Vào một ngày mùa hạ năm 1983, khi lúa vừa chín rộ, nông dân ngoại thành Hải Phòng đang vào mùa thu hoạch, một nhóm gồm sáu tác giả đã được Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng tổ chức cho đi thâm nhập thực tế tại xã Đoàn Xá huyện Đồ Sơn, Hải Phòng. Tác giả Trung ương được mời về gồm có các nhà viết kịch Kính Dân, Xuân Trình, Hồng Phi và Văn Biển. Tác giả địa phương có anh Phan Tất Quang và tôi, khi đó là Phó trưởng phòng Văn nghệ của Sở vừa đi theo với nhiệm vụ tác giả vừa được giao cho trách nhiệm liên hệ sắp xếp nơi ăn nghỉ và điếu đóm cho các ông anh. Đoàn tác giả xuống huyện Đồ Sơn, vào khoảng 4 giờ chiều.
Đã được Thành ủy thông báo trước, anh Nguyễn Đình Nhiên – Bí thư huyện ủy và cơ quan đón tiếp chúng tôi hết sức nhiệt tình và phấn khởi. Anh Nhiên chỉ thị cho văn phòng huyện ủy bố trí cho chúng tôi ở nhà khách huyện ủy. Cứ ăn sáng xong thì lên hai chiếc xe U-oát xuống Đoàn Xá, trưa ăn cơm ở xã, bữa tối lại về huyện ủy.
Ngay buổi tối đầu tiên, Bí thư huyện ủy Nguyễn Đình Nhiên đã dành ra hai tiếng đồng hồ để nói một cách khái quát về quan điểm chỉ đạo của Bí thư thành ủy Hải Phòng Bùi Quang Tạo và Thường vụ thành ủy, mà anh Nhiên được Thường vụ thành ủy cử xuống trực tiếp làm bí thư huyện Đồ Sơn để thực hiện thí điểm khoán sản phẩm trong địa bàn toàn huyện.
Anh Nhiên kể đại lược về tình hình của huyện. Đồ Sơn khi đó gồm có thị xã Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy hợp nhất lại. Huyện lỵ đóng ở Núi Đối bên dòng sông Đa Độ. Xã Đoàn Xá, nơi khởi đầu cho khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở cách huyện lỵ chừng bảy kilômét, nằm kề biển Đông.
Năm 1981, Đoàn Xá khoán chui. Huyện ủy phát hiện ra, xuống kiểm điểm và thi hành kỷ luật toàn bộ Ban chấp hành Đảng ủy và các bí thư chi bộ thôn, rồi báo cáo lên thành ủy. Cấp ủy mới của xã được bầu lên lại tiếp tục khoán chui theo nguyện vọng của dân, và trên cơ sở thực tiễn thắng lợi liên tiếp của bốn mùa vụ liền. Kỷ luật tiếp cấp ủy mới bầu hay không đã trở thành cuộc đấu tranh gay gắt trong thường vụ huyện ủy. Thành ủy xuống kiểm tra và đã phát hiện ra, đây chính là cái mới, cần phải được thí điểm trên diện rộng và nghiên cứu về mặt lý luận để báo cáo với Trung ương. Theo tinh thần đó, anh Nhiên được cử về thay đồng chí bí thư cũ. Nhiều cuộc họp các bí thư Đảng ủy, chủ tịch xã, chủ nhiệm hợp tác xã trong toàn huyện đã tổ chức tại Đoàn Xá. Nông dân cả huyện vui mừng, phấn khởi đã được khoán sản phẩm theo chỉ đạo của thành ủy chứ không còn phải làm chui. Vụ chiêm xuân năm 1983 lại được mùa to.
Trên đường xuống Đoàn Xá, các nhà viết kịch đã chứng kiến tận mắt thành quả của cách làm ăn mới. Những cánh đồng lúa vàng trĩu bông nặng hạt trải rộng mênh mông. Ngồi trên xe, anh Trình đã nói đại ý là: Năng suất lúa cao, xã viên no ấm, làm cho sự vật phát triển là hợp lẽ tự nhiên, hợp với quy luật, nhất định là nó hợp với quy luật. Còn quy luật ấy là quy luật gì, vận dụng nó để đẩy lên nữa ra sao thì phải nghiên cứu kỹ từ thực tiễn.
Cái gì cũng phải hợp lẽ tự nhiên, theo quy luật chứ không thể theo ý muốn chủ quan của con người. Đó là điều anh Xuân Trình cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những khi trao đổi, chuyện trò. Hình như trong chuyến đi thực tế này, anh cũng chủ tâm tìm kiếm những sự việc, con người cụ thể chứng minh cho chân lý đó.
Biết các nhà văn ở Trung ương về tìm hiểu thực tế, để viết, để bênh vực, cổ động cho cách làm ăn mới, bà con xã viên đều hồ hởi ân cần tiếp đón và trò chuyện với anh em chúng tôi. Họ kể chuyện làm ăn, chuyện cửa nhà, chuyện những năm xưa khó khăn, nghèo khổ và cũng chẳng giấu giếm chuyện đã đi ăn mày thập phương.
