Mùa hè ở biển – Hoàng Khuông

Vào giữa năm 1984, Bộ Văn hóa và Cục Nghệ thuật Sân khấu triệu tập cuộc họp các Trưởng đoàn nghệ thuật các tỉnh và Giám đốc các Nhà hát để bàn việc chuẩn bị Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.


Sau cuộc họp, tôi được tác giả Xuân Trình mời về nhà để anh giới thiệu kịch bản Mùa hè ở biển.

Lại một lần nữa, tôi nhận thấy ở đây tính dự báo và tính thời sự nóng bỏng của đất nước mà kịch bản Mùa hè ở biển đã đề cập rất kịp thời.

Từ chiến tranh bước ra chúng ta tiếp tục công việc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở nông thôn và ở các ngành, còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm. Vì vậy mà lúng túng. Chỉ lo đi lệch hướng Xã hội chủ nghĩa, đi đến rụt rè. Một phần non kém về kiến thức, không nắm được khoa học kỹ thuật; một phần vì thói quen duy lý, trái với quy luật phát triển tự nhiên, vô tình trở thành lực cản, làm chậm bước tiến của xã hội.

Cụ thể kịch bản đề cập đến vấn đề khoán trong nông nghiệp, mà tác giả lấy chất liệu ở huyện Đồ Sơn. Anh viết từ năm 1981. Xuân Trình đã đọc cho kịch Hải Phòng, Nhà hát Kịch Trung ương, Kịch Hà Nội đi và nhiều Đoàn ở các tỉnh nhưng chưa đơn vị nào dám dựng kịch vì sợ động chạm. Mặc dù ai cũng công nhận kịch bản rất hay. 

Tôi quyết định nhận kịch bản Mùa hè ở biển để Đoàn dựng với mục đích tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Tuy nhiên còn phải báo cáo với lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa.

Lúc này anh Lê Huệ là Phó Giám đốc Sở Văn hóa phụ trách khối nghệ thuật có gợi ý với tôi là Đoàn kịch sẽ dựng kịch bản Người nói thật (còn gọi “Bài báo chưa đăng”) của tác giả An Viết Đàm. Nhưng tôi thuyết phục anh Lê Huệ là kịch sẽ chọn Mùa hè ở biển. Còn Người nói thật là  một kịch bản tốt lại là tác giả địa phương thì anh Huệ nên dựng cho Đoàn Chèo. Và mời An Viết Đàm chuyển thể luôn. Như vậy là kịch và chèo đều có tiết mục, cuối cùng anh Lê Huệ đồng ý với tôi. Để thuận lợi cho việc dựng Mùa hè ở biển tôi đem kịch bản sang gặp anh Nguyễn Văn An đương là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh. Anh An cầm kịch bản và hứa ngày hôm sau sẽ trả lời. Hôm sau tôi sang gặp anh An. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hỏi tôi quan điểm của Đoàn về kịch bản: Mùa hè ở biển. Tôi báo cáo với anh, đây là một kịch bản hay, rất phù hợp giai đoạn hiện nay. Nếu nó ra đời được, sẽ  là một tác phẩm có giá trị với cả nước. Nhưng điều tôi tiên đoán là quá trình dựng vở này sẽ được đa số những người có tư tưởng tiến bộ ủng hộ, nhưng những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu thì sẽ phản đối. Nếu ta quyết tâm thì sẽ là sự đóng góp. Anh An động viên tôi mạnh dạn dựng vở này. Vì anh An cũng đánh giá tác giả Xuân Trình là một cây bút sân khấu viết khỏe và viết sắc sảo và là người có tâm huyết, có trách nhiệm với đời sống xã hội. Nó thể hiện ra bằng những kịch bản của anh.

Tôi bàn với anh Xuân Trình thành lập ê kíp như sau: Vở kịch Mùa hè ở biển

Kịch bản : Xuân Trình Đạo diễn: Phạm Thị Thành

Trợ lý đạo diễn: Hoàng Khuông Họa sĩ: Doãn Châu

Âm nhạc: Nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang Biên đạo múa: Hoàng Hải

Tôi mời đạo diễn Phạm Thị Thành là tôi có chủ ý.

Một là chị Thành là đạo diễn có khả năng. Hai, đạo diễn là nữ đôi khi cũng là điều kiện thuận lợi khi duyệt vở.

