội vụ lợi và trốn tránh mỗi khi gặp khó khăn gian khổ, đòi hỏi phải hy sinh phấn đấu. Đó là mâu thuẫn xung đột giữa tư tưởng dân chủ tôn trọng và đề cao vai trò của quần chúng nhân dân với thái độ cửa quyền, độc đoán, lợi dụng chiêu bài “chuyên chính vô sản” để chà đạp lên quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đó là mâu thuẫn, xung đột giữa tư tưởng tiến bộ trên cơ sở biện chứng Mác-xít với tư tưởng bảo thủ lạc hậu, phản động (theo khái niệm của Triết học) và giáo điều, cản trở cuộc cách mạng trong thời đại mới v.v. . .

Những mâu thuẫn xung đột kể trên trong kịch Xuân Trình đều được thể hiện tập trung trong những sự kiện, tình tiết của cuộc sống là những “hoàn cảnh điển hình” và diễn ra với sự đối đầu quyết liệt của những “nhân vật điển hình”. Đó là Lụa trong Xóm vắng, ông Độ trong Bạch đàn liễu, Khiết, Nhung trong Đợi đến mùa xuân v.v . . . và thành công nhất chính là nhân vật Đoàn Xoa trong Mùa hè ở biển. Vượt lên nhiều nhân vật điển hình trong các vở kịch thời kỳ trước khi cả nước chuyển đổi cơ chế từ quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhiều nhân vật chính trong các vở kịch xuất sắc được công chúng tán thưởng và giới phê bình sân khấu đánh giá cao chỉ mới đạt giá trị điển hình ở mức là đại diện cho tư tưởng tiến bộ, là người đi đầu trong cuộc đấu tranh chống bảo thủ để đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật mà quyết tâm đổi mới. Nhân vật Đoàn Xoa chẳng những đại diện cho những quan điểm bảo thủ cực đoan mà còn là sản phẩm xã hội của một thời kỳ lịch sử, của cơ chế quan liêu bao cấp, của một hệ tư tưởng thống soái chi phối cách nghĩ, cách làm, cách sống của những người thấm nhuần nó và tuyệt đối trung thành với hệ tư tưởng ấy.

Những hành vi ứng xử của Đoàn Xoa trước sự chuyển biến của xã hội với sự đổi mới tư duy đã được diễn tả như là những hành động chống lại sự tiến bộ để bảo vệ cái cũ cái lỗi thời với tinh thần cố thủ đến cùng. Sân khấu thời kỳ này có nhiều vở diễn thành công có đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới. Nhưng chỉ có hai nhân vật điển hình nhất để lại ấn tượng sâu sắc nhất, đó là Hề Hoạn – Hề Già trong Bài ca giữ nước của Tào Mạt và Đoàn Xoa trong Mùa hè ở biển của Xuân Trình.

Giá trị hiện thực của kịch Xuân Trình đã tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm trước công chúng độc giả và khán giả, nhưng lại là cái gai trước mắt những nhà quản lý nghệ thuật còn mang nặng quan niệm hẹp hòi khắt khe và bảo thủ, cực đoan nhưng lại có quyền lực, ít ra là giữ cửa kiểm duyệt tác phẩm. Vì vậy kịch bản nào của Xuân Trình cũng hết sức khó khăn, phải vượt qua nhiều rào cản mới đến được sàn diễn và thành vở diễn rồi càng khó vượt qua các rào cản để đến với công chúng. Có vở bị ngăn cấm và phê phán kịch liệt trên báo chí đương thời như Bạch đàn liễu, hay Mùa hè ở biển cũng chỉ được công diễn khi Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh quyết định cho ra mắt khán giả và đi Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.

Giá trị hiện thực của kịch Xuân Trình là giá trị căn bản tạo nên thế đứng và vị trí trong lịch sử sân khấu Việt Nam, sẽ được phục dựng trên sàn diễn mai sau để nhắc lại một thời kỳ có sự chuyển biến quan trọng của đất nước và con người Việt Nam.