Qua các cuộc trao đổi với cán bộ xã, chuyện trò với xã viên, dường như mỗi tác giả đều đã phát hiện ra những vấn đề, những ý tưởng cho một kịch bản của mình về khoán sản phẩm. Đến ngày thứ ba của chuyến đi này, tôi đã thấy các anh mỗi người một cách, đi sâu tìm hiểu vào những đối tượng khác nhau, khai thác chất liệu cho vở kịch tương lai. Anh Kính Dân, anh Phan Tất Quang thường hay trò chuyện với các cụ lão nông. Anh Hồng Phi thì hay tới nhà cô Nguyệt, một cán bộ xã đội, vừa giỏi tay cày tay súng lại là một cây sáo nữ nổi tiếng trong các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng. Thấy các anh trêu anh Hồng Phi, tôi cũng ứng khẩu đọc một câu lục bát:
Tên anh nàng có biết không
Hễ đâu mà có bóng hồng là phi.
Anh Hồng Phi không giận mà chỉ nhếch mép cười. Cái đôi mắt trợn trừng của anh, cái bộ râu của anh mới trông thì cũng thấy ngại, cứ tưởng anh dữ dằn. Nhưng gần anh, hiểu anh lại thấy anh cũng hiền thôi. Riêng anh Xuân Trình thì tranh thủ gặp gỡ trao đổi với mọi đối tượng. Anh tìm hiểu cách nghĩ của cán bộ xã, của bà con xã viên, xem họ nghĩ về Đảng, về chủ nghĩa xã hội như thế nào. Họ mong muốn về cán bộ ra sao? Họ tin vào điều gì? Rồi anh đem so sánh đối chiếu với cách nghĩ của bà con ở xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, Hà Nam Ninh quê anh.
Một buổi chiều, anh bảo tôi đi cùng anh lên con đê biển. Bên trong đê là cánh đồng lúa chín. Bên ngoài đê là bãi sú trải dài. Gió Nam mát rượi. Hai anh em thong thả bước đi, vừa nhìn quang cảnh một vùng quê vừa trò chuyện về những điều thấy được ở đây.
Anh bảo: “Ở quê mình, bà con cũng nghĩ vậy thôi, cũng mong muốn vậy thôi, cũng khổ vậy thôi, nhưng họ chưa dám làm như Đoàn Xá. Hay nói đúng hơn là họ chưa có được những cán bộ dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sẵn sàng chịu kỷ luật như cán bộ ở Đoàn Xá. Em thấy không, vấn đề là ở cán bộ! Đúng như Stalin đã nói: Cán bộ quyết định hết thảy. Cái khó bây giờ là phải đấu tranh quyết liệt với một tầng lớp cán bộ bảo thủ trì trệ duy ý chí đến cực đoan”.
Hình như nhân vật Đoàn Xoa đã thấp thoáng trong anh từ những ngày ở xã Đoàn Xá.
Lúc quay trở về, bỗng nghe văng vẳng có tiếng hát Chèo từ loa phóng thanh ở một xóm ven đê. Anh Trình đột nhiên chuyển chủ đề câu chuyện. Anh bảo rằng anh cũng rất thích Chèo vì đó là nghệ thuật dân gian có sức sống lâu bền. Anh nhắc nhở tôi: “Em phải nhớ Chèo là sân khấu dân gian, phải tìm hiểu những yếu tố dân gian trong phương pháp nghệ thuật của nó”. Thế rồi anh kể cho tôi nghe câu chuyện ở làng Vân, Thái Bình người ta giữ bí mật về việc để giống bèo dâu như thế nào, có lời nguyền truyền kiếp ra sao… Anh khuyến khích tôi hãy viết một vở Chèo về câu chuyện đó.
Theo lời anh, năm 1986 tôi đã viết kịch bản Chèo Của hồi môn, đến năm 1992, Đài Truyền hình Việt Nam đã dựng và được thưởng Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật truyền hình toàn quốc. Có điều là trong vở Chèo truyền hình này, theo yêu cầu của Ban Văn nghệ Đài, bí quyết bèo dâu đã được thay thế bằng bí mật men rượu, làng Vân Thái Bình đã đổi thành làng Vân Hà Bắc. Nhưng ý tưởng, cốt truyện vẫn dựa trên gợi ý của anh Xuân Trình. Đối với tôi, quan trọng hơn nữa là những lời nhắc nhở của anh về yếu tố dân gian trong Chèo đã góp phần định hướng cho tôi cả trong sáng tác và nghiên cứu. Luận án Phó tiến sĩ của tôi đã lấy đề tài Yếu tố dân gian và yếu tố bác học trong kịch bản Chèo. Nhiều kịch bản của tôi sáng tác từ đó đến nay chịu ảnh hưởng khá nhiều của phương pháp sáng tác huyền thoại – dân gian. Anh Trình là một trong những người đã có ảnh hưởng lớn đến quan điểm nghệ thuật và những sáng tác, nghiên cứu của tôi.
