Giá trị nhân văn và tính dự báo trong kịch của Xuân Trình

Nhà viết kịch Xuân Trình (1936- 1991), giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật là gương mặt tiêu biểu của sân khấu Việt Nam hiện đại. Đóng góp của ông trên nhiều phương diện đối với nền sân khấu chúng ta thật to lớn, không chỉ với tư cách là tác giả sống hết mình cho sáng tạo trước trang giấy mà còn ở nhiều mặt hoạt động phong phú khác.


Trong cương vị phó Tổng thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, rồi ở trọng trách Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu cơ quan ngôn luận chủ yếu của cả giới – bằng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm, nhất là tài năng và sức thu hút, Xuân Trình có công lao đáng kể trong việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng trẻ, nhất là đã góp phần thúc đẩy một cách có hiệu quả sự chuyển mình của Sân khấu hòa nhập với xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn bản lề quan trọng những năm 80 của thế kỷ thế kỷ XX.

Nhưng có thể nói, trước hết và chủ yếu Xuân Trình được biết đến và sẽ còn được nhắc nhở như một tác giả hàng đầu trong đội ngũ sáng tác kịch nói Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, với những kịch bản mang chất văn học cao. Nhiều vở diễn của ông khi xuất hiện trên sân khấu lập tức trở thành sự kiện gây chấn động dư luận xã hội và âm vang mãi về sau.

Kể từ vở kịch ngắn đầu tay công bố năm 1959 đến vở diễn cuối cùng Tai hoạ hay rủi ro ra mắt tại Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Quảng Ninh năm 1991 (vào đúng thời điểm nhà viết kịch vĩnh viễn ra đi), Xuân Trình đã trải qua hơn 30 năm cầm bút với khoảng 20 kịch bản dài và ngắn.

Tuy số lượng chưa phải dồi dào như các cây bút khác, nhưng điều đáng ghi nhận là chất lượng sáng tác của kịch Xuân Trình khiến cho một số vở diễn của ông chắc chắn sẽ đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại như những dấu mốc quan trọng.

Sự nghiệp sân khấu của Xuân Trình vì thế đã trở thành đối tượng tìm hiểu của công tác nghiên cứu lý luận phê bình. Đã xuất hiện không ít luận văn của sinh viên đại học, công trình nghiên cứu và cả hội thảo khoa học đề cập về Xuân Trình.

Nhìn lại quá trình sáng tác của Xuân Trình, điều dễ thấy là, hầu như ông không hề viết một kịch bản nào về đề tài lịch sử hay cổ tích dân gian. Tất cả các kịch bản mang tên Xuân Trình đều khởi nguồn từ hiện thực đương đại. Không phải không thể từ chuyện quá khứ, thậm chí từ thế giới huyền ảo cổ tích rút ra được bài học mang ý nghĩa hiện đại cho hôm nay, nhưng ở Xuân Trình dường như cảm hứng sống với sự kiện và con người cùng thời mạnh đến mức, lấn át tất cả không còn chỗ chia sẻ với đề tài nào khác.

Nguồn nhiệt hứng với dòng đời đang diễn ra và trước mắt làm nên tính chất thời sự nóng bỏng bao giờ cũng đáy ắp trong các tác phẩm kịch Xuân Trình. Nhưng tài năng và tầm nhìn của một nghệ sĩ không cho phép dừng lại ở chỗ đơn thuần, thoả mãn nhu cầu thông tin nhanh nhậy về quá trình chuyển biến của đời sống. Nhà viết kịch Xuân Trình bao giờ cũng biết cảm nhận cuộc sống từ những sự việc bình thường hàng ngày đang xảy ra, từ mớ bòng bong phức tạp của vô vàn các hiện tượng ngẫu nhiên để từ đó phát hiện ra những liên hệ mang thuộc tính bản chất, cho thấy xu thế của quá trình vận động, để gọi ra và nêu lên những vấn đề mang ý nghĩa khái quát có tầm vóc xã hội rộng lớn.

Bởi thế, những vấn đề trong kịch Xuân Trình xa lạ với những luận đề tiên nghiệm, những ý tưởng trừu tượng của một đầu óc đắm chìm trong suy lý tư biện, mà bao giờ cũng cắm sâu vào nền tảng hiện thực. Đó là những vấn đề nảy sinh trong lòng sâu thực tại. Xuân Trình là một tấm gương của quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật trong niềm say mê gắn bó đối với thực tế đời sống. Sau mỗi chuyến đi dài ngày và sống cuộc sống của một người trong cuộc, trở về thao thức vật vã trên trang viết trước đèn, bao giờ Xuân Trình cũng hoàn thành những sáng tác mới tươi rói hơi thở đời sống, để tác phẩm của ông tác động trở lại đời sống một cách kịp thời. Có thể dễ dàng tìm thấy mối tương quan giữa các đợt thâm nhập thực tế với quá trình thai nghén và hình thành từng tác phẩm cụ thể, thậm chí dõi theo bước chân của nhà viết kịch, có thể nhận ra địa chỉ của “hàng loạt nguyên mẫu” nguồn chất liệu ban đầu cho việc tạo dựng các nhân vật trong kịch Xuân Trình.

