Đi vào thể hiện cuộc sống hôm nay, tham gia giải quyết những vấn đề đang đặt ra không chịu dừng lại ở tính chất phản ánh, luôn đề cập những vấn đề có ý nghĩa xã hội, có khuynh hướng vươn tới tính khái quát, tính triết học. Đó là yêu cầu đầu tiên của Xuân Trình đối với kịch, đồng thời cũng là điểm nổi bật của kịch Xuân Trình. Quá trình sáng tác của Xuân Trình cũng đồng thời là quá trình tìm tòi sáng tác của anh.
Trước khi sáng tác vở Quê hương Việt Nam (1967) vở kịch, theo Xuân Trình, mở đầu cho một giai đoạn sáng tác mới, với một quan niệm mới, cũng chính là sự mở đầu cho chặng đường viết kịch đầy gian lao sóng gió của anh. Xuân Trình đã có gần 10 năm viết kịch. Từ năm 1959 anh đã viết Cái nợ đồng lần, Những người du kích, Đồng chiêm, Mẹ và những đứa con, Ai là chú, Đứa con người khác, Phát súng, Cửa sau… Hầu hết là những vở kịch ngắn giống như những mẩu chuyện ghi nhanh từ thực tế cuộc sống lao động và chiến đấu đang diễn ra lúc đó. Một số vở đã được dàn dựng để đi phục vụ hỏa tuyến.
Nói chung các vở kịch ban đầu này không có gì đặc sắc nhưng số phận của nó nói chung đều suôn sẻ. Theo sự tự nhận xét của tác giả, đó là giai đoạn mang nặng tính chất mô phỏng cuộc sống. Chính điều đó đã cố định nội dung và hợp thức hóa tư tưởng của mỗi vở kịch của anh. Ở đấy anh như thiếu không gian cho những tư tưởng sáng tạo nghệ thuật riêng. Và thế là, sự không thỏa mãn, không hài lòng đã cùng lúc mở ra sự hiểu biết, tự khám phá, tự tìm đến một quan niệm nghệ thuật mới.
Sau chuyến đi thực tế 6 tháng, vào tuyến lửa Vĩnh Linh anh giác ngộ ra rằng bản thân chất liệu của cuộc sống là đáng quí nhưng chưa đủ. Cái khác nhau ở mỗi nghệ sĩ không phải là ở tư liệu cuộc sống mà là ở chỗ sử dụng những tư liệu ấy vào biểu đạt tư tưởng sáng tạo nghệ thuật của mình như thế nào. Sáng tác đối với anh không còn là sự mô phỏng thực tại, mặc dù là thực tại anh hùng, thực tại vốn có đầy đủ phẩm chất cao thượng, đẹp đẽ. Vấn đề là ở chỗ phải nâng thực tại lên làm tư tưởng trên tinh thần khái quát, phân tích và bình giá nó, phải cảm thụ thực tại bằng những rung động thẩm mỹ từ bên trong nghệ sĩ. Vở kịch Quê hương Việt Nam chính là dấu hiệu của sự chuyển biến đó.
Từ đấy chính thức mở ra một chặng đường mới trong quá trình sáng tác của Xuân Trình – chặng đường để anh tự trở thành mình, tự khẳng định bản sắc riêng của mình trong tiến trình kịch nói hiện đại. Cũng từ đây, kịch Xuân Trình có thêm một đặc điểm mới chi phối gần như toàn bộ sáng tác của anh từ đó đến nay, đó là tính luận đề, tính triết lý của mỗi vở kịch.