Trở lại chuyến đi Đoàn Xá, buổi trưa ngày cuối cùng, chúng tôi được xã mời đến ăn cỗ cất nóc nhà của một gia đình xã viên. Một cụ già đã ngoại bảy mươi, dáng người quắc thước, tóc đốm bạc, da tươi hồng niềm nở đón tiếp đoàn nhà văn (dân gọi thế chứ không gọi là nhà viết kịch). Cụ chính là người đã năm năm chống gậy đi ăn mày tứ xứ, bỏ mặc ruộng hoang. Nhưng chỉ sau khi trở về cùng con cháu làm bốn vụ lúa khoán sản phẩm, gia đình cụ có đủ điều kiện dựng ngôi nhà mới bằng gỗ xoan ngâm và xây tường lợp ngói. Đám cất nóc nhà ăn đến mấy chục mâm. Hình như xã có góp thêm với gia đình để cụ đãi khách chứ anh em chúng tôi, chả ai có phong bì theo như tục lệ bây giờ. Ấy thế rồi, ông lão trở thành nhân vật trong Mùa hè ở biển.
Trước khi về thành phố, hai chiếc xe U-oát chở chúng tôi ra bãi biển Đồ Sơn. Chúng tôi dạo mát trên bờ kè đá dưới hàng dừa xanh xem người ta tắm chứ chả có tác giả nào xuống tắm. Bỗng anh Trình quay lại bảo tôi: “Em trông kìa! Ở ngay giữa bãi tắm này mà còn có mấy bà để nguyên cả áo cánh, quần dài đen mà lội xuống biển. Đấy cũng là trái lẽ tự nhiên, tự tách mình ra khỏi cộng đồng khi người ta đã có một quan niệm tiến bộ hơn?”. Thật không ngờ chi tiết ấy cũng được anh hư cấu để đưa vào tác phẩm.
Sau chuyến đi đó, anh Hồng Phi viết Đất nghịch in trên báo Văn nghệ mà trong đó có thấp thoáng bóng hình cô Nguyệt ở Đoàn Xá. Anh Xuân Trình viết Mùa hè ở biển. Anh Kính Dân viết vở kịch ngắn Cô thủ. Anh Văn Biển và anh Phan Tất Quang chưa viết gì về thực tế Đồ Sơn. Còn tôi, tôi viết vở Chèo Người bủa bốn phương. Nhân vật xuyên suốt vở là một người nông dân đi ăn mày, trở về làng lại thành kẻ ăn trộm và gây ra chuyện đau lòng cho gia đình em gái của mình mà em rể là Bí thư Đảng ủy xã. Vở Chèo kể lại sự bức bách ngột ngạt với những hậu quả bi kịch của cơ chế cũ do những quan điểm bảo thủ lạc hậu của các cán bộ lãnh đạo. Kịch bản đã được gửi lên đồng chí Bí thư thành ủy đọc, nhưng không được duyệt cho dựng. Năm 1993, mới được Nhà xuất bản Sân khấu cho in vào tập Chiếc nón bài thơ, và đến năm 2005, Đoàn Chèo Hải Phòng mới dàn dựng trên sân khấu.
Chuyến đi thực tế chưa tới một tuần nhưng đã để lại cho tôi những bài học quý báu qua tấm gương của nhà viết kịch Xuân Trình. Tôi đã học được ở anh cách quan sát khám phá vấn đề tư tưởng trong hiện thực đời sống rồi lại chọn lọc hư cấu tái tạo chất liệu sống để thể hiện những vấn đề tư tưởng trong tác phẩm. Khám phá, phát hiện, đó là nếp tư duy thường trực nơi anh. Hướng mục đích của tác phẩm vào việc giải quyết những vấn đề bức xúc và mang tính chiến lược của xã hội, của con người là những trăn trở thường nhật nơi anh. Học cách viết cũng là học cách làm người, học ở nơi anh – nhà viết kịch Xuân Trình – trách nhiệm công dân, vì xã hội, vì con người của một nhà văn chân chính.
Đối với riêng tôi, chuyến đi thực tế với anh Xuân Trình thật vô cùng quan trọng. Nó tạo tiền đề cho một bước chuyển, một bước phát triển mới, cao hơn trên con đường học tập, rèn luyện và lao động sáng tạo của tôi sau này.
Do quen biết từ lâu lại được gần gũi anh Xuân Trình suốt thời gian ở Đoàn Xá, Đồ Sơn, tình cảm anh em trở nên thân thiết. Sau đó, cứ mỗi lần lên Hà Nội, nơi đầu tiên tôi đến thường là nhà anh Xuân Trình ở 27 phố Lý Thường Kiệt. Anh thường giữ tôi lại ăn “bữa cơm gia đình” với anh chị, và hay đãi thằng em ở tỉnh lẻ bằng món ăn mà anh rất thích. Đó là món thịt ba chỉ luộc ăn với khế chua và mắm tép đỏ au. Mỗi lần gặp anh, tôi lại được học hỏi thêm nhiều điều từ nhận thức triết học, chính trị đến những vấn đề xã hội và cuối cùng bao giờ cũng quay về những câu chuyện sáng tác kịch bản.
Năm 1983 tại Đại hội Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lần thứ hai, anh Xuân Trình được bầu làm phó Tổng thư ký Hội (như Phó chủ tịch Hội sau này) giúp việc cho Tổng thư ký Dương Ngọc Đức. Tôi cũng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Hội. Từ đó tôi thường được gặp anh Trình nhiều hơn, tiếp tục học hỏi ở anh.
