Tác giả: Xuân Trình
Nhân vật:
– Bà giáo An – Người Hà Nội gốc
– Bác Điềm – bảo vệ khu phố
– Bác Nguyễn – Nhà văn
– Nhâm – hàng xóm bà giáo An (bạn gái từ thuở thiếu thời của Phước cùng khu phố), công nhân nhà máy
– Phước ( con trai bà giáo An)
– Thông – Kỹ sư xây dựng (bạn của Phước)
– Hương Ly (em gái Thông)
– Thu Hà – sinh viên trường nhạc (người yêu của Phước)
– Cảnh – hàng xóm bà giáo An (cùng khu phố)
– Chi Lăng (cháu nội bà giáo An)
– Và một số các nhân vật quần chúng (có lời): thợ quét vôi thứ nhất, thợ quét vôi thứ hai, anh bán lược, anh nhạc bướm, chị bán hoa, bác nông dân, cụ già, anh bộ đội
– Một số nhân vật quần chúng khác (không có lời):
***
CẢNH 1
Nhà bà giáo An, căn phòng ngoài khá ngăn nắp in dấu một gia đình gốc gác xưa ở Hà Nội: người ta nhận thấy rõ nhất là ở những đồ gỗ còn lại. Chiếc tủ búp phê gỗ lát đã cũ kê ở một góc; chiếc giường hộp kiểu cổ, có giá sách phía đầu giường và có chiếc bàn con cạnh bên. Giữa nhà một bàn vuông to, trên đặt một bình hoa nhỏ. Có cửa xuống bếp và sang phòng bên của Phước. Một khuôn cửa kính lớn nhìn ra hành lang, có cầu thang lên tầng trên. (Hành lang cũng là một điểm diễn)
MỞ MÀN
Thông mặc quân phục, ôm chiếc đàn ghita se sẽ hát. Hương Ly em gái ngồi cạnh, mân mê ngôi sao trên mũ, lơ đãng nhìn ra ngoài.
THÔNG: (say sưa) “Ôi, cô gái ơi…! Súng trên vai sao vuông đầu mũ, em đi về đâu mà mắt em trong sáng, em đi về đâu mà chân bước hiên ngang”
HƯƠNG LY: (nũng nịu) Đi về thôi… anh Thông.
THÔNG: (hát tiếp) “Trút căm thù vào quân xâm lược…”
(Bà giáo cầm chiếc áo xếp thêm vào chiếc ba lô đặt ở giường)
BÀ GIÁO: Bác gấp cả chiếc sơ mi ca rô vào cho nó đấy.
THÔNG: (ngừng đàn) Rồi nó cũng sẽ gửi về thôi
BÀ GIÁO: (ngừng lại) Ơ hay!
THÔNG: Cháu đã nói là phát tất mà… Cả từ cái rút dép.
BÀ GIÁO: (ngập ngừng không nỡ lấy chiếc áo sơ-mi ra) Thế còn sách vở?… Nó dặn bác mà.
THÔNG: Thôi được… nó sẽ làm quà tặng người ta.
BÀ GIÁO: Thế nào?
THÔNG: Chương trình tập luyện cấp tốc đến khoa mục đi đều cũng không còn nữa, thì giờ đâu mà đọc sách.
BÀ GIÁO: Không nhẽ để nó đi tay không. (Thở dài)
THÔNG: Bác đừng lo nó thiếu thứ mang… Rồi đến mức đôi đũa cũng muốn cắt làm đôi cho nhẹ bớt.
BÀ GIÁO: Nó bày bừa thế.
THÔNG: Cũng phải tự già dặn lên thôi ạ.
(ngừng đàn)
HƯƠNG LY: Về chưa anh Thông?
THÔNG: Có định gặp mặt danh ca nữa không? Chọn đi… xem phim Nam tước Phôn – gôn – rinh hay xem mặt danh ca? Nào…
HƯƠNG LY: Chị ấy có đến đâu. (kéo tay Thông nũng nịu) Về đi anh Thông.
BÀ GIÁO: Hôm nay đứa nào đã đến thì phải ở đây.
THÔNG: (ngó vào tận mặt em) Thấy chưa!
