Năng động Xuân Trình – Nhà văn Ngô Thảo

Sân khấu Việt Nam đã có một thời điểm như thế ở những năm cuối của thế kỷ XX. Nhiều vở diễn đã tham gia tích cực vào đời sống xã hội, để lại những dấu ấn không thể nào quên. Nhớ đến thời kỳ ấy người ta sẽ nhớ đến tên tuổi nhiều nghệ sĩ lớn: là tác giả, đạo diễn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhạc công và diễn viên thuộc nhiều kịch chủng. Một tên tuổi tôi thường nhớ đến là tác giả Xuân Trình. Mất vì bạo bệnh ở tuổi 55 (1936 – 1991), Xuân Trình đã kịp để lại cho đời hơn 30 vở kịch, thấy tập truyện và ký, mà chất lượng nghệ thuật và giá trị xã hội không dễ đã khai thác hết.


Nhưng với tôi, Xuân Trình còn là một nhà hoạt động xã hội, một nhà tổ chức tài hoa và đặc biệt năng động góp phần tạo nên thời kỳ huy hoàng của sân khấu và nâng cao vai trò của Hội NSSK Việt Nam trong cương  vị Phó Tổng Thư ký thường trực, Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu rồi thành lập và làm Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu.

Từng tham gia Thanh niên Xung phong từ thuở chống Pháp, sau hòa bình về làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, được cử đi học những khóa đầu tiên của Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra công tác biên tập rồi phóng viên ở Tạp chí Văn nghệ báo Văn nghệ, Xuân Trình đã có dịp đi nhiều nơi trên đất nước và có nhiều bút ký phóng sự sắc sảo về những đổi thay của miền Bắc, đặc biệt về tuyến lửa Vĩnh Linh những năm đầu bước vào chống Mỹ. Nhưng sân khấu đã hấp dẫn Xuân Trình. Anh sớm nhận thấy lợi thế của nghệ thuật sân khấu khi người nghệ sĩ có thể tạo được một thế giới sinh động cụ thể, trực quan để chuyển tải những thông điệp của mình tới khán giả. Chinh phục tình cảm và lý trí của khán giả là một quá trình thách thức tài năng trước hết của tác giả kịch bản. Thành công và tai nạn nghề nghiệp làm nên một tác giả Xuân Trình sắc sảo, đáo để, nhiều chất chính luận nhưng được ẩn giấu sau những nhân vật có cá tính, có số phận cụ thể.

Được chuẩn bị về vốn văn hoá, nhà văn biết rõ, trong nghệ thuật sân khấu, một cá nhân dẫu đa tài cũng không thể thay đổi bản chất của sân khấu là tập hợp của nhiều tài năng. Có nhiều thời, tình trạng một vài cá nhân có chút năng khiếu, ôm đồm mọi việc, ngỡ là mình có khả năng bao sân tất cả một vở diễn. Một số người trong đoàn thấy mình cũng có thể làm ra những vở diễn tương tự,  có hình thức một vở diễn mà thiếu hẳn sức hấp dẫn lôi cuốn khán giả. Vậy là tình trạng cận huyết loạn luân làm lụn bại không ít đơn vị nghệ thuật từng có những vở diễn đặc sắc!

Nhà viết kịch Xuân Trình Trong Hội thảo Kịch.

Là một tác giả sắc sảo, lại có vị trí ở Hội nhưng Xuân Trình rất cẩn trọng và giữ gìn khi đưa kịch bản  cho các đơn vị dàn dựng. Vừa hoàn thành một kịch bản mới, bao giờ Xuân Trình cũng đem tới đọc cho tập thể Tòa soạn nghe để xem phản ứng và sẵn sàng nghe góp ý. Những năm tôi về, được nghe: Mùa hè ở biển, Đợi đến mùa xuân, Nửa ngày về chiều, Ngày xưa nơi đây là chiến tranh, Ông Hựng ở lò thúc mầm, Ngôi nhà màu hồng ngọc… Vậy mà không mấy vở được ra đời suôn sẻ. Nhưng thời gian dành cho sáng tác của tác giả – ngay cả ở giai đoạn sung sức nhất – bị khống chế tối đa bởi khối lượng công việc hành chính hàng ngày mà một cán bộ thường trực Hội, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sân Khấu (ra hàng tháng), Giám đốc Nhà xuất bản Sân Khấu phải giải quyết. Mà công việc thì có muôn vàn: lo từ chỗ làm việc, bài vở, bản thảo, biên tập, in ấn, phát hành và quan trọng nhất là làm ra tiền để tồn tại.