Năm 1988, tôi chuyển công tác về Hội Văn Nghệ tỉnh Hải Hưng để gần quê hơn, có điều kiện chăm sóc cha mẹ già, và cũng gần Hà Nội hơn để dễ dàng lên Kinh học hỏi các bậc đàn anh, tìm nguồn giới thiệu kịch bản. Qua một năm rưỡi ở Hải Hưng, tôi dù đã hoàn thành tốt trách nhiệm của Trưởng ban Sân khấu Hội Văn học – Nghệ thuật Hải Hưng, có thời gian kiêm biên tập thơ của Tạp chí Văn nghệ Hải Hưng, tôi vẫn không có “đất dụng võ”. Một lần lên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thăm anh Dương Ngọc Đức, được anh thăm hỏi về công tác, về sáng tác, tôi liền than thở với anh về tình trạng bí bách không sao phát huy được khả năng của mình và đề đạt nguyện vọng với Tổng Thư ký Hội, muốn xin được về công tác tại cơ quan Hội. Anh Đức rất cảm thông với hoàn cảnh công tác của tôi và nói: “Trên cơ quan Hội thì không còn biên chế. Ngôn xuống chỗ anh Trình xem Tạp chí và Nhà xuất bản có còn chỗ nào không. Nếu Xuân Trình bố trí được thì mình hết sức ủng hộ bạn” (Anh Đức thường gọi cánh đàn em là “bạn”).
Tôi chào anh Đức rồi xuống ngay tòa nhà ba tầng ở cuối sân sau 51 Trần Hưng Đạo và may mắn cho tôi, cho đời tôi là anh Trình có nhà. Anh tiếp tôi ân cần, cởi mở như mọi khi. Sợ có khách đến, lại lỡ thời cơ, nên tôi thưa chuyện ngay với anh Trình về việc xin chuyển công tác về Tạp chí Sân khấu. Tôi vừa dứt câu thì anh Trình đã nói luôn: “Được, tốt lắm! Anh đang cần một người giúp việc như em!” (Anh Trình thì luôn gọi tôi là “em”, chưa một lần nào gọi “chú” hay gọi “cậu” ).
Thế rồi anh bảo tôi thảo ngay cho anh cái công văn gửi Hội Văn nghệ Hải Hưng để xin tôi về Tạp chí Sân khấu. Anh dẫn tôi sang phòng Hành chính bảo cô Chung cho tôi sử dụng máy chữ để đánh máy luôn. Công văn thảo xong, anh Trình ký luôn và bảo cô Hồng Loan đóng dấu. Tôi cầm công văn của Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu về Hải Hưng đưa cho lãnh đạo Hội Văn Nghệ và tha thiết đề nghị các anh lãnh đạo cơ quan và tổ chức chính quyền giải quyết. Tổng thư ký Hội Văn nghệ Hải Hưng lúc bấy giờ là anh Vũ Dong, bạn học với tôi ở lớp tại chức, khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1975 – 1980).
Sau một ngày đắn đo cân nhắc, anh Vũ Dong bảo tôi: “Nếu vì tôi (tức Vũ Dong) thì tôi phải giữ anh lại. Nhưng vì anh thì tôi phải để anh đi. Lên Hà Nội, anh sẽ phát triển được tài năng, cống hiến được nhiều hơn. Tôi sẽ thuyết phục các anh lãnh đạo tỉnh và tổ chức chính quyền”? Ngay sáng hôm đó, anh Vũ Dong có công văn phúc đáp, đồng ý cho tôi chuyển về Tạp chí Sân khấu thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Tôi mang công văn của Hội Văn Nghệ tỉnh Hải Hưng lên Tạp chí Sân khấu gặp anh Trình, anh Đức, và có nhời thưa với anh Tất Thắng, anh Ngô Thảo là hai Phó tổng biên tập. Thật không ngờ, chỉ có mười ngày sau, tôi đã có được Quyết định tiếp nhận về Tạp chí Sân khấu của Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam do anh Dương Ngọc Đức trực tiếp ký. Thế rồi, tôi chuyển về Hà Nội.
Anh Trình giao cho tôi nhiệm vụ giúp việc cho Tổng biên tập, do Tổng biên tập trực tiếp quản lý. Hơn một tháng sau, tôi đã có Quyết định của Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam giao cho làm Trưởng ban trị sự của Tạp chí Sân khấu và Nhà xuất bản Sân khấu do anh Trình đề nghị Hội bổ nhiệm.
Vào những năm 1988 – 1991, hoạt động của Tạp chí và Nhà xuất bản hết sức khó khăn. Kinh phí nhà nước hỗ trợ chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên. Sân khấu rơi vào tình trạng vắng khách, xã hội ít quan tâm cho nên tạp chí càng ngày càng ít độc giả. Mỗi số ra chỉ bán được trên ba nghìn bản, rồi rút xuống trên hai nghìn bản, phải bù lỗ ngày một nhiều hơn. Nhà xuất bản một năm chỉ in được ba, bốn đầu sách, bị Bộ Văn hoá Thông tin nhắc nhở và có nguy cơ bị cắt giấy phép, đóng cửa.