BÀ GIÁO: Hương Ly xuống giúp chị Nhâm làm cơm đi con. (ngừng)
Con bé sáng nay phải đến xưởng nằn nì mãi mới xin nghỉ bù được.
THÔNG: Ly làm cơm thì tuyệt! Còn có món tủ đấy, khi cần mới trổ tài.
BÀ GIÁO: Con gái phải biết nấu nướng. Ngày xưa trạc tuổi cháu bác, với mẹ cháu, trước khi đi lấy chồng là phải đến trường Anh Hoa, người ta dậy cho nấu ăn, may vá.
THÔNG: Hương Ly chẳng cần học mới cừ ạ.
BÀ GIÁO: Tinh ý thì cũng biết (với Ly) Cháu giỏi nấu món gì nào?
THÔNG: (nháy mắt trêu em) Kìa!
HƯƠNG LY: Anh Thông!
THÔNG: Còn giấu tài… Hầm rau muống bác ạ.
(Ly xông đến đấm vào vai anh)
(Bà giáo cười)
Với lại gọt cả su hào nữa ạ.
(Hương Ly khóc)
BÀ GIÁO: (đi ngang, dừng lại) Cứ hay trêu em!
(ôm lấy đầu Hương Ly, vuốt tóc)
Đề rồi bác mắng thêm.
(làm ra vẻ mắng)
Cứ thế không trách đi… em nó chả thèm nhớ.
THÔNG: (nghiêng đầu, nheo mắt nhìn em) Nhè!
BÀ GIÁO: Ơ hay… kìa!
(Nhâm bưng một mâm thức ăn lên, vui hớn hở)
NHÂM: Xong rồi, bác ạ.
(Cất bình hoa lên tủ búp – phê rồi đặt thức ăn ra bàn. Cô đi vòng quanh, ngắm nghía, tỏ ra vừa lòng với những món ăn mình làm.
Thông bưng liễn canh lên, nóng, anh đặt vội xuống chiếc ghế rồi bưng luôn cả chiếc ghế làm rế đến cạnh bàn. Nhâm bật cười).
BÀ GIÁO: (nhìn Thông) Vậy mà nó chê con Ly!
HƯƠNG LY: (khoái chí) Thấy chưa?
BÀ GIÁO: (với Nhâm) Cháu để thịt lại làm gì thế?
NHÂM: Mâm cơm thế là được rồi.
THÔNG: Sang ấy chứ… (ngắm nghía) Đẹp nữa.
NHÂM: Cháu đã chuẩn bị món tráng miệng.
BÀ GIÁO: (mỉm cười) Chịu cô.
(Nhâm sung sướng chạy vào nhà. Bà giáo nhìn theo yêu thương)
Đứa nào lấy con bé, thật là cưới được phúc về nhà. Nết na lắm, hào phóng mà không xa phí. Sáng nay hai bác cháu đi chợ, nó chọn gà thì người bán cầm tiền rồi còn ngẩn ngơ. Mua thêm mấy lạng thịt con bé chẳng chịu dùng đến nữa. Khéo thế… Vậy mà mâm cơm cũng được.
THÔNG: Sang (ngắm nghía)
Chị Nhâm với bác là thế nào?
BÀ GIÁO: Nó quý thằng Phước nhà này lắm.
THÔNG: (ngạc nhiên) Ô hay…
BÀ GIÁO: Nhà ở tầng trên, đông em lắm… Đêm qua con bé làm ca, sáng sớm đã xuống giục bác đi chợ.
THÔNG: Sao nghe nói hôm nay Phước mang Thu Hà về giới thiệu với bác.
BÀ GIÁO: (thở dài) Chẳng biết rồi còn tìm được đám nào hơn. (ngừng) Sắp đi rồi, mà từ sáng đến giờ nó chạy đâu mất mặt. Muốn dặn dò một tí cũng chẳng biết nói vào lúc nào.
THÔNG: Đứng mọc rễ ở đầu cổng kia kìa. Chờ đấy.
BÀ GIÁO: (nhìn con, rồi gọi lớn) Phước.
