Gần 50 năm tuổi vẫn nóng hổi chuyện đời nay

Tại buổi diễn tổng duyệt vở “Bạch đàn liễu” do đạo diễn Trần Lực dàn dựng, tất cả người xem đã đứng lên vỗ tay không dứt để chúc mừng sự thành công của vở kịch.


 

Lấy bối cảnh một làng quê nông thôn Bắc Bộ vào năm 1968, “Bạch đàn liễu” được nhà viết kịch Xuân Trình viết năm 1972. Năm 1973, “Bạch đàn liễu” được Đoàn kịch Trung ương dàn dựng. Sau tới… 7 lần xét duyệt, vở kịch bị “xung kho”.

Nhiều người hoạt động nghệ thuật thời kỳ trước còn nhớ và truyền miệng sau đó một câu vè là:

Đình Quang đạo diễn tài ba

Dựng “Bạch đàn liễu”… chửi cha chính quyền

Mấy chữ “chửi cha chính quyền” khiến nhiều người nghĩ vở kịch này có gì đó khủng khiếp lắm. Nhưng thực ra, nội dung vở diễn rất giản dị.

Nhà viết kịch Xuân Trình.

Nhà viết kịch Xuân Trình, trong một lần đi qua nhà một người nông dân, nghe câu chuyện về 2 cây bạch đàn, khi về đã viết vở kịch này.

Vở kịch nói về một đôi trai gái yêu nhau cùng trồng lên hai cây bạch đàn. Do chiến tranh, người ở lại hậu phương, người đi ra tiền tuyến. Ở hậu phương, một tên phó chủ tịch xã tham lam đã gây áp lực với gia đình chàng trai, buộc họ phải hối lộ hai cây bạch đàn để lấy về làm xà nhà. Từ đây, hạnh phúc của đôi trẻ tan vỡ, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền bị đổ vỡ.

Thời lượng ban đầu của vở kịch dài khoảng 3 tiếng. Qua tay đạo diễn Trần Lực, bản dàn dựng năm 2019 lần này thời lượng rút xuống còn khoảng 75 phút – một thời lượng đủ đẹp cho một vở kịch theo phong cách thể nghiệm.

Một cảnh trong vở “Bạch đàn liễu”.

Sân khấu của “Bạch đàn liễu” năm 2019 được dành dựng khá đơn giản. Các phần chuyển cảnh và tiết tấu của vở kịch hoàn toàn sử dụng các hiệu ứng của âm thanh và ánh sáng. Điều này tưởng như khiến cho áp lực thể nghiệm cũng đè lên vai các diễn viên nhưng không. Nghệ sĩ Khuất Quỳnh Hoa (vai bà mẹ) cho biết các diễn viên đã cùng tập trong hơn 1 tháng và buổi tập nào cũng rất vui vẻ, hứng khởi.

Một trong những lý do đó là nhân vật nào trong vở kịch cũng có rất nhiều đất diễn và đào sâu những tầng lớp trong diễn biến tâm lý cá nhân. Ở vở kịch này, người biên tập là Đỗ Trí Hùng đã rất tài hoa khi khéo léo đưa những câu thoại mang đậm hơi thở của đời sống đương đại, hay chỉ đơn giản là một vài từ lóng rất mới. Những điều này đã khiến khán giả ngồi xem có một sự hứng khởi không dứt.

Tại buổi diễn tổng duyệt, rạp Đại Nam đã kín không còn một chỗ trống. Hàng loạt những tràng cười đã cất lên và cũng nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống. Cười vì những hồn nhiên và mạnh dạn của người cán bộ đi xác minh lý lịch, lại khóc vì những day dứt, hiểu nhầm trong quan hệ yêu đương nam nữ của Liệu và Độ, trong sự giằng xé lựa chọn tình yêu thương con cái với tranh đấu với cái ác hiển hiện trước mắt…

Nội dung “Bạch đàn liễu” giản dị nhưng bài học từ vở kịch thì vô cùng lớn. Đó là, chính quyền này là chính quyền đã giành được từ máu và nước mắt của nhân dân. Nếu chúng ta không biết giữ nó, để cho đám tham quan vô lại chà đạp nhân dân, làm mục ruỗng đời sống thì đấy là có tội với nhân dân. Ai nhẫn nhục chịu đựng sự chà đạp ấy thì cũng là tội ác.