Trước tình hình khó khăn về kinh phí hoạt động và trong xu thế đổi mới, từ năm 1987, 1988 anh Trình đã đưa ra chủ trương “làm kinh tế” để lấy tiền hỗ trợ cho Tạp chí và Nhà xuất bản của Hội. Chủ trương này được Hội đồng ý, ủng hộ. Anh Trình cử một số anh chị em do anh Lê Viết Hậu nguyên Trưởng ban trị sự Tạp chí Sân khấu phụ trách, sang học nghề sản xuất giày múa ba lê theo hợp đồng với Hội Sân khấu Liên Xô. Anh chị em học xong, về nước, đã làm được hàng. Nhưng ở Liên Xô có biến động lớn về chính trị. Đầu ra của “xưởng giày” không còn nữa. Anh Trình liền xoay ra mở xưởng làm đá ốp lát, một mặt hàng vừa xuất hiện trên thị trường đáp ứng nhu cầu phát triển của công việc xây dựng lúc bấy giờ. Qua mấy tháng học nghề và mua sắm công cụ máy móc, xưởng đá cũng đã đi vào hoạt động và những mẻ đá ốp lát đầu tiên đã xuất xưởng.
Đá ốp lát của Nhà xuất bản Sân khấu chưa phải đã đạt tiêu chuẩn cao về độ bóng và độ chính xác của các kích cỡ. Nhưng do mối quan hệ thân tình với anh Xuân Trình mà một số nơi vẫn mua cho. Anh Ngô Quang Nam, họa sĩ, giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phú đã mua đá ốp lát cho công trình xây dựng Bảo tàng Hùng Vương. Các anh lãnh đạo Hội Văn nghệ Quảng Ninh – Nhà thơ Hoàng Thuận – Chủ tịch, và nhà viết kịch Thanh Đạm – phó chủ tịch đã mua đá ốp lát cho công trình xây dựng trụ sở Hội. Một số mối giao hàng khác cũng vậy. Tuy lãi không nhiều, nhưng cũng góp phần bù đắp cho hoạt động của cơ quan, nhất là duy trì được cuốn Tạp chí Sân khấu ra đều đặn. Tuy vậy, một số nguy cơ đe dọa đã xuất hiện, đó là sự phát triển ồ ạt nhiều xưởng đá tư nhân có vốn đầu tư cao hơn, máy móc tốt hơn khiến cho xưởng đá của Nhà xuất bản không thể cạnh tranh nổi. Anh Trình quyết định bán toàn bộ máy móc và tìm hướng kinh doanh khác.
Đang lúc tìm phương, chuyển hướng thì chẳng may anh Trình lâm bệnh K vòm họng. Vậy mà anh vẫn không chịu rời công việc cơ quan để tập trung chữa bệnh. Anh lại còn tổ chức thêm một Ban kịch của Nhà xuất bản tập hợp một số nghệ sĩ, diễn viên “tự do” tham gia. Ban kịch gồm có anh Vũ Tăng, chị Kim Thoa, Tiến Quang, Văn Tâm, sau có thêm cháu Hương vừa tốt nghiệp đại học diễn viên, rồi cả đạo diễn Hà Bảo và đạo diễn Đào Hùng vừa học ở Liên Xô về. Anh Trình giao cho tôi phụ trách Ban kịch này, tổ chức dàn tập theo phương thức “sân khấu nhỏ” và đi biểu diễn ở một số nơi.
Trong khoảng một tháng anh chị em đã dàn dựng được hai vở: Chuyện ông Hựng ở lò thúc mầm và Tai họa hay rủi ro? của anh Xuân Trình do Đào Hùng dàn dựng. Anh Trình rất vui. Kịch bản Tai họa hay rủi ro được anh viết trong những ngày đang tích cực chữa bệnh và sau vụ cháu Xuân Nguyên (con trai anh Trình) bị mất cắp chiếc xe máy anh vừa mua cho. Cốt truyện kịch lấy từ những sự việc xung quanh vụ mất xe máy đó. Tai họa hay rủi ro là kịch bản cuối cùng của anh Trình và cũng là sự rủi ro tai họa đến với anh trong nhưng năm tháng cuối đời. Hiểu anh, thương anh, từ anh Vũ Tăng, chị Ngọc Thoa đến các anh chị em khác trong Ban kịch đều hết sức hết lòng, không quản ngại tập tành, biểu diễn vất vả với số tiền bồi dưỡng quá ít ỏi, có cũng như không.
Theo chỉ đạo của anh Trình, tôi dẫn Ban kịch đi Thanh Hóa biểu diễn. Anh Thế Dương đã hẹn với anh Trình tổ chức cho một đợt biểu diễn ở Thanh Hóa. Anh Tạ Xuyên, Trưởng đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị đã cho mượn một chiếc xe Commăngca Rumani do đồng chí trung úy Thắng lái. Bảy anh chị em lên chiếc xe Commăngca cùng với phông cảnh đạo cụ “tiến quân” vào Thanh Hóa. Không may, việc tổ chức biểu diễn của anh Thế Dương không thành bởi mấy chỗ đã nhận lời lại từ chối khéo.
