Nhớ Xuân Trình – PGS TS Tất Thắng

Từ hơn một năm nay, tôi và nhiều người bạn bè sân khấu biết rằng Xuân Trình mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Song không thể ngờ được, mọi sự lại kết thúc nhanh đến như thế. Không thể ngờ được hôm nay đây, tôi đã phải ngồi viết những dòng vĩnh biệt anh, nhà viết kịch sắc sảo trong khám phá hiện thực cuộc sống và nhạy bén trong sáng tạo tư tưởng nghệ thuật.


Bao giờ cũng thế, cứ một vở kịch của anh ra đời là một vấn đề da diết anh đặt ra, nó cuốn hút sự chú ý của mọi người và gây sự tranh luận bàn bạc sôi nổi trong giới sân khấu. Phẩm chất của một cây bút ký giả cộng với tầm nhìn của một nhà văn đã khiến Xuân Trình luôn luôn có sự phát triển nhạy bén trong các vở kịch của mình. Với những cán bộ lão thành có phẩm chất đạo đức tốt nhưng lại không   có đủ khả năng và trình độ quản lý, đáp ứng nhu cầu mới của thời đại, anh viết Lập xuân. Về tệ nạn mất dân chủ, tệ nạn cường hào mới ở nông thôn, anh viết Bạch đàn liễu. Về sự lạc hậu thảm hại của những cán bộ không theo kịp bước chuyển biến mạnh mẽ của hiện thực cách mạng mà trở thành chướng ngại của cuộc sống, anh viết Mùa hè ở biển. Về đoạn cuối cuộc đời bi kịch của những người từng hy sinh gần hết đời mình cho cách mạng, anh có Nửa ngày về chiều. Về sự co cụm của những kẻ xấu để chống lại những người tốt không biết liên kết với nhau thành một sức mạnh, anh viết Nghĩ về mìnhCho nên kịch của anh, có vở hay, có vở chưa hay, song vở nào cũng có khả năng gây thành một dư luận sân khấu.

Sự quan sát và khám phá nhà văn đã khiến anh viết nên nhiều tình tiết đặc sắc, xây dựng nên nhiều hình tượng chân thật. Chẳng hạn ở vở Nửa ngày về chiều anh đã phát hiện một sự thật trái khoáy đầy tính kịch của hiện thực sau chiến tranh. Đó là một sự mất bình thường của một tình huống khi mà một biệt thự nhà ở đã được sử dụng như một nghĩa trang chôn cất tử sĩ. Thành ra sau chiến tranh những con người khác nhau, kẻ thì sử dụng nhà ở như một nghĩa trang, kẻ thì lại xem nghĩa trang như một nhà ở, nên giữa họ đã bùng nổ nhưng xung đột thật khủng khiếp. Chắc chắn là nhiều bạn nghe đài còn nhớ nhân vật Đoàn Xoa trong vở hài kịch trữ tình Mùa hè ở biển của Xuân Trình. Đoàn Xoa cái tên gọi đã độc đáo lại dễ nhớ! Càng dễ nhớ và độc đáo hơn khi ông ta trở thành điểm kịch cho một thế hệ cán bộ bị thời đại bỏ lại đằng sau rất xa, khi ông biến mình thành vật cản của xã hội và khổ đau cho gia đình.

Mải miết đi, mải miết viết, mải miết viết rồi lại mải miết đi, dường như không bao giờ Xuân Trình muốn nghỉ và cần nghỉ. Ngay cả, khi căn bệnh tai ác đã hành hạ anh, anh vẫn không nản, vẫn lao động sáng tạo. Vở kịch Tai nạn hay rủi ro của anh vừa mới hôm nào còn diễn trên sân khấu…

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình sinh năm 1936, tại một làng quê vùng chiêm trũng Hà Nam Ninh, cái vùng quê đã vào kịch anh trong vở Lập xuân, Xóm vắng, Thời tiết ngày mai, Mùa hè ở biển v.v… Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, anh là thanh niên xung phong. Những năm hòa bình lập lại, anh công tác ở Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và học tập ở khoa văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó Xuân Trình viết văn, viết báo và làm công tác biên tập ở tạp chí Văn nghệ và báo Văn nghệ. Rồi sân khấu vẫy gọi anh, đã khiến cho anh trở thành một nhà viết kịch thực thụ và nổi tiếng với các vở kịch nóng bỏng tính thời sự và hành động, bằng cả cương vị Phó Tổng thư kí Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam từ 1983 đến nay. Vậy mà tất cả đã đi vào dĩ vãng anh đã ra đi mãi mãi vào ngày 8 – 12 – 1991.

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình.

Cùng với Lưu Trọng Lư, Đình Quang, Xuân Trình là một trong những người sáng lập vun đắp xây dựng nên tờ Tạp chí Sân khấu, cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, và Nhà xuất bản Sân khấu nơi văn bản hóa những sáng tạo sân khấu của chúng ta. Cùng cộng tác với anh từ những ngày Tạp chí mới ra đời và mấy năm gần đây cùng anh trực tiếp phụ trách Tạp chí Sân khấu, tôi thấy anh luôn lo lắng, lo lắng đến bồn chồn cho Tạp chí. Lúc nào anh cũng mong ước Tạp chí phải có tác động thực sự đến với hoạt động sân khấu. Giờ đây anh đã trở thành người thiên cổ.

Nếu quả thật có một thế giới trên kia thì Xuân Trình ơi, xin anh cứ yên lòng, nhất định rồi anh sẽ thấy, chúng tôi sẽ yêu thương nhau hơn, đoàn kết với nhau hơn để cùng chung lo cho sự nghiệp sân khấu chúng ta như anh hằng mong muốn.

 

PGS.TS Tất Thắng

 

 

 

 

Share this page