Sự ‘ăn ý’ trong mối quan hệ giữa tác giả và đạo diễn khi dàn dựng vở ‘Mùa hè ở biển’

Tôi còn nhớ 14h00 ngày 22 – 5- 1985 vở Mùa hè ở biển được trình diễn dự thi tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 – đợt 2 ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều đoạn diễn đã bị những tràng pháo tay rộ lên cắt ngang, có phải vì thế mà khi màn nhung khép lại, cả phòng khán giả lặng ngắt sau mấy chục giây ngỡ ngàng, bàng hoàng, xúc động, rồi khán giả đứng bật dậy, lúc đó hàng tràng pháo tay òa ra vang dội và kéo dài.


Chúng tôi, những người làm ra vở diễn. Tác giả Xuân Trình; đoàn trưởng Đoàn kịch Hà Nam Ninh kiêm trợ lý đạo diễn Hoàng Khuông, đoàn phó Đào Quang; họa sĩ Doãn Châu; nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang, các nghệ sĩ biểu diễn cùng toàn đoàn được bạn bè nhảy lên sân khấu vào hậu trường chúc mừng trong số đó có Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đình Nghi, NSƯT Kim Cương… cùng nhiều đồng nghiệp ở các đoàn bạn và đặc biệt là các nhân viên, ký giả trong cơ quan Tạp chí Sân khấu mà anh Trình là Tổng biên tập. Họ bắt tay cám ơn tôi vì lẽ vở này thành công là làm cho anh Trình vui, trở lại trạng thái cân bằng sau thất bại của vở Chuyện tình trong rừng cấm ở đợt 1. Vở dành được cảm tình sâu sắc của khán giả và đồng nghiệp, xứng đáng với sự đánh giá của Ban giám khảo:

6 Huy chương Vàng cho vở: Tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên Hoàng Đức Thành trong vai Đoàn Xoa, Thanh Kha trong vai ông Bản, Thanh Tâm trong vai cô Mai và một số Huy chương Bạc khác.

Mùa hè ở biển được báo chí đánh giá là một trong bốn chiếc xe tăng từ Bắc vào miền Nam trên mặt trận văn hóa nghệ thuật cùng Tôi và chúng của Lưu Quang Vũ, Nhân chứng và lịch sử của Hoài Giao; Đỉnh cao mơ ước của Tất Đạt.

Sau Hội diễn, Đoàn kịch Hà Nam Ninh đã được Trung ương Đảng mời về Hà Nội để biểu diễn phục vụ cho hội nghị Ban chấp hành, các cơ quan và biểu diễn doanh thu hàng trăm đêm tại Nhà hát Lớn và Rạp Hồng Hà. Niềm vinh quang lấp lánh của nghề sân khấu cũng giống như nghề nghiệp “phù du” của ngành mình, tắt đèn là tắt hết ư? Hôm nay được Ban Tổ chức hội thảo mời viết bài tham luận cho dịp 10 năm mất của tác giả Xuân Trình tôi thấy bồi hồi xúc động. Các cơ quan trách nhiệm trong ngành văn hóa không để cho kiếp phù du bao trùm lên mọi con người và tác phẩm đã được nghệ sĩ sáng tạo ra, luật Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng đã có, cám ơn Ban tổ chức đã làm một việc bổ ích.

Trở lại với tác phẩm sân khấu Mùa hè ở biển, tôi muốn nêu ra đây sự lịch lãm, văn hóa của tác giả Xuân Trình trong lúc cộng tác với các cộng sự của vở. Đầu tháng 12-1984, anh ngỏ ý cho tôi biết Đoàn kịch Hà Nam Ninh mời tôi đạo diễn vở đó. Anh hỏi: “Thành có thích kịch bản đó không?” Tôi nói: Tôi rất thích, đó là một kịch bản hay, rất hay nhưng cũng gai góc, tôi rất thích làm các vở như thế”.

Công việc dàn tập vui vẻ, trôi chảy. Hà Nam Ninh là quê hương anh nên anh về thăm bọn tôi tập tành luôn. Mỗi lần xuống chơi xem tập anh đều vui vẻ và tiếp sức cho chúng tôi bằng một số chuyện kể xung quanh vở kịch đó, anh rất tôn trọng đạo diễn và diễn viên, trong chuyện trò bàn bạc anh rất bình đẳng, cởi mở nhưng cũng rất thật, chỗ nào hay anh khen, chỗ nào cảm thấy chưa tới thì bàn bạc tiếp, chứ không hề áp đặt. Tôi được cảm nhận từ tác giả một nỗi niềm yêu thương quê hương tha thiết, muốn phê phán cái bảo thủ, lạc hậu… của Đoàn Xoa là để đề cao những con người biết yêu dân, yêu làng xóm – mảnh đất sinh ra mình.