  1. Giá trị nhân văn

Chủ nghĩa nhân văn xuất hiện từ thời cổ đại ở Hy Lạp – La Mã, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu vào thời kỳ Phục hưng ở Phương Tây với tư tưởng chủ đạo là thừa nhận và đề cao giá trị của con người, cổ vũ cho cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi sự khống chế của tự nhiên cùng sự áp bức của các thế lực thống trị, bóc lột trong xã hội, đồng thời tin tưởng vào sức sáng tạo của con người. Chủ nghĩa nhân văn của giai cấp vô sản mang đầy đủ những tư tưởng chủ đạo đó và chủ trương chiến đấu để đưa con người tới chỗ chinh phục được thế giới tự nhiên, thắng được các thế lực chà đạp con người, giúp cho con người làm chủ được vận mệnh của mình và giành được cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Trong các vở kịch của mình, nhà văn Xuân Trình đã kế thừa và phát huy mục đích “Trừng ác khuyến thiện” của sân khấu truyền thống, luôn hướng tới cuộc đấu tranh khẳng định những tư tưởng cách mạng, tiến bộ, những con người chân chính và phê phán kịch liệt những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ kìm hãm sự phát triển của xã hội và trói buộc con người, phê phán những kẻ xấu kẻ ác dường như đã tự tách ra khỏi cộng đồng người để quay lại chà đạp lên quyền sống của con người. Đó là những kẻ miệng luôn nói coi quần chúng nhân dân là mục đích, nhưng trên hành động thực tế, lại luôn coi quần chúng là phương tiện phục vụ cho những lợi ích nào đó bao hàm có lợi ích của họ. Chúng ta sẽ nói tới tính chiến đấu của kịch Xuân Trình, nhưng cần phải hiểu rằng bản chất của tính chiến đấu là tính nhân văn. Tính chiến đấu là một biểu hiện của tính nhân văn.

Trong các vở kịch của mình, nhà văn Xuân Trình luôn luôn gửi gắm tình yêu thương con người thiết tha, sâu nặng. Ông cảm thông và đồng cảm với những con người chân chính, chia sẻ vui buồn với họ, bênh vực, ngợi ca họ. Đọc kỹ kịch bản, ta nhận thấy tác giả Xuân Trình cũng là người trong cuộc, là người thân thích, ruột thịt, là đồng chí, bạn tri âm, bạn chiến đấu của những con người chân chính, những số phận đáng thương. Ngay đến cả những nhân vật mà ông chê trách, phê phán thì đằng sau thái độ nghiêm khắc trước những điều sai trái vẫn là sự độ lượng và hy vọng vào sự chuyển biến tích cực của họ.

Trong nhiều vở kịch của mình, nhà văn Xuân Trình đã phát hiện những sai lầm thiếu sót trong việc quản lý xã hội, quản lý con người bằng những quan điểm tư tưởng giáo điều cùng với quy chế nghiệt ngã vô tình tước bỏ quyền tự do suy nghĩ và sáng tạo thậm chí áp chế về tư tưởng buộc con người phải tự nguyện cam chịu số phận như một người nô lệ như trường hợp ông Độ trong Bạch đàn liễu hoặc phải chấp nhận nỗi cô đơn bất hạnh như ông Hoàng trong Nửa ngày về chiều. Những nỗi bất hạnh ấy khiến Xuân Trình trăn trở, day dứt và phải lên tiếng đòi phải giải phóng con người khỏi những ràng buộc phi lý.

  1. Giá trị tư tưởng

Phản ánh chân thực đời sống và bày tỏ nỗi đau đời, nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình không dừng lại ở mục đích khám phá, phát hiện những vấn đề bức xúc của cuộc sống đương đại mà cao hơn nữa là sự đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề bức xúc đó để cải tạo cuộc sống hoàn thiện con người.

Hầu hết các vở kịch của Xuân Trình đều toát ra tư tưởng cách mạng tiến công, tiến công vào những thành trì của tư tưởng bảo thủ, cực đoan, giáo điều từng đã cố thủ bằng những lô cốt trong người này người kia.

Nhiều vở kịch đồng đại với kịch Xuân Trình thường chỉ đề cập tới sự lỗi thời của cơ chế quan liêu bao cấp đã kìm hãm sức sản xuất, là nguyên nhân của sự nghèo đói, nghĩa là chỉ nhấn mạnh vào những vấn đề của quan hệ sản xuất Nhưng kịch Xuân Trình lại tập trung đặt ra và đề xuất cách giải quyết những vấn đề trong quản lý con người, trong tổ chức và quản lý xã hội. Kịch Xuân Trình không nhấn mạnh vào yêu cầu xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp trong quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất mà luôn nhấn mạnh vào yêu cầu phải đổi mới tư duy, cải tạo tư tưởng và tổ chức xã hội theo mục tiêu đảm bảo quyền dân chủ, quyền được hưởng hạnh phúc của nhân dân.