Nhà 51 Trần Hưng Đạo là một tập hợp rộng của khá nhiều Hội với những chức năng nghề nghiệp khác nhau. Diện tích làm việc không thể thay đổi. Mà công việc từng Hội, rồi tổ chức, nhân sự lại liên tục biến động.

Sự năng động của Phó Tổng Thư ký Xuân Trình là lấn sân xây cất nên Trụ sở làm việc cho Tạp chí. Một căn nhà cấp 4 hai tầng, Tạp chí có một tầng xây trên nhà vệ sinh của khu tập thể. Câu thơ của Bác Hồ được vận vào đúng ở đây: Ngồi trên hố xí đợi ngày mai! Ấy thế mà rất nhiều nhân sự tờ Tạp chí nhỏ và luôn luôn nghèo này ai có đường đi nước bước trong đời khá ngoạn mục.

Cho đến nay, thật hiếm có một tờ Tạp chí nghệ thuật nào lại là lò đào tạo (?) được nhiều người có năng lực như thế: kịch tác giả Lưu Quang Vũ được nhận về đây từ thưở cơ hàn; Nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái thành PGS Tiến sĩ nghệ thuật, một nhà báo, nhà giáo nổi tiếng; Tiến sĩ Trần Đình Ngôn; Nhà văn Hà Đình Cẩn; Phó giáo sư Tất Thắng; Phó Tổng biên tập, nhà thơ Ngô Thế Oanh; các nhà báo Nguyễn Ánh, Ngô Thế Ngọc, Trần Bạch Tuyết, Phạm Tố Lan, Ngọc Mai, tác giả Lê Thu Hạnh, Ngô Hương Sen… Để có một không gian làm việc như hôm nay, từ rất sớm, Xuân Trình đã tìm được con đường liên kết tìm nguồn vốn để xây dựng trụ sở cho Tạp chí – Nhà xuất bản – bây giờ vẫn là nền tảng cho tòa nhà 7 tầng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật. Không thể quên những buổi theo công ty xổ số kiến thiết đi các địa phương, tổ chức các đợt quay số để có tiền xây dựng.

Từ ngày đổi mới, với hy vọng có thể tồn tại và phát triển khi không còn phải nhận bao cấp, hăm hở và hăng hái, Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã đi đầu bứt phá trong các hoạt động làm kinh tế! Nào làm lịch tờ cho các nhân viên toà soạn trực tiếp đi phát hành khắp các địa phương. Có năm lịch ế, gửi đi lại mang về vì không phải nơi đâu cũng mặn mà đón lịch có chân dung các nghệ sĩ. Thua keo này, bày keo khác. Nghe nói trên biên giới, xuất khẩu tiểu ngạch rất có lãi. Tổng biên tập huy động tiền anh em cơ quan đi miền biển mua mực khô mang lên cửa khẩu Lạng Sơn bán. Không có manh mối trước, hàng không bán được ngay, ký gửi người quen, mấy tháng sau nhận lại, vì giá đã giảm dưới giá thành.