Vở kịch mang đậm hơi thở cuộc sống đương thời.

NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, người cùng thời với nhà viết kịch Xuân Trình nói: “Chúng tôi rất chờ đợi bản diễn này. Vì chúng tôi đã từng biết bản diễn trước của đạo diễn Đình Quang vào giai đoạn phải duyệt tới 7 lần. Những vấn đề của vở diễn đã hơn 40 năm nhưng nó có trong mỗi chúng ta. Ngày hôm nay dù chúng ta đã ở một giai đoạn khác, cảm nhận của chúng ta về cuộc sống đã khác, không khí chính trị đã khác, nhưng nhu cầu về dân chủ vẫn rất hồn hậu.

Vở diễn đạt được cả hai yếu tố, yếu tố thể nghiệm của những chất liệu tâm lý sâu thể hiện được “đáy ngầm” của Xuân Trình, và cái thử nghiệm về mặt hình thức của Trần Lực. Hai cái đó song hành với nhau, phong cách của Trần Lực và thi pháp của Xuân Trình rất hợp nhau. Số phận của con người trong vở kịch vẫn có trong mỗi chúng ta.

Cho nên, chúng ta tiếp nhận nó với những giá trị của 40 năm trước và cả những giá trị của ngày hôm nay. Chúng ta cuốn vào vở kịch nhưng không bị mất đi sự tỉnh táo của nhận thức. Và tỉnh táo trong nhận thức không làm mất đi cái mà Xuân Trình và Trần Lực mang đến cho ta. Chúng tôi là thế hệ cùng sống, cùng làm việc với ông ấy nên càng hiểu”.

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình (1936 – 1991) đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Tên ông cũng được đặt tên cho một đường phố ở thành phố Nam Định, quê hương ông. Xuân Trình từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và là một trong những nhà viết kịch hàng đầu của sân khấu hiện đại với nhiều vở diễn nổi tiếng, gây nhiều tranh luận về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật từ giữa những năm 1960 – 1990 của thế kỷ trước…

Xuân Trình được coi là nhà viết kịch tiên phong của sự nghiệp đổi mới. Cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Trình để lại nhiều bài học quý giá của một nghệ sĩ tài năng, một nhà lãnh đạo văn nghệ nhiệt huyết, luôn gắn bó máu thịt với hiện thực cuộc sống, với sự nghiệp cách mạng.

Với gần 30 kịch bản được dàn dựng trên sàn diễn của các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc như: Chuyện những người du kích, quê hương Việt Nam, Lập xuân, Hận thù từ đâu tới, Bạch đàn liễu…, Xuân Trình đã tạo nên các tác phẩm có tính dự báo cao và gây chấn động dư luận. Ông viết những chuyện rất thật, rất nhỏ từ chính xã hội đương thời mà ông đang sống nhưng vấn đề đặt ra lại không hề nhỏ. Để làm được điều ấy, Xuân Trình đã dấn thân và dám nhận lấy những phiền toái. Ở vị trí tác giả, ông là người đi trước thời đại.

Vở “Bạch đàn liễu” sẽ chính thức công diễn vào ngày 29/11 tới ở rạp Đại Nam (Hà Nội). Sáng ngày 30/11, cũng tại rạp Đại Nam, sẽ diễn ra hội thảo khoa học Quốc gia “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới” nhằm ghi nhận những công lao đóng góp của ông đối với nền sân khấu nước nhà.

Hội thảo do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức.

 

NB&CL

 

 

 

 

Share this page