NSND Trung Anh nhận định kịch Xuân Trình sẽ quay lại chiếm lĩnh sân khấu của các nhà hát, khi nhiều vấn đề trong tác phẩm của tác giả này vẫn còn nóng bỏng tính thời sự.
Trở về từ trắc trở
Khi nhân vật Lượng (NSND Trung Anh của LucTeam thủ vai) khuỵu xuống trước khi chặt hai cây bạch đàn liễu, ông dường như sắp nổ tung về cảm xúc. Hai cây bạch đàn, kỷ vật tình yêu của con trai ông, sẽ phải chặt đi để hối lộ cán bộ, đổi lấy xác minh lý lịch vào Đảng cho chính anh. “Chặt cây là cảnh diễn khó nhất với tôi. Đó là sự kìm nén, nhân vật như đang bị kìm hết mức và họ có thể bật lên bất cứ lúc nào”, NSND Trung Anh nhớ lại vai diễn của mình trong vở Bạch đàn liễu. Tác phẩm này sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu thủ đô, diễn ra từ 26.9 – 3.10 tới đây.
Bạch đàn liễu trước đây đã từng phải duyệt đến 7 lần, qua nhiều cấp. Vở diễn tiên phong đấu tranh chống lộng hành, mất dân chủ, tham ô này đã làm tác giả Xuân Trình khi đó quá vất vả. Nhiều vở diễn khác có tinh thần đấu tranh của ông cũng không ngoại lệ như Thời tiết ngày mai, Mùa hè ở biển. Đạo diễn Hoàng Khuông nhớ lại, Công an tỉnh Hà Nam Ninh còn làm công văn gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa cho đình chỉ việc dựng vở Mùa hè ở biển.
Một vở diễn khác của Xuân Trình cũng vừa được Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại là Đợi đến mùa xuân. Đạo diễn Duy Anh chia sẻ: “Tôi chọn kịch bản này vì tác phẩm của ông mang tính dự báo rất lớn. Kịch viết từ năm tám mấy mà đến giờ vẫn nóng hổi với câu chuyện tiêu cực trong giáo dục. Triết lý giáo dục của vở diễn mang lại quá lớn. Nó giống như câu nói của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: Không cần tiêu diệt đất nước nào bằng bom nguyên tử mà chỉ cần bằng giáo dục thôi. Giáo dục hỏng thì đất nước tan”.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, đánh giá những kịch bản văn học của tác giả Xuân Trình luôn đặt vấn đề gai góc, thẳng thắn, quyết liệt. Những kịch bản này dù gặp trắc trở trên đường đối thoại với đương thời nhưng luôn được người xem ủng hộ nhờ tính thời sự, tính dự báo. Xuân Trình cũng thiết lập được trong tác phẩm của mình những đối thoại với người đương thời trên cái nền triết học riêng của mình.
Bản diễn mới, hơi thở mới
Về vở diễn Đợi đến mùa xuân, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ – NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến chia sẻ: “Đó là một kịch bản hay và phù hợp với người trẻ, phù hợp với thời đại. Đạo diễn cũng có những xử lý kịch bản mới và chúng tôi ủng hộ”. Bản diễn này của Nhà hát Tuổi trẻ có sự góp mặt của diễn viên nữ trẻ nổi tiếng nhà hát hiện nay là Thu Quỳnh, cũng là một yếu tố giúp vở diễn có thể ăn khách khi bán vé. Về lâu dài, Nhà hát Tuổi trẻ có kế hoạch khai thác vở diễn chứ không chỉ dàn dựng để dự liên hoan.
Trong khi đó, cách dựng Bạch đàn liễu của LucTeam cũng được nhiều người thích thú. Đoàn kịch tư nhân của NSƯT Trần Lực vốn không có diễn viên cơ hữu. Họ có nghệ sĩ hoạt động, luyện tập khác nhau theo từng dự án, từng vở diễn. NSND Trung Anh cũng là người đi “mượn” từ Nhà hát Kịch Việt Nam về trong dự án Bạch đàn liễu. NSND Trung Anh chia sẻ: “Tôi thích cách dựng mới của Trần Lực”.
Cách dựng mới của LucTeam là sự ước lệ sân khấu rất gần với nghệ thuật biểu diễn của tuồng, chèo. Ở đó, các hoạt động của nhân vật được lược giản và nhấn mạnh, tạo không gian cho cảm nhận và tưởng tượng. Từ đó, sân khấu cũng rất giản dị, cơ động, có thể mang đi diễn linh hoạt.
NSƯT Trần Lực cho biết rất có thể trào lưu dựng kịch của tác giả Xuân Trình sẽ nổi lên. “Tôi nghĩ là có khả năng đó bởi kịch của Xuân Trình hay không kém gì Lưu Quang Vũ. Các vở diễn cũng chạm vào vấn đề đời sống hiện nay, mạnh mẽ, mạch lạc. Kịch Xuân Trình lớp lang dày cộm, các đạo diễn tha hồ sáng tạo để gần với khán giả đương thời. Tôi nghĩ khán giả sẽ thích”, ông Lực cho biết.
NSND Trung Anh cũng đánh giá nhiều khả năng kịch Xuân Trình sẽ quay lại chiếm sân khấu của các nhà hát. Xuân Trình trước đây cũng là một tác giả có những vở diễn đông khách dù bị trắc trở khi xét duyệt. “Kịch Xuân Trình xưa khó ra, Nhà hát Kịch Việt Nam dựng mà còn khó. Nhưng nay không có gì cấm kỵ nữa. Bây giờ kịch bản rất thiếu, rất hiếm. Những vở như của Xuân Trình lại là những kịch bản có thể dựng được rất tốt”, NSND Trung Anh nói.
Kịch tác gia Xuân Trình (1936 – 1991), quê Nam Định, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1961, công tác tại Tạp chí Văn nghệ năm 1961, sau đó sang tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1970, Xuân Trình về công tác ở Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và từng giữ chức Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Sinh thời, ông có nhiều tác phẩm gây tranh luận về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật như Bạch đàn liễu, Chuyện ở lò thúc mầm, Thời tiết ngày mai, Mùa hè ở biển, Đợi đến mùa xuân. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. |
Báo Thanh Niên