Anh Thế Dương bố trí cho chúng tôi ở nhà khách của Thị ủy Thanh Hóa (lúc bấy giờ chưa lên thành phố) và cùng tôi đến gặp anh Mai Bình nguyên là Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin vừa nghỉ hưu. Anh Mai Bình bàn với các anh lãnh đạo Sở bố trí cho anh chị em diễn một đêm tại rạp Lam Sơn và chi bồi dưỡng cho năm trăm ngàn đồng (giá trị khoảng bằng 5 triệu đồng hiện nay – 2010).
Nhà khách của Thị ủy lại liền kề với Câu lạc bộ Hàm Rồng của các cụ cán bộ cách mạng lão thành tỉnh Thanh Hóa. Nhân hôm sau là ngày sinh hoạt thường kỳ của câu lạc bộ, tôi mạnh dạn lên gặp các cụ trong Ban chủ nhiệm đặt vấn đề biểu diễn phục vụ, không doanh thu. Các cụ nhận lời. Thế là có thêm một cuộc biểu diễn nữa. Diễn xong, các cụ hoan nghênh động viên khen ngợi và vẫn phong bao cho Ban kịch của Hội năm trăm ngàn đồng.
Sáng hôm sau, anh Trình cùng em gái là cô Nguyễn Thị Bảy vào sớm. Chúng tôi theo anh tới Sở Văn hoá Thông tin, nhưng lãnh đạo Sở đi vắng cả, chỉ còn đồng chí Phó trưởng phòng Văn nghệ ra tiếp anh Trình và Ban kịch, rồi mời anh Trình sang Hội Văn nghệ, cách Sở cũng không xa. Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa tiếp anh Trình cùng chúng tôi được khoảng 15 phút rồi xin cáo lỗi vì có việc đột xuất. Lúc ấy đã là 10 giờ 45 phút sáng. Các vị khách đột xuất, bất đắc dĩ đã không được tiếp đón thịnh tình như những lần trước đây anh Trình về Thanh Hóa. Anh Trình bảo chúng tôi kéo nhau ra hàng cơm ăn trưa, rồi anh gọi điện thoại cho người thân ở Tỉnh ủy bố trí cho anh chị em Ban kịch chuyển về nhà khách của tỉnh ủy, ủy ban. Sáng hôm sau, anh Trình đi tắm biển ở Sầm Sơn cho khuây khỏa, còn cô Bẩy và tôi đến Xí nghiệp Vôi Cát Sỏi Hàm Rồng gặp anh Nam là bạn thân của cô Bảy đang làm giám đốc bố trí lịch biểu diễn. Anh Nam hết sức giúp đỡ, đã bố trí ngay cho hai đêm diễn tại hai cơ sở thuộc Xí nghiệp của anh và chi cho hai triệu đồng. Diễn xong đêm thứ nhất thì anh Trình và cô Bảy trở về Hà Nội.
Thấy tình hình ở Thanh Hóa hết sức khó khăn tôi quyết định kéo quân về Nam Định. Tôi gọi điện thoại cho Nghệ sĩ ưu tú Lê Huệ đang là Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Nam Hà kiêm chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nói rõ “hoàn cảnh” của Ban kịch và ý định kéo quân về Nam Định. Anh Lê Huệ hết sức giúp đỡ, hứa sẽ tổ chức cho một đêm diễn tại Hội Văn nghệ. Thế rồi anh lập tức chỉ đạo cho Văn phòng Hội triển khai ngay.
Sau đêm diễn cuối cùng ở chỗ anh Nam, Ban kịch kéo nhau về Nam Định. Anh Lê Huệ bố trí cho anh chị em ở khách sạn Vị Hoàng và ngay tối hôm đó biểu diễn tại Hội trường lớn của Hội Văn nghệ Nam Hà ở phố Trần Hưng Đạo. Diễn xong, anh Huệ và mấy anh đại diện Hội tiếp chúng tôi ở khách sạn Vị Hoàng. Cùng tiếp chúng tôi còn có anh Trần Minh Ngọc (khi ấy là Bí thư thành ủy Nam Định).
Anh chị em trò chuyện thân mật, đầm ấm như người nhà. Nhờ có tình sâu nghĩa nặng của anh Lê Huệ, anh Minh Ngọc với anh Xuân Trình mà chúng tôi có được sự đón tiếp nồng hậu ấy. Trước khi chia tay, thay mặt Hội Văn Nghệ, anh Huệ trao cho Ban kịch một triệu đồng. Anh Minh Ngọc cũng tặng Ban kịch của Xuân Trình năm trăm ngàn đồng. Sáng hôm sau chúng tôi rút về Hà Nội để chuyển hướng tổ chức biểu diễn ở các điểm ngoại thành, vả lại, tôi cũng không thể bỏ công việc Trưởng ban trị sự của Tạp chí, Nhà xuất bản mà đi lâu được. Nhờ nghệ sĩ ưu tú (điện ảnh) Thanh Loan giúp đỡ, Ban kịch Xuân Trình tổ chức diễn thêm được một suất tại Bộ tư lệnh đặc công nước (đóng ở Thanh Trì) và một suất ở Trường lục quân Sơn Tây. Sau đó, anh chị em nghỉ diễn một thời gian ngắn, rồi chuẩn bị tham gia Liên hoan Sân khấu nhỏ do Hội NSSK Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh tháng 11 năm 1991.
