Tác giả: Xuân Trình
***
THÔNG: Vậy thì cậu cừ hơn chú rồi. Chú chỉ biết tiếng bác ấy thôi.
NHÂM: (Xoa đầu Chi Lăng) Ăn đi, nguội hết rồi.
THÔNG: (Với Nhâm) Tôi về chị Nhâm nhá. Rất cám ơn chị… Bữa ăn tuyệt quá.
NHÂM: Có gì đâu anh.
THÔNG: Một bữa ăn khó quên… Thật thế…
NHÂM: Thỉnh thoảng anh đến chơi với bác giáo.
THÔNG: Phước đi thì tôi phải đi lại đây luôn.
(chào Nhâm một cách kín đáo rồi đến với Phước)
Mình về đây Phước ơi!
(Phước giật mình, anh đang nghĩ đi đâu)
THÔNG: (Bắt tay nhau rất chặt) Bao giời mới lại gặp nhỉ… Thật khó lường trước được.
PHƯỚC: Sao?… Về ngày à?
PHƯỚC: Phải chạy lại với mợ mình luôn.
THÔNG: Sao lại dặn mình thế?
PHƯỚC: Hương Ly ơi! Đưa anh Phước véo tai một cái cho đỡ nhớ. Nhè ít thôi… Nhớ chưa.
HƯƠNG LY: Chị Thu Hà đâu rồi?
(Tiếng nhạc tràn xuống)
PHƯỚC: (Bối rối) Chị ấy đi có việc một chút thôi. Anh sẽ nhắc chị Thu Hà gửi vé cho Ly.
THÔNG: (với Nhâm) Chúng tôi về trước… chị Nhâm ạ.
NHÂM: Hương Ly về nhá.
THÔNG: Rồi Phước sẽ đưa chị đến xưởng (xem đồng hồ)
NHÂM: Không… tôi tự đi thôi… Tôi cũng đi làm ngay đây.
THÔNG: (gàn Phước lại) Đừng tiễn mình nữa.
(Thông và Hương Ly ra về. Phước và Nhâm đứng lại, lúng túng. Nhâm buồn, lặng lẽ, định bước đi, Phước gọi).
PHƯỚC: Nhâm cũng đi ngày à?
(Nhâm yên lặng) Tưởng ngày hôm nay Nhâm nghỉ.
NHÂM: Em đã nghỉ bù đấy chứ… Nhưng em lại thấy tiếc buổi làm.
PHƯỚC: Bỏ phí mất buổi sáng rồi.
NHÂM: Nhâm không nói thế… mà Nhâm cũng chẳng nghĩ thế đâu… Nhưng Nhâm cảm thấy….không nên ở lại đây.
PHƯỚC: (Yên lặng hồi lâu) Tôi cũng thấy như thế.
(Nhâm nhìn lên)
Vì tôi quý Nhâm vô cùng… Mợ tôi cũng vậy. Đi… tôi sẽ rất nhớ Nhâm. Bao nhiêu kỷ niệm trong căn nhà chúng ta. Hồi nhỏ đi chơi với nhau chẳng còn muốn về nữa… Nhưng rồi lớn lên, chúng ta cứ xa dần nhau ra. Cứ phải giữ kẽ, và ngượng ngùng. Sự gán ghép làm cho chúng ta mất hết cả tự nhiên. Chẳng lẽ không có tình cảm gì khác tình yêu được hay sao.
NHÂM: Có chứ… như anh đang xử sự đấy… Nhưng em không giống anh được. Anh hãy giúp em đi, giúp em làm được như anh đi.
PHƯỚC: Tội lắm Nhâm ạ.
NHÂM: Em xấu hổ vô cùng (Hai tay ôm mặt).
PHƯỚC: Nhâm!
(Thu Hà và Cảnh cùng đi xuống)
THU HÀ: (ngạc nhiên) Chị sao thế ạ?
NHÂM: Tôi hơi choáng váng… Có lẽ vì tôi uống một chút rượu; tôi không biết uống rượu..
CẢNH: Chị nằm nghỉ đi thì hơn.
NHÂM: Không sao… một chút thôi.
(Bỏ ra)
PHƯỚC: Tôi lấy xe đưa Nhâm đi.
NHÂM: (Lắc đầu) Không.
(Ra hẳn. Phước băn khoăn nhìn theo)
THU HÀ: Em mời anh Cảnh xuống thăm anh đấy.