Toàn bộ ê kíp đều thích thú vở Mùa hè ở biển nên dồn hết tâm sức cho sự sáng tạo, làm việc không biết mệt mỏi. Vì chị Thành là đạo diễn chính. Song chị còn bận làm cho Nhà hát Tuổi trẻ cùng đi tham dự Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985 nên thời gian chị xuống Đoàn Hà Nam Ninh là rất hiếm. Vì vậy với trách nhiệm là Trưởng Đoàn Chỉ đạo nghệ thuật lại là trợ lý đạo diễn cho chị Thành, tôi xác định nhiệm vụ của mình hết sức quan trọng. Vừa lo tài chính vật tư cho vở, lại lo làm sao cho vở diễn đạt yêu cầu chất lượng nghệ thuật, với mục đích đi Hội diễn ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, đó là nguyện vọng và ao ước của anh chị em trong Đoàn bao nhiêu năm nay.

Nội dung của vở Mùa hè ở biển là ở địa phương nọ, Đảng ủy UB và Ban Chủ nhiệm HTX cho khoán chui (tức là khoán đến từng hộ nông dân). Làm cách này, năng suất lúa, mầu tăng, chăn nuôi phát triển mạnh. Vì vậy dân no ấm, đóng thuế đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Nhưng khốn nỗi, một số đồng chí lãnh đạo cấp trên còn mang tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, cách nhìn hạn hẹp, hiểu chủ nghĩa xã hội theo một chiều, cho khoán hộ là khôi phục cách làm ăn tư hữu cá thể trái với xã hội chủ nghĩa. Ở địa phương này có ông Đoàn Xoa công tác ở cơ quan Trung  ương. Vì vậy lãnh đạo xã, bà con xã viên, ngay  cả gia đình vợ con ông cũng rất sợ và phải giấu giếm mỗi khi ông về thăm quê. Nếu ai để lộ ra thì chết cả nút (nghĩa là dân sẽ đói).

Lần này ông Đoàn Xoa về thăm nhà, thăm quê, ông ngạc nhiên thấy những đổi thay của làng xóm, xem chừng khá giả hơn xưa. Ngay gia đình ông thấy vợ con sắm sửa thêm nhiều tiện nghi. Ông tò mò hé cửa buồng thấy cót thóc cao ngất ông bỗng giật mình. Làm gì mà lắm thóc thế? Hay là ở đây lại có hiện tượng khoán chui không chừng! Ông cuống cuồng tìm gặp lãnh đạo xã hỏi cho ra việc này. Ông điện lên huyện ủy, lên Trung ương để báo cáo hiện tượng lạ lùng ở quê ông.

Cô Mai con gái đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa có nơi nào dòm ngó tới, có anh Quân thuyền trưởng Hàng hải tỏ lòng yêu thương cô chẳng dám nhận lời, chỉ sợ bố cô không đồng ý, bởi vì sự sống khe khắt, nghiệt ngã của ông. Nhưng có bao giờ ông quan tâm đến. Trong khi vợ ông thì lo lắng sợ con gái bà ế chồng. Rồi ông không đồng ý cho Thông con trai út của ông ngày đêm đi “đàn đúm” với đám thanh niên nam nữ thậm chí ra bãi biển tắm nô đùa giữa nam và nữ. Ông muốn họ sống và sinh hoạt phải theo khuôn mẫu của ông, cái khuôn mẫu mà đến nay đã quá lạc hậu không phù hợp với quy luật phát triển. Trong khi đó cuộc sống xã hội đã có nhiều thay đổi mà ông không hề biết. Con người như ông thật đáng thương hại, lại đáng nực cười.

Khổ thế đấy! Mục đích của Đảng ta là phấn đấu làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Thế mà có những cán bộ Đảng viên của Đảng lại cứ lo dân giàu lên thì thành tư bản chủ nghĩa (!)

Khi xác định thể loại cho vở cả ê kíp vẫn chưa tìm ra cái tên gọi đích thực. Vì chính kịch cũng không hoàn toàn là chính kịch; mà hài thì cũng không hẳn là hài? Phó Giáo sư Tất Thắng đã giúp chúng tôi tìm ra cái chìa khóa của vở diễn, đó là “hài kịch trữ tình”. Nghe ra tạm ổn, bởi vì có xác định đúng thể loại thì mới tổ chức diễn xuất trên sân khấu được chính xác.