Đợt biểu diễn ở Thanh Hoá, Nam Định, và ở quân đội tuy không thu được nhiều, nhưng chi tiêu tằn tiện, Ban kịch vẫn còn dư chút ít để đưa nhau đi “Liên hoan Sân khấu nhỏ” với hai vở của anh Trình. Cuộc liên hoan sôi nổi và khá thành công. Nhưng riêng Ban kịch của Xuân Trình thì chẳng được trao một giải thưởng nào. Hội đồng giám khảo toàn là các “cây đa, cây đề” của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Họ có thể ưu ái với các đơn vị địa phương, các câu lạc bộ của nghệ sĩ. Nhưng với anh Xuân Trình, kịch Xuân Trình thì cứ phải nghiêm khắc cho dù ai cũng biết trong cơn trọng bệnh hiểm nghèo, Xuân Trình cần có một niềm vui để tiếp thêm sức sống. Khoảng 11 giờ đêm trước ngày tổng kết, anh Trình đã biết được kết quả chấm thi. Anh gọi tôi sang phòng anh và bảo rằng “Anh phải về Hà Nội ngay! Em bố trí xe cho anh về”. Tôi lập tức tìm chú Bộ lái xe đánh chiếc Vonga cũ của Hội đưa anh Trình về Hà Nội ngay đêm đó. Tiễn anh đêm đó chỉ có anh Tất Thắng, tôi và Lê Thu Hạnh. Tôi hiểu, anh Trình không muốn có mặt trong buổi tổng kết, trao giải sáng hôm sau. Qua cách ăn ở đối xử với anh Trình của mấy vị bậc đàn anh, tôi hiểu hơn về mỗi người và lòng kính trọng đối với một vài anh đã phải “điều chỉnh” lại. Trước đó ít ngày anh Trình đã từng nói với tôi rằng: “Em có biết không, có người còn mong anh chết sớm ngày nào tốt cho họ ngày ấy”. Câu nói đó, sau Liên hoan Sân khấu nhỏ thì tôi tin là có người thế thật.
Chỉ qua một đợt đưa Ban kịch Xuân Trình đi diễn và đi Liên hoan Sân khấu nhỏ, tôi đã hiểu rõ hơn thế thái nhân tình. Nghĩ lại, tôi càng thương anh Xuân Trình. Càng cận kề giây phút “ra đi”, anh càng khát khao được sống, được hiện diện trong sự nghiệp chung. Nhưng không phải ai cũng thương anh, vì anh, giúp anh kéo dài thêm sức sống, hiện diện trước cuộc đời. Đa số anh chị em chí nghĩa chí tình với anh. Nhưng người mong anh đi sớm không phải chỉ có một. Đó là những người mâu thuẫn với anh về quan điểm, về quyền lực và ghen ghét đố kỵ với anh về vị trí trong ngành Sân khấu và trong xã hội. Những người đó đã, hiện đang và sẽ còn tiếp tục giảng đạo cho bọn đàn em cùng các nghệ sĩ trẻ.
Từ hôm ở Quảng Ninh về, anh Trình đau nặng, bởi cú “sốc” tinh thần. Bệnh hiểm nghèo của anh chuyển ngay sang giai đoạn chót. Anh không còn đi đâu được nữa. Anh ủy nhiệm cho tôi lo việc cơ quan, ký duyệt các khoản chi tiền mặt, còn séc thì mang đến nhà để anh ký, bởi chủ tài khoản của cơ quan chỉ một mình anh đứng tên. Trong những ngày tháng cuối cùng, anh vẫn còn kịp chỉ đạo chúng tôi giải quyết xong dứt điểm việc bán tài sản xưởng đá, thanh lý xe Lađa cũ, xe tải, trang trải nợ nần, và chuẩn bị xong bài cho số Tạp chí Xuân 1992.
Trong những ngày đó, anh Ngô Thảo phó tổng biên tập đã chuyển lên cơ quan Hội. Anh Tất Thắng lại chuẩn bị trở về làm phó tổng biên tập và sẽ là người kế nhiệm. Anh Trình vẫn còn kịp bàn bạc dặn dò anh Thắng về định hướng của Tạp chí và Nhà xuất bản, về sử dụng cán bộ và mấy vấn đề cơ bản trong hoạt động lâu dài của cơ quan. Anh vẫn còn viết bài tiểu luận khá dài gửi các đồng chí lãnh đạo Ban tư tưởng và Văn hóa bàn về đường lối văn nghệ của Đảng đề xuất ý kiến về sự đổi mới, đổi mới hơn nữa nhưng không xa rời những quan điểm căn bản mang tính chiến lược của Đảng ta trên lĩnh vực Văn hoá – Văn nghệ.
