Công tác ở Tạp chí Sân khấu ít lâu, tôi đã quen với việc thủ trưởng Xuân Trình cứ mỗi dịp đầu Giêng lại về quê. Sau mới biết ông đi chợ Viềng.
Thú nhất là có bạn bè đi cùng để được kể, được khoe cái phong vị chợ quê ngày xuân. Không thì ông đi một mình, năm nào cũng vậy. Tôi vui miệng đọc luôn câu ca dao vừa lắp ghép được:
Chợ Viềng năm có một phiên
Cái nón em đội cũng tiền anh mua.
Ông cười rất vui, phô cả hàm răng vốn dĩ chẳng khi nào chịu thẳng hàng: “Mẹ mình kể lúc chuyển dạ sinh ra mình thì ngoài đường người ta đang í ới rủ nhau đi chợ Viềng”.
Chợ Viềng của ông chỉ họp duy nhất có ngày mùng 8 tết hàng năm. Người ta cho rằng hôm ấy mua hoặc bán bất cứ thứ gì cũng đều may mắn. Vì thế, chợ có đủ thứ, từ cái rế nồi đã rách cho đến đồ trang sức đắt tiền. Là chợ nhưng hầu như không mang chất thương mại mà chỉ để cầu may cầu phúc. Người đi chợ Viềng nghìn nghịt. Họ đến để hưởng cái thú chen vai thích cánh. Nam thanh nữ tú thoả sức ngắm nhau. Người già nói chuyện mùa vụ, thuận tay cầm lên đặt xuống mấy thứ hàng hóa.
Thế là năm nào chợ Viềng cũng xuất hiện người đàn ông cao lớn, lưng gấu, tay đút vào túi chiếc áo lông Đức “ngoại cỡ”. Tất nhiên là ông không mua gì cũng chẳng bán gì. Ông nào có thờ ơ với cái may cái rủi của những người đang ồn ào xung quanh, mà ông nghĩ. Ông nghĩ đến ngày thường mưa nắng của những con người quanh năm chân lấm tay bùn kia. Ông cố hiểu họ qua niềm vui cũng như nỗi buồn, cả trong những chuyện vô lý, bất nhẫn mà họ vẫn đương nhiên, dai dẳng chịu đựng. Từ đây, Xóm vắng, Bạch đàn liễu, Mùa hè ở biển… được hoài thai và sinh hạ.
Câu thơ xưa “Người thơ phong vận như thơ ấy” cứ ám ảnh tôi mỗi khi đọc kịch bản của ông. Đến nay, khi đã nhắm mắt xuôi tay thì cái phong vận kia càng như buộc vào số phận ông. Bởi có thể nói kịch của Xuân Trình – nhất là mảng viết về nông thôn, về quê hương – chỉ để nói được hết nỗi lòng.
Nếu khả năng tinh nhậy của nhà văn vẫn giúp ông phát hiện được cả những điều không dễ thấy thì cái tâm lại làm ông không yên trước nỗi sướng khổ của người nông dân. Cứ cái lý văn là người mà suy thì có lẽ chẳng bao giờ ông thanh thản.
Vùng chiêm trũng Ý Yên, Bình Lục quê ông điển hình cho nông thôn đồng bằng Bắc bộ: rét vài ngày đã khô; mưa mấy giờ đã úng. Những người lam lũ một nắng hai sương suốt đời đau đáu nhìn trời, nhìn đất mà lo cho cây lúa. Thời tiết ngày mai quyết định sản lượng mùa màng, thì thời tiết chính trị của cuộc sống ngày mai cũng ảnh hưởng ngay đến đời sống những con người mà ông yêu quý ấy.
“Tai nạn” của Thời tiết ngày mai làm người ta lại nhớ đến những “tai tiếng” của Bạch đàn liễu. Chẳng riêng Bạch đàn liễu, phần lớn các vở ông viết về nông thôn hầu như cùng chung số phận. Nghe tưởng vô lý. Nhưng phải đến Mùa hè ở biển, mọi điều mới được giải đáp. Qua bao thăng trầm người ta đã công nhận tác phẩm của ông mang tính dự báo.
Để có được sự công nhận ấy, ông đã phải trả giá đắt. Nhưng cũng biết rằng đó là đặc điểm tất yếu trong văn chương của một người biết đau nỗi đau của Con người.
Nông dân và cuộc sống của họ bước vào kịch Xuân Trình tay chân còn dính những vết bùn chưa khô… Xuân Trình biến mình thành người trong cuộc. Bức tranh quê được ông vẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, cả mặt phải lẫn mặt trái. Đó là không khí oi nồng, ngột ngạt của Lập xuân, Bạch đàn liễu, Xóm vắng…, báo hiệu và bắt buộc Thời tiết ngày mai phải thay đổi. Ông đã “táo tợn” khẳng định cho một cơ chế khoán tất yếu phải có, trong khi nó mang lẻ tẻ manh nha đã phải đứng trước vành móng ngựa. Nhưng rồi cơn gió mát đổi mới phải lồng lộng thổi như Mùa hè ở biển cùng với tầm nhìn, lòng người được mở rộng mênh mang như biển.
