Xuân Trình và một số tác phẩm kịch của anh – Nhà nghiên cứu Hà Điệp

Là người sinh ra ở vùng quê nghèo, sau khi tốt nghiệp khoa văn Trường Đại học Tổng hợp những năm 60, Xuân Trình đã có dịp làm một số công việc viết báo, ký và một số truyện ngắn. Như vậy trước khi đến với sân khấu, Xuân Trình đã đến với văn học.


Trong những năm công tác, Xuân Trình đã có dịp đi nhiều, hiểu biết nhiều mảng thực tế phong phú của đất nước. Với tâm hồn sâu sắc nhậy cảm và trí thông minh quý báu, cộng với tình yêu say cuộc sống đến cháy bỏng đã khiến Xuân Trình trở thành tác giả sân khấu tài năng. Các vở kịch của anh đều viết về đề tài hiện đại và những vấn đề cuộc sống đang đặt ra và yêu cầu được giải quyết. Từ Quê hương Việt Nam (1966); Lập xuân (1970); Ngôi nhà trong thành phố (1971); Hận thù từ đâu tới (1972); Bạch đàn liễu (l973); Xóm vắng (1977); Ngày bình yên trở lại (1978); Cố nhân (1979); Thời tiết ngày mai (1980); Mùa hè ở biển (1985); Đợi đến mùa xuân (1986); Giấc mơ mầu hồng ngọc (1988); Nửa ngày về chiều (1990); Nghĩ về mình (1990) v. v:..

Chúng ta đều thấy những tác phẩm của Xuân Trình đầy ắp thực tế nhưng không chỉ dừng lại ở mức phản ánh cuộc sống, cho dù là cuộc sống chân thực và sinh động đến mấy. Qua mỗi tác phẩm của mình, Xuân Trình đều cố gắng khái quát thành vấn đề có ý nghĩa xã hội, khiến cho người xem, người đọc trăn trở suy nghĩ và mong tìm ra một lời giải đáp một hướng giải quyết tích cực những vấn đề thiết yếu của cuộc sống. Chính điều này đã làm nên tính cách độc đáo và quý báu của Xuân Trình, làm nên một chất riêng cho ngòi bút viết kịch của anh.

Để có những tác phẩm có giá trị đóng góp cho nền sân khấu Việt Nam hiện đại, Xuân Trình đã có những năm tháng hằng suy nghĩ, băn khoăn bởi một số tác giả khác ở thời kỳ đầu chống Mỹ. Điều này được anh đề cập trong bài viết in ở tập tiểu luận: Những lời không nói trên sân khấu Nhà xuất bản Sân khấu 1995: “Những tác phẩm ấy nhìn chung chủ đề chưa lớn, chưa vượt lên những sự việc và câu chuyện đang diễn ra trên sân khấu. Kịch chúng ta thường mới dừng lại ở việc kể cho người xem một câu chuyện đẹp trong đời sống chiến đấu, sản xuất và dựng lên những nhân vật mang theo những phẩm chất tốt. Tất nhiên có ở chừng mực như vậy cũng đã giới thiệu cho người xem những tấm gương đáng noi theo. Song nếu chỉ dừng lại như vậy thì tác dụng của một số tác phẩm sân khấu không hơn gì một đoạn tin ngắn về công việc tốt. Vì ý nghĩa của mỗi tác phẩm kịch mới chỉ khuôn trong phạm vi một câu chuyện, chúng ta sẽ mãi mãi chạy theo sau cuộc sống, nhai lại một cách đơn điệu” Suy nghĩ đó của Xuân Trình vừa là sự băn khoăn, song cũng là trách nhiệm, ý thức của một người cầm bút trước hiện thực cuộc sống mà không dễ ai cũng có được.

Cho đến nay khi nói đến tác giả Xuân Trình hay qua những tác phẩm kịch của anh, nhiều người đã có những nhận định khá thống nhất – Đó là kịch của Xuân Trình:

  • Có tính chất dự báo
  • Thể hiện tính văn học cao
  • Tính công dân rõ nét

Thực ra đây là ba đặc điểm song luôn có sự thống nhất hài hoà trong mỗi tác phẩm kịch của anh. Chúng    ta đều biết hiện thực cuộc sống vốn khách quan và  vô  tư đối với mọi người. Đứng trước cùng một hiện tượng, người nghệ sĩ có những cách tiếp cận khác nhau. Người thì hững hờ, người thì xúc động, trân trọng. Như thế ngoài sự rung cảm cũng cần phải có cách nhìn đúng đắn để phát hiện. Nghệ sĩ sáng tác chân chính luôn xuất phát từ nhu cầu muốn được giãi bày, biểu hiện những điều đang ấp ủ, chắt chiu qua đó thể hiện thái độ, quan niệm của bản thân trước cuộc sống, Xuân Trình đã là tác giả như vậy.

