Cách đây nhiều năm, khi nhà viết kịch Xuân Trình đột ngột ra đi, tôi đã viết về nỗi buồn đau, trống vắng không sao bù đắp nổi trong lòng người ở lại; cũng như ngay cả giữa một đông đúc chợ Viềng Nam Định quê ông.
Chợ năm có một phiên. Mua bán chỉ là cái cớ để cầu may cầu phúc.
Năm nào Xuân Trình cũng về quê đi chợ Viềng. Không mua gì. Cũng chẳng có gì mà bán. Giữa náo nhiệt chen vai xung quanh cầu mong bán đi rủi ro mua về may mắn, ông lại nghĩ về ngày thường mưa nắng của chính những con người cả đời chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời ấy.
Cứ đi giữa chợ người, đi giữa dòng đời với tâm hồn đầy trắc ẩn, đau đáu xót xa, ông hiểu rằng khi người ta nhập cả khát khao vào tín ngưỡng vậy, thì cuộc sống đã quá cực nhọc rồi. Hạt thóc vã mồ hôi. Lưng cơm chan nước mắt. Mùa màng được mất như trò đùa ngẫu hứng, nhiều khi ác ý của đất trời.
Từ đây, Bạch đàn liễu, Thời tiết ngày mai, Mùa hè ở biển… được khai sinh.
Xuân Trình viết bởi sự thôi thúc trước mắt. Cuộc sống hàng ngày luôn đập cửa nhà văn. Ông không viết một kịch bản nào về lịch sử, dã sử hay truyền thuyết, dân gian. Tất cả là cuộc đời hiện tại.
Duy có một điều, ông không bao giờ minh họa cuộc sống hay “ăn theo” chủ trương, nghị quyết một cách sống sượng và áp đặt.
Xuân Trình phát hiện những điều ít người nhìn thấy, tìm ra những con người chẳng mấy ai để ý. Họ bước vào tác phẩm của ông lập tức trở nên sống động, đầy sức hấp dẫn. Tác phẩm được cả người đọc và người xem tìm đến như một cẩm nang để có câu giải đáp cho cuộc sống ngày hôm nay.
Được làm việc dưới quyền ông ở Tạp chí Sân khấu và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chẳng được bao lâu, nhưng những năm tháng ngắn ngủi ấy lại có ảnh hưởng rất lớn, nếu không nói là quyết định, đến tôi. Vì bằng tác phẩm, bằng cách sống và bằng cả ý thức rõ ràng, ông đã dạy cho chúng tôi về kỹ năng cũng như cái tâm của người viết văn và làm báo.
Ông bảo viết văn thì trước hết là khả năng phát hiện vấn đề. Nghe thì đơn giản vậy đấy. Nhưng có lẽ còn lâu lắm chúng tôi mới nhìn ra những bất bình thường, thậm chí tàn ác… cứ nằm lẫn trong những điều bình thường, vô hại.
Tại sao chuyện rõ ràng thật vô lý, vô nhân mà vẫn mặc nhiên tồn tại trong cuộc đời? Cứ nằm ì ra đấy, hết năm này tới tháng khác, bỗng dưng có một ngày, “ nó” hóa thành hợp lý, thành cả lẽ phải nữa chứ!
Rồi đương nhiên, người ta tin… Vậy mới sợ!
Thời tiết ngày mai mở ra với cảnh nông dân kinh hoàng nhìn chiếc máy cày – ước mơ ngàn đời của mình – chìm ngỉm ngay trước mắt. Ai đã từng phải dùng tay không bươi cào đất để có cái ăn thì mới hiểu thế nào là tuyệt vọng. Họ cũng mới chính là những người buộc phải tìm ra cách tồn tại. Không còn con đường nào khác cả.
Thời tiết đất trời quyết định sản lượng mùa màng thì thời tiết chính trị ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức đến đời sống những thân phận ấy. Rồi nạn cường hào mới ở nông thôn.
Bây giờ thì chuyện này lan tràn, công khai dã man. Ngay ngày ấy, ông đã lập tức nhận diện khi nó manh mún, chỉ mới là sự phiền nhiễu tinh quái, khôn vặt của ông chủ tịch xã. Lòng tham còn lụn vụn nhỏ nhặt: Cứ loay hoay tìm cách chặt cho được hai cây bạch đàn về làm nhà mình (Bạch đàn liễu).