Mỗi vở kịch của Xuân Trình là một sự khám phá đời sống hiện thực, phát hiện một vấn đề bức xúc trong cuộc đấu tranh tư tưởng đang được xã hội quan tâm, cho nên tính thời sự là điều dễ nhận biết đầu tiên ở kịch Xuân Trình. Mỗi cốt truyện kịch, sự kiện kịch như vừa xảy ra, hay đang diễn ra trong đời sống mà người xem đang chứng kiến hoặc đang là người trong cuộc và mong tìm thấy ở sân khấu một cách lý giải, một hướng giải quyết vấn đề. Nhà viết kịch Xuân Trình không tái hiện cuộc sống trong các vở kịch của mình một cách khách quan tới mức lạnh lùng vô cảm như cố tình để dành cho độc giả, khán giả cảm nhận.

Trái lại, nhà viết kịch vừa tái hiện cuộc sống một cách trung thực đảm bảo tính khách quan, vừa tỏ rõ thái độ ngợi ca hay phê phán rõ ràng mạnh mẽ. Xuân Trình đã kế thừa cách diễn kể của các nghệ sĩ dân gian trên sân khấu Chèo cổ và phát triển lên một tầm cao mới, ấy là thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của tác giả với ý thức công dân. Đối với cái ác, kẻ xấu Xuân Trình đã phê phán kịch liệt và đấu tranh yêu cầu phải loại bỏ chúng. Các vở kịch của Xuân Trình đều tiến công quyết liệt vào những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, phản động (chữ “phản động” theo khái niệm của Triết học Mác) để dỡ bỏ mọi rào cản, mở đường cho xã hội phát triển. Về ý nghĩa chính trị, các vở kịch của Xuân Trình đều chứa đựng tinh thần cách mạng tiến công, là vũ khí chiến đấu của những người tiên phong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam ở thập kỷ 80 thế kỷ XX. Tính chiến đấu trong giá trị tư tưởng của kịch Xuân Trình đã vấp phải sự phản ứng (nếu không gọi là chống trả) của một số cán bộ lạc hậu bảo thủ, giáo điều đang còn nắm giữ quyền quản lý văn nghệ đương thời.

Các quan điểm tư tưởng trong kịch Xuân Trình không chỉ dừng lại là những quan điểm tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức mà còn là những quan điểm triết học về sự tồn tại và phát triển của các hiện tượng xã hội và con người. Nhiều luận điểm triết học và triết lý nhân sinh ẩn chứa ở tầng sâu ngữ nghĩa của các vở kịch Xuân Trình. Cái cũ tất yếu sẽ bị loại bỏ, cái mới tất yếu sẽ được khẳng định, đó là chân lý khách quan được gửi thông điệp qua vở Lập xuân . Cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục còn phải trải qua nhiều gian nan thử thách nhưng nhất đinh sẽ đạt được thắng lợi trong sự nghiệp “trồng người”, đó là thông điệp qua vở Đợi đến mùa xuân, “Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống” là câu thơ của nhà thơ Pê-tô-phi (Hunggari) là nội dung triết lý nhân sinh qua vở Bạch đàn liễu, chỉ rõ: mất dân chủ không chỉ vì cán bộ cửa quyền hách dịch mà còn do người dân cam chịu chấp nhận và đôi khi còn tự nguyện. Cái gì trái với lẽ tự nhiên thì sẽ bị đào thải, chỉ có vận động phát triển thuận theo lẽ tự nhiên mới đạt tới sự thành công. Đó là điều nhà viết kịch Xuân Trình thường nói với đồng nghiệp và ông đã gửi thông điệp đó trong “Mùa hè ở biển” .

Những tư tưởng tiến bộ, cách mạng trong kịch Xuân Trình không chỉ mang tính thời sự mà còn có ý nghĩa thời đại, có sức sống lâu dài, nhất là những quan điểm tư tưởng triết học, những triết lý nhân sinh.

