Những kỷ niệm không thể nào quên – TS. Đào Hùng

Vào những ngày đầu năm 1991 khi vừa tốt nghiệp ở Nga về, tôi được anh Xuân Trình gọi đến và đọc cho nghe vở kịch anh vừa viết, vở kịch mới đang ở hình thức bản thảo với tựa đề Tai hoạ hay rủi ro? Những trang viết tay nguệch ngoạc nhưng rắn rỏi của anh trên mấy loại giấy khác nhau, tôi hiểu anh viết gấp những trăn trở của mình trong những giây phút xúc động nhất.


Tôi còn nhớ như in khi đó anh chị còn ở ngôi nhà trên phố Lý Thường Kiệt, trong cái phòng khách nhỏ bé nhưng rất đẹp, có cửa sổ to nhìn ra đường, khi đó anh Trình đã biết được tình trạng sức khoẻ của mình, anh nói với tôi: “Đây là câu chuyện sinh hoạt, nhưng anh muốn gửi gắm những lời cảnh tỉnh của mình với mọi người về những biến đổi của cuộc sống và kêu gọi mọi người hãy có trách nhiệm hơn với cuộc sống quanh taAnh muốn Hùng tìm gọi mấy anh em diễn viên tâm đắc, đọc cho họ nghe và dàn dựng vở này cho câu lạc bộ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu”. Tôi vui vẻ nhận lời ngay vì tôi đã được biết anh từ khi tôi còn là một diễn viên của Đoàn Kịch Thái Bình, chúng tôi đã dựng vở Chuyện nhà của anh vào những ngày đầu tiên thành lập đội Kịch trong đoàn Ca Múa Kịch Thái Bình do đạo diễn Ngô Cừ dàn dựng.

Sau khi đọc kịch bản Tai hoạ hay rủi ro tôi thích kịch bản và mời chị Thanh Mai cùng các diễn viên trẻ như Tiến Quang, Huy Toàn, Thanh Sơn, Lan Hương, Văn Tâm đến. Khi đó sân khấu của Hội đang bận không có chỗ tập, chúng tôi loay hoay tìm chỗ tập, không ở đâu có cả, tôi nói việc này với anh Trình anh vui vẻ bảo tôi: “Không lo, vì cái nhà ở Lý Thường Kiệt anh sắp phải trả nhà nước, anh có cái nhà đã xây xong nhưng chưa ở, rộng rãi và yên tĩnh ở dưới Đuôi Cá, các em xuống đấy mà tập, bàn ghế thì cứ lấy ở nhà anh, anh sẽ bảo chị nấu cơm cho các em ăn mà tập…”.

Và từ hôm ấy, ngày ngày chúng tôi đạp xe xuống nhà anh Trình ở Đuôi Cá để tập vở, anh chị em chúng tôi làm việc rất say mê, đến bữa chị nấu cho chúng tôi cơm với cá kho, rau dưa, anh Trình cũng ngồi ăn với chúng tôi nhưng anh không ăn cơm gạo tẻ mà ăn gạo lứt với muối vừng, anh bảo anh phải ăn như vậy để ngăn sự phát triển của căn bệnh đang đe dọa cuộc sống của anh, nhìn anh ngồi nhai cơm gạo lứt với muối, nuốt từng miếng thật khó khăn ngay trên chiếc ghế còn đầy vôi vữa mà chúng tôi vừa dùng để tập kịch.

Chúng tôi nghẹn ngào vì thương anh quá… anh chỉ cười nụ cười bình dị, chân thành là vậy, anh không nghĩ đến mình lúc đó, mà chỉ động viên chúng tôi… “Các em cố ăn đi mà tập cho tốt đừng lo cho anh, rồi biết đâu sau này đây chẳng là những kỷ niệm đáng nhớ của anh chị em chúng mình…”. Và rồi những buổi tập sôi nổi, những giọt mồ hôi, những niềm vui nho nhỏ của nhóm vở chúng tôi đan quyện vào niềm vui của anh… Không ai nghĩ đấy là những ngày cuối cùng của anh, càng không ai nghĩ đây là tác phẩm cuối cùng của anh, người nghệ sĩ với một nhân cách lớn lao, một tâm hồn bình dị, những suy tư sâu lặng gửi gắm qua từng trang viết trong tác phẩm cuối cùng này…

Nhà viết kịch Xuân Trình Trong Hội thảo Múa rối.