PHƯỚC: Cám ơn!… Anh vào chơi.
(Kéo ghế mời ngồi)
CẢNH: (nhìn quanh nhà) Mấy căn phòng ở dưới này thích quá nhỉ… Nếu có một xa lông kê vào đây thì thật là tuyệt.
PHƯỚC: Vâng… đúng.
CẢNH: (nhìn vào phòng của Phước) Lại cả trong kia nữa.
PHƯỚC: Vâng, buồng học của tôi.
THU HÀ: (Ngạc nhiên) Anh không hay xuống dưới này à?
CẢNH: Hôm nay là lần đầu tiên.
THU HÀ: (Ngả lưng vào thành ghế cười to) Có thật như vậy không đấy.
PHƯỚC: Hình như thế.
CẢNH: Hà Nội mà… Có gì khó hiểu đâu (ngắm căn nhà) Tuyệt quá!
PHƯỚC: (Đẩy chén nước đến gần) Anh xơi nước đi.
(Bác Điềm ăn mặc khá chững chạc, ngực đẹp ba chiếc huy hiệu. Nhìn thấy bác, Phước đon đả) Bác sang chơi.
BÁC ĐIỀM: Chú sắp lên đường rồi hả?
PHƯỚC: Dạ… (rót nước bưng tới)
BÁC ĐIỀM: Bà già có nhà không?
PHƯỚC: Mợ cháu ở trong nhà.
BÁC ĐIỀM: Chú mời bà già ra đây nghe.
PHƯỚC: Mời mợ ra có bác Điềm sang chơi.
(Bà giáo ra, vui vẻ)
BÀ GIÁO: Bác!…(Đon đả) Hôm nay cháu Phước lên đường… bác lại biết tin sang thăm.
BÁC ĐIỀM: (Bỗng đứng dậy trịnh trọng) Kính thưa gia đình.
THU HÀ: (trố mắt lên nhìn Cảnh) Có chuyện gì mà quan trọng thế.
CẢNH: (che miệng nói thầm) Úy lạo.
BÁC ĐIỀM: Bữa nay khối phố nhà được vinh dự tiễn đưa năm chục con em lên đường giết giặc, cứu nước. Vinh dự cho số nhà 27 ta có chú Phước đại diện đóng góp.
(tự vỗ tay)
THU HÀ: (Thốt lên) Giời đất ơi!
CẢNH: Chưa xong đâu… Bây giờ mới đến lượt trao nhiệm vụ.
BÁC ĐIỀM: Chú Phước!… Chú đã được cái vinh dự là đại diện cho cả khu nhà 27 ta, ra đi chiến đấu; chú phải trút căm thù lên đầu mũi súng.
PHƯỚC: Vâng… cháu nhớ.
THU HÀ: Bác ấy nói như đọc diễn văn ấy nhỉ.
CẢNH: Bây giờ mới đến phần nhiệm vụ hậu phương đây này.
BÁC ĐIỀM: Bà con khu phố ở lại cũng phải sao cho xứng đáng chứ… Khối phố mới phát động phong trào ba triệt để… sơ tán là nhiệm vụ hàng đầu, phòng tránh tốt là thiết thực góp phần cho người ra đi yên tâm giết giặc. Thứ nữa là vấn đề trị an, lắm kẻ định lợi dụng thời chiến đục nước, béo cò, mình phải kịp thời cảnh giác, trừng trị thích đáng.
BÀ GIÁO: Vâng… đúng thế.
BÁC ĐIỀM: (Bất ngờ quay lại phía Cảnh) Anh cũng xung phong đợt này với chú Phước chứ?
CẢNH: (Lúng túng) Dạ… không.
BÁC ĐIỀM: Nên đóng góp anh ạ. Bà giáo đây hai con đi cả hai… đấy.
CẢNH: Cũng phải có người làm việc này, có người làm việc khác chứ.
BÁC ĐIỀM: Nước đương thời loạn thì giữ nước là số một. Mạnh chân, khỏe tay là chớ ỷ cớ.
CẢNH: Nào có ai thông hiểu như bác đâu.
BÁC ĐIỀM: Đường lối, chính sách nhắc đi nhắc lại càng thấm nhuần.
(với Thu Hà)
Chị có nhận thức đúng như vậy không nào.
THU HÀ: Bác nói rất đúng.
BÁC ĐIỀM: Chị đến tiễn chân chú Phước lên đường đấy chứ.