Xuân Trình là một nhà văn, nhà viết kịch, đồng thời là một nhà báo có khả năng quan sát khám phá phát hiện rất sớm những vấn đề trong đời sống hiện thực. Vì vậy các vở kịch của ông đều có tính dự báo ở các mức độ khác nhau. Sự phát hiện vấn đề sớm của ông khiến cho khi đưa kịch bản tới các cán bộ xét duyệt đều khó được chấp nhận ngay, bởi họ chưa hề thấy hoặc chớm thấy nhưng không dám nói, càng không dám chấp nhận cho dựng thành vở diễn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ văn học nghệ thuật của ta chưa có tác phẩm lớn bởi vì nhiều nguyên nhân trong đó có một nguyên nhân là văn nghệ sĩ luôn đi sau cuộc sống còn nhà quản lý lại đi sau văn nghệ sĩ một khoảng cách xa hơn. Họ kêu gọi có tác phẩm lớn nhưng tác phẩm lớn không thể ra đời trước những người “gác cửa” nhận thức lạc hậu quá thấp quá xa so với yêu cầu của tầm vóc tác phẩm lớn. Cho nên kịch Xuân Trình hầu như các vở đều hết sức chật vật mới lên sàn diễn và ra mắt công chúng được cũng vì tính dự báo của tác phẩm. Nhưng lịch sử với công chúng qua thời gian đã thừa nhận và tính dự báo là một trong những giá trị của kịch Xuân Trình.

  1. Giá trị nghệ thuật

Các giá trị hiện thực, nhân văn và tư tưởng của kịch Xuân Trình chỉ có thể đạt tới đỉnh cao khi giá trị nghệ thuật đạt tới mức độ tương ứng, đủ để chuyển tải các giá trị ấy. Tìm hiểu giá trị nghệ thuật trong kịch Xuân Trình ấy là tìm hiểu những thành tựu sáng tạo của ông trong nghệ thuật viết kịch, tìm hiểu phương pháp sáng tác, nghệ thuật cấu trúc tác phẩm, xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn từ v.v. . . để tạo nên những kịch bản hoàn chỉnh có giá trị nghệ thuật cao, mang phong cách riêng về cá tính sáng tạo.

Trước hết, về phương pháp sáng tác, Xuân Trình cũng thuộc thế hệ các nhà văn thấm nhuần quan điểm văn nghệ cách mạng, sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, phản ánh hiện thực trong quá trình đấu tranh cách mạng của nó, trong đó cái mới cái tiến bộ dù có phải trải qua cuộc đấu tranh gay go quyết liệt đến đâu thì cuối cùng nó vẫn giành chiến thắng. Xu hướng phát triển tất yếu của các sự kiện kịch theo đúng quy luật vận động phát triển của triết học biện chứng Mác xít, đồng thời thừa kế và phát triển ở một tầm cao mới của sự khẳng định thiện thắng ác, chính thắng tà và kết thúc có hậu trong truyện dân gian và sân khấu dân gian (Chèo).

Trong phương pháp sáng tác, ta có thể tìm thấy ảnh hưởng hay nói cách khác là tiếp nhận một yếu tố quan trọng của phương pháp sáng tác huyền thoại – dân gian trong kịch Xuân Trình. Đó là yếu tố huyền thoại thể hiện ở tính kỳ với mức độ đậm nhạt khác nhau. Tính kỳ trong kịch Xuân Trình có khi thể hiện ở cốt truyện như “Ngày xưa nơi đây là chiến tranh”, có khi thể hiện ở một số nét tính cách tưởng như không có thật ở ngoài đời.

Xuân Trình xây dựng nhân vật kịch theo phương pháp điển hình hoá của chủ nghĩa hiện thực. Nhưng nhìn kỹ, ta vẫn thất ông tiếp nhận cả phương pháp mô hình hoá của sân khấu truyền thống (Chèo và Tuồng). Nhân vật Đoàn Xoa là một điển hình cho các cán bộ quan liêu, giáo điều và bảo thủ của thời kỳ trước năm 1986. Nhưng sự khái quát hoá và cá biệt hoá đã đạt tới mức ông ta vừa có thật trong đời sống, vừa có những hành vi khác lạ khó tin như các mô hình nhân vật của sân khấu Chèo cổ, Tuồng cổ.