Với hành trang gồm 24 vở kịch, tính đến hôm nay khán giả không phải không có lý khi nhận xét rằng đọc kịch bản của Xuân Trình thường hay hơn xem vở diễn (đặc biệt là vở kịch đầu). Bởi vì, trước hết Xuân Trình thường khai thác xung đột trên những câu chuyện bình thường xảy ra trong cuộc đời để rồi từ đó khái quát lên những vấn đề có chiều sâu nhân sinh hoặc triết học. Hầu như bao giờ anh cũng có ham muốn tột bậc là khai thác tối đa ý nghĩa câu chuyện, đẩy chủ đề lên những tầm cao mới. Anh thường viết theo cách đặt vấn đề còn gọi là kịch luận đề. Do đó toàn bộ các yếu tố cấu thành tác phẩm như cốt truyện, tình tiết, chi tiết và nhất là nhân vật đều buộc phải chuyển động xung quanh một vấn đề mấu chốt, nói đúng hơn, đều xuất hiện và phát triển hoặc kết thúc vai trò của mình theo yêu cầu của việc giải quyết vấn đề mà anh đặt ra trong tác phẩm của mình. Và bao giờ anh cũng cố gắng đặt ra được một vấn đề gì đó trong cuộc đời hôm nay bằng tất cả sự nhiệt tình, lòng chân thành của trái tim mình, khiến người xem bị cuốn hút và phải suy ngẫm.
Các vở kịch của Xuân Trình ra đời thường vào những thời điểm đất nước có những biến đổi lớn. Ví như khi nông thôn bước vào thời kỳ của ba cuộc cách mạng tiến hành đồng thời, anh có ngay vở Lập xuân. Với cuộc vận động đưa nông thôn từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, vở Thời tiết ngày mai ra đời. Và ngay cả trước khi có nghị quyết 01 với sự khẳng định phương thức khoán trong sản xuất nông nghiệp anh đã viết Mùa hè ở biển. Hoặc như với ý nghĩa là một cách nhìn, một phương diện giải thích trong rất nhiều cách nhìn, nhiều phương diện giải thích khác nhau về chiến tranh và những vấn đề đặt ra sau chiến tranh, ngay năm 1975 anh đã có vở Hận thù từ đâu tới và năm 1990 này với vở Nửa ngày về chiều của anh ra đời.
Chính điều đó đã tạo cho Xuân Trình cái khả năng vừa đưa các nhân vật của mình vào mối xung đột, vừa đặt ra trong kịch những vấn đề có tính xã hội thực sự của thời đại. Ở đây anh thường tỏ ra sắc sảo và nhạy bén luôn phát hiện ra những vấn đề mới nhất và anh đặt biệt có ý thức về chủ đề của tác phẩm. Dường như vở kịch nào của anh cũng ẩn giấu bên trong một chủ đề triết học.
Với vở Bạch đàn liễu anh muốn nói đất nước này phải chiến đấu và đã đổ bao xương máu mới bảo vệ được nền dân chủ, mỗi người phải tự mình có ý thức gìn giữ chứ không phải có một ông Bao công nào đem ban phát, vì lẽ đó trong kịch không xuôi chiều bênh vực sự nhẫn nhục, và ngược lại, nó chỉ cho ta nhận thấy: nhẫn nhục cũng là một tội ác.
Ở vở Xóm vắng qua mối quan hệ của những người rất bình dị, anh nói về tình người và đề cập đến một vấn đề: chốn đô hội nào chẳng bắt đầu từ nơi vắng vẻ? Vở kịch công kích sự tránh né. Chủ đề của vở Thời tiết ngày mai thật đơn giản: cuộc sống là ở ngày mai, muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Hay như chủ đề của vở Chuyện tình trong rừng cấm yêu là để bảo vệ chăm sóc phát triển chứ không phải: yêu là để chiếm đoạt, tàn phá, độc ác. Hoặc như vở gần đây nhất vở Nửa ngày về chiều khán giả chợt nhận ra được những vấn đề vốn sẵn tồn đọng trong bản thân mình mà không gọi tên ra được. Sự tận tụy hy sinh đã lãnh đủ mọi thiệt thòi, đã trở thành một quan niệm sống không còn là lẽ đương nhiên nữa, mà phải cất thành câu hỏi: Tại sao người tốt lại cứ phải thiệt thòi, càng tốt càng bị thiệt thòi và bị lãng quên ngay cả trong cuộc sống mà họ đã vì nó mà hiến dâng tất cả? Và một điều cảnh tỉnh: nếu tình hình không được thay đổi thì liệu có ai dám làm người tốt nữa không?