(Phước vào, người anh mảnh dẻ. Phước vào nhà rồi mà mắt vẫn hướng ra ngoài)
Hôm nay đi rồi mà sao con không ở nhà được lúc nào.
PHƯỚC: (Lơ đãng) Chiều mới tập trung mà.
BÀ GIÁO: Còn bây giờ là trưa chứ gì?
Anh không xem cái ba lô, các thứ mợ xếp đã đủ chưa?
PHƯỚC: Mợ cứ mãi cái ba lô thôi… Con đã nói là con không cần thức gì cả.
BÀ GIÁO: (tủi thân) Không cần… không cần… anh cứ hài bàn tay không mà đi ư? (Bật khóc) Anh đần lắm.
PHƯỚC: (ân hận chạy lại) Mợ… con đã nói là mợ đừng lo gì cho con.
BÀ GIÁO: Các anh đi rồi vui chúng, vui bạn, có hay đâu mẹ ở nhà, có miếng ngon nghĩ đến các anh cũng nghẹn không nuốt được.
PHƯỚC: Con quên làm sao.
(Nhâm bưng lên một đĩa bánh hấp)
THÔNG: Có việc gì bưng bê cần tôi giúp nữa không nào?
NHÂM: Còn món hầm nữa, nhưng khi nào vào bàn mới bưng lên cho nóng.
BÀ GIÁO: (đứng dậy) Thôi, ăn cơm đi… Rồi mợ còn sắp sửa nốt cho.
PHƯỚC: (Vội ngăn) Nán chờ mươi phút nữa được không mợ.
NHÂM: (sững lại, buồn hẳn) À… lại còn khách của anh Phước nữa…
(cả nhà yên lặng. Thông cầm lấy đàn)
THÔNG: Vậy thì mình phải dạo vài khúc cho nó quên đi mới được.
NHÂM: (với bà giáo) Nồi ninh cháu vẫn để trên bếp bác ạ.
BÀ GIÁO: Nhưng em đi đâu nào?…
NHÂM: Dạ…(lúng túng)
BÀ GIÁO: Đừng để bác phải nghĩ ngợi nhiều.
(Nhìn Nhâm, bà quyết định) Trưa rồi con ạ… Ăn cơm đi cho Nhâm nó còn đi làm. Con bé tất bật suốt từ sáng đến giờ.
(Bà cầm tay Hương Ly kéo đứng dậy) Lại ăn cơm cháu. (ngừng) Con thằng Chi Lăng đâu rồi… Sắp sửa lên đường con cũng chẳng gọi cháu về dặn nó một đôi điều (ngó ra cửa gọi)
Chi Lăng ơi…!
PHƯỚC: Thôi mợ!… Lúc nào về nó ăn cũng được.
(Họ vào bàn tất cả – Nhâm bưng nốt thức ăn lên rồi vui vẻ ngồi xuống ghế).
THÔNG: (sôi nổi) Chủ tiệc rót rượu ra chứ, hôm nay tiễn cậu.
(Phước cầm chai rượu đứng lên. Thông bỗng ngăn lại)
Khoan (chỉ ra ngoài) Hình như…
(Thu Hà và Cảnh, họ dừng lại ở hành lang, chia tay nhau).
CẢNH: Tôi đã đưa chị đến tận nhà.
THU HÀ: Cám ơn (bắt tay Cảnh) Anh về.
CẢNH: (mỉm cười) Tôi cũng ở đây thôi… tầng trên này.
THU HÀ: Sao lại có sự ngẫu nhiên thế.
CẢNH: Đối với chị thôi… còn tôi thì biết… chị Thu Hà ạ.
THU HÀ: Anh dành cho tôi nhiều bất ngờ quá.
CẢNH: Có thể mãi mãi chỉ là điều mong thôi, tuy nhiên tôi vẫn cứ xin mời. Có dịp nào chị lại tới đây xin mời lên tôi chơi.
THU HÀ: Anh làm tôi cảm động… lát, tôi sẽ lên thăm anh.
CẢNH: Hân hạnh cho tôi biết chừng nào
(cúi đầu chào) Tôi rất hồi hộp
(Đi lên thang gác, còn dừng lại vẫy Thu Hà)
THÔNG: (Với Phước) Họ quen nhau à?