Hành vi “chống khoán hộ trong nông nghiệp” của ông cực đoan đến mức không đội trời chung với những người “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” khiến cho ta nhớ tới sự tích Bá Di, Thúc Tề thời Trung Hoa cổ đại lên núi hái rau ăn rồi chết, quyết không ăn gạo nhà Chu. Nhân vật cô giáo Nhung trong Đợi đến mùa xuân cũng được tạo dựng như một Thị Kính đã chuyển hoá mô hình từ vai nữ chín này trong Chèo cổ với chữ “Tâm” và chữ “Nhẫn” cùng mấy nỗi oan khiên. Kẻ xấu thì hiện ra như những tên gian thần ác bá đội lốt cán bộ chính quyền của chế độ mới. Điển hình hoá kết hợp với mô hình hoá, nhưng nhân vật kịch của Xuân Trình không bị công thức hoá như trong một số vở kịch đương thời khác. Nhân vật kịch của Xuân Trình luôn sống động một cách tự nhiên, chân thực.

Bởi luôn luôn khám phá phát hiện và phản ánh những vấn đề bức xúc của đời sống hiện thực cho nên có thể nói hầu hết các vở kịch của Xuân Trình đều là kịch luận đề – một thể tài mới trong kịch hiện đại của thế giới. Dù trong kịch có đủ các yếu tố bi, hài, trữ tình thì những yếu tố đó cũng nhằm nêu lên một vấn đề nào đó, phân tích căn nguyên vấn đề bằng hình tượng nghệ thuật bằng câu chuyện kể bằng tính cách và số phận nhân vật cùng những lời đối thoại Điều này dẫn tới lối kết cấu phổ biến trong kịch Xuân Trình là kết cấu tự sự kết hợp tổ chức xung đột kịch. Khác với tự sự của sân khấu truyền thống, tự sự trong kịch Xuân Trình không lấy số phận nhân vật chính làm trung tâm, làm trục xuyên suốt toàn vở mà các sự kiện tình tiết được kể ra đều xoay quanh và phát triển theo cái trục là một vấn đề nào đó. Tiêu biểu cho lối cấu trúc này là các vở Bạch đàn liễu, Mùa hè ở biển, Đợi đến mùa xuân. Ngay đến vở Nửa ngày về chiều tưởng như kể về số phận ông Hoàng những năm cuối đời, nhưng thực ra là nói tới vấn đề quản lý xã hội và con người thời quan liêu bao cấp với những thể chế khắc nghiệt và phi lý.

Cùng thời với Xuân Trình, nhiều nhà viết kịch tuân thủ lối cấu trúc kịch “năm hồi”, tổ chức xung đột kích trên cơ sở mâu thuẫn quyết liệt giữa các nhân vật thông qua một sự kiện nào đó. Khi sự việc được giải quyết xong thì xung đột chấm dứt. Cách giải quyết sự việc khẳng định hướng phát triển của sự vật hiện tượng và bộc lộ tư tưởng tác phẩm. Đó là “nhiệm vụ tối cao” của vở diễn. Người xem lãnh hội được tư tưởng tác phẩm và chỉ còn điều ấy đọng lại ít nhiều. Sau khi đã nghe được “thông điệp” của các tác giả vở diễn rồi, không còn gì thôi thúc người xem cần xem lại lần thứ hai, thứ ba.

Kịch Xuân Trình tuy mang tính luận đề nhưng cái vấn đề mà ông đặt ra, gửi thông điệp đến khán giả không chuyển tải qua một sự việc có xung đột giữa các tính cách như cách viết nói trên, mà chúng được chuyển tải qua những chuyện đời chuyện người. Sau khi xem vở diễn khán giả chẳng những tiếp nhận tư tưởng tác phẩm mà còn tiếp tục suy ngẫm trăn trở rất lâu về nhân tình thế thái. Ngoài tư tưởng, tác giả còn truyền cảm sang khán giả nỗi vui buồn hay âu lo day dứt về cuộc sống, về con người.

Những nhân vật với chuyện đời của họ còn đeo đuổi người xem, như chuyện ông Đoàn Xoa tích cóp cơm nguội phơi khô đem về cứu tế cho vợ con, chuyện ông Hoàng thui thủi một mình ở gian xép bên nhà nuôi trẻ mồ côi cạnh sân kho hợp tác xã, chuyện cô giáo Nhung ngồi hứng nước mưa trong căn nhà dột nát ở một ngôi trường hẻo lánh, chuyện ông Độ phải tự nguyện chặt cây bạch đàn mang kỷ niệm tình yêu của con mình để đem biếu ông Phó Chủ tịch xã khi ông ấy phát mộc làm nhà v.v… còn lại với thời gian trong ký ức của người xem.

