Tác giả Xuân Trình với sân khấu Hà Nam Ninh – Hoàng Khuông

Trong số kịch bản sân khấu mà Xuân Trình đã sáng tác, nếu nói không ngoa thì Đoàn kịch Hà Nam Ninh đã dàn dựng và biểu diễn tới quá nửa. Và cũng từ những vở kịch ấy, nhiều vở diễn đã giành được phần thưởng cao quý trong các kỳ Hội diễn sân khấu toàn quốc và sự hưởng ứng nhiệt liệt của công chúng khán giả khắp nơi, đã mang lại nhiều vinh quang cho tác giả và Đoàn kịch Hà Nam Ninh một thời “vàng son” rực rỡ.


Bắt đầu từ hai vở kịch ngắn Chuyện nhà, Cửa sau và hai vở dài Lập xuân (HC Bạc HDSKTQ 1970), Xóm vắng (còn gọi Trăng lụa) do Đoàn kịch Ninh Bình dàn dựng. Năm 1978 hai đoàn Ninh Bình – Hà Nam hợp nhất, lại tiếp tục dựng các vở Cố nhân (1979) đạo diễn Hoàng Khuông, Thời tiết ngày mai (1980) đạo diễn Đoàn Anh Thắng, Mùa hè ở biển đạo diễn Phạm Thị Thành và Hoàng Khuông (HC vàng HDSKQT 1985), Đợi đến mùa xuân (1986) đạo diễn Đoàn Anh Thắng và Nửa ngày về chiều – Đạo diễn Đoàn Anh Thắng (HC Vàng HDSKQT 1990). Nếu Xuân Trình còn sống tới hôm nay thì kịch bản của anh chắc chắn sẽ còn tiếp tục được ghi trong dàn kịch mục của đoàn Nam Định.

Ngoài lý do Xuân Trình là người quê hương, còn một lý do khá sâu sắc giữa đoàn và tác giả, làm cho sự cộng tác mật thiết, gắn bó keo sơn, đó là sự đồng cảm và tinh thần trách nhiệm là dũng khí của người làm sân khấu trước tác phẩm của mình.

Gần 20 năm quen biết và cộng tác với Xuân Trình, biết bao những kỷ niệm vui, buồn xung quanh sàn tập, sàn diễn vẫn còn in đậm trong mỗi chúng tôi về anh,  một con người năng nổ, nhiệt tình, làm việc không biết mệt mỏi, đầy tâm huyết và tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp sân khấu, với cuộc đời hôm nay và mai sau.

Lúc sinh thời, Xuân Trình thường nói với mọi người: “Mỗi một nghệ sĩ có một vùng quê”. Thật vậy, anh rất yêu cái làng Lỗ Xá, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là nơi anh cất tiếng chào đời. Ngày xưa các cụ thường nói: “sống ngâm da, chết ngâm xương, chiêm khê, mùa thối, sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay” (nước ngập lụt phải đi bằng thuyền). Cả  làng chỉ có một vài gia đình khấm khá, đủ ăn. Đại bộ phận đói nghèo quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” khốn khổ vẫn hoàn khốn khổ. Sau này lớn lên đi học, rồi trở thành cán bộ, trở thành nhà văn. Anh đã đi khắp mọi nẻo đường đất nước để hoạt động, để sáng tác, nhưng trong anh vẫn vời vợi nỗi nhớ một vùng quê! Mặc dù thân thích ruột thịt hiện chẳng còn ai ở đó, nhưng anh vẫn cùng vợ con về thăm quê ít nhất một lần trong năm. Cũng vì lẽ đó, cứ mỗi lần viết xong kịch bản mới, bao giờ anh cũng đọc cho chúng tôi nghe trước tiên. Vì vậy chúng ta chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy những vở kịch của anh phần lớn lấy đề tài nông thôn. Những cốt truyện, những mẫu người trong kịch, cứ thấy phảng phất đâu đó cái bóng dáng của quê nhà.

Lời kịch của anh đầy tính triết luận nhưng rất bình dị, rất gần gũi với ngôn ngữ đời thường dân dã. Cái chất ấy rất phù hợp với diễn viên Hà Nam Ninh vốn phần lớn xuất thân từ những làng quê, là điểm thuận lợi khi đi vào những nhân vật kịch của anh. Đây cũng là điểm tương đồng giữa đoàn với tác giả.