Ngày 8 tháng 12 năm 1991 anh Xuân Trình vĩnh biệt gia đình, đồng nghiệp, bạn hữu và những đứa em thân thiết nhất. Ngày 9 tháng 12 năm 1991, lễ truy điệu anh Xuân Trình được tổ chức trang trọng và cảm động tại 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở các Hội thuộc ủy Ban Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam. Đông đảo thân bằng cố hữu, đại diện các ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, các Đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ và công chúng khán giả yêu mến sân khấu, yêu mến Xuân Trình đã đến phúng viếng và tiễn đưa anh, nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình, phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu; Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Sân khấu về nơi an nghỉ cuối cùng (tại khu C nghĩa trang Văn Điển).
Tôi và nghệ sĩ ưu tú Thanh Tú đứng túc trực bên linh cữu anh Xuân Trình suốt trong quá trình tiến hành lễ viếng (từ 9 giờ sáng đến 13 giờ 30 chiều ngày 9 tháng 12 năm 1991). Tôi và Thanh Tú (trong bộ áo dài đen) đã chứng kiến hàng nghìn gương mặt lần lượt viếng anh Trình và nhìn anh lần cuối. Có người viếng anh tới bốn lần trong bốn danh nghĩa khác nhau. Đó là một hiện tượng hành xử hiếm thấy, khiến cho tôi phải suy nghĩ nhiều mà cho đến bây giờ (2010) vẫn chưa thật sự có được sự lý giải thỏa đáng.
Những cống hiến to lớn của anh Xuân Trình mới chỉ được ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Tôi cho rằng anh rất xứng đáng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh bởi những tác phẩm của anh đã tác động tích cực vào xã hội, có tính chiến đấu cao, có tính dự báo với những khám phá phát hiện nhạy bén sắc sảo, và các tác phẩm đó gợi mở ra những định hướng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ sân khấu trước hết là các nhà viết kịch. Các tác phẩm tiêu biểu của Xuân Trình đều có giá trị cao về tính chất Triết học, tính nhân văn, tính Đảng, tính dân tộc và giá trị văn chương.
Có người cho rằng Xuân Trình chỉ được Giải thưởng Nhà nước bởi vì đa số thành viên trong Hội đồng xét thưởng vẫn là những vị không thích Xuân Trình, không muốn thừa nhận Xuân Trình ở mức cao hơn. Suy luận đó đúng sai thế nào còn phải chờ thời gian thẩm định. Dẫu chẳng dám ngờ các bậc đàn anh khác, tôi vẫn tiếc cho việc xét thưởng chưa thật công bằng, theo nhận định, so sánh của tôi giữa anh Trình với một vài người khác. Nhưng mà thôi, tác phẩm của Xuân Trình còn đó. Người đời sau còn có lúc phẩm bình. Trong một bài thơ về Tú Xương tôi có viết:
Người lận đận bị tám lần đánh hỏng. Trong cuộc thi đời lại đỗ đến Tam Khôi. Mong sao anh Trình cũng sẽ được như vậy.
Riêng đối với tôi, anh Trình mất đi là mất người anh cả, người dẫn dắt, chở che, người thầy về nhiều mặt, mà tôi học được hằng ngày. May mắn cho tôi, trong lễ truy điệu anh Xuân Trình, ban tổ chức đã cho phép tôi được đọc bài thơ “Viếng anh Xuân Trình”. Bài thơ này đã được in trên Tạp chí Sân khấu, chuyên san của Viện Sân khấu, trong tập thơ Mùa hoa xoan và tập Người thương yêu của tôi. Cũng xin được chép vào đây:
Nhủ người Đợi đến mùa xuân,1
Sao anh vượt biển trầm luân vội vàng Nén đau, ôm gốc Bạch đàn.
Đời anh qua tiết đại hàn Lập xuân. Ngày xưa nơi đây là chiến tranh.
Mà nay vết đạn trên cành còn vương.
Nửa ngày… trông bóng tà dương
Vẫn chưa kịp nghĩ… kịp thương… về mình. Vẫn đau thế sự, nhân tình,
Cuộc đời này của chúng mình phải lo! Nào ngờ Tai họa rủi ro,
Vẫn không cam chịu sống cho riêng mình, Trong cơn vật vã bệnh tình,
Vẫn mong tiếp tục hành trình dẻo dai,
Vẫn nhìn đau đáu tương lai,
Vẫn mong Thời tiết ngày mai đẹp trời. Anh ơi, Xóm vắng anh rồi,
Mùa hè ở biển ai người gọi mưa? Ai người sắc sảo tài hoa
Vào trong rừng cấm viết ra chuyện tình
Anh tài thác hóa anh linh
Biết đâu vào cõi trường sinh cũng là. Rưng rưng tròng mắt lệ nhòa
Nào là tri kỷ, nào là Cố nhân.
Chưa buông màn kịch cõi trần
Đã hay người Nghĩa, người Ân, người Tình… Sang Xuân vở diễn lại Trình
Bấy nhiêu tác phẩm là hình bóng anh.
Bài thơ được viết vào rạng sáng ngày 9 – 12 – 1991.
Và xin được dùng bài thơ để thay lời kết của bài viết về anh Xuân Trình.
TS Trần Đình Ngôn