Giá trị nghệ thuật của kịch Xuân Trình còn nổi bật ở giá trị văn chương trong những lời đối thoại giữa các nhân vật. Đối thoại trong kịch là thể văn rất khó viết (nếu không nói là khó nhất), bởi chúng phải đáp ứng nhiều yêu cầu như: kể chuyện, dẫn dắt khơi gợi hành động, thể hiện tâm lý, tình cảm, tính cách của từng nhân vật, rồi lại phải phù hợp với các nhân vật ở những lứa tuổi giới tính, nghề nghiệp, vùng miền, dân tộc, thời kỳ lịch sử v.v… Chính vì vậy không ít tác giả kịch bản mắc nhiều lỗi, thậm chí tới mức sơ đẳng như cho các nhân vật thời xưa nói những ngôn từ của lớp trẻ thời “a còng” hay nhan nhản những từ ngữ của thời hiện đại. Nhưng với thế hệ nhà văn Xuân Trình, nhược điểm phổ biến là bắt nhân vật phải nói những lời của tác giả chứ không phải của bản thân nhân vật.

Lời thoại trong kịch trước khi hay thì cứ phải đúng đã. Đối thoại trong kịch Xuân Trình đều được tác giả chắt lọc từ ngôn ngữ của các nguyên mẫu trong đời thường cho nên luôn đảm bảo tính chân thực, tuy đã được gọt giũa mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên. Nghe lời thoại của các nhân vật, khán giả vẫn tưởng như đã từng nghe ai đó ở ngoài đời thốt lên câu nói ấy, theo cách nói ấy. Đúng rồi, chân thực một cách tự nhiên rồi thì lại tiến tới mức hay.

Cái hay của đối thoại trong kịch Xuân Trình trước hết là hàm chứa tính hành động. Có ai đó nói rằng kịch Xuân Trình đọc thì hay nhưng dựng thì khó. Người cảm thấy khó dựng ấy là người không đọc được tính hành động ẩn chứa trong từng câu chữ, không khơi gợi được hành động cho diễn viên trong từng lời thoại, chỉ thấy hành động ở bề nổi của các sự kiện kịch mà thôi. Cái hay của đối thoại trong kịch Xuân Trình là ở dấu ấn của tầng lớp xã hội, của thời điểm lịch sử không thể trộn lẫn. Đó là những câu chữ phát ra từ miệng một ông cán bộ mà cứ như là phát ra từ một cuốn băng đã được duyệt kỹ trước lúc ghi âm. Đó là lời nói của những người “nhà quê” mang đậm màu sắc dân gian thời quan liêu bao cấp v.v…

Cái hay của đối thoại trong kịch Xuân Trình còn ở chỗ giàu hình ảnh và có tiết điệu gợi cho người xem đôi khi có cảm giác như đang nghe những câu đối thoại trong kịch hát truyền thống. Cái hay của đối thoại trong kịch Xuân Trình còn thể hiện ở tính biểu cảm của tiếng Việt được xử lý bằng các biện pháp tu từ đã góp phần biểu hiện tâm trạng, tính cách, thái độ ứng xử của nhân vật một cách rõ ràng.

Bên cạnh những giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật như đã bước đầu tìm hiểu kể trên, kịch Xuân Trình cũng cho thấy cá tính sáng tạo với phong cách riêng của nhà viết kịch. Điều này cần được nghiên cứu để hiểu biết sâu hơn về nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình và các tác phẩm của ông. Để đạt được những giá trị hiện thực, nhân văn, tư tưởng và nghệ thuật trong các vở kịch của mình, nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình đã trải nghiệm cuộc sống, dấn thân trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ tuổi thiếu niên rồi luôn luôn có mặt trên những mũi nhọn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc thời chiến tranh rồi đến công cuộc đổi mới khi nước nhà đã hoàn toàn thống nhất. Xuân Trình được đào tạo bài bản trong hệ thống giáo dục của Đảng là một đảng viên trung thành với sự nghiệp của Đảng. ông luôn đứng trong đội ngũ những người cộng sản tiên phong dám nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy và tích cực đấu tranh chống quan liêu, bảo thủ lạc hậu để đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc tiến lên. Vũ khí cách mạng của ông là cây bút của một nhà văn chân chính. Ông kiên cường chịu đựng bao khó khăn thử thách, có ai còn nguy hiểm đối với sinh mệnh chính trị của mình để chiến đấu cho lý tưởng của Đảng, cho tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Những phẩm chất chính trị, đạo đức, nhân cách và tài năng xuất sắc của ông đã làm nên những giá trị cao quý cho kịch Xuân Trình.