Rất nhiều vở kịch của Xuân Trình thường ra đời vào những thời điểm đất nước có những biến chuyển. Ở đó tác giả đã có sự nhìn nhận xa hơn, sâu hơn, phải chăng như là những dự báo – qua các vở tiêu biểu:

Lập xuân viết về cuộc cách mạng kỹ thuật được diễn tả trong xung đột giữa hai thế hệ. Đó cũng là nói lên một điều về quy luật của sự thay đổi cán bộ lãnh đạo. Bạch đàn liễu là cuộc vận động cải cách dân chủ, chống tệ nạn cường hào mới ở nông thôn.

Hay Thời tiết ngày mai như cuộc vận động đưa nông thôn từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Rồi đến Mùa hè ở biển là sự khẳng định phương thức khoán trong sản xuất nông nghiệp. Đến Nửa ngày về chiều tác giả đòi hỏi, đặt vấn đề về sự công bằng xã hội.

Nhiều người đọc kịch của Xuân Trình đều thấy hay, hấp dẫn, bởi tính văn học trong tác phẩm rất rõ. Điều này được thể hiện trong cấu trúc kịch bản, xây dựng xung đột, hay lời văn có chọn lọc giầu hình ảnh và cảm xúc. Điểm nổi bật trong tính văn học qua kịch bản Xuân Trình là cách khai thác tâm lý nhân vật. Miêu tả tâm lý nhân vật càng kỹ, càng tinh tế bao nhiêu thì càng gây cho người đọc, người xem những cảm xúc khó quên, đồng thời thể hiện sâu chủ đề vở diễn.

Chẳng hạn trong vở kịch Lập xuân tác giả đã viết về vấn đề khá phổ biến ở nông thôn là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ trong sản xuất nông nghiệp. Qua cốt truyện, tác giả muốn miêu tả quá trình vươn lên tiếp thu cái mới. Đó là cả quá trình diễn ra phức tạp và dai dẳng, đồng thời cũng là vấn đề  có ý nghĩa khái quát. Xuân Trình đã miêu tả sự thắng lợi của cái mới một cách tinh tế và sâu sắc qua nhân vật ông Thuần. Ông Thuần từ chỗ không muốn nhường chức chủ nhiệm cho Huấn, đến chỗ nhường chức nhưng mới chỉ là trên lý lẽ, cuối cùng là chấp nhận hoàn toàn. Đó là quá trình diễn ra phức tạp trong con người ông Thuần. Cái cũ vì đã ăn quá sâu vào ông, do đó tình cảm với nó không phải một chốc lát mà quên đi được. Cái cũ ấy cũng chỉ mong có một chút dịp nào đó là nó trỗi dậy, như lời bàn tán của bà con tiếc cho ông Thuần khi ông thôi chức chủ nhiệm, rồi đặc biệt khi nhận mảnh ruộng thí nghiệm để cấy giống lúa chiêm cũ thi đua với giống lúa xuân của nhóm thanh niên kỹ thuật của Huấn. Đó chỉ là một ví dụ trong rất nhiều nhân vật khác được tác giả miêu tả trong nhiều vở khác nhau.

Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một số vở như: Mùa hè ở biển, Đợi đến mùa xuân, Giấc mơ mầu hồng ngọc, Nửa ngày về chiều. Ở đó tác giả nhằm phê phán những vấn đề tiêu cực của xã hội, đó cũng là những vấn đề nóng bỏng nhất của hiện thực cuộc sống.

Mùa hè ở biển – tiếng cười giã từ cái cũ. Tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985, vở kịch Mùa hè ở biển do Đoàn kịch Hà Nam Ninh dựng đã gây tiếng vang trong và ngoài giới sân khấu. Vở Mùa hè ở  biển đã gợi một số vấn đề khá lớn ở nông thôn. Sự lỗi thời không sao tránh khỏi của cái cũ, cái trì trệ, bảo thủ trước sự thắng thế tất yếu của cái mới, cái tiên tiến. Đoàn Xoa nhân vật chính trong vở Mùa hè ở biển là người có tính nguyên tắc cao, thương yêu đồng chí bạn bè, vợ con hết mực. Nhưng thật đáng tiếc, tất cả những cái đúng, cái  tốt và thiện chí của Đoàn Xoa trở thành lỗi thời với cuộc sống đang đi lên. Sự lỗi thời ấy đã đẩy Đoàn Xoa vào tình thế hài hước, đáng buồn cười. Vở kịch là tiếng cười song đầy chân thực. Qua vở kịch thấy rõ thái độ mạnh dạn, nghiêm túc của nhà viết kịch Xuân Trình trong việc phê phán cái cũ, cái tiêu cực trong sản xuất và quan hệ xã hội ở nông thôn ta hiện nay. Đó cũng là điều phù hợp với yêu cầu của Đảng. Qua Mùa hè ở biển ta, thấy nhân vật Đoàn Xoa là hình tượng sân khấu chân thực, sinh động. Tiếng cười trong Mùa hè ở biển vừa chế nhạo cái cũ, cái lỗi thời, đồng thời là tiếng cười góp phần khẳng định cái mới, cái tiến bộ trong sự phát triển của xã hội.