Công việc dàn tập đang trôi chảy, thì bên Công an tỉnh làm hẳn công văn gửi Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa cho đình chỉ việc đựng vở kịch Mùa hè ở biển của Xuân Trình (?) Nhưng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh (anh An – Bí thư Tỉnh ủy; anh Trịnh Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh) và một số đồng chí nữa rất ủng hộ vở kịch Mùa hè ở biển. Riêng đồng chí Nguyễn Như Thọ Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy thì gần như giữ thái độ im lặng (?) Do đó, kiến nghị của Sở Công an tỉnh, coi như không có ảnh hưởng gì. Đoàn vẫn tập và chuẩn bị  diễn báo cáo và ra mắt công chúng. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa đồng chí Trần Văn Phác – Bộ trưởng, đồng chí Đình Quang – Thứ trưởng và các đồng chí lãnh đạo bên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Viện Sân khấu Việt Nam đều đánh giá vở Mùa hè ở biển là tiết mục rất có triển vọng gây được tiếng vang trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc tới. Do đó đồng chí Nguyễn Văn An – Bí thư tỉnh ủy và đồng chí Trịnh Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh càng nhiệt tình ủng hộ, là chỗ dựa quan trọng đối với Đoàn kịch.

Mặc dù đây đó ở đồng chí này, đồng chí kia vẫn có những ý kiến chưa đồng tình với vở diễn. Thậm chí có người nói một cách hồ đồ vô trách nhiệm vở Mùa hè ở biển là nói xấu cán bộ Trung ương (?) một số rất ít người chủ trương không cho Mùa hè ở biển ra đời; rồi nếu có ra đời thì không cho đi Hội diễn Sân khấu toàn quốc; rồi thì cho đi Hội diễn nhưng chỉ cho đi khu vực Quy Nhơn; không cho đi dự khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Quan điểm của họ là nếu vở dự thi mà thất bại thì đỡ nhục hơn (!)

Những ý kiến trái ngược này kéo dài mấy tháng trời, gây một tâm lý bất ổn trong anh chị em. Rồi ở Hà Nội cũng có một số người bộc lộ thái độ thờ ơ hoặc chê bai vở Mùa hè ở biển. Thậm chí tác giả Xuân Trình đã nản lòng xin rút kịch bản. Tối đó đồng chí Đình Quang –  Thứ trưởng Bộ Văn hóa, giáo sư Hoàng Chương – Viện trưởng Viện Sân khấu, Phó Giáo sư Tất Thắng, đạo diễn Phạm Thị Thành, đồng chí Lê Huệ – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và tôi đã có cuộc tranh luận tới 2 giờ khuya.  Tôi nói với anh Xuân Trình và các anh chị là mặc dù còn một số người gây khó khăn nhưng đa số là ủng hộ. Vì vậy phải kiên trì, nếu bỏ cuộc thì mình thua họ đã đành, nhưng cái quan trọng là mất đi một tác phẩm có giá trị. Mặt khác phải thấy mồ hôi, công sức của cả ê kíp sáng tạo và diễn viên đổ ra mấy tháng nay.

Tôi có suy nghĩ về những ý kiến phản đối hoặc chưa đồng tình có nhiều khía cạnh khác nhau:

  • Một là do nhận thức. Do tư tưởng còn mang nặng tư tưởng phong kiến bảo thủ, giáo điều, duy lý… không cảm nhận được giá trị của tác phẩm trong xu thế mới.
  • Do động cơ cá nhân có định kiến với tác giả Xuân Trình. Hoặc giữa lãnh đạo với nhau không cùng một quan điểm đồng nhất, nên họ biến Mùa ở biển để tỏ thái độ đồng tình hay phản đối chứ bản thân vở Mùa ở biển chẳng có tội tình gì.

Ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Văn Phác (lúc này đồng chí Đình Quang đột xuất đi công tác ở nước ngoài), nên anh Trần Văn Phác trực tiếp chỉ đạo và làm Trưởng ban Chỉ đạo Hội diễn khu vực thành phố Hồ Chí Minh cùng ý kiến anh Nguyễn Văn An – Bí thư Tỉnh ủy, anh Trịnh Minh – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiêm phụ trách khối Văn xã. Các anh cho ý kiến tiếp tục diễn công khai bán vé để lắng nghe ý kiến của các cấp lãnh đạo và công chúng khán giả để vở diễn hoàn chỉnh với mục tiêu là đi Hội diễn tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi nghĩ phải làm sao thu thập được những ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ, Cục, Vụ, Viện, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Viện Sân khấu, các chuyên gia bậc thầy về sân khấu, các nhà báo Trung ương và Hà Nội, Đài Phát thanh TNVN và Đài Truyền hình Việt Nam… với mục đích là làm cho vở tốt hơn lên, hai là từ sự ủng hộ đó tạo nên một dư luận và áp lực để đẩy lùi những ý kiến còn cố tình gây khó khăn cho chúng tôi. Xóa cái quan niệm “đất có thổ công, sông có Hà Bá”. Chưa có vở diễn nào mà số lượng khách Trung ương và Hà Nội về xem nhiều như vở Mùa hè ở biển.

