Anh Xuân Trình – Tôi nhớ

Nhớ ngày ấy em còn chưa đến 20 tuổi, chân ướt chân ráo vào Đoàn Kịch Hà Nội. Lúc ấy đoàn dựng vở Chuyện những người du kích. Đây là vở diễn thứ 3 của đoàn kịch Hà Nội từ khi thành lập. Sau 2 vở Giờ phút quyết định và vở Lam Sơn tụ nghĩa.


Ngày ấy tôi đọc vở Chuyện những người du kích và thấy yêu thích lắm.

Lúc ấy tôi chỉ biết đây là vở của tác giả Xuân Trình. Nhưng mọi thứ với tôi lúc ấy thật xa lạ, vì tôi chưa có nghề diễn (vừa tốt nghiệp phổ thông trung học). Trước mắt tôi là cả một dàn diễn viên đàn anh đàn chị đã có thâm niên vững vàng trên sân khấu.

Vở diễn được dàn dựng bởi đạo diễn Trần Hoạt. Cả đoàn tập một cách nghiêm túc, thận trọng. Tôi chỉ ngồi theo dõi suốt buổi tập (gọi là kiến tập) để chờ bao giờ đạo diễn dàn dựng đến các cảnh quần chúng thì được chạy qua sân khấu.

Rồi bỗng một hôm tôi được đoàn trưởng gọi lên “Em được tập thay vai Chị Thống là vai chính của vở”. Tôi sợ lắm vì tôi đã được lên sân khấu chuyên nghiệp bao giờ đâu, mà lại là đóng vai chính, vả lại đây lại là một nhân vật thiếu phụ nông dân, đã có chồng và có con, rồi có chồng chết (lúc nào cũng chít khăn tang) với tâm trạng rối bời: bị nghi là phản chồng, phản cách mạng, theo giặc…

Nhân vật này hoàn toàn xa lạ với cuộc sống của một nữ sinh Hà Nội mới rời ghế nhà trường như tôi. Một vai nữ chính của một vở dài (4 màn kịch) như vậy là mơ ước của nhiều diễn viên… hơn nữa lại thay vai của một diễn viên cùng đoàn đang tập.

Mãi sau này tôi mới biết lý do tôi được thay vai này chỉ vì anh Xuân Trình bàn với đạo diễn “con bé này xinh lắm, thôi cho nó đóng vai chính …”

Thì ra chỉ vì xinh thôi! Còn đã biết diễn đâu!

Đạo diễn bảo: Không lo bác bảo làm gì cháu cứ làm như thế nhé.

Và tôi đã làm khóc, cười, nói to, nói bé, di chuyển… Tôi còn nhớ khi di chuyển đến với bạn diễn. Đạo diễn thị phạm, tôi thấy đạo diễn bước 5 bước, tôi cũng bước đủ 5 bước… và cứ thế tôi tập ngày tập đêm. Anh Xuân Trình bảo “Em diễn được đấy”.

Nhưng tôi tự thấy đã được đâu.

Vở diễn tập trong vòng độ 5,6 tháng…

Rồi vở Chuyện những người du kích được tham dự hội diễn sân khấu. Tôi nhớ dịp ấy là tháng 12/1964. Buổi sáng trước đêm đoàn họp để chuẩn bị… Đạo diễn dặn dò và động viên các diễn viên và các bộ phận tổng hợp… Riêng tôi bị đạo diễn mắng một trận gần chết vì diễn kém và mặt cứ trân trân như ốc đĩa… Tôi sợ quá suýt khóc.

