Tôn vinh những đóng góp của nhà viết kịch Xuân Trình

 Nhằm đánh giá đúng mức tầm vóc và vị trí của nhà viết kịch Xuân Trình trong nền sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Xuân Trình, nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”.


Họp báo giới thiệu hội thảo. (Ảnh: HL) 

Trong buổi họp báo ngày 21/11 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: Hội thảo khoa học “Xuân Trình, nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới” sẽ diễn ra vào ngày 30/11 tại Rạp Đại Nam. Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương.

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình (1936-1991) đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT và được đặt tên cho một đường phố ở thành phố Nam Định, quê hương ông. Xuân Trình từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và là một trong những nhà viết kịch hàng đầu của sân khấu hiện đại với nhiều vở diễn nổi tiếng, gây nhiều tranh luận về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật từ giữa những năm 60 – 90 của thế kỷ trước…

Với gần 30 kịch bản được dàn dựng trên sàn diễn của các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc như: Chuyện những người du kích, quê hương Việt Nam, Lập xuân, Hận thù từ đâu tới, Bạch đàn liễu… Xuân Trình đã tạo nên các tác phẩm có tính dự báo cao và gây chấn động dư luận. Ông viết những chuyện rất thật, rất nhỏ từ chính xã hội đương thời mà ông đang sống nhưng vấn đề đặt ra lại không hề nhỏ. Để làm được điều ấy, Xuân Trình đã dấn thân và dám nhận lấy những phiền toái. Ở vị trí tác giả, ông là người đi trước thời đại.

Nhớ lại thời gian Đoàn Kịch Nam Định dựng vở “Mùa hè ở biển” của Xuân Trình, nhà viết kịch Đào Quang cho biết, đó là thời gian căng thẳng để vở được dự thi Liên hoan Sân khấu toàn quốc. Ở tác phẩm này, Xuân Trình đã đề cập tới sự quan liêu, bảo thủ của chế độ bao cấp làm cho đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn và ông đề cập trực diện tới việc cần phải xóa bỏ. Chỉ ít thời gian vở ra mắt, chế độ bao cấp đã chính thức bị xóa bỏ, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ của cơ chế thị trường. Hay vở “Đợi đến mùa xuân” viết về vấn đề giáo dục và trách nhiệm của xã hội đối với những người có công cũng vậy. Chỉ ít thời gian sau, Nhà nước đã tiến hành việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng như sự ghi nhận và tri ân sự hy sinh xương máu và đóng góp của những người mẹ đối với Tổ quốc.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: Định mệnh của Xuân Trình là sân khấu. Các kịch bản của ông như là số phận. Xuân Trình hiện lên cao lớn. Những vở diễn của ông phản biện xã hội, mang tính dự báo. Ông đặt ra những số phận, quan tâm đến người nghèo.

Sinh trưởng trong gia đình danh giá và giàu có ở quê hương Nam Định, Xuân Trình đã được lĩnh hội nền giáo dục và tinh thần cách mạng từ các thế hệ đi trước. Ông đứng về phía những người nghèo khổ, những người nông dân chân lấm tay bùn. Điều đó được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của ông.

Xuân Trình được coi là nhà viết kịch tiên phong của sự nghiệp đổi mới. Cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Trình để lại nhiều bài học quý giá của một nghệ sĩ tài năng, một nhà lãnh đạo văn nghệ nhiệt huyết, luôn gắn bó máu thịt với hiện thực cuộc sống, với sự nghiệp cách mạng.

Trong khuôn khổ các hoạt động tại hội thảo, tối 29/11 sẽ có buổi biểu diễn vở kịch “Bạch đàn liễu” và sáng 30/11 diễn trích đoạn vở kịch “Đợi đến mùa xuân” của nhà viết kịch Xuân Trình. 

 

Đảng Cộng Sản

 

 

 

Share this page