Tất cả 18 Đoàn khách. Mỗi Đoàn xem một tối. Có nhiều ý kiến đóng góp rất xây dựng, rất hay. Bởi vì toàn là người có tri thức, kinh nghiệm nhiều. Đúng, sai, các vị đóng góp rất vô tư khách quan, không vì mục đích cá nhân gắn vào. Tôi, một mặt lo cho chất lượng vở diễn, lo tiếp thu ý kiến để nâng chất lượng vở diễn. Mặt khác phải tự mình lên Hà Nội để trực tiếp mời khách và tổ chức đưa khách về, đón khách cho thật chu đáo. Ngay trước khi đưa Đoàn đi Hội diễn thành phố Hồ Chí Minh, tôi phải làm 5 ngày liền với anh em diễn viên trên sàn tập để sửa chữa một số chỉ tiết trên cơ sở những ý kiến đóng góp có tính chất xây dựng. Vì vậy mà chất lượng vở diễn càng nâng cao hơn.

Liên tục trong nhiều tháng, hết Nhà hát 3/2, lại chuyển ra Nhà hát Bình Minh, đoàn diễn liên tục. Một vở thật sự làm khán giả thoải mái và qua đó nhận ra những điều bổ ích. Khán giả đến rất đông. Cũng lại giới thiệu của các cơ quan đến mua vé. Rồi bán vé một phần cho nhân dân. Trong phòng khán giả những tràng vỗ tay kéo dài, những chuỗi cười thoải mái qua từng cảnh kịch.

Giữa diễn xuất của diễn viên, với âm nhạc ca khúc và những lớp múa thật sinh động. Khán giả như bị cuốn hút. Nhưng cũng có cán bộ ngồi xem, ông cố giữ thái độ nghiêm nghị, không hề nhích mép. Hình như ông nghĩ, ông cũng vỗ tay, cũng cười như mọi khán giả khác thì ông trở thành người tầm thường. Ông là siêu nhân khác hẳn với mọi người mới là ông. Thật khổ cho con người ông tự trói buộc, tự tù túng trong một mẫu người khó chấp nhận.

Cho nên tâm lý các đoàn khi diễn báo cáo với các cấp là những đêm diễn căng thẳng nhất. Chỉ khi diễn cho công chúng khán giả thì tâm lý mới thoải mái. Bởi vậy chúng tôi cho công chúng khán giả là người giám khảo công bằng nhất.

Vở Mùa hè ở biển diễn liên tục tại Nhà hát 3/2 rồi rạp hát Bình Minh. Đêm nào phòng khán giả cũng chật ních những người. Hết ghế thì họ đứng, miễn sao xem được. Một vở diễn sâu sắc về nội dung tư tưởng tính nghệ thuật cao, lại hài hước. Bước ra khỏi Nhà hát vẫn còn đọng lại những ấn tượng sâu trong lòng khán giả. Có người xem đi, xem lại nhiều lần. Rồi dư âm vở diễn càng lúc càng vang xa.

Mặc dù, còn có sự gây khó khăn của một số người  có chức sắc ở địa phương. Nhưng rốt cuộc Đoàn kịch  Hà Nam Ninh vẫn được Bộ Văn hóa và Ban Chỉ đạo Hội diễn khu vực thành phố Hồ Chí Minh quyết định Đoàn đi dự Hội diễn với vở Mùa hè ở biển. Anh em chúng tôi vô cùng phấn khởi. Bởi bao ngày lo, thấp thỏm sợ trượt vỏ chuối. Rồi một số người xấu họ sẽ vỗ tay reo mừng!

Trước lúc Đoàn lên đường, đồng chí Nguyễn Văn An Bí thư tỉnh ủy dặn dò tôi cố gắng động viên anh em dành được thành tích cao trong Hội diễn. Anh Trần Quang – Giám đốc Sở Văn hóa có đi theo Đoàn nhưng anh Quang nói với tôi: “Mọi việc lo cho Đoàn tôi tin ở anh, còn tôi là Giám đốc nhưng về nghệ thuật và ngoại giao trong giới tôi không quen. Vì tôi chưa biết thành phố Hồ Chí Minh, nên lần này đi để cho biết”. Tôi nói với anh Quang “Anh cứ yên tâm mọi chuyện anh cứ tin ở tôi, có gì cần tôi sẽ báo cáo xin ý kiến anh”. Sau đó hình như anh Lê Huệ – Phó Giám đốc Sở sang xin với anh An – Bí thư để đi với lý do là hỗ trợ thêm với tôi (?)