Nhận dựng kịch của Xuân Trình có nghĩa là cùng anh chấp nhận sự gian truân vất vả và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách của dư luận. Bởi vì kịch của anh không xuôi chiều, không chung chung, mà là kịch chính luận. Câu chuyện kịch thường kết cấu bởi những sự kiện, những xung đột gay gắt nhằm phản ánh hoặc lý giải những vấn đề đã và đang diễn ra của cuộc sống hoặc là những điều dự báo, những phát hiện… mang ý nghĩa toàn cục. Nó là cuộc chiến tranh quyết liệt là sự cọ sát, va đập giữa cái tốt, cái xấu, giữa cái tiến bộ đi lên với  cái lạc hậu trì kéo, giữa thái độ vô trách nhiệm với thói thường vị kỷ… Mỗi vở kịch của anh ra đời thường gây nên sự xôn xao, bàn bạc, tranh cãi, khen chê, người đồng tình ủng hộ, kẻ phản đối quyết liệt… tùy thuộc và nhận thức và quan niệm của mỗi người. Nó như cái “chiến trường” để mọi người bộc lộ chính kiến. Vì vậy khi vở diễn đem ra “trình làng” chẳng phải lúc nào cũng suôn sẻ mà gặp không biết bao nhiêu “sóng gió”. Thậm chí  có vở bị vùi dập, bị “khai tử” ngay lúc nó mới chào đời.

Biết vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm làm, vẫn vật lộn gian khổ với nó, bởi vì chúng tôi biết trước là nếu nó ra đời thì nhanh chóng sẽ trở thành một sự kiện sân khấu, một đóng góp, một tác phẩm có ích cho cuộc đời cho xã hội.

Xuân Trình có thói quen khi giao kịch bản không bao giờ khoán trắng cho đạo diễn, cho Đoàn. Anh luôn chăm lo săn sóc “đứa con” tinh thần của mình. Đoạn đường  Hà Nội – Nam Định gần 100 cây số, mặc dù bận nhiều việc ở cơ quan, anh vẫn tranh thủ có mặt trong giai đoạn đầu và giai đoạn cuối (diễn báo cáo) của vở diễn. Anh luôn trao đổi với đạo diễn hoặc giúp cho diễn viên hiểu rõ vai diễn của mình. Để chắc ăn, nhiều lần anh còn mời các nhà nghiên cứu phê bình ở Hà Nội xuống đoàn phân tích, giải thích thêm kịch bản để cho mọi người hiểu thấu đáo cái cốt lõi của câu chuyện và những nhân vật kịch của anh.

Mỗi lần đoàn dựng vở mới, ngoài cái lo kinh phí, vật tư, thời gian cho nó, chúng tôi còn lo tìm mọi cách tranh thủ dư luận ủng hộ từ nhiều phía cả trong tỉnh, ở Trung ương, Hà Nội và các nơi, một công việc cũng tốn thời gian công sức không kém. Nhất là những vị trong giới chức sắc ở địa phương, nơi có quyền quyết định số phận của nó. Thật là một công việc không đơn giản chút nào. Nếu không kiên trì, không có quyết tâm thì có lúc đã như muốn bỏ cuộc.

Điển hình là vở Thời tiết ngày mai đoàn dựng nhằm tham dự Hội diễn sân khấu toàn quốc 1980, với ê kíp cộng tác: Tác giả Xuân Trình, đạo diễn Đoàn Anh Thắng, họa sĩ Lê Huy Quang… Một sự đầu tư và tập luyện hết sức nghiêm túc với một lòng tin, niềm hy vọng vào nó  sẽ là một tác phẩm có tầm vóc của một thời điểm lịch   sử nhất định, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Anh Trần Độ có ghi nhận xét vào giấy khi chúng tôi đến xin ý kiến: “Đây là kịch bản tốt, nội dung xúc động, hợp với tình hình hiện nay, có thể dựng đi Hội diễn Sân khấu toàn quốc”. Đến khi diễn báo cáo đã được các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa, lãnh đạo Tỉnh, Bộ Văn hóa, các nhà làm sân khấu, các nhà lý luận phê bình sân khấu và các nhà báo tới xem đều đồng tình ủng hộ.

Ấy thế mà suốt 5-6 tháng trời, chúng tôi đã phải duyệt đi, duyệt lại nhiều lần. Mọi người phấp phỏng đợi chờ cái giờ phút quyết định diễn ra. Nhưng khốn khổ cho số phận của nó. Thay vì lên đường đi dự Hội diễn Sân khấu toàn quốc tại Hải Phòng, bằng việc cho cất dọn phông cảnh vào kho, bỏ kịch bản vào ngăn tủ, chỉ vì cái “lắc đầu”, của một vị có thẩm quyền của tỉnh, vì vở kịch đã dám “đả động” đến một ông Bí thư huyện ủy (!) chẳng một ai có ý kiến bênh vực vì họ sợ mất lòng nhau. Tôi bỗng nhớ đến một câu trong kịch bản nào đó của Xuân Trình “chỉ vì giữ cho kín nhẽ mà người ta bỏ mất bao việc cần làm”. Họ chẳng cần biết bao tiền của, vật tư, thời gian và cả mồ hôi công sức của bao con nhiêu con người đã đổ ra. Vô tình họ đã bóp chết một tác phẩm có giá trị. Sau đó Xuân Trình đã chuyển Thời tiết ngày mai thành tiểu thuyết do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Thôi thì ít ra cũng được điều đó, nó giúp an ủi và xoa dịu nỗi đau của chúng tôi.