Nhà viết kịch của chúng ta có ý thức sâu sắc về bản chất của nghệ thuật cũng như đặc trưng thẩm mỹ của thể loại kịch, nên rất coi trọng con người và cuộc sống của con người, cả trong quá trình đi vào đời sống, lẫn quá trình sáng tạo tác phẩm. Những vấn đề Xuân Trình đặt ra trong kịch của ông bao giờ cũng liên quan đến số phận nhân vật, thuộc về các quan hệ giữa những nhân vật, trong những hoàn cảnh, tình huống nhất định.

Chính đây là cơ sở tạo nên giá trị nhân văn, đồng thời cũng xác định diện mạo và nội dung cụ thể của giá trị ấy trong kịch Xuân Trình. Qua loạt tác phẩm khai thác về hiện thực nông thôn, lĩnh vực am hiểu sâu sắc của ông, đề tài ruột mà ông luôn trở đi trở lại trên con đường sáng tạo của mình. Nhưng Xuân Trình trở lại với đề tài nông thôn quen thuộc không phải để lặp lại những gì đã có của chính ông và các đồng nghiệp. Nhà viết kịch Xuân Trình luôn biết mở ra những chiều cạnh mới với những phát hiện mới mẻ.

Nếu trong vở diễn Lập xuân (1970), thông qua cuộc đấu tranh nhằm triển khai áp dụng giống lúa mới vào canh tác, đặt ra vấn đề chuyển giao thế hệ cán bộ quản lý hợp tác xã như một tất yếu khách quan, thì sang vở Xóm vắng, Xuân Trình gửi vào đây thông điệp, nên chọn lựa thái độ như thế nào trước cái nghèo của làng quê, dứt khoát từ bỏ nó để về thành phố tìm kiếm cơ may đổi đời hay quyết tâm ở lại nơi chôn rau cắt rốn dẫu nó là vùng đất bạc màu, để bằng công sức trí tuệ tri thức từng bước, làm giầu cho quê hương?

Nếu ở vở diễn Thời tiết ngày mai (1978) trình bày bức tranh chân thực về quá trình tổ chức lại sản xuất theo hướng mới ở các hợp tác xã nông nghiệp, mà vật cản  lớn nhất trớ trêu thay lại chính là ở những người tốt hiện đang nắm giữ cương vị chủ chốt trong bộ máy cán bộ cơ sở, thì đến Mùa hè ở biển (1985) được nhất trí nhìn nhận như là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Trình một tác phẩm tiêu biểu của cả nền sân khấu, lại là tiếng cười sảng khoái trước hình ảnh lỗi thời của mẫu nhân vật cán bộ đương chức đương quyền có ý thức trách nhiệm cao đối với công việc nhưng cứng nhắc trong quan niệm và cách nhìn nên đã bị nhịp sống mới bỏ lại đằng sau, bản thân không thích ứng kịp cứ loay hoay mãi như gà mắc tóc trong mớ nguyên tắc tín điều cũ trói buộc.

Gắn bó sâu sắc với hiện thực đời sống trong từng bước chuyển mình của đất nước, nhưng khác với không ít cây bút viết kịch cùng thời và khác cả một số tác giả kịch bản của hôm nay, Xuân Trình không bị sự phức tạp bề bộn của thế giới thực tại níu cản cách nghĩ. Chính Xuân Trình đã thẳng thắn bộc lộ rõ ràng quan niệm sáng tác của mình, và đã chỉ ra một trong những căn bệnh  phổ biến của Sân khấu khi cho rằng: “Kịch của chúng ta thường mới dừng lại ở việc kể cho người xem một câu chuyện đẹp trong đời sống chiến đấu và sản xuất, mới chỉ dựng lên những nhân vật mang theo những phẩm chất tốt” và “ý nghĩa của mỗi tác phẩm kịch chỉ giới   hạn trong một câu chuyện, nên kịch ta xuất hiện nhiều mà dường như vẫn thấy thiếu. Ta viết về giao thông vận tải thì lại bỏ quên bưu điện, thủy lợi hay y tế… Tóm lại chúng ta mãi mãi chạy theo sau cuộc sống, nhai lại nó một cách đơn điệu”.