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, 18-5-1985 các Đoàn có danh sách đi dự Hội diễn đợt II phải có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh (vì Hội diễn 1985 chia 4 khu vực: I Thanh Hóa, II Thành phố Hồ Chí Minh, III Quy Nhơn, IV Vinh, Nghệ An). Đoàn Hà Nam Ninh đi, xe ca hỏng, nên tôi ra kịch Hải Phòng là chỗ bạn thân thiết. Anh Trần Vinh lúc đó là trưởng Đoàn kịch Hải Phòng có hai xe  ca, anh dành cho Đoàn Hà Nam Ninh mượn chiếc xe tốt nhất, và cử đồng chí Thu lái xe của Đoàn Hải Phòng đi lái xe trực tiếp suốt một tháng trời. Như vậy là Đoàn đi thành phố Hồ Chí Minh gồm một xe ca chở diễn viên, một xe tải chở đồ, phông cảnh.

Đoàn đi được một số ngày, thì ở Nam Định có tin đồn xe ca chở diễn viên của Đoàn kịch Hà Nam Ninh bị đổ xuống vực trên đèo Hải Vân (?) Nhiều gia đình có con em ở Đoàn đến Sở Văn hóa và Đoàn ở Nam Định, kêu khóc hỏi tin tức thân thân! Thực ra, khi Đoàn đến Cam Ranh xe tải có bị lật nghiêng làm một vài anh em công nhân ngồi trên xe này bị xây xát chút ít không đáng kể. Sau đó xe lại tiếp tục lên đường an toàn cho tới thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 18-5-1985. Đoàn được bố trí ở khách sạn Công Đoàn trên đường Cách mạng tháng Tám. Cũng lại ở Nam Định, không biết từ đâu và với dụng ý gì họ lại tung tin thứ hai : Vở kịch Mùa hè ở biển của Đoàn kịch Hà Nam Ninh không được dự thi (?) thật là nực cười chỉ bọn người luôn luôn ác ý, không phá được vở thì tung tin thất thiệt làm hoang mang những đồng chí ở nhà đang lo lắng theo dõi tin tức về đoàn.

Vào đến nơi, ngay tối hôm đó tôi đi họp với Ban Chỉ đạo Hội diễn do đồng chí Trần Văn Phác – Bộ trưởng Văn hóa thông tin là trưởng ban họp với các trưởng đoàn, để thông báo lịch diễn cho các đoàn, và nội quy, quy chế của Hội diễn.

Ngày 19-5-1985 tôi tổ chức họp báo tại thành phố Hồ Chí Minh có 45 nhà báo Trung ương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các cơ quan thông tấn Đài TNVN, Đài THVN và TP Hồ Chí Minh đến dự. Cuộc họp báo của Đoàn kịch Hà Nam Ninh được báo giới hoan nghênh và có thiện cảm.

Cũng vào dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đợt II tại thành phố Hồ Chí Minh, ngoài Đoàn kịch Hà Nam Ninh, còn có Nhà hát Kịch Trung ương với vở Nhân danh công lý; Đoàn kịch Hà Nội vở Tôi và chúng ta; Nhà hát Tuổi trẻ và Đoàn kịch Bộ Nội vụ. Còn lại là bẩy Đoàn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Họ gọi năm Đoàn kịch phía Bắc vào như năm cỗ xe tăng tiến vào thành phố. Bởi ưu thế kịch nói thuộc về phía Bắc mà họ rất kính phục.

Như là một trùng lặp, năm 1980 Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc tại Hải Phòng trên bảng ghi lịch diễn của các đoàn, thì Đoàn Hà Nam Ninh diễn vào sáng ngày 22-5-1980 lần này Đoàn kịch Hà Nam Ninh cũng diễn vào ngày 22-5-1985 chỉ có khác là diễn vào buổi chiều.

Diễn vào buổi chiều, ở một xứ, mà cái nóng hun như lò nung. Diễn viên không được nghỉ trưa; Đoàn buổi sáng diễn xong, thì Đoàn diễn buổi chiều tiếp quản sân khấu. Mọi việc trang trí sân khấu, treo mắc phông cảnh, diễn viên chuẩn bị hóa trang, phục trang… mệt mỏi đến rã rời. Về phía Ban Giám khảo buổi chiều thì cũng uể oải, vừa ngồi vừa ngáp, có khi còn ngủ gật nữa, nói gì đến khán giả đều là bạn nghề, họ khảng tảng, buổi diễn chiều nào phòng khán giả cũng không kín chỗ. Ghế trống vắng là nỗi lo sợ của Đoàn diễn chiều hôm đó. Tôi đã chứng kiến các buổi chiều các Đoàn diễn trước, đều diễn ra như vậy. Tôi phải vừa kiểm tra công việc vừa động viên diễn viên và kỹ thuật âm thanh, ánh sáng quyết tâm và tự tin, quyết dành thắng lợi.