Quyết tìm đường sống cho Hội, Tạp chí mở hướng làm kinh tế Công nghiệp: mở xưởng dẫn xuất đá xẻ. Thuê địa điểm ở Làng Tám – Giáp Bát, mua máy cưa máy mài, mua đá Ninh Bình, Thanh Hoá về làm đá ốp lát huy động toàn Toà soạn xuống làm công nhân các khâu. Mua hẳn một xe Ipha Đức mới toe về chở đá và chở thành phẩm đi bán. Không ngờ cả nước loạn đá ốp lát, hàng ế. Phải nhờ ông Trường Sơn (chủ Thiên Đường Bảo Sơn) tiêu thụ giùm. Mất vốn, xe Ipha bán vội. Một tháng sau, giá xe bỗng tăng gấp mấy lần. Tiếc thì đã muộn.

Bằng uy tín của mình, liên hệ với Hội Sân khấu Liên Xô, anh còn tổ chức cho một nhóm gồm 6 người của Tạp chí sang Liên Xô 3 tháng để học đóng giày Ballet! Học về, mang theo cả đồ nghề, cả một số nguyên liệu sản xuất nhưng ở Việt Nam, liệu có mấy người sử dụng giày quí giá ấy?

Chưa hết! Nghĩ kế xin chỉ tiêu giấy của Bộ Công nghiệp để in báo và sách. Báo in ở miền Nam, giấy không phải chuyển vào. Chuyển nhượng kiếm tiền chênh lệch bù in báo. Ít lâu sau bị Công an kinh tế sờ gáy. May sao chứng từ rõ ràng, không ai tư túi nên được bỏ qua!

Khi xiết lại biên chế, vẫn với quyết tâm tìm đường  tự cứu, với niềm tin Tạp chí và Nhà xuất bản có thể tự tồn tại, nên toàn bộ nhân sự để ngoài biên chế, nghĩa là không lương. Trong khi các Hội có 30-40 biên chế, thì Hội Sân khấu chỉ gói gọn 13 người ở văn phòng Hội. Hậu quả đó đến giờ chưa khắc phục được.

Để giúp các Hội có vốn làm kinh tế, năm 1990, Nhà nước cấp mỗi Hội 300 triệu. Không biết thế là to hay nhỏ. Đang cao trào huy động vốn với lãi suất cao của Hãng nước hoa Thanh Hương của Nguyễn Văn Mười Hai, nghe rất hấp dẫn. Nhưng thực hiện đúng qui định là phải sản xuất, Hội vượt qua sự cám dỗ chết người. Anh Xuân Trình huy động 100 triệu góp với một nhóm nào đó ở Đại học Bách Khoa. Tiền đi không trở về. Tôi chịu trách nhiệm một khoản tương tự, hợp tác với những cơ sở tử tế, sản xuất vật liệu xây dựng họ thua lỗ, phải chạy tiền nhà hoàn vốn, không có lãi.

Những thất bát liên tục có lẽ góp phần hạ gục con gấu rừng vừa mạnh mẽ, tự tin và đầy quyết đoán. Căn nhà ở Làng Tám anh xây dựng những nhiêu khê rắc rối khi xây, là thực tế cho vở Ngôi nhà màu hồng ngọc – anh chưa kịp ở. Cả khu tập thể của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ở Liễu Giai mà anh là người quyết tâm đề xuất xin chỉ tiêu, chọn địa điểm đi cắm đất, lo thủ tục xây dựng, chưa kịp hoàn thànhHết lòng lo cho công tác Hội, cho đời sống và niềm vui của tập thể cơ quan, riêng anh đã không Đợi được đến mùa xuân!

Nỗi lo làm kinh tế để giúp Hội và Tạp chí, Nhà xuất bản tồn tại và phát triển, vẫn không làm người phụ trách thường trực Hội lơ là hoạt động chuyên môn. Các cuộc thi kịch bản, các đợt đi thực tế, tham gia các Hội diễn, nhiều Hội diễn ở thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương. Tạp chí phát hành kịp thời, có lúc còn ra các phụ trương giới thiệu đầy đủ các tiết mục. Các Hội thảo về lý luận, về các vở diễn có vấn đề được tổ chức thường xuyên. Đích thân Tổng biên tập, với mấy chiếc xe tập tàng, đưa quân đi thực tế để nắm tình hình sân khấu, các địa phương: Từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, các tỉnh đồng bằng, Trung du phía Bắc, hầu hết các tỉnh miền Trung.

