Ngày 30-11, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến… đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”.
Phát biểu tại hội thảo, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định: Trong bầu trời sân khấu vào cuối những thập niên của thế kỷ XX, có những ngôi sao sang được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật trên lĩnh vực sân khấu. Trong số tác giả này phải kể đến tác giả Xuân Trình, người có nhiều kịch bản có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng, được người trong giới đánh giá là cánh chim đi đầu trong việc dự báo đời sống xã hội thông qua các tác phẩm như: Mùa hè ở biển, Nửa ngày về chiều, Đợi đến mùa xuân, Bạch đàn liễu, Quê hương Việt Nam…
Với vai trò Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu, nhà biên kịch Xuân Trình đã cùng các nghệ sĩ sân khấu tiền bối tích cực đóng góp cho sự hình thành và phát triển Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam – mái nhà chung của các nghệ sĩ sân khấu.
Ông mất năm 1991, để lại cho nền sân khấu cách mạng Việt Nam gần 30 kịch bản sân khấu có giá trị nghệ thuật. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996. Tỉnh Nam Định lấy tên ông đặt cho một con đường của thành phố Nam Định năm 2014.
PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương nhấn mạnh: Trong đội ngũ những người sáng tác kịch nói Việt Nam hiện đại, có một tác giả mà suốt cả quá trình sáng tác, sự xuất hiện của mỗi vở là một sự kiện trong đời sống sân khấu. Đó là nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình. Với những gì Xuân Trình để lại: Sáng tác, tình bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp, tình yêu đối với nghệ thuật và cuộc sống…, ông mãi mãi được chúng ta ghi nhớ.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến khẳng định, Xuân Trình là nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong trong sự nghiệp đổi mới. Ông cũng là người đầu tiên khẳng định sân khấu phải tồn tại bằng cách đến được với khán giả chứ không phải theo cách “ăn vạ Nhà nước”. Sau nhiều chục năm, quan điểm này đang trở thành hiện thực với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa sân khấu, đưa các sân khấu công lập dần vận hành theo cơ chế tự chủ hoàn toàn.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng nhận định: “Những kịch bản văn học đặt vấn đề gai góc, thẳng thắn, quyết liệt, thậm chí “gây sự” của Xuân Trình, dù luôn gặp trắc trở, chông gai trên đường đối thoại với đương thời nhưng vẫn được người xem ủng hộ và đón đợi, bởi tính thời sự, bởi sự dự báo đầy tiên cảm cho thời tiết ngày mai của thế sự, trên tinh thần minh triết của một nhà viết kịch, đã đủ tự tin xây cất triết học của riêng mình về cái viết kịch, như một cuộc đối thoại lớn với đương thời”.
Tại hội thảo, gần 40 tham luận công phu và ý kiến tâm huyết của những người hoạt động sân khấu cũng đã cùng làm rõ hơn về tác giả kịch bản, nhà lãnh đạo sân khấu Xuân Trình, đặc biệt là những giá trị nghệ thuật trong sáng tác của ông. Các đại biểu cũng thống nhất đề xuất các cơ quan chức năng đánh giá, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho ông.
CAND