Khác với các buổi chiều trước đó, hôm nay từ 1h30’ khán giả đã đến rất đông đến nỗi không còn chiếc ghế nào trống. Họ phải đứng xen vào dãy tường sát hàng ghế trong phòng khán giả. Ban Giám khảo đã tề tựu đủ mặt. Trong lòng tôi rất vui, tôi chạy lên sân khấu thông báo cho anh chị em biết để động viên lòng phấn khởi cho  anh em. Đó là liều thuốc an thần đúng lúc. Khán giả đến càng lúc càng đông, đó là hiện tượng hiếm có. Cũng cần nói một chút, nhưng đó là sự thật. Chị Thành là đạo diễn chính. Nhưng thời gian chị Thành xuống với Đoàn rất hiếm hoi. Nhất là trước khi đi Hội diễn, chúng tôi phải sửa chữa vở theo những ý kiến đóng góp đúng đắn, nên vở mới hoàn chỉnh. Vì lúc này chị Thành còn bận làm cho Nhà hát Tuổi trẻ. Tôi tính trước sau từ khi vở khai trương dàn dựng đến khi diễn báo cáo và công diễn ở thành phố Nam Định chị Thành có mặt không quá 15 ngày. Còn hoàn toàn do tôi cùng tác giả Xuân Trình và biên đạo múa Hoàng Hải và nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang làm là chủ yếu. Buổi diễn chiều hôm ấy đã thu hút ngay sự chú ý của khán giả đối với Mùa hè ở biển của Hà Nam Ninh suốt phần I với 4 cảnh kịch diễn ra thật sôi động, thật vui nhộn và cũng thật hài hước, đã làm khán giá vô cùng thích thú. Những chuỗi cười giòn tan, những tràng vỗ tay không ngớt.

Lúc đầu tâm lý người đến xem đông, là vì nghe tin vở Mùa hè ở biển ở ngoài Bắc có nhiều ý kiến trái ngược nhau, nên càng gợi sự tò mò của bạn đồng nghiệp, nhưng dần dần sức thuyết phục của vở diễn làm khán giả càng say mê, không một ai bỏ ra ngoài hành lang Nhà hát, như những buổi diễn của Đoàn khác.

Hết phần I nghỉ giải lao 15’. Từ Ban Giám khảo đến bạn bè đồng nghiệp trong Nam, ngoài Bắc lên sân khấu ôm chúng tôi và tỏ lòng nhiệt liệt hoan nghênh. Và động viên chúng tôi diễn nốt phần II cho thật tốt. Đó là điều đặc biệt hiếm có ở các buổi diễn thi. Sau khi nghỉ 15 phút, phần II lại tiếp tục biểu diễn. Lúc này diễn viên càng phấn chấn, chẳng cần phải làm công tác động viên gì nữa. Phòng khán giả vẫn đông đúc, ghế kín, người đứng chen chúc càng lúc càng đông.

Kết thúc màn cuối cùng diễn viên cúi chào. Người lại ùn lên sân khấu, cả một rừng hoa. Hoa ngập tràn sân khấu, hoa nhiều vô kể. Hoa tập thể, mà nhiều nhất là của cá nhân các nghệ sĩ lên tặng hoa. Hôm ấy Đoàn Hà Nam Ninh hình như là ngoại lệ. Hoa nhiều không thể đếm được. Rồi cả Ban Giám khảo, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Hội diễn, rồi các nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc chụp ảnh chung với Đoàn trên sân khấu, rồi kéo ra trước cửa Nhà hát lớn thành phố chụp ảnh liên hồi. Thật là một ngày vui cho bõ những ngày dài chờ đợi, mong mỏi, thấp thỏm lo âu. Sự thành công thật ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Vài ngày hôm sau, tập thể các Đoàn và cá nhân vẫn còn đem quà và hoa đến khách sạn nơi Đoàn ở để chúc mừng sự thành công. Các nhà báo, vô tuyến truyền hình của THVN và TH thành phố Hồ Chí Minh xin có chương trình quay vở Mùa hè ở biển của Đoàn nhưng tôi tạm thời từ chối. Cuối cùng tôi chỉ đồng ý để anh Thế Ngữ quay một cảnh 5 làm đề dẫn giới thiệu trên truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.