Không chỉ ý thức sâu sắc về điều đó mà Xuân Trình không ngừng tìm tòi trong các tác phẩm của mình. Tất nhiên không phải ngay từ chặng đầu đến với sân khấu ông đã xác lập ngay quan niệm ấy. Càng về sau, nhất là ở vào thời kỳ đằm chín nhất của tài năng, chúng ta thấy kịch bản của Xuân Trình đã vượt khỏi tình trạng ghi chép về cuộc sống để trở thành sự nghiên cứu, sự phát hiện, dự cảm sâu sắc về con người trong mối tương quan máu thịt với cuộc sống trong xu thế vận động, chuyển biến của nó, và cả triển vọng của  nó trong tương lai. Điều này làm nên tính chất dự báo trong kịch Xuân Trình. Tất nhiên ở kịch Xuân Trình tính dự báo này không hề đồng nghĩa với tính giả định – có thể hoặc không thể xảy ra – mà thường là sự phát hiện về những dấu hiệu đơn lẻ, những mẫu hình nhân vật đang định hình sẽ trở thành phổ biến trong tương lai từ cái nền hiện thực sống động.

Ngay vào thời điểm khi cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, Xuân Trình đã kịp có ngay vở diễn dài hơi, mang âm hưởng sử thi. Quê hương Việt Nam, công diễn vào năm 1967, nhưng khác với loạt tác phẩm xuất hiện cùng thời, vở diễn không chỉ ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân và dân ta mà còn mạnh dạn miêu tả những tổn thất hy sinh, và tính khốc liệt vốn có của chiến tranh, điều sẽ được dòng tác phẩm viết về chiến tranh sau chiến tranh, tiếp tục đào sâu. Hơn thế Xuân Trình còn nhìn thấy cả tác động của chiến tranh vào suy nghĩ, tình cảm và thái độ sống của con người dẫn đến sự phân hoá ở những quan niệm khác nhau. Nếu đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể, chúng ta hiểu điều này không dễ. Anh phải cảm nhận được cái gì có thể, cái gì không thể, phải cảm nhận cái độ, để cái không có thể ở một chừng mực nào đó có thể trở thành cái có thể và cuối cùng được xã hội chấp nhận. Chìa khóa của vấn đề này tôi thiết nghĩ phải chăng đó là tính nhân văn của một cây bút như Xuân Trình.

Hoặc trong khi đề cập về hiện thực nông thôn, trình bày cái đời sống sau luỹ tre làng, Xuân Trình đã nhìn thấy xu hướng biến động của nó trên đường đô thị hoá. Nông thôn không chỉ có cánh đồng làng với biểu tượng điển hình con trâu đi trước cái cày đi sau mà còn có sự giao lưu với đô thị, có sự ra đi và trở về, dẫn đến bao nhiêu thay đổi mới mẻ mà nếu chúng ta vẫn giữ nguyên một cách thìn, thì sẽ chẳng thể nào nhận thức được bộ mặt thực đang không ngừng thay đổi của nó. Chính vì thế mà hình mẫu nhân vật Đoàn Xoa như một phát hiện độc đáo, mang tính chất dự báo của Xuân Trình, về một loại người chỉ biết nhìn việc xét người, một cách duy ý chí, tuân thủ răm rắp những nguyên tắc nào đó, áp đặt vào sự đa dạng của đời sống mà không cần biết nó có thích hợp hay không. Trong kịch Mùa hè ở biển, nhân vật Đoàn Xoa – một cán bộ cao cấp từ Thành phố về thăm vợ ở một làng ven biển, quen sống với những chỉ thị, chủ trương trên giấy tờ nên đã phản ứng quyết liệt với các biểu hiện khoán chui ở hợp tác xã làng ông. Ông càng không hiểu nổi sự phóng túng trong sinh hoạt của lớp trẻ, trong đó có cả con cái ông. Ông còn dị ứng với cách ăn mặc hở hang của đám thanh niên trên bờ biển, để rồi trở thành người xa lạ, lạc lõng ngay chính trong căn nhà của mình v.v. . .

Giữa giá trị nhân văn và tính dự báo biểu hiện trong kịch Xuân Trình không tách rời biệt lập, mà liên hệ hữu cơ với nhau. Chính trên cái nền nhân văn sâu sắc mà lòng người viết trong sáng hơn, đồng thời quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn khi dự báo sự phát triển tương lai.

 

PGS.TS. TRẦN THANH HIỆP

 

 

 

 

Share this page