Sự hấp dẫn từ cái chân, cái thiện – Nguyễn Thế Khoa

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III – 2018  mở màn bằng vở kịch nói Ngôi nhà trong thành phố của Nhà hát Kịch Hà Nội. Vở kịch hầu như không có “kịch” như mong chờ của nhiều người, chỉ như một bài thơ sân khấu kể về “một thời đạn bom” không  thể nào quên của Thủ đô đất nước. Tuy vậy, nó đã làm khán phòng rạp Công Nhân chật kín khán giả lấp lánh những giọt nước mắt và bùng lên những tràng vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng.


 

Ngôi nhà trong thành phố không phải là vở kịch thật hay của Xuân Trình, một trong những nhà viết kịch lớn nhất của đất nước, tác giả tiên phong của sự nghiệp đổi mới, đáng được coi như một Kim Ngọc trong nền sân khấu, với những kịch bản từng làm chấn động kịch trường Việt Nam những năm 1970 -1990 như Quê hương Việt Nam, Bạch đàn liễu, Hận thù từ đâu tới, Thời tiết ngày mai, Nửa ngày về chiều, Mùa hè ở biển, Đợi đến mùa xuân, Lập xuân…Nhà hát Kịch Hà Nội từng khá thành công với hai kịch bản của Xuân Trình là vở kịch chống xâm lược Trung Quốc mang tên Cố nhân (1979) và vở kịch Nghĩ về mình (1990), Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990 tại Thủ đô Hà Nội…

Cảnh trong vở diễn Ngôi nhà trong thành phố.Nhà hát Kịch Hà Nội

Ngôi nhà trong thành phố tiêu biểu cho loại kịch không có kịch những năm 1960-1970 ở miền Bắc nước ta. Cơ sở hình thành loại kịch ấy là cái lý thuyết không có mâu thuẫn đối kháng trong nội bộ nhân dân du nhập từ nền kịch của hai ông anh xã hội chủ nghĩa. Cái lý thuyết sân khấu ấu trĩ đó sau này đã bị thực tế cuộc sống bác bỏ. Chính tác giả Xuân Trình là một trong những người đầu tiên bác bỏ nó bằng các sáng tác như Quê hương Việt Nam, Bạch đàn liễu…

Ngôi nhà trong thành phố thuộc loại kịch không có kịch này nhưng vẫn khá hay nhờ sự chân thật của cuộc sống được phản ánh. Ở đây, gần như không có mâu thuẫn xung đột gì lớn giữa các nhân vật, cũng không có nhân vật xấu. Nhân vật Cảnh, chàng trai trí thức đỏm đáng, yêu nhạc cổ điển, sống tách biệt với người dân khối phố, tưởng chỉ biết lo cho cái xe máy, dàn đĩa hát và “săn gái’ thì cuối cùng cũng tỉnh ngộ đúng lúc (tuy khá khiên cưỡng) trước mối tình đẹp của người bạn láng giềng và cô ca sĩ nổi tiếng, đều là những người lính sắp ra chiến trường. Các mối quan hệ tay ba tưởng rất rối, khó gỡ như Cảnh – Phước – Thúy Hà, Cảnh – Nhâm – Thúy Hà, Cảnh – Nhâm – Thông, hóa ra đều được giải quyết khá nhẹ nhàng bởi sự hy sinh cho người khác của mỗi người. Không hấp dẫn ở độ căng của mâu thuẫn, xung đột, ở mối quan hệ éo le phức tạp của các nhân vật, Ngôi nhà trong thành phố hấp dẫn khi ghi lại khá chân thật sinh động cuộc sống của con người Hà Nội giữa khung cảnh đạn bom thường nhật, sống chết khôn lường, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn vất vả, sẵn sàng hy sinh tất     cả để bảo vệ Thủ đô thân yêu, nuốt nước mắt vào lòng tiễn người thân lên đường vào tiền tuyến góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vở diễn “Ngôi nhà trong thành phố” Nhà hát Kịch Hà Nội

Chi tiết làm người xem gai người là chi tiết các hộ dân xung quanh Nhà máy điện Hà Nội chấp nhận sơn đen các ngôi nhà của mình cho giống với nhà máy điện để sẵn sàng chia bom với nơi làm ra ánh sáng cho thành phố, là khi bà giáo, người mẹ có một đứa con đang chiến đấu ở Cồn Cỏ chưa biết sống chết ra sao, lại sắp tiễn một đứa con lên dường vào miền Nam chiến đấu, bình thản nói về việc sơn đen ngôi nhà thân yêu: “Bằng như máu thịt còn chả tiếc, coi như hiến hết con ạ”.