PHƯỚC: Giới thiệu với bác, bạn cháu.
BÁC ĐIỀM: Bạn thế nào?… (cười) Người yêu hả?
BÀ GIÁO: Các cháu nó cũng mới quen biết nhau.
BÁC ĐIỀM: Đã động viên cho chú ấy lên đường chưa nào.
THU HÀ: Rồi đấy ạ.
BÁC ĐIỀM: Chị nên hứa hẹn thi đua với anh ấy. Mình ở lại sẽ trung hậu đảm đang…
(Thu Hà bật cười quay đi. Phước vội niềm nở)
PHƯỚC: Chúng cháu đã hứa hẹn với nhau rồi.
BÁC ĐIỀM: Tôi sang đây động viên gia đình còn phải lên một đám nữa ở số nhà 35.
BÀ GIÁO: Đa tạ bác đã chạy đến với cháu.
BÁC ĐIỀM: Chú ra đi là cứ phải thật sự yên tâm mà giết giặc.
PHƯỚC: Mợ cháu ở nhà… Cháu cậy khu phố.
BÁC ĐIỀM: PhẢI nói rằng đấy là trách nhiệm của khối phố chứ (ngừng)
(Phước và bà giáo tiễn bác ra cửa)
BÀ GIÁO: (Kính cẩn) Bác lại nhà.
(Bà vào thẳng nhà trong)
CẢNH: (Lắc đầu) Ôi!… lẩm cẩm quá… Lại được cả cái ông Phước nữa.
THU HÀ: Chút nữa thì tôi bật cười.
CẢNH: Phải nói rằng hôm nay là ngắn gọn nhất đấy. Xuống dưới nhà mà cứ thấy thoảng mùi thuốc lá sắt là tôi phải lảng cho nhanh lỡ gặp thì thế nào bác ta cũng giữ lại lưu ý một chủ trương nào đó (cười).
PHƯỚC: (Trở vào, vẻ khó chịu) Điều đáng nói hơn là bác ấy chưa hề ăn lận của ai một cái gì; cả thì giờ của nhà nước lẫn công sức của mọi người.
CẢNH: Tất nhiên… chẳng thiệt hại gì đến mình. Bàn cho vui thế thôi.
(ngừng)
Chúc anh Phước lên đường mạnh khỏe nhá.
(Bắt tay, với Thu Hà)
Bản số 5 của Beethoven tôi sẽ mượn cho chị.
THU HÀ: Cảm ơn.
(Cảnh về, đến cửa còn dừng lại vẫy Thu Hà lần cuối. Họ cùng mỉm cười – với Phước)
Anh tiễn chân anh Cảnh một tý.
PHƯỚC: (Lắc đầu)
THU HÀ: Dù không thích thì cũng cứ nên lịch sự.
PHƯỚC: Để làm gì. Tốt hơn là nên để cho anh ta nhận ra. Anh ta không lịch sự.
THU HÀ: Sao?
PHƯỚC: Trong khi một bác già nói chuyện nghiêm chỉnh thì anh ta đế vào, biến bác ấy thành một trò cười.
THU HÀ: Anh khắt khe quá… Em cũng cười.
PHƯỚC: Vì em chưa hiểu bác ấy, còn anh ta thì hiểu, anh ta hiểu đấy là người thành thật, vụng về đến mức chỉ biết truyền đạt thẳng những ý nghĩ, không biết che phủ ở bên ngoài bằng những lời rào đón.
THU HÀ: Anh cũng ưa thế?…
PHƯỚC: Không ưa…nhưng anh không giễu cợt.
THU HÀ: Anh Cảnh có hơi bất nhã với bác ấy, nhưng không phải là tất cả… Lúc em hỏi đường, anh ấy chỉ cho em rất cặn kẽ, lễ phép nữa.
PHƯỚC: Anh cũng không chỉ bằng vào cách xã giao đâu.
THU HÀ: Anh ta có vẻ phong lưu hơn mọi người phải không?
PHƯỚC: Đấy cũng là một khía cạnh.
THU HÀ: (Cúi xuống cười rũ rượi) Chỉ có thế thôi mà anh giận dữ à?… (ngừng) Anh ghen rồi…
PHƯỚC: (quát lên) Hà chế giễu tôi đấy ư?
(Bà giáo lật đật chạy lên)
BÀ GIÁO: Gì thế con?