Trước kết quả này, tuy chưa đến lúc Ban Tổ chức tuyên bố giải thưởng. Tôi vẫn tin Đoàn sẽ giành thành tích lớn. Tôi trao đổi với anh Lê Huệ Phó Giám đốc Sở cùng đi là nên điện ngay về Hà Nam Ninh để các đồng chí lãnh đạo yên tâm (nhất là đồng chí Nguyễn Văn An Bí thư tỉnh ủy đang mong tin Đoàn từng ngày từng giờ). Nhưng anh Huệ quá cẩn thận bảo nên chờ đến lúc công bố giải thưởng mới cho tỉnh biết để chắc ăn hơn. Kết  quả Đoàn kịch Hà Nam Ninh được giải lớn với bốn Huy chương Vàng, ba Huy chương Bạc (Đó là chưa kể ba Huy chương Vàng cho nhạc sĩ, họa sĩ, đạo diễn của vở Mùa hè ở biển). Trong 12 Đoàn dự thi ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ Đoàn kịch Hà Nam Ninh với vở Mùa hè ở biển là Đoàn gây ấn tượng đặc biệt với Hội diễn cùng bạn bè đồng nghiệp. Vở Nhân danh công lý của Nhà hát Kịch Việt Nam và vở Tôi và chúng ta của Đoàn kịch Hà Nội. Đây là ba vở nổi nhất trong Hội diễn. Và có lẽ cũng là ba vở hay nhất của thập kỷ 80 trong Lịch sử Sân khấu Việt Nam.

Để chiêu đãi một đêm Thành ủy, UBND TPHCM, Ban Chỉ đạo chọn vở Mùa hè ở biển của Đoàn kịch Hà Nam Ninh thay mặt cho 12 Đoàn tham gia Hội diễn tại đây để cảm ơn Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ cho Hội diễn thành công. Đêm đó có đồng chí Mai Chí Thọ đang là Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo và các Sở ban ngành của thành phố. Cuối đêm diễn, đồng chí Mai Chí Thọ lên tặng hoa và chụp ảnh chung với Đoàn ngay tại sân khấu. Hôm sau đồng chí Mai Chí Thọ mời toàn Đoàn Hà Nam Ninh tới dự chiêu đãi tại nhà riêng của đồng chí, với danh nghĩa tình đồng hương.

Sau Hội diễn tôi định cho Đoàn đi diễn ở một số tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ theo lời mời của 12 đồng chí giám đốc các Sở Văn hóa có mặt dự ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng có điện từ Bộ Văn hóa, do đồng chí Trần Văn Phác Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã về Hà Nội tham gia vào Ban Tổ chức phục vụ Hội nghị Trung ương lần thứ 10, điện cho Đoàn kịch Hà Nam Ninh mang vở Mùa hè ở biển về phục vụ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 vào tối 16-6-1985 tại Hội trường Ba Đình.

Thế là Đoàn phải bỏ chương trình đi biểu diễn và tham quan các tỉnh phía Nam. Tôi lại phải tổ chức cho Đoàn hành quân về Bắc.

Chưa đến ngày phục vụ Trung ương, nên khi Đoàn về đến thành phố Nam Định, Sở Văn hóa và UBND tỉnh đồng ý để Đoàn tổ chức báo cáo kết quả Hội diễn, trước lãnh đạo tỉnh các ban ngành của tỉnh. Có đồng chí Chủ tịch tỉnh Đinh Gia Huấn và một số đồng chí lãnh đạo khác đến dự và đông đảo anh chị em văn phòng Sở và đại diện các Đoàn nghệ thuật của tỉnh.

Với bảy Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, và Bằng khen được Ban Chỉ đạo Hội diễn khu vực II tại thành phố Hồ Chí Minh trao tặng, các ảnh, báo chí… được trình bày trang trọng trong hội nghị. Ai nấy đều vui mừng phấn khởi trước kết quả bốn Huy chương Vàng: Một cho vở diễn, cho ông Đoàn Xoa (Hoàng Đức Thành) ông già Bản (Lý Thanh Kha) cô Mai con gái ông Đoàn Xoa (Thanh Tâm); ba Huy chương Vàng cho họa sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ, và ba Huy chương Bạc cho bà Đoàn Xoa (Lương Thu) Cẩm Vân con gái Bí thư huyện ủy (Nguyệt Minh) và Bí thư huyện ủy (Quang Bình).