Tôi về, tắm, gội, rà soát lại vai diễn, không ăn uống gì được, lúc nào trống ngực cũng đập thùm thụp… Tôi đến rạp thật sớm: Hóa trang, vấn khăn, phục trang…   lo quá, đứng sẵn lên cánh gà sân khấu… 1, 2, 3… Ra diễn… Như người lên đồng, trong tôi lúc ấy chỉ có “Chị Thống” …

Màn nhung khép lại, thế là xong vai chính của 4 màn kịch dài Chuyện những người du kích. Hội diễn năm ấy, vở được giải Vàng. Diễn viên Thanh Tú vai “Chị Thống” được giải huy chương vàng. Đây là vai diễn đầu tiên của tôi trong cuộc đời làm  nghệ thuật.  Và đây cũng là vở kịch đầu tay của tác giả Xuân Trình. Vở diễn sau đó triển khai để diễn nhiều tỉnh thành trên miền Bắc. Ngày ấy, mỗi lần đi diễn ở đâu anh Xuân Trình hay đi theo đoàn lắm. Tôi còn nhớ, có lần đi diễn ở ngoại thành. Đêm khuya, xe ô tô chở cảnh đi trước, mấy anh em đi bộ qua cầu Long Biên, rồi đến chợ đêm Bắc Qua ăn đêm. Bỗng lúc ấy có một người điên chạy đến, tôi sợ quá hét ầm lên, anh ôm lấy tôi trấn tĩnh… lúc lâu… Không biết cái ôm ấy có vô tư không, nhưng tôi cảm thấy yên lòng…

Suốt mấy năm ấy, Đoàn kịch Hà Nội chỉ có 2 vở diễn Lam Sơn tụ nghĩa và Chuyện những người du kích để diễn các tỉnh. Không đếm được bao nhiêu buổi và diễn viên Thanh Tú càng trưởng thành theo vở diễn từ đấy…

Còn nhớ một lần anh Xuân Trình đi công tác ở Ninh Bình, anh viết thư cho tôi: “Anh không bao giờ quên những ngày anh em ta cùng đi diễn, và lần đầu tiên anh biết đến chợ đêm ở Hà Nội… ngồi viết thư cho em, trời trở gió, đài phát thanh đang phát bản tin thời tiết ngày mai…” Và vở kịch Thời tiết ngày mai của anh ra đời   từ đó.

Sau này, khi học đạo diễn tôi đã lấy trích đoạn vở này làm bài tốt nghiệp. Rồi những năm Sân khấu bị khủng hoảng khán giả, Anh là người đầu tiên đề xướng thể loại “Sân khấu nhỏ”, để đưa Sân khấu đến gần với khán giả hơn. Hai anh em tôi lại miệt mài cùng nhau tìm những vở kịch hợp với thể loại sân khấu nhỏ để dàn dựng như các vở. “Ông Hựng ở lò thúc mầm”, “Thày hay u”, “Ngôi nhà trên thiên đường”, “Già kén”, “Bản di chúc nhiệt ngã”, “Vợ chồng rởm”.

Đầu năm 1991, khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc đầu tiên ở Ninh Bình.

Tôi dự thi vở “Vợ chồng rởm”. Vở được giải nhất hội diễn năm ấy. Đạo diễn Thanh Tú được giải Vàng.

Khi màn nhung khép lại, khán giả ùa lên sân khấu tung hô, chúc mừng vở diễn và các diễn viên… Tôi lặng lẽ xúc động đứng cạnh sân khấu bên cánh gà, nhìn những bó hoa và nghe những tiếng cười và lời chúc mừng.

Đạo diễn Vũ Minh (Nhà hát kịch Quân đội), kéo tôi ra sân khấu, thầy nói to vào micro: “Đạo diễn vở đây – Người thường bị lãng quên sau mỗi buổi diễn…” Khán giả và các diễn viên (trong vở diễn) ùa vào quanh tôi, chúc mừng, tặng hoa…

Anh Xuân Trình lúc ấy đã bước lên  sân  khấu từ bao giờ. Anh lặng lẽ nhìn… Rồi anh bước đến gần tôi, ôm lấy tôi… Nồng ấm… Như ngày nào ở chợ đêm Bắc Qua…

Anh không nói gì, tôi cũng vậy… nhưng những điều anh nghĩ chỉ có tôi hiểu và những điều tôi nghĩ chỉ có anh hiểu.

 

NSUT Thanh Tú

 

 

Share this page