Từ hơn 50 năm nay, Nhà hát Kịch Hà Nội rất nổi tiếng với những vở chính kịch hết sức ăn khách như Tiền tuyến gọi, Hà My của tôi, Tôi và chúng ta, Khoảng khắc và vô tận, Quyền được hạnh phúc, Đỉnh cao và vực thẳm, Đời người giấc mộng, Cát bụi, Điện thoại di động... Ngay cả khi chính kịch thất sủng, hài kịch lên ngôi, đơn vị kịch của Thủ đô cũng không quá chạy đua hài kịch mà vẫn bễn bỉ trung thành đầu tư vào chính kịch bằng sự tiếp tục ra đời của những vở chất lượng như Những mặt người thấp thoáng, Ông không phải bố tôi, Tiếng đàn vùng Mê Thảo, Những người con Hà Nội, Mắt phố… Đây là đơn vị kịch luôn đi đầu trong việc phát hiện, vạch trần, công phá cái xấu cái ác, bênh vực, bảo vệ cái đẹp, sự lương thiện.

Nhà hát Kịch Hà Nội cũng là đơn vị nổi tiếng với những thể nghiệm chính kịch khó khăn. Còn nhớ năm 1982, Nhà hát đã từng đưa lên sân khấu vở kịch Hoa    và Ngần của Nguyễn Đình Thi, một vở kịch dường như chỉ để đọc. Lần này, Ngôi nhà trong thành phố cũng là trường hợp tương tự.

Khi quyết định dựng lại vở kịch nhà viết kịch Xuân Trình viết từ hơn 45 năm trước, dưới những đợt bom B52 do người Mỹ dội xuống Hà Nội, cùng lúc với những trang tùy bút bất hủ Nội ta đánh Mỹ giỏi của nhà   văn Nguyễn Tuân, NSND Trung Hiếu và Nhà hát Kịch Hà Nội chắc hẳn đã chấp nhận một rủi ro lớn, Không ít người cho rằng dù có cái tứ rất hay “Hà Nội nổ súng, nhưng Hà Nội vẫn nở hoa, hoa nở ngay nách hầm”, như NSND Trung Hiếu cảm nhận, một vở kịch không mâu thuẫn không xung đột, các nhân vật đều đơn giản, một chiều như thế rất khó hấp dẫn người xem.

Tuy vậy, khi cái chân, cái thiện của người Hà Nội trong những thời khắc đang nhớ của lịch sử Thủ đô qua những trang viết xúc động của tác giả Xuân Trình được đạo diễn NSND Lê Hùng và các nghệ sĩ Thu Hà, Phú Thăng, Hoàng Sơn, Thiện Tùng, Thanh Hương, Mạnh Hưng, Ngọc Quỳnh, Thúy An, Diễm Hương, Việt Dũng, Xuân Tùng…thể hiện rất sinh động trên sân khấu cộng với thiết kế mỹ thuật ấn tượng của Nguyễn Văn Trực, âm nhạc tinh tế, sâu lắng của Phùng Tiến Minh, Ngôi nhà trong thành phố đã thực sự lôi cuốn người xem cùng nhớ, cùng tự hào về một quá khứ chưa xa của một Hà Nội anh hùng mà hào hoa, cần lao mà nhân ái.

Hai tiếng đồng hồ của đêm diễn luôn tràn ngập những giọt nước mắt, những tràng vỗ tay của người xem đã cho thấy sự chinh phục hiển nhiên của vở diễn. Có thể thấy, với một kịch bản như thế này, để biến thành một vở diễn hấp dẫn, bên cạnh tài năng của các nghệ sĩ, sự đóng góp của đạo diễn Lê Hùng, bậc thầy tạo các trò diễn, là rất lớn. Quả Lê Hùng đã làm kịch bản tưởng chỉ để nghe thành vở kịch có khá nhiều cái đáng xem. Như các vở diễn khác của NSND Lê Hùng, tiếng cười luôn song hành với nước mắt, nâng niu dìu đỡ nhau đi thẳng vào trái tim khán giả.

Ai cũng hiểu: Vạch trần, đả phá cái xấu cái ác đã khó, ca ngợi khẳng định cái chân cái thiện còn khó khăn hơn nhiều. Chúc mừng Nhà hát Kịch Hà Nội khi Ngôi nhà trong thành phố đem đến cho chúng ta một niềm vui lớn khi chứng kiến cái chân cái thiện vẫn còn có sức hấp dẫn…

 

NB Nguyễn Thế Khoa

 

 

 

 

 

 

Share this page