Chiếc La-da cũ nát vừa đi vừa sửa, vừa đi vừa xin xăng, xin cả lốp, mà từ Hà Nội vào đến tận biên giới An Giang Tây Nam bộ. Đi đâu, nhà văn Xuân Trình cũng có  tư  thế của một nghệ sĩ hết lòng vì phong trào sân khấu mỗi địa phương: gặp gỡ, trao đổi với các cấp Đảng và chính quyền cấp Tỉnh, Thành phố. Một thuận lợi có tính lịch sử là sau giải phóng, hầu hết ở các tỉnh miền Trung và cả Nam Bộ, cán bộ lãnh đạo cấp Tỉnh, các Sở Văn hóa đều là những người hoạt động sân khấu trong chiến tranh.

Lúc sân khấu lớn gặp khó khăn về khán giả, hình thức sân khấu nhỏ được giới thiệu ở Việt Nam. Hội đã tích cực, chủ động và kiên trì giới thiệu rộng rãi ở các địa phương, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Một Hội thảo về sân khấu nhỏ được tổ chức khá sớm. Được sự đồng thuận của Tổng Thư ký Dương Ngọc Đức, anh Xuân Trình đã tổ chức dựng vở Ngôi nhà trên Thiên đường mời một số nghệ sĩ trẻ như Lê Khanh, Vân Anh tham gia cùng các nghệ sĩ già đã xa sân khấu: Dương Quảng, Trần Hạnh… tạo đà để các ông trở lại với sân khấu và có nhiều vai diễn mới.

Liên hoan Sân khấu nhỏ tổ chức ở Quảng Ninh năm 1991, anh Xuân Trình đã yếu lắm, nhưng vẫn về tham dự. Tai biến, anh phải về sớm trong đêm.

Chống chọi dũng cảm với bệnh ung thư vòm họng, anh vẫn viết tiếp những lời tâm huyết gửi gắm sân khấu. Đêm ấy, đã hơn 9 giờ, nhớ lời dặn, khi khó khăn thì báo tin, cháu Nguyên gọi, tôi lập tức vào Bệnh viện Việt Xô. Chị Lộc và hai cháu bên cạnh. Thấy anh mệt, tôi bắt tay qua tấm chăn chiên. Nhưng, anh đòi Nguyên nâng anh dậy. Ra dấu khát, anh đòi uống bia. Hơi chát, anh lại đổi sang uống Côca. Nắm tay tôi hồi lâu mà không nói được: Từ lâu anh đã mất tiếng. Tôi đỡ anh nằm xuống. Anh thở gấp mấy cái rồi lặng lẽ ra đi. Tôi ra ngoài hành lang, gọi hồn anh ba lần!

Nhiều người nói, anh là tác giả có khả năng dự báo Thời tiết ngày mai. Không chỉ có thế. Anh còn là người tích cực tham gia vào những hoạt động để cho ngày mai đó mau tới và tới đúng như chúng ta mong đợi.

Với Quê hương Việt Nam, Xóm vắng, Hận thù từ đâu tới, Bạch đàn liễu, Cuộc đời này là của chúng mình, Mùa hè ở  biển, Nghĩ về mình, Ngày xưa nơi  đây là Chiến tranh, Nửa ngày về chiều, Đợi đến mùa xuân… những thao thức, trăn trở cho một đất nước bình yên tươi đẹp, cho con người lương thiện có cuộc sống yên vui vẫn nói với những người làm sân khấu hôm nay; nhà viết kịch – nhà hoạt động sân khấu Xuân Trình vẫn hiện diện với chúng ta.

 

Nhà văn Ngô Thảo

 

 

 

 

Share this page