Buổi tập nào, tôi cũng đến thật sớm, lo nghĩ về vở thì ít mà lo nghĩ về anh thì nhiều, hôm nay anh có xuống xem tập được không? Anh ăn ngủ thế nào? Và điều gì sẽ xảy ra… cầu mong cho cái điều mà các bác sĩ nói về sự nguy hiểm của căn bệnh sẽ chưa đến với anh, và anh sẽ lại cười nói vui vẻ với chúng tôi như hôm qua, cứ như vậy chúng tôi, đã đếm từng ngày… Như hiểu được tâm trạng của chúng tôi anh luôn gượng cười và động viên. Nhiều khi còn pha trò rồi tranh luận cùng chúng tôi nữa chứ. Tôi mới hiểu sức sống và tình yêu mãnh liệt của anh với sự nghiệp với cuộc đời, với chúng tôi những đứa em đang chập chững đi theo con đường của anh thật là lớn lao và quý trọng biết chừng nào

Vở diễn của chúng tôi ra đời trong hoàn cảnh như vậy khi mà bao điều bức xúc nhất của cuộc sống đang diễn ra từng giờ, trên thế giới và trong nước ở cái thời điểm ấy khi mà Liên Xô và một số nước trong phe Xã hội chủ nghĩa trên thế giới tan rã, Đảng ta và nhân dân ta đứng trước những thách thức vô cùng lớn lao, vở kịch Tai hoạ hay rủi ro của anh Xuân Trình mang một thông điệp: “Con người hãy cảnh giác, và hãy có trách nhiệm với cuộc sống, không có tai hoạ, cũng chẳng có rủi ro mà tất cả đều phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của chúng ta với cuộc sống”. Cái điều nhắn nhủ ấy của Xuân Trình trước lúc ra đi thực sự là quý giá.

Dựng xong vở Tai hoạ hay rủi ro anh Trình lại đưa ngay cho tôi vở thứ hai mà anh cũng mới viết trước đó, vở tiếp theo đề tài về nhân vật ông Hựng trong “Chuyện nhà” đó là vở “Ông Hựng ở lò thúc mầm” lần này trong đội diễn viên có thêm chị Kim Thoa, anh Vũ Tăng và chị Hà Bảo tham gia. Chùm kịch ngắn của chúng tôi ra đời, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức thành Đoàn diễn do anh Trần Đình Ngôn làm Đoàn trưởng đi lưu diễn ở các địa phương phía Bắc, qua mỗi đêm diễn được khán giả hưởng ứng nhiệt tình, trong niềm vui của chúng tôi đều xen lẫn sự ngậm ngùi khi nghĩ về anh, anh Trần Đình Ngôn ngày nào cũng gọi điện về Hà Nội cho anh Trình thông báo cho anh yên tâm chúng tôi đang ở đâu và chương trình biểu diễn kết quả như thế nào… Tôi biết anh đang bộn bề với công việc đang đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo đã ở vào thời kỳ cuối. Vậy mà anh vẫn khắc khoải lo âu với bao dự định sáng tác, với sức sống của tác phẩm, với bao điều gửi gắm của mình với khán giả, với những khó khăn vất vả của anh em chúng tôi…

Có thể nói một vinh dự và một kỷ niệm rất lớn của đời tôi với anh: Khi là diễn viên tôi đã được diễn trong vở đầu tay của anh Xuân Trình đó là hài kịch ngắn Chuyện nhà vào năm 1971, và 20 năm sau tôi lại dựng những vở kịch cuối cùng của anh vở Tai hoạ hay rủi ro Ông Hựng ở lò thúc mầm. Tôi nhận biết một điều về nhân cách nghệ sĩ của anh thật lớn lao, và tình yêu, trách nhiệm của anh với sự nghiệp của chúng ta thật sâu nặng.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày anh vĩnh viễn ra đi, hình ảnh của anh và những điều gửi gắm của anh qua tác phẩm mãi mãi sống cùng chúng ta như nụ cười mộc mạc lúc nào cũng nở rộ trên đôi môi người nghệ sĩ đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp nhiều khó khăn gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang của anh và của chúng ta.

 

TS. Đào Hùng

 

Share this page