Sau gần nửa thế kỷ xuất hiện trên sân khấu chỉ một lần duy nhất cùng ‘số phận truân chuyên’ đến những ngày cuối tháng 11/2019 vở kịch ‘Bạch đàn liễu’ được trở lại sân khấu Việt với phiên bản mới của Lucteam do NSƯT Trần Lực đạo diễn.
Sau đêm tổng duyệt (25/11), vở “Bạch đàn liễu” đã chính thức công diễn tại rạp Đại Nam vào lúc 20 giờ ngày ngày 29/11/2019. Đây là sự kiện mở màn cho chuỗi những hoạt động tri ân, tôn vinh cố tác gia Xuân Trình – nhà văn, viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới
Vở kịch “Bạch đàn liễu” chống tệ nạn cường hào mới ở nông thôn
Nhà biên kịch Xuân Trình viết “Bạch đàn liễu” năm 1973 sau chuyến đi thực tế sáng tác ở nông thôn. Nghe câu chuyện có thật từ một người nông dân kể lại với bao bức xúc, ẩn ức (có cả nỗi tuyệt vọng) về một “nạn cường hào mới” ở nông thôn đã ám ảnh và thôi thúc ngòi bút Xuân Trình không dứt. Dường mọi cảm xúc từ người kể chuyện đã nhanh chóng chuyển sang và vây bọc tâm can người nghệ sĩ – chiến sĩ tiên phong, dũng cảm đối mặt với những vấn đề hiện thực xã hội gai góc.
Xuân Trình là nhà văn, nhà báo vốn đau đáu với đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong 30 năm hoạt động sân khấu, trên nửa số tác phẩm của Xuân Trình đề cập đến nông thôn với những tìm tòi, phát hiện, dự báo quý giá. Cùng “Bạch đàn liễu”, những vở kịch: “Những người du kích”, “Quê hương Việt Nam”, “Việc nhà”, “Xóm vắng”, “Chuyện ông Hựng ở lò thúc mầm”, “Lập xuân”, “Thời tiết ngày mai”, “Mùa hè ở biển”… đã thể hiện chiều sâu nhận thức, đánh dấu bước ngoặt cùng những trải nghiệm, kiếm tìm của nhà văn tiên phong đổi mới tư duy về đề tài này.
Trăn trở với câu chuyện buồn nghe kể lại ở nông thôn Việt Nam cuối những năm 60 của thế kỷ trước, xác định vai trò của người cầm bút, thấy được sức mạnh của văn chương nghệ thuật, Xuân Trình đã “xung trận” thẳng thắn đề cập ngay vấn đề thời sự nóng bỏng…trong “Bạch đàn liễu”. Nội dung vở kịch xoay quanh cuộc vận động cải cách dân chủ, chống tệ nạn cường hào mới ở nông thôn.
Xuân Trình đã phát hiện trong đội ngũ hùng hậu những người nông dân mang bản chất tốt đẹp, thuần hậu, chất phác, yêu lao động đã manh nha kẻ mang tính chất lý trưởng, cường hào. Chúng – kẻ cường hào mới rất khéo lẩn lút, ngụy trang bằng “vỏ bọc” an toàn chui ẩn trong chính quyền của dân. Đại diện cho lũ sâu mọt đó là Quyền – Chủ tịch xã hợm hĩnh, hống hách, tác oai, tham lam, khôn vặt, vụn vặt một cách tinh quái. Quyền ỡm ờ, xa xôi, nhăm nhắm cốt được sở hữu đôi bạch đàn liễu mà vợ chồng ông Lượng đã dày công chăm chút, thương yêu, kỳ vọng.
Với ông bà Lượng, cây bạch đàn liễu như cây vật linh gửi bao yêu thương, nhớ nhung cho đứa con trai ở mặt trận. Trước nạn cường hào mới, Xuân Trình đã xây dựng một tuyến nhân vật đối lập – lớp người mới, thế hệ trẻ dám đứng lên đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu đang lộng hành, ám ảnh, vây bủa, làm ngột ngạt cuộc sống của người dân lương thiện sau lũy tre xanh. Cuộc đấu tranh lên án nạn cường hào mới một mất, một còn ấy là để khẳng định chân lý thuộc về chính nghĩa, về số đông nhân dân lao động. Song trong cuộc chiến sinh tử ấy, những mất mát, thương tổn là điều không tránh khỏi. Khán giả xa xót, uất ức thay cho tình yêu đẹp, trong trẻo của đôi bạn trẻ Độ – Liệu đã bị chà đạp đến tan vỡ.