Từ đó, người trong nghề phục Xuân Trình có trình độ dự báo thời cuộc.
Ông còn dự báo “thời tiết” ngày mai khi hôm nay còn khó thở. Bởi ông đoán chắc: “Không khí” ngột ngạt, oi nồng (Lập xuân, Xóm vắng…) tất sẽ báo hiệu ngày mai cơn gió đổi mới phải lồng lộng thổi như Mùa hè ở biển.
Khẳng định một cơ chế khoán như một xu thế tất yếu cũng như phát hiện những vấn đề sẽ có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội, Xuân Trình đã nhìn thấu được tương lai – khát vọng suốt đời của bất cứ người cầm bút nào.
Cái giá ông phải trả cho điều ấy hoàn toàn không nhỏ. Một đời lăn lưng vào đời sống, ba chìm bẩy nổi mà tồn tại, đồng cảm và đau được trước thiệt thòi, mất mát của những “người dưng” mà ông gặp. Những trói buộc bởi lề lối cũ, sự đố kỵ hẹp hòi của cá nhân này khác không làm phai nhạt trong ông đam mê cầm bút cũng như lòng dũng cảm.
Phát hiện vấn đề đã khó. Lý giải nó và thậm chí, khẳng định được xu thế, tác động của nó trong tương lai; điều ông làm được và muốn truyền lại cho chúng tôi. Vậy mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không dám nói với ông rằng tôi chưa học được. Vì thế nào ông cũng sẽ buồn…
Lại suy cho cùng, Xuân Trình vẫn là một trong số thật hiếm hoi người viết kịch có khả năng ấy.
Ông thường nhắc nhở chúng tôi: Một tác phẩm hay là tác phẩm nhiều người soi thấy mình vào trong đó và phải luôn luôn đi tìm sự nghịch lý trong lẽ thuận chiều. Cuộc sống cứ trôi tưởng chừng êm ả, như mặt trời đứng bóng ắt sẽ xế chiều. Nhưng lòng người không thế. Mặt sông êm đềm ai hay vẫn có sóng ngầm. Đằng sau nụ cười biết đâu là nước mắt. Như để “làm gương” cho chúng tôi, ông đã viết những tác phẩm nhiều người có thể nhận ra mình, thấy một mảnh đời mình trong đó. Kịch của ông bứt phá được khỏi nhược điểm minh họa bởi những chi tiết. Những con người cụ thể ấy đã được nâng lên tầm khái quát rất cao, rất sâu. Đáng nể nhất, họ chỉ là những người bình thường, ở đâu cũng gặp. Nhưng trớ trêu, chúng ta rất dễ bỏ qua họ khi tầm mắt cứ mải chấp chới đâu đâu…
Văn Xuân Trình giản dị chất phác, chẳng chút hoa mĩ. Không hề tìm thấy một câu bóng bẩy, làm xiếc ngôn từ hay chơi chữ khoe mẽ. Có thể ông không thích lối thoại sa lông. Nhưng chắc chắn lòng ông trĩu nặng thế sự, văn ông tải nặng tâm can nên chẳng thể nào lọt nổi vào đó lối dùng từ chan chát âm thanh, gây choáng tức thời mà lại đoản nghĩa.
Xuân Trình để lại cho chúng tôi một kinh nghiệm nhớ đời: Đó là cách ông “đi” vào thế giới tâm hồn, vào lãnh địa sâu thẳm tâm hồn người.
Nói là “đi” chưa chắc đúng. Thật ra Xuân Trình bền bỉ, gắng gỏi mà đầy cẩn thận, trân trọng. Lắm khi tôi có cảm giác ông đã tháo đôi giầy ra, đi chân không. Nhẹ nhàng và tinh tế, say mê và kính cẩn như vào chốn giáo đường. Ông sợ rằng chỉ sơ sẩy một chút thôi, thô thiển một chút thôi cũng sẽ bỏ qua mất những rung động nhỏ bé, mơ hồ nhất trong tâm hồn con người; làm khép lại cánh cửa vô cùng nhạy cảm của nỗi đau. Bởi như ông nói, thường thì người ta hay giấu biến nỗi khổ của mình và ngụy trang bằng một mỉm cười.