PHƯỚC: (Lúng túng) Không… không mợ ạ…
(Thu Hà giận, ra đứng bên cửa sổ. Phước lúng túng đến gần)
Xin lỗi, Anh không kìm chế được.
BÀ GIÁO: Con cứ hay nóng nẩy Phước ạ.
(Bà giáo bỏ vào)
PHƯỚC: (Đến sau lưng Hà) Xin lỗi…
(Thu Hà yên lặng)
Mà tại sao lần nào gặp nhau chúng mình cũng cãi cọ, giận dỗi về chuyện người khác thế.
THU HÀ: Vì anh coi thường em.
PHƯỚC: Thu Hà!
THU HÀ: Hay tại em đến đây?
PHƯỚC: Không đúng… Anh đã làm tất cả đến đón em. Trân trọng và lo lắng nữa. Suốt cả buổi sáng hôm nay anh cứ tự hỏi nếu như em không đến thì anh sẽ thù em, Thu Hà ạ (ngừng).
Em xem đấy. Anh sắp sửa lên đường rồi, mà anh chưa hề chuẩn bị cho mình một tý gì. Anh chưa nói với mợ anh được một lời nào, mà mợ thì giận dỗi vì muốn ngồi với anh một lát trước khi đi.
THU HÀ: (dịu dàng) Thì em có làm gì để anh phải bận rộn đến thế đâu.
PHƯỚC: Ngốc lắm Thu Hà ạ.
(Thu Hà ôm chầm lấy Phước)
THU HÀ: Thôi nhé… Chúng ta đừng cãi nhau nữa nhé. Đừng nói chuyện nữa là xong… Còn mấy tiếng đồng hồ cho em ngồi với anh như thế này thôi…
Anh có biết vì sao anh phải chờ em không. Chính hôm nay là ngày Đoàn ca múa đến trường em tuyển một tốp diễn viên. Nhà trường giới thiệu em đấy. Đã mấy ngày nay em quyết không đi đâu cả. Em khóa chặt cửa lại, luyện giọng cả buổi trưa, cả buổi tối, cái ngày trở thành diễn viên chính thức đã đến với em rồi. Bạn bè chúng nó ghen tị với em đấy. Đã tưởng em không đến tiễn anh được đâu; nhưng đến giờ bước vào thi tuyển, em lại cứ thấy hiện lên lồ lộ vẻ mặt băn khoăn của anh đứng đợi em. Thế là em chạy. Thế là em bỏ cả cuộc thi, bao nhiêu người ngơ ngác. Đến bến xe chẳng có vé, em cứ chen bừa lên, kệ cho người ta mắng nhiếc.
PHƯỚC: Ôi!.. Anh biết phải cảm ơn em như thế nào?
THU HÀ: Bước xuống xe, gặp anh Cảnh, anh ấy cho em đi nhờ. Em cứ tưởng tượng nếu đến mà anh đã đi rồi thì em đến òa lên mà khóc mất.
PHƯỚC: (ôm ghì Thu Hà vào lòng) Em khóc đi
(Hôn nhau)
THU HÀ: Đáng ra anh phải cảm ơn anh Cảnh chứ.
PHƯỚC: Anh biết ơn anh ta điều ấy. Nhưng Thu Hà ạ, anh ta không thể là bè bạn.
THU HÀ: Hình như vì em mà anh ghét cay ghét đắng anh ấy thêm thì phải.
PHƯỚC: Anh tầm thường thế ư?… Không.
THU HÀ: Con trai các anh…
PHƯỚC: Không… hay ít ra cũng đừng lẫn anh vào đấy.
THU HÀ: Anh vô lý… Anh hãy giải thích cho em đi… Nếu anh ta có ăn mặc sang trọng hơn mọi người một chút… có đầy đủ hơn mọi người một chút… thì cũng do hoàn cảnh thôi… Hay anh ta gặp may hơn chẳng hạn.
PHƯỚC: Không phải vì anh ta sống hơn anh, mà anh ta sống khác mọi người.
THU HÀ: Thì sao?
(Phước lúng túng, Thu Hà phá lên cười)
PHƯỚC: Được, em cứ chế giễu anh đi.
THU HÀ: Nhưng anh vô lý.