Đôi cậy bạch đàn liễu bị đốn hạ. Câu chuyện dẫu khép lại đầy xót đau, song vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Vở kịch đã đặt ra chuyện tham nhũng vặt “chỉ đôi cây bạch đàn” nhưng vẫn nguyên tính thời sự cho đến hôm nay. Thông điệp từ “Bạch đàn liễu” đã được ông dự báo rằng tương lai của mỗi con người nằm trong chính mỗi cá nhân. Muốn đổi mới, muốn thay đổi số phận thì hơn ai hết mỗi con người phải thay đổi nhận thức, đừng trông chờ vào “sức mạnh siêu nhiên” nào khác ngoài chính mình. Phải tự cứu mình trước khi trời cứu đã từng được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh.
Ngay sau khi vở kịch ra đời, đồng cảm với cảm xúc, trách nhiệm của đồng nghiệp, NSND Đình Quang đã dàn dựng ngay vở “Bạch đàn liễu” cho Đoàn kịch Trung ương. Cặp nghệ sĩ Xuân Trình – Đình Quang đã phối hợp ăn ý, thổi nguồn cảm xúc tươi mới tiên phong, dũng cảm đối mặt với vấn đề được coi là hiện thực gai góc lúc đó. Số phận vở kịch mang cái tên đẹp, nhã: “Bạch đàn liễu” cũng khá long đong, khiến tác giả kịch bản và đạo diễn cũng lận đận ngay sau thời điểm vở diễn ra đời. “Bạch đàn liễu” đã phải duyệt đến bẩy lần, qua nhiều cấp. Đạo diễn đầu tiên của vở “Bạch đàn liễu” – NSND Đình Quang đã lý giải “sự cố” là vì vở kịch “phê phán hiện tượng lộng hành, mất dân chủ, tham ô, thất đức của cá nhân một Phó chủ tịch xã…”. Tiên phong đấu tranh chống tiêu cực, mạnh dạn đón cái mới, Xuân Trình là tác giả của nhiều vở diễn nổi tiếng gây không ít tranh cãi, thậm chí có lúc bị “chối từ” với lý do là nội dung “có vấn đề”. Không riêng “Bạch đàn liễu”, nhiều vở của Xuân Trình “Thời tiết ngày mai”, Mùa hè ở biển”… đã từng chịu số phận vất vả ngay trên đường hiện thực hóa con chữ đến sân khấu. Chia sẻ với nhà văn, nhà biên kịch Xuân Trình, đạo diễn – NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói “Định mệnh của Xuân Trình là sân khấu. Các kịch bản của ông như là số phận. Xuân Trình hiện lên cao lớn. Những vở diễn của ông phản biện xã hội, mang tính dự báo. Ông đặt ra những số phận, quan tâm đến người nghèo…”.
“Bạch đàn liễu” trở lại theo phong cách ước lệ của sân khấu truyền thống
Sau ngót nửa thế kỷ “tạm cất kho”, NSƯT Trần Lực cùng ê kíp sáng tạo LucTeam quyết tâm dựng lại “Bach đàn liễu” của cố tác giả Xuân Trình theo một phiên bản mới: “Tôi và LucTeam luôn trân trọng những tác phẩm của các vị tiền bối. Những tác phẩm sân khấu hay phải được dựng lại và dựng với tinh thần của các nghệ sĩ đương đại – ấy là mong muốn của tôi và LucTeam”. Ê kíp sáng tạo của LucTeam theo tinh thần nghệ sĩ đương đại đã làm nên thành công cho vở diễn dựng theo phong cách ước lệ của sân khấu truyền thống – vốn là thế mạnh của đạo diễn Trần Lực, gồm: Biên tập-Đỗ Trí Hùng, biên đạo – Tạ Vũ Thu, âm nhạc – Nguyễn Thành Nam, thiết kế mỹ thuật – Hoàng Duy Đông… Vở kịch đã rút ngắn thời gian từ 180 phút (đạo diễn Đình Quang năm 1973) xuống còn khoảng 80 phút (đạo diễn Trần Lực, 2019) là phù hợp với tâm lý của khán giả và sân khấu thể nghiệm. Thời lượng rút ngắn cũng là một thách thức. Ngắn nhưng vẫn phải đảm bảo nội dung cốt yếu. Sân khấu được đan cài nhiều yếu tố khái quát và hài hước, hiện đại và truyền thống chèo… Qua bàn tay biên tập có nghề của nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng, lời thoại quậy cựa hơi mang thở mới đương đại hài hước, sâu cay. Sân khấu do họa sĩ Hoàng Duy Đông thiết kế mang tính chất ước lệ. Điểm nhấn là đôi cây bạch đàn ở tư thế đứng và đốn.