(Phước không trả lời, ra cửa đón Thu Hà. Mọi người cùng đứng dậy khỏi bàn ăn. Thu Hà vào. Phước dẫn đến chỗ mẹ)
PHƯỚC: Thưa mợ… Thu Hà…bạn của con
BÀ GIÁO: (làm ra vẻ niềm nở) Phước nói là em đến… Tôi mong suốt cả buổi sáng.
THU HÀ: Dạ… cháu bận… không đến sớm được.
PHƯỚC: (Đưa Thu Hà đén chỗ Thông) Anh Thông… bạn anh, kỹ sư xây dựng, làm việc ở sân bay.
THÔNG: (đứng nghiêm)
THU HÀ: (cũng có vẻ trịnh trọng) Hân hạnh được làm quen với anh.
THÔNG: Điều ấy thì thật không nên đâu.
THU HÀ: (ngạc nhiên) Sao thế ạ?
THÔNG: Đối với các nghệ sĩ tôi có một thói xấu.
THU HÀ: Gì kia?
THÔNG: Hay xin vé lắm (cười rộ lên, phá tan vẻ nghiêm trọng)
Nhưng nếu có việc gì nặng, chị cứ gọi tôi. Thí dụ cần đục cái cửa sổ, hoặc làm góc lửng chẳng hạn.
(Lại cười)
PHƯỚC: Một tay đàn ghi ta cừ khôi đấy.
THU HÀ: Ơ… thế mà anh giấu tài.
THÔNG: Có thể…Nhưng thường thì biểu diễn vào khi chờ cơm cho đỡ sốt ruột thôi.
(Lại cười rộ lên)
Tôi xin phép anh Phước giới thiệu tiếp nhá… Chị Nhâm
NHÂM: Tôi không có gì đáng được giới thiệu đâu.
THÔNG: Ô hay…
NHÂM: Vậy thì anh cứ giới thiệu đi… Anh sẽ chẳng nói được gì cả.
THÔNG: Thôi được… lát nữa vào bàn, chúng ta chỉ có thể nói về chị ấy được thôi.
BÀ GIÁO: Nào… lại bàn cả đi.
(Họ đứng dậy, chỉ có Hương Ly ngồi yên, có vẻ tủi thân. Bà giáo chạy lại)
Họ bỏ quên cháu tôi rồi.
THÔNG: Ấy chết… Một nhân vật quan trọng. Hương Ly, em gái tôi. Người hết mực hâm mộ nghệ sĩ Thu Hà.
(Kéo ghế để Hương Ly ngồi cạnh Thu Hà)
Đã chịu bỏ chiếc vé Nam tước Phô-ngôn-rinh đến để gặp mặt.
THU HÀ: Vậy thì hôm nào tôi phải đền cho em chiếc vé ấy thôi.
(Nhâm thu xếp các thứ cho bữa ăn như người chủ gia đình rồi đến bên bà giáo)
NHÂM: Bây giờ thì cháu phải xin phép.
BÀ GIÁO: (giọng nghiêm nghị) Ngồi xuống đi… đừng bắt bác nói mãi thế.
NHÂM: Cháu sắp đến giờ đi làm.
THÔNG: (Đứng lên) Bữa ăn hôm nay là tác phẩm của chị. Chị là chủ bữa ăn kia mà… chị Nhâm. Còn một tiếng nữa… Và nếu chị vội thì Phước sẽ đưa chị đến tận xưởng.
BÀ GIÁO: Phải rồi… Phước nó sẽ đưa con đến tận xưởng.
NHÂM: Con chả dám thế… tội anh ấy
THÔNG: Chị Nhâm!
(Nhâm đắn đo, ngồi xuống)
Thế chứ… Bắt đầu đi… hãy chúc người ra đi… (với Phước) Cậu có cần đọc diễn văn không đấy?
PHƯỚC: Tha cho mình (với mẹ) Mợ uống đi… mợ uống với chúng con chứ.