Mùa hè ở biển là kịch bản của Xuân Trình viết xong từ năm 1981 nhưng vẫn còn nằm trong cặp của tác giả, và nằm trong các tủ của các Nhà hát,  các  đoàn… chỉ đến năm 1985, Đoàn kịch Hà Nam Ninh quyết tâm biến nó thành tiết mục đi  Hội diễn Sân khấu toàn quốc với sự cộng tác của đạo diễn Phạm Thị Thành, họa sĩ Doãn Châu, nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang, biên đạo Hoàng Hải.

Mùa hè ở biển lần này không giống số phận hẩm hiu như Thời tiết ngày mai. Phải chăng vào thời điểm này, giáo điều, duy lý…đã thưa vắng bớt những cái “ghế” quyền và xã hội, lúc này cũng đã có những bước phát triển mới, có những nhận thức và quan niệm tiến bộ hơn. Nhưng Mùa hè ở biển được ra đời đâu phải dễ dàng, đâu có thuận buồm xuôi gió. Nó cũng gặp không ít sự phản kháng quyết liệt, sự “đánh phá” từ nhiều phía, nhằm xóa sổ không cho nó được ra mắt công chúng khán giả bình thường chứ đừng nói đi dự Hội diễn. Nhưng cũng thật nực cười, thật là mỉa mai, sau này Mùa hè ở biển giành được thắng lợi lớn thì chính những con người trước đó đã từng phản đối hoặc né tránh trách nhiệm lại nhẩy ra nhận có công sức đóng góp của họ.

Số phận may mắn của Mùa hè ở biển là sự ủng hộ của lãnh đạo Tỉnh, của Trung ương của đông đảo các  nhà nghiên cứu phê bình, các giới báo chí kết hợp với dư luận của công chúng khán giả tại địa phương… đã tạo ra sức mạnh khẳng định. Cuối cùng thì cái quyết định triệu tập của Ban Chỉ đạo Hội diễn Đoàn kịch Hà Nam Ninh với vở Mùa hè ở biển được tham dự Hội diễn Sân khấu toàn quốc đợt II tại thành phố Hồ Chí Minh (5 –  1985) đã đến, thỏa lòng mong đợi của anh chị em trong Đoàn cùng với tác giả Xuân Trình.

Trong buổi diễn thi chiều 22-5-1985, trên Sân khấu Nhà hát TP Hồ Chí Minh, Mùa hè ở biển đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và nhiệt liệt hưởng ứng của cả Hội diễn, một buổi biểu diễn sôi động nhất. Với 7 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc do Ban Chỉ đạo Hội diễn trao tặng cùng những bó hoa tươi, những bàn tay xiết chặt, những cái ôm hôn thân thiết của bạn bè. Đó   là những phần thưởng vô cùng quý giá, là nỗi xúc động, làm niềm vui đến trào nước mắt.

Tin thắng lợi được loan nhanh về tỉnh, về Hà Nội. Chỉ sau ít ngày được lệnh của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Trần Văn Phác điều Mùa hè ở biển về gấp để phục vụ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 vào ngày 14 – 6 – 1985 tại Hội trường Ba Đình. Thế là Đoàn kịch Hà Nam Ninh tạm bỏ kế hoạch lưu diễn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đã nhanh chóng hành quân về Hà Nội.

Mùa hè ở biển (tác giả Xuân Trình – Đoàn kịch Hà Nam Ninh; Tôi và chúng ta (Lưu Quang Vũ) – Đoàn kịch Hà Nội; Nhân danh công lý (Võ Khắc Nghiêm – Doãn Hoàng Giang) – Nhà hát Kịch Trung ương đã tạo nên sự kiện sân khấu hết sức sôi động, dư âm của nó vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay và có lẽ còn mãi mãi về sau. Xuân Trình đã cùng chúng tôi đi một chặng đường

Sân khấu gần ba thập kỷ, đầy kịch tính, đầy gian truân, vất vả của mồ hôi và cả nước mắt, cả những buồn, những niềm vui lớn. Anh đã góp phần vào sự nghiệp sân khấu của Hà Nam Ninh đạt được những vinh quang tột đỉnh. Anh còn đang hứa hẹn sẽ cùng chúng tôi đi tiếp quãng đường tới. Chúng tôi đang chờ đợi, đang hy vọng ở anh thì anh vội vã ra đi quá sớm. Cùng với sự ra đi của Lưu Quang Vũ, của Tào Mạt, của Xuân Trình, chúng tôi bỗng thấy bâng khuâng như chính mình bị hụt hẫng, như chính mình đang thiếu cái gì đó quan trọng ở nơi các anh.

 

Hoàng Khuông

 

 

 

 

 

 

Share this page