Trong một tiểu luận ngắn, thật khó có thể trình bày một cách đầy đủ, sâu sắc về những giá trị lớn của kịch Xuân Trình. Đây là một đề tài cần được nghiên cứu ở cấp độ một luận án tiến sĩ. Nhiều bản tham luận trong hai cuộc Hội thảo về nhà viết kịch Xuân Trình đã có những nhận định, đánh giá khá xác đáng về kịch Xuân Trình. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần có một công trình công phu hơn, nghiên cứu toàn diện sâu sắc hơn về kịch Xuân Trình tương xứng với vị trí và tầm vóc của ông trong lịch sử sân khấu Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX.

  1. Về “Những lời không nói trên sân khấu”

Những lời không nói trên sân khấu là tên cuốn sách tập hợp những bài viết của Xuân Trình từng đăng trên báo chí về những vấn đề của nền sân khấu đang diễn ra mà ông là người trong cuộc với tư cách là một nhà viết kịch, đồng thời là một người có trách nhiệm với cương vị Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu và Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu.

Nhà viết kịch Xuân Trình suốt đời kiên định với quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước về một nền sân khấu cách mạng giàu tính chiến đấu và tính dân tộc, tính thời đại. Vì thế, bên cạnh những kịch bản thể hiện quan điểm đó, ông còn viết nhiều bài tiểu luận đưa ra những nhận định về thực trạng sân khấu nước nhà vào thập kỷ 70 – 80 thế kỷ XX, và đưa ra những giải pháp khắc phục yếu kém, để thúc đẩy nền sân khấu phát triển lành mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông là người kiên quyết đấu tranh chống khuynh hướng thương mại hóa sân khấu khi cơ chế thị trường mở ra.

Ông phê phán nghiêm khắc tư tưởng hữu khuynh và những hành vi dung túng cho các vở diễn chạy theo thị hiếu một bộ phận khán giả, đáp ứng yêu cầu giải trí tới mức hạ thấp các giá trị thẩm mỹ, dung tục hóa sân khấu. Ông kêu gọi các nghệ sĩ sân khấu không vì khó khăn về doanh thu mà rời bỏ những mục đích cao cả của sân khấu mà Xtanixlapxki coi là thánh đường nghệ thuật. Quan điểm và thái độ nghiêm khắc của ông đã vấp phải sự phản ứng ngầm của một vài nhà quản lý văn hóa – nghệ thuật hữu khuynh và một số nghệ sĩ làm sân khấu thương mại, dẫn tới sự tổn thương trong quan hệ tình cảm bạn bè, đồng nghiệp.

Dù vậy, cùng với những phát biểu ý kiến trong hội nghị, hội thảo, các bài viết của Xuân Trình vẫn kiên định lập trường đấu tranh xây dựng một nền sân khấu Việt Nam lành mạnh, có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao mà sau này Nghị quyết Trung ương Đảng gọi là “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. Chính vì kiên định quan điểm chính thống về sân khấu như đã kể trên mà các bài viết của Xuân Trình không đi sâu nào những vấn đề lý luận để tập trung bàn về những vấn đề trong thực tiễn hoạt động sân khấu. Những ý kiến của Xuân Trình qua các bài viết đã khích lệ các nghệ sĩ chân chính hứng khởi quyết tâm sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc với trách nhiệm công dân và tinh thần nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà viết kịch Xuân Trình đã ra đi từ mùa đông năm 1991. Đến nay những bài viết của ông vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là tài liệu tham khảo quý đối với các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình sân khấu và các nghệ sĩ sân khấu.

Những giá trị trong các tác phẩm của nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Xuân Trình sẽ được các nhà nghiên cứu sân khấu, các học viên cao học, các nghiên cứu sinh chuyên ngành sân khấu tiếp tục khám phá, phát hiện và khẳng định một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn, tương xứng với sự đóng góp to lớn của Xuân Trình đối với nền sân khấu Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX.

Những giá trị trong các tác phẩm của nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Xuân Trình sẽ được các nhà nghiên cứu sân khấu, các học viên cao học, các nghiên cứu sinh chuyên ngành sân khấu tiếp tục khám phá, phát hiện và khẳng định một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn, tương xứng với sự đóng góp to lớn của Xuân Trình đối với nền sân khấu Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX.

 

TS. Trần Đình Ngôn

 

 

 

 

Share this page