Con người như thế, viết với thái độ như thế, sẽ không hợp cả với lời thoại nảy lửa, thậm chí mạt sát, độc địa; lại càng không thể có lời dung tục. Đạo cụ cho vở diễn của ông có lẽ cũng rất ít phải mượn đến dao găm hay súng lục. Thiếu những pha “oanh tạc và hủy diệt” ấy, có người bảo kịch của ông đọc thích hơn xem. Điều đó chỉ đúng khi đọc để có dịp đọc lại, để ngẫm cho hết sự thâm trầm đằng sau câu chữ. Sức mạnh của ngòi bút Xuân Trình ở mạch ngầm lời thoại. Bùng nổ nằm trong chính sức nén của tính cách.
Trong nghề làm báo, khi chúng tôi bước vào còn chân ướt chân ráo, ông không bỏ qua thời kỳ bắt tay chỉ việc. Đồng lương ít ỏi, thu nhập thêm không có. Vậy nên ông giáo dục cho chúng tôi yêu công việc, gắn bó với nghề, trân trọng lao động nghệ thuật của nghệ sĩ bằng cách chính bản thân ông là tấm gương. Nếu muốn thấy ông nổi giận đùng đùng thì chỉ cần chê tờ Tạp chí Sân khấu của ông không hay, chả ai thèm đọc. Ông bảo là Tổng biên tập, ông phải chịu trách nhiệm đến cả dấu chấm dấu phẩy khi tờ báo ra đời; nhưng chúng tôi cũng phải gắn bó sinh tử với nó. Biết nhân viên của mình đói, ông xoay trần ra làm kinh tế, hết đóng giầy đến mở xưởng xẻ đá. Nhìn lưng áo ông đẫm mồ hôi, chúng tôi thấy gắn bó với nhau, gắn bó với tờ báo hơn bao giờ hết.
Cái tâm của người cầm bút, chúng tôi cũng được ông căn dặn và làm gương. Trân trọng những giọt mồ hôi trong sáng tạo, trong lao động nghệ thuật của nghệ sĩ giúp chúng tôi khen chê có lý có tình.
Cũng không bao giờ ông áp đặt mà luôn tôn trọng ý kiến riêng của nhân viên. Và nếu có điều gì tốt đẹp nhất ông để lại trong tâm khảm chúng tôi thì đó là sự khuyến khích và niềm vui thực sự trước mỗi thành công – dù là nhỏ bé – của chúng tôi, của đồng nghiệp.
Trong vở Đợi đến mùa xuân, cô giáo Nhung nói:
“Khi tôi gieo một hạt mẩy, nhất định nó sẽ nảy cho tôi một mầm xanh. Nếu mùa đông giá rét nó chưa nảy thì mùa xuân ấm áp nó sẽ nảy mầm”. Những điều Xuân Trình mong ước trong tác phẩm nay đã thành hiện thực. Những gì ông đau đáu, nay càng có nhiều người đồng cảm.
Chỉ tiếc, ông cứ vội vã, vội vã dứt áo mà đi khi đường đời còn dài, khi nợ nần văn chương còn chồng chất. Giá như… phải, giá như còn, ông sẽ tha hồ mà viết. Cuộc sống bây giờ có biết bao điều được mất, bao điều ngày xưa khó mà tưởng tượng nổi. Mà ông lại là một trong số rất ít tác giả sân khấu có “đôi mắt thần” phát hiện ra vấn đề, lý giải nó và hơn nữa, còn dự báo được trong tương lai.
Hạt mầm về đạo lý, lương tâm nghề nghiệp, đức chịu khó suy nghĩ, tìm tòi và viết với tất cả tâm sức mà ông gieo vào tâm khảm chúng tôi chắc rằng đều đã nảy mầm.
Chỉ có điều, mỗi thành công nhỏ nhoi của chúng tôi giờ ông không còn để chứng kiến, để mỉm cười hài lòng như trước đây. Chẳng biết định mệnh thế nào, ông đã viết kịch bản Tai nạn hay rủi ro trước khi nhắm mắt. Rủi ro cho ông và tai nạn đối với chúng tôi.
Nhưng biết làm sao, khi sinh ly tử biệt là cơ trời khó cưỡng. Chỉ còn lại muôn đời là tâm huyết, tài năng và lòng nhân hậu. Cây kia đổ xuống, dù trăm phần xót xa vẫn là để nay mai lại tách vỏ hạt mầm. Xuân Trình đã chấp nhận và lặng lẽ nhận làm người đi trước…
Lê Thu Hạnh