Ông có một kho tàng đủ loại về “quê tớ, làng tớ” để kể mãi không hết, càng không biết chán trong những chuyến công tác, những lúc rảnh rỗi. Nhưng bao giờ cũng vậy, sau khi chúng tôi đã cười vui vẻ và bình luận thoải mái, giọng ông trầm hẳn xuống “Vì sao họ phải khổ sở, chịu đựng vô lý thế nhỉ?”. Cả đến chuyện lâu nay vẫn tồn tại trong sự mặc nhiên công nhận thì ông vẫn là người phát hiện ra vô lý. Người thích yên phận bảo ông “dư nước mắt”. Kẻ sợ phiền hà trách ông “nhiễu sự”.
Phải đâu ông khác người, khác đời vì cứ vận vào mình những chuyện của người ngoài. Nghiệp của tất thảy kẻ cầm bút là vậy. Cái nghiệp ấy gây cả “nỗi khổ” cho chúng tôi – những người gần gũi với ông – bởi câu hỏi tại sao khi ông luôn kéo chúng tôi nhập cuộc vào những trăn trở, day dứt vẫn hay làm ông trở thành bẳn gắt khi chưa tìm ra lời giải đáp trong vở kịch mà ông đang viết.
Những chuyện như thế vẫn quay cuồng, ám ảnh kỳ đến khi được biến thành giấy mực, được phục sinh bằng những con người. Cũng vì chú ý hơn hết đến vấn đề mà văn ông không hoa mĩ. Lời thoại kịch cũng chẳng trau chuốt đến mức bóng bẩy cầu kỳ. Nhiều lúc nó dài, rề rà như giọng một lão nông khề khà kể chuyện làng xóm. Song đó lại là những câu chuyện rất thật. Thật cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Người ta thích đọc kịch bản của ông hơn là xem vở diễn quả có lý. Bởi điều rất rõ là đằng sau nhân sinh quan, cái tâm là biết bao kinh nghiệm sống và kiến thức thực tế được viết bằng giọng điệu rất riêng. Đọc để có dịp đọc lại, cùng với tác giả ngẫm hết sự đời, để cảm thông hơn với nỗi day dứt đằng sau mỗi con chữ.
Những ngày cuối cùng, sự thanh thản vẫn không chịu đến với ông. Căn bệnh quái ác với những cơn đau liên miên dữ dội đã không cho ông làm được việc. Ông bảo tôi đến nhà ông ở 27 Lý Thường Kiệt để viết lại giúp ông những điều ông không thể tự cầm bút viết. Bước chân vào nhà, tôi thấy ông đang xem video Rambo. Tôi cố đùa để ông quên bệnh tật: “Đã xem được Rambo chắc hết ốm rồi”. Ông nói rất thật: “Mình xem cốt để học thêm sự kiên nhẫn”.
Rồi ông nhờ tôi viết giúp ông ba vấn đề: Vấn đề thứ nhất là kiến nghị lên Tổng bí thư về việc sử dụng tài năng trong công tác văn hoá.
Tôi không khỏi sững sờ. Tại sao trước mắt là cái chết chẳng tránh khỏi, ông vẫn cứ nghĩ đến những chuyện mà theo tôi nghĩ, ở hoàn cảnh ông chẳng thiết thực lắm? Nghĩ vậy tôi vẫn lắng nghe ông, cố gắng thể hiện lại mạch lạc, đúng ý kiến của ông nhất.
Vậy mà đến nay tôi vẫn ân hận, ân hận vì tôi đã không tranh thủ được thời gian để biết và ghi lại những ý kiến cuối cùng ông muốn để lại mà chưa kịp nói. Rất có thể vấn đề thứ hai, thứ ba gì đó lại vẫn là vấn đề ông phát hiện ra từ hiện thực cuộc sống của những người dân quê. Cái chết đã nhanh hơn tôi. Biết không thể được nhưng tôi vẫn mong ở nơi chín suối, ông sẽ tha thứ cho tôi.
Thắp nén nhang cho ông, tôi không khỏi ngậm ngùi: Xuân lại về. Chợ Viềng lại đến phiên. Nhưng chẳng bao giờ ông còn được về nữa. Đôi mắt nheo nheo hóm hỉnh trong khung đen như vẫn đùa: “Không đi thì chợ vẫn đông”.
Phải, vắng ông thì chợ vẫn họp đúng ngày, vẫn đông như thế. Nhưng cái trống trải trong lòng người ở đây thì lấy gì bù đắp, khi họ biết rằng người bạn lớn của họ, người cha của Lập xuân, Bạch đàn liễu, Mùa hè ở biển… đã vĩnh viễn không bao giờ trở lại chợ Viềng.
Lê Thu Hạnh