Trong dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) tổ chức tại Hà Nội. Vở kịch Đợi đến mùa xuân viết về giáo dục với một bút pháp nghiêm túc chân thực cùng những câu chuyện, những con người gần với đời thường. Nhân vật chính của vở kịch là cô giáo Nhung với cảnh ngộ éo le, khắc nghiệt. Đợi đến mùa xuân, không chỉ dừng lại ở cuộc sống nhà trường. Với cách nhìn mới mẻ, tác giả Xuân Trình đã tạo ra sự gặp gỡ  giữa vấn đề nhà trường và vấn đề xã hội. Thông qua hình tượng cô giáo Nhung tác giả muốn xây dựng hình tượng con người mới gắn liền với xây dựng niềm tin cho lớp trẻ hôm nay. Để xây dựng niềm tin cho các em học sinh, cô giáo Nhung đã phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, cơ hội trong nhà trường.

Cái mạnh của vở Đợi đến mùa xuân còn nêu vấn đề quan điểm lỗi thời trong ngành giáo dục, được thể hiện trong những bài giảng sáo mòn.

Giấc mơ màu hồng ngọc là vở kịch với những lời phê phán sâu sắc – vở diễn được ra mắt năm 1988. Qua câu chuyện giầu tính chân thực, Giấc mơ màu hồng ngọc đã tập trung phê phán những điều bất hợp lý trong việc chăm lo đến nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh sống của nhân dân hiện nay. Vở kịch đồng thời còn phơi bày rõ ràng sự biến chất của một số cán bộ đảng viên cấp phường. Đây cũng là vở kịch giầu tính thời sự.

Hình tượng cụ Đặng là người mẹ cách mạng trong vở kịch thật cảm động và kính phục – cả cuộc đời cụ chịu thương chịu khó nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, giờ đây nhờ số tiền chắt chiu được để mua đất xây nhà cho cô cháu con liệt sĩ thì gặp nhiều khó khăn phức tạp cản trở. Nhìn thấy những sự thực đó, cụ đã đấu tranh phê phán mạnh mẽ những tiêu cực của cuộc sống, tiêu biểu là các cán bộ cấp phường. Nếu nhìn xa hơn nữa là trách nhiệm của những người cao hơn.

Qua vở kịch Xuân Trình mạnh dạn đi thẳng vào để phản ánh những hiện tượng phức tạp gai góc đó, nêu lên những vấn đề cần giải quyết trong cơ cấu hành chính, củng cố đội ngũ cán bộ. Hình tượng ông chủ tịch phường và thư ký bộc lộ sự tha hoá biến chất, lợi dụng chức quyền để tham ô.

Còn lớp cán bộ cao cấp không nên xa rời thực tế để rồi máy móc đề ra những chính sách, chỉ thị.

Vở Nửa ngày về chiều do hai Đoàn kịch Quân đội và Đoàn kịch Hà Nam Ninh dựng trong dịp Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990. Vở kịch xoáy sâu vào vấn đề tại sao người có công suốt đời cống hiến cho sự nghiệp chung lại cứ mãi bị thiệt thòi cho tới lúc về nghỉ hưu, còn kẻ cơ hội lại ngang nhiên hưởng cuộc sống cao sang. Vở kịch như một tiếng nói về sự công bằng, về cái gì đó chưa ổn trong xã hội.

Sự thành công xuất sắc của bốn vở kịch nêu trên đều đề cập tới những vấn đề rất thực trong đời sống. Tuy  mỗi vở một nội dung, một vấn đề được đề cập ở mức độ khác nhau, song tất cả đều được xuất phát từ hiện tượng, chất liệu cụ thể của đời sống phù hợp với bản chất của xã hội. Tác giả đã miêu tả nâng lên mức khái quát, tiêu biểu thành một vấn đề mang tính triết lý. Những vở kịch đã thành công xuất sắc chính vì tác giả có thái độ phê phán rất mạnh mẽ, thẳng thắn cái lạc hậu điều sai trái, đồng thời khẳng định xã hội tốt đẹp của chúng ta. Tác giả không dừng lại ở hiện tượng tiêu cực, ở cái xấu không thôi mà cao hơn là xây dựng hướng tới cái tốt. Những vở kịch thành công bởi tác giả đã quán triệt được nguyên tắc phê phán nhằm khẳng định và xây dựng.

 

Nhà nghiên cứu Hà Điệp

 

 

 

 

 

Share this page