Đôi cây bạch đàn liễu là biểu tượng của tình yêu. Qua tấm rèm mỏng, khán giả sẽ thấy diễn viên trong trạng thái chờ và đặc biệt sự thăng hoa của dàn nhạc. Hiệu ứng của âm thanh ánh sáng đã làm phần chuyển cảnh nhanh chóng, hiêụ̣ quả. Được mời làm nhạc cho vở diễn, NSƯT Nguyễn Thành Nam chia sẻ “Trao đổi với đạo diễn Trần Lực, em thực hiện ý tưởng làm nhạc theo phong cách ước lệ. Nhạc cụ dân tộc phát huy ở cây sáo – biểu tượng người con trai; đàn bầu tượng trưng cho người con gái. Vì nội dung câu chuyện mang nhiều yếu tố bi, nên em sáng tác âm nhạc mang giai điệu man mác buồn và trữ tình. Phần nhạc tập trung chủ yếu vào các nhân vật: ông bà Lượng và đôi bạn trẻ Độ – Liệu”. Vốn là sinh viên xuất sắc của Lớp sáng tác chỉ huy dàn nhạc, NSƯT Thành Nam đã thăng hoa cảm xúc sáng tạo phần nhạc làm nên thành công của vở diễn. Đặc biệt bằng chính giọng ca của mình, nhạc sĩ đã cất lên giai điệu trữ tình cùng ca từ khơi gợi, ám ảnh ở phần cuối vở kịch “Nhớ lời cha mẹ ân cần/ Tương lai phía trước đường đời còn xa/ Hỡi ai còn có mẹ, có cha/ Đừng để mẹ khóc, cha buồn người ơi”.
Thành công của “Bạch đàn liễu” phải kể đến tài năng diễn xuất xuất thần nhập hóa của các nghệ sĩ, như: NSND Trung Anh (vai ông Lượng); Hoàng Tùng (vai Quyền), Khuất Quỳnh Hoa (bà Lượng), Ngọc Trâm (Phái và Bí thư), Lê Minh Quân (vai Độ), Phương My (vai Liệu). Diễn viên Hoàng Tùng vào vai Quyền khá đạt. Trần Lực đã rất tinh chọn một diễn viên kịch câm vào một nhân vật phải thoại từ đầu đến cuối. Nói về tài năng của Trần Lực cho vở diễn mới, nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng – một người bạn đã gắn bó với đạo diễn Trần Lực từ những phim truyền hình đến sân khấu đánh giá cao người nghệ sĩ ở sự sáng tạo “Không có công trình lý luận nào lường trước được khả năng sáng tạo của nghệ sĩ. Trần Lực là đạo diễn hiện đại vượt trội, xử lý nguyên liệu một cách quá xuất sắc. Khán giả từng choáng với “Quẫn” thì lần này lại choáng với ” Bạch đàn liễu”, cả hai đều là những kiệt tác của quá khứ được kể lại bằng tinh thần hiện đại”.
NSND Phạm Nhuệ Giang đánh giá “So với các vở khác của Lực Team, mình thích vở này vì ngôn ngữ tiết chế, hiện đại, bi hài không phô diễn mà rất kinh điển. Đạo diễn Trần Lực và diễn viên thật sự rất sáng tạo diễn hình thể…”…
Vở kịch “Bạch đàn liễu” được công chúng đón nhận bởi nội dung giản dị, mang thông điệp lớn. Nhân dân với sức mạnh to lớn, bền bỉ đã không ngại hy sinh, gian khổ để góp sức làm cuộc cách mạng bảo vệ chính quyền chúng ta. Muốn bảo vệ chính quyền thì không có lựa chọn nào khác là chúng ta phải dũng cảm đấu tranh, chống lại cái ác, cái xâu. “Bạch đàn liễu” là chương trình mở đầu cho Hội thảo khoa học quốc gia “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới” nhằm tôn vinh nhà viết kịch hàng đầu của sân khấu hiện đại Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Xuân Trình sinh ngày 06/01/1936 tại làng Lỗ Xá, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê hương ông vốn là một vùng quê nghèo chiêm trũng, đồng trắng, nước trong. Từ lúc hoạt động sân khấu (1961) cho đến khi buông bút, rời xa cõi tạm (1991), Xuân Trình đã để lại hơn 30 văn xuôi, kịch bản sân khấu: “Chuyện những người du kích” (1961), “Quê hương Việt Nam” (1968), “Lập xuân” (1970); “Hận thù từ đâu tới” (1972), “Bạch đàn liễu” (1973), “Ngôi nhà trong thành phố” (1974), “Xóm vắng” (1975), “Trăng lên đỉnh núi” (1977), “Đoàn tàu đi về phương Nam” (1977), “Ngày bình yên trở lại” (1978), “Cuộc đời này là của chúng mình” (1983), “Truyện trích trong rừng cấm” (1984), “Mùa hè ở biển” (1985), “Đợi đến mùa xuân” (1986), “Cố nhân” (1987), “Nửa ngày về chiều”, “Ngày xưa nơi đây là chiến tranh”, “Ngôi nhà màu hồng ngọc” (1988), “Nghĩ về mình” (1990), “Nửa ngày về chiều” (1990)… |
Tổ Quốc