(ngừng một lát)
Ở nhà có báo động mợ đừng đứng ở chân cầu thang đấy. Hôm qua hỏi ra con mới biết, căn nhà này làm từ thời Nhật. Hồi ấy vật liệu thiếu lắm. Giá như còn nán lại được một vài ngày con sẽ làm cho mợ cái hầm thật chắc.
BÀ GIÁO: Mợ thích chạy ra hầm công cộng, đông người, đỡ sợ.
PHƯỚC: Là con sợ khi báo động ban đêm ấy.
(ngừng)
Thằng Chi Lăng thì phải cho lên sơ tán. Và tìm cách báo tin cho anh ấy là con đã lên đường. Thư chuyển cho anh ấy, mợ gửi cho Bộ Tư lệnh Hải quân, tháng nào cũng có người ra Hà Nội họp.
THÔNG: Kìa… mời bác… cả chị Nhâm… Chị Thu Hà nữa. Ai cũng cầm đũa chiếu lệ thế này thì một mình cháu đến bội thực mất thôi.
PHƯỚC: Cả cậu nữa… thằng quỷ ạ… Rồi cậu cũng đến bội thực vì nói nhiều thôi… Ăn đi chứ.
(ngừng)
Thật thà là con thích ngồi nhìn mợ và các bạn ăn hơn… Rồi đây một bữa ăn như thế này còn có thể có được, nhưng những người cùng ăn thì không.
THÔNG: Cả những món ăn tuyệt vời như thế này cũng không. Ngon, mà đẹp. Có đúng thế không nào. Có cả thức tráng miệng nữa nhá. Nhưng điều này mới thật đáng kinh ngạc này: có một con gà thôi đấy.
THU HÀ: Một con gà?
THÔNG: Có bác làm chứng đây. (ngừng) Một con gà nếu vào tay Thông thì luộc, cổ cánh đem rang và nước suýt đập gừng, thế là hết.
(Bà Giáo, Nhâm và Phước cười, Thu Hà thì không vui).
NHÂM: Anh ấy nói quá lên thế thôi.
THÔNG: Thật là bất hạnh cho gia đình nào mà phụ nữ không biết nấu nướng.
BÀ GIÁO: (Nhìn Thu Hà bỏ đũa xuống, ngạc nhiên) Sao lại bỏ đũa xuống thế?…
THU HÀ: Cháu đủ rồi.
BÀ GIÁO: Bác chẳng bằng lòng thế… Ai đã vào đến nhà này, bác không muốn coi là khách nữa.
THU HÀ: Cháu đủ rồi thật mà.
(đứng dậy)
BÀ GIÁO: Thôi thế cháu pha trà đi để rồi lát nữa cả nhà cùng uống.
(Phước đứng dậy theo)
THÔNG: Ơ kìa!
PHƯỚC: Mời mợ… Mời cả nhà.
NHÂM: (Mỉm cười) Chẳng phải như anh Thông nhận xét đâu; thức ăn còn nhiều như thế này thì không phải là một bữa ăn ngon.
THÔNG: Vậy thì chỉ một mình tôi cũng đủ chứng minh được
(Thu Hà lơ đãng đứng nhìn qua cửa kính. Tiếng nhạc của một bản giao hưởng nào vọng xuống. Phước tới bên)
PHƯỚC: Hình như Hà không vui.
THU HÀ: Chẳng lẽ em lại vui.
PHƯỚC: Thông tính nó thế, nghĩ sao nói vậy. Các anh thường gọi nó là Thông ruột ngựa mà.
THU HÀ: Ô hay… anh buồn cười (ngừng) Em lên trên này một tý đây, (chỉ lên gác, rồi bỏ ra ngoài. Chi Lăng bây giờ mới về, rón rén lại bàn ăn).
PHƯỚC: Chi Lăng đi đâu về?
CHI LĂNG: Cháu… cháu dẫn bác nhà văn đi xếp hàng mua thức ăn chín chứ.
THÔNG: Nhà văn nào thế?
CHI LĂNG: Bác Nguyễn… bạn cháu.
THÔNG: (Cười ồ) Anh không bốc đấy chứ?
CHI LĂNG: Hỏi bà cháu xem… Trong chuyện của bác ấy có cả tên cháu nữa đấy. Chú có biết bác ấy không?
(Còn tiếp)