PHƯỚC: Có thể anh chưa dẫn chứng nổi, nhưng anh không chịu được. Trong lúc bác Điềm hôm nào cũng đến xưởng trước mười lăm phút thì chín giờ anh ta mới xuống đánh răng. Trong khi một nhà văn nổi tiếng, đến khuya ngọn đèn vẫn thức thì anh ta đã làm gì, đã lao động như thế nào để tạo cho mình một đời sống dư dật, nhàn nhã ngày trong chiến tranh? Anh ta cũng chỉ là cán bộ thôi chứ, nhập vào căn nhà này với một chiếc va ly không hơn.
THU HÀ: Biết đâu anh ta chẳng gặp may… có thể như thế chứ.
PHƯỚC: Đúng… anh ta gặp may. Và anh ta tủm tỉm cười tất cả mọi người không gặp may như anh ta. Có thể cả việc hôm nay anh đi bộ đội nữa…
THU HÀ: Anh suy diễn… (ngừng) Theo em thì anh ấy là người hiểu biết…lịch thiệp…
PHƯỚC: Cái uốn éo lịch thiệp bên ngoài ấy thì anh đã ngấy lên tận cổ.
THU HÀ: Trong khi một ông già lẩm cẩm thì anh lại ôm lấy một cách chân thành. Ông ta cứ như làm xiếc ấy. Tý nữa thì ông ta lại định giải thích nhiệm vụ ba đảm đang cho em nữa cơ.
PHƯỚC: (Quát to) Em thôi đi… Nhưng ông già lẩm cẩm ấy còn đáng yêu gấp nghìn lần cái anh chàng uốn éo đầu lưỡi.
(Thu Hà xách chiếc túi đứng dậy)
(Phước bối rối)
Đấy… Tại em chứ… Anh đã nói là chúng ta đừng nhắc đến chuyện ấy nữa… (lại gần)
Thôi… đừng giận anh… Anh sắp đi rồi.
(Thu Hà quay lại nhìn Phước)
THU HÀ: Cũng tại em nữa… Em cứ nhắc đến…
(Cầm tay Phước áp vào má mình)
Chúng ta ngồi yên lặng đi… yên lặng một lát. (ngừng)
Có thể em không ở lại để tiễn anh được đâu, em phải về ngay bây giờ. Ban giám khảo chắc vẫn còn ở đấy.
PHƯỚC: Ừ nhỉ… em không nói ngay, liệu còn kịp không?
THU HÀ: Có thể.
PHƯỚC: (Giục giã) Vậy thì về ngay thôi.
(vội vàng)
Cái khăn của em kìa. Em cứ nói là em đi tiễn anh. Người ta không thể từ chối một người như vậy được.
THU HÀ: Tạm biệt anh. Không được giận em nữa nhé.
PHƯỚC: Em cũng thế.
THU HÀ: (Nhìn Phước, gật đầu) Hôn em đi.
PHƯỚC: Anh sẽ nhớ tới em hàng ngày. Anh đưa em về nhé.
THU HÀ: Đi cùng em một quãng thôi.
(Họ ùa chạy ra đến cửa, bỗng Phước kéo tay Thu Hà trở lại).
PHƯỚC: Quên chào mợ rồi. (Gọi vào trong) Mợ ơi!
(Không thấy tiếng bà giáo)
Thôi được….anh sẽ chào thay cho
(Họ cầm tay nhau chạy ra)
(Bà giáo chạy lên)
BÀ GIÁO: Ơ hay…nó vừa gọi mợ xong (lắc đầu)- (bà ngồi xuống, ngóng ra ngoài)- Gần đến giờ nó phải đi rồi… (Nôn nóng).
(Phước về, sung sướng, bàng hoàng. Anh vui hẳn lên)
Thế nào…đã ngồi được với mợ một lát chưa?
PHƯỚC: (ngồi xuống bên mẹ) Thu Hà về…gửi lời chào mợ.
BÀ GIÁO: Cô ấy làm gì hả con?
PHƯỚC: Sinh viên trường âm nhạc mợ ạ. Cái cô thường hát trên đài mà mợ khen đấy
BÀ GIÁO: Nhâm trước khi đi nó có gặp con không?
PHƯỚC: Nhâm buồn mợ ạ…
BÀ GIÁO: Giá biết trước thì mợ không bảo con bé ở lại nữa…Mợ thương nó
PHƯỚC: Vâng
BÀ GIÁO: Cô Thu Hà liệu có hợp với con không?
PHƯỚC: Hợp mợ ạ…Chúng con yêu nhau lắm
(ngừng)
Tại mợ thấy chúng con cãi nhau chứ gì?
(Còn tiếp)