Một điểm đáng trân trọng nữa trong sáng tác của anh là trong việc lý giải hiện thực, anh đã không né tránh và thường đi trước thời điểm đặt vấn đề hơi sớm. Dường như trong thái độ tiếp nhận thực tại, đánh giá thực tại, anh không bằng lòng với việc chấp nhận vẻ bề ngoài của nó. Với mỗi con người, mỗi hiện tượng của cuộc sống anh luôn có một cái nhìn chiều sâu, cái nhìn khám phá vào tầng bên trong, tầng tư tưởng đã lắng xuống sau sự ồn ào.
Nhưng cũng chính vì khả năng biết nhìn xa nhìn trước vấn đề mà các tác phẩm của Xuân Trình ra đời từ vở Quê hương Việt Nam đến các vở Lập xuân, Bạch đàn liễu, Thời tiết ngày mai… đều gặp không biết bao nhiêu khó khăn bởi những sự đánh giá khắc nghiệt qua cách nhìn hẹp hòi khiến cho đời sống sân khấu của các vở diễn đó không được dài lâu. Xin lấy ví dụ bằng vở Quê hương Việt Nam, đây là vở kịch dài viết về cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng cũng rất anh hùng của quân và dân Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh phá hoại khốc liệt với kẻ thù.
Có thể nói, trên bước đường tìm tòi khám phá để hình thành phong cách, Xuân Trình đã có những đóng góp đáng kể về phương diện nghệ thuật. Các vở kịch của anh đều có cấu trúc rất gần với đời sống, những bất ngờ ít xảy ra, sự tạo tác gần như không đáng kể. Từ trong cuộc sống thực, ở những con người thực anh luôn tìm ra những vấn đề có tác dụng chi phối đối với con người và cuộc sống bằng những hình tượng sống, bằng những nhân vật có da, có thịt có cuộc đời riêng gắn bó chặt chẽ với cuộc đời chung của toàn xã hội.
Từ nhân vật Huấn (trong vở Lập Xuân) đến Lụa (vở Thời tiết ngày mai) rồi từ nhân vật nổi tiếng Đoàn Xoa (Mùa hè ở biển) đến cô giáo Nhung (vở Đợi đến mùa Xuân), đến Tư Hoằng (vở Nửa ngày về chiều) và Hiển, Linh, Hằng ( vở Nghĩ về mình)…. đều là những nhân vật được hình thành rõ nét bởi những tính cách riêng biệt mà người xem có thể soi bóng vào.
Đọc kịch bản của Xuân Trình còn có một điểm đáng chú ý nữa là, bên cạnh chiều sâu của nghệ thuật còn là bề rộng của tấm lòng tác giả. Thông qua các tác phẩm người xem dễ nhận thấy lấm lòng, trái tim của Xuân Trình đối với sự sống còn của đất nước, của con người. Vì luôn đề cập đến những vấn đề mà mọi người quan tâm anh đã qui tụ được ý nghĩ của nhiều người vào một vấn đề chung.
Mối tình của phó tiến sĩ nông học Trác với cô Bính, tình yêu của Trà đối với cái làng Đỗ Xá nghèo khổ kia (vở Xóm vắng) đã làm thức dậy trong khán giả ý thức trách nhiệm về việc xây dựng cuộc đời của chính mình trên quê hương và đất nước mình. Nhận thức của Mai (Mùa hè ở biển) về hạnh phúc, về tình yêu, cũng như của Tu Xích (ở Chuyện tình trong rừng cấm) rằng yêu là để làm sao cho cuộc sống, cho người mình yêu tốt đẹp hơn lên. Tình cảm của ông bố và người con (trong Ngày xưa nơi đây là chiến tranh) nói lên: sự ân hận thì dễ nhưng điều quan trọng là phải làm sao xóa bỏ được sự ân hận ấy… đã góp phần làm thức tỉnh trong con người một mối quan hệ chân chính đối với cuộc sống.
Lời văn trong các kịch bản của Xuân Trình vốn giản dị, rõ ràng mà không sơ lược. Lời văn đi thẳng đến khán giả bằng tư tưởng sáng sủa, bằng hình ảnh chính xác giầu biểu cảm. Ngôn ngữ trong tác phẩm của anh là thứ ngôn ngữ bắt nguồn từ đời sống và được sáng tạo một cách nhuần nhuyễn.
Trần Huy Phượng