“Xuân Trình là nghệ sĩ có trách nhiệm cao với ngòi bút tiên phong; dũng cảm đối mặt với những vấn đề gai góc. Trái tim nghệ sĩ khắc khoải cùng cuộc sống đồng loại đã tiếp cho ông nguồn năng lượng mạnh mẽ để mạnh dạn phát hiện vấn đề. Tác phẩm của ông vì thế tạo dấu ấn riêng, xác tín một phong cách nghệ thuật ngồn ngộn hiện thực, nóng hổi tính thời sự, mang tính khái quát cao, tươi ròng cảm xúc nhân văn…”, PGS. TS Lê Thị Bích Hồng nhận định.
Sống là đối thoại
Tại hội thảo “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới” cuối tuần qua, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái nhớ lại: “Khi Xuân Trình chỉ định tôi đến viết bài về đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, ông “bỏ nhỏ” với tôi: Ông Nghi là thực tài đạo diễn, đã bảo vệ luận án tiến sĩ xuất sắc ở Liên Xô về nghề đạo diễn… Viết về ông ấy, tốt nhất là dùng đối thoại. Gợi ý của Xuân Trình thật đáng giá. Và bài viết của tôi hiện diện trên tạp chí Sân khấu năm 1978, “Đối thoại với Nguyễn Đình Nghi về nghề đạo diễn”. Cả Xuân Trình và Nguyễn Đình Nghi đều hài lòng, cho đấy là bài viết đích đáng, hiếm hoi về đối thoại nghề”.
Không chỉ PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhiều cây viết của tạp chí Sân khấu đã tự cho mình được nhận thêm bằng cử nhân đại học sân khấu với cách dạy nghề như truyền lửa bằng đối thoại của người thầy. Rõ ràng, “Xuân Trình đã chọn cách lập thân mà ông thiết tha khao khát nhất là viết kịch để khẳng định triết học riêng của mình về cái viết: Tôi tư duy bằng đối thoại kịch, vậy thì tôi tồn tại. Đúng! Ông đã tư duy sáng tạo thật xuất sắc bằng đối thoại kịch, xuyên suốt đời sống và đời viết của chính mình”, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm.
Nhà viết kịch Xuân Trình từng đặt một câu hỏi xuyên suốt: Thế nào là một vở kịch hay? Chính câu hỏi ấy đã buộc ông tìm đến cốt lõi của một vở kịch hay, là đối thoại phải hay. Kịch hay phải đặt trong đối thoại với đời sống bằng chính cái đặc thù của kịch là đối thoại. Do đó, Xuân Trình đã sử dụng đối thoại như phương cách tối ưu, bắt đầu từ ứng xử với đời sống, với người cùng nghề và với cách viết kịch của chính mình. NSND Phạm Thị Thành nhớ lại: “Một bận, anh Trình cùng anh Tất Thắng xuống xem chạy vở “Mùa hè ở biển”. Tôi nói, hiện tôi áy náy chưa biết nên đặt vở này thể loại gì. Tôi không muốn đó là hài kịch, bởi nhiều đoạn tôi làm rất nhân thực, rất đời. Tôi thích cái hài là ở tình thế và tính cách nhân vật, tôi hợp với anh Trình là lời văn anh viết cũng rất chân thực, giản dị, không khoa trương, thọc lét, nhưng lại làm cho khán giả cười rộ lên cả khán phòng. Sau một hồi bàn luận, cả ba chúng tôi thống nhất với đề xuất của anh Trình là đặt vở ở thể loại hài kịch trữ tình”.
NSND Phạm Thị Thành cho rằng, những lần đối thoại ấy đã thể hiện một Xuân Trình lịch lãm, văn hóa; một nghệ sĩ luôn lắng nghe, trọng đối thoại để hiểu và dũng cảm đấu tranh với cái cũ, cái ác trước nhiều ý kiến phản đối, không ít lần thất bại.
Dự báo tương lai
“Mùa hè ở biển” được báo chí những năm 1980 đánh giá là một trong “bốn chiếc xe tăng” từ Bắc vào miền Nam trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, cùng “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ, “Nhân chứng và lịch sử” của Hoài Giao, “Đỉnh cao mơ ước” của Tất Đạt. Trước và sau đó, hàng loạt tác phẩm của Xuân Trình như “Bạch đàn liễu”, “Hận thù từ đâu tới”, “Ngôi nhà trong thành phố”, “Đợi đến mùa xuân”, “Nửa ngày về chiều”, “Nghĩ về mình”… đã khẳng định một người viết kịch gan góc, kiên định và nhất quán.
Bạn bè cùng thời vẫn nhận xét, cùng những đức tính ấy, Xuân Trình nhanh nhạy nắm bắt hiện thực, xông xáo, tìm tòi, phát hiện cái mới. Tác phẩm của ông như đã chạm đến từng vi mạch tế bào, hòa vào hơi thở cuộc sống. PGS. TS Trần Thanh Hiệp từng nhận xét: “Ông không hề viết một kịch bản nào về đề tài lịch sử hay cổ tích dân gian. Tất cả các kịch bản mang tên Xuân Trình đều khởi nguồn từ hiện thực đương đại… Ở Xuân Trình dường như cảm hứng sống với sự kiện và con người cùng thời mạnh đến mức lấn át tất cả, không còn chỗ chia sẻ cho đề tài nào khác”. Còn theo nhà văn Ngô Thảo, Xuân Trình là “nhà hoạt động xã hội, nhà tổ chức tài hoa và đặc biệt năng động, góp phần tạo nên thời kỳ huy hoàng của sân khấu”.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ cũng cho rằng: Xuân Trình có tính năng động trong tổ chức. Tác phẩm của ông mang tính tiên phong, dự báo; ông nhìn thẳng, tố cáo tiêu cực xã hội. “Các hình tượng nhân vật của ông, tôi cảm giác như họ khoác tay chúng ta hiện nay đi vào đời sống. Xuân Trình được nhiều người đánh giá là một tác giả biết cách đi trước thời của mình. Hầu hết kịch bản của ông không chỉ phản ánh một cách chân thực và sinh động những cảnh đời ấm lạnh của những tháng năm ông sống, mà còn ẩn chứa những dự báo, lúc mơ hồ lúc rất rõ rệt, về tương lai trên một góc nhìn có thể nói là mới mẻ, mang nhiều tính phát hiện”.
Xuân Trình (1936 – 1991) là nhà văn, nhà viết kịch, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông có nhiều tác phẩm gây tranh luận về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, như: “Chuyện những người du kích”, “Quê hương Việt Nam”, “Lập xuân”, “Hận thù từ đâu tới”, “Bạch đàn liễu”… Trong chuỗi sự kiện tri ân ông lần này, một số vở kịch và trích đoạn kịch đã được công diễn tại Hà Nội như: “Bạch đàn liễu”, “Đợi đến mùa xuân”. |
Đại biểu nhân dân