Có những hình tượng tôi dàn dựng mạnh tay như đoạn ông Bản đến nhà ông Đoàn Xoa nói về việc nếu trên cứ cấm không cho khoán chui thì nông dân còn khổ sở, đói rách, tôi đã để ông Bản đeo bị, chống gậy, đội nón rách đứng hẳn trên bàn với một nét nhạc quê quen thuộc nhưng mạnh mẽ để nhấn vào ý chính: Không cho khoán thì nông dân sẽ đi ăn mày đấy. Xem xong đoạn đó anh rất khoái. Hoặc đoạn cô con gái ông Đoàn Xoa: Mặc bộ tắm hai mảnh ra biển tập bơi với người yêu, tôi dàn theo lối hài hước để nói lên tính cách cổ hủ của ông Đoàn Xoa, để ông cầm một sợi dây thừng dài, theo con ra bờ biển, lấy sợi dây đó buộc quần áo con lại cho khỏi mất. Khi tắm xong, cô gái lên mặc quần áo thì sợi thừng cứ quấn vào cô, càng gỡ, càng bị buộc chặt vào… anh cũng khen hay. Ở Xuân Trình còn có một tình cảm đáng quý, đó là anh rất yêu mến diễn viên. Lần nào về thấy anh em diễn viên ăn uống thiếu thốn, anh cũng nói với đoàn cố lo cho anh em hoặc anh mời một số diễn viên ăn cơm với chúng tôi cho no hơn.

Một bận anh Trình cùng anh Tất Thắng xuống xem chạy vở để góp ý  kiến chúng tôi bàn bạc với nhau về  thể loại vở. Tôi nói: Hiện tôi áy náy, chưa biết nên đặt vở này vào thể loại gì? Tôi không muốn nó là hài kịch, bởi nhiều đoạn tôi làm rất chân thực và gần đời, nhất là các đoạn tình yêu thì có phần lãng mạn, bay bổng nữa. Tôi thích cái hài là ở tình thế và tính cách nhân vật, tôi hợp với anh Trình là lời văn anh viết cũng rất chân thực, giản dị, không khoa trương, thọc lét (cù) nhưng lại làm cho khán giả cười rộ lên cả khán phòng. Sau một hồi bàn luận, cả ba chúng tôi đều thống nhất với đề xuất của anh Trình là đặt vở ở thể loại hài kịch trữ tình. Đây là một thể loại mới, tự chúng tôi: Tác giả, đạo diễn, lý luận phê bình sân khấu đặt ra và được in vào program. Từ đó khi vở công diễn đã có trên 40 tờ báo viết bài bình luận và cũng gọi vở là hài kịch trữ tình.

Những năm đầu thập kỷ 80, các vở dàn dựng xong phải do một hội đồng duyệt của tỉnh, nhất là các vở gai góc như vở này, nhân vật bị phê phán đến phủ định là một cán bộ cao cấp của Đảng, một con người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, được rèn luyện, học tập trong chiến tranh và các trường chính trị, có tinh thần trách nhiệm cao, nhưng thời điểm đó cũng là thời cơ cho vở ra là vì có chính sách đổi mới của Đảng, xóa bỏ bao cấp, chống quan liêu, giáo điều… Tuy vậy không phải cán bộ cấp tỉnh nào cũng có tinh thần đổi mới cả, đã có nhiều ý kiến phản đối vở. Lúc đó ở tỉnh Hà Nam Ninh cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh rất quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, anh Nguyễn Văn An (sau này là Chủ tịch Quốc hội) đang làm Bí thư Tỉnh ủy đã đi xem vở ngay từ hôm duyệt. Anh khen và quyết định cho đoàn hoàn chỉnh vở để đi dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy vậy anh Trình lại lo, có lần anh bảo tôi: “Thành ạ, Thành gặp anh An nói lại đi; ta đừng đi dự Hội diễn nữa, ta đang đáng 10 đồng, đi sợ nhỡ nó đánh giá hỏng thì ta chỉ còn 3 đồng thôi”. Cũng phải nói thêm anh Xuân Trình là bạn của anh An nên anh ngại gặp để nói việc đó, anh muốn để tôi nói cho khách quan hơn. Khi gặp anh An, tôi trình bày ngỏ ý kiến của anh Trình và tôi, thì anh An không trả lời thẳng vào đề nghị của tôi mà anh lại nói sang chuyện khác, rồi sau cùng anh An nói trước lúc tôi ra về: “Mong chị bố trí thời gian xuống giúp thêm cho đoàn để hoàn chỉnh tốt mọi mặt của vở để cho anh em đi Hội diễn tại thành phố Hồ Chí Minh. Cám ơn chị”.

Tôi ra về không đạt được ý nguyện nhưng mà vui bởi sự quyết tâm của anh An – Bí thư Tỉnh ủy, là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Sau khi kể lại với anh Xuân Trình về cuộc gặp đó, anh Trình cũng vui vẻ cùng chúng tôi luyện tập lại chuẩn bị cho đoàn  lên  Đường. Chắc anh cũng hiểu rằng lẽ phải rồi sẽ thắng, dù trong nông nghiệp, kinh tế hay trong văn hóa nghệ thuật cũng thế

thôi. Riêng tôi, tôi biết rằng anh lo ngại những con người không ưa anh trong nghệ thuật, trong nghiệp vụ của Hội sẽ phá anh. Thế mới biết rằng một nghệ sĩ trong sáng tác và tác phẩm thì rất dũng cảm đấu tranh với cái cũ, cái ác, nhưng trong cuộc đời thì cũng mong manh, nhạy cảm đến dễ đổ vỡ như một chiếc bình pha – lê để trên cao vậy. Với các tác phẩm và sự đóng góp cho nền sân khấu Việt Nam, tôi nghĩ anh xứng đáng với các cuộc hội thảo tầm cỡ lớn hơn sau này.

 

TS. NSND Phạm Thị Thành

 

 

 

 

 

 

Share this page