Không khí buổi báo cáo thật sôi nổi, thật vui thật hưng phấn đến mọi người. Ai cũng có lời chúc mừng hoan nghênh. Chỉ có điều là “khi vui thì vỗ tay vào”.

Mọi người lên bắt tay chúc mừng diễn viên, nhất là những diễn viên được giải vàng, bạc… Họ quên mất Trưởng đoàn con người vất vả nhất từ lúc lo tìm kịch bản, lo tài chính, vật tư, lo mọi việc, lại lo phải chống đỡ với bao mũi dùi xiên vào, phá phách, phản đối… để vở được tồn tại, lại phải lo cho nghệ thuật làm sao cho có chất lượng để giành được thắng lợi này.

Duy chỉ có anh Cường (nguyên Thiếu tá quân đội từ Trường Sơn về làm phái viên Tuyên huấn của tỉnh). Anh lên rút một bông hoa trong lọ ở bàn đưa trao tặng tôi với câu nói thật cảm động: “Bông hoa này tôi xin tặng cho đồng chí trưởng đoàn, một con người là nguyên nhân của sự thắng lợi hôm nay”. Tôi nhận hoa và rất xúc động, ít ra thì cũng còn có một người biết đến công sức của mình. Nếu thất bại, thì mọi điều đều đổ lên đầu trưởng đoàn, thắng lợi thì trưởng đoàn chỉ được hưởng một chút thơm lây của tập thể mà thôi.

Rồi một số người ùa vào nhận công lao thành tích. Nhân đây tôi có suy nghĩ để cho có sự công bằng và động viên được các đồng chí phụ trách các đoàn, các Nhà hát, Ban Chỉ Đạo hội diễn nên chăng dành một phần thưởng riêng cho trưởng đoàn dù chỉ là một cái giấy khen, cái Bằng khen... nếu như đơn vị đó được Huy chương Vàng, Bạc. Như vậy sẽ công bằng hơn, hợp lý hơn.

Ngày 15-6-1985, Đoàn chúng tôi lên Hà Nội để phục vụ Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa V.

Đúng kế hoạch, tối 16-6-1985 vở Mùa hè ở biển của Đoàn kịch Hà Nam Ninh được phục vụ Hội nghị Trung ương lần thứ 10. Ngoài số đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, còn rất nhiều cơ quan, Ban ngành ở Trung ương Ban Tổ chức hội nghị cùng xem, Hội trường Ba Đình kín chỗ. Còn một số phải đứng để xem suốt gần 3 giờ đồng hồ, vở diễn đã được các đại biểu và khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Những chuỗi cười, những tràng vỗ tay sôi động cả hội trường. Diễn viên diễn hết mình và hầu như không có sơ suất gì.

Quả thực trước khi phục vụ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, tôi cũng có đôi chút lo lắng, băn khoăn, lỡ ra trong số đại biểu đi xem tối hôm đó lại còn một số  ông như kiểu ông “Đoàn Xoa” nhân vật chính trong vở Mùa hè ở biển, lại có ý kiến này nọ, thì cũng phiền cho mình. Nhưng may thay, suốt buổi diễn, các đại biểu đền tán thưởng nhiệt liệt.

Kết thúc đêm diễn, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh lên tận sân khấu trao tặng lẵng hoa, đồng chí nói: “vở kịch Mùa hè ở biển rất phù hợp với chủ trương của Đảng hiện nay. Các đồng chí diễn rất tốt…”. Rồi đồng chí Trường Chinh lần lượt bắt tay từng cán bộ, diễn viên của Đoàn và chụp ảnh chung với anh chị em chúng tôi ngay trên sân khấu. Hội trường Ba Đình lại vang lên những tràng vỗ tay kéo dài. Nhìn các đại biểu ra về với vẻ phấn khởi. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Thế là sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa V mà chúng tôi phục vụ. Vở Mùa hè ở biển của Đoàn kịch Hà Nam Ninh lại thêm một dấu son khẳng định ở cấp cao nhất, chẳng còn e ngại điều gì nữa.

Nhân dịp này, Đoàn chúng tôi ở lại luôn Thủ đô để tổ chức một đợt diễn phục vụ công chúng Hà Nội. Với các Nhà hát: Nhà hát lớn, rạp Công Nhân, Đại Nam, Hồng Hà… và vào Hội trường CLB Thanh niên, vào các trường đại học, các Bộ… suốt bốn tháng liền. Và các năm sau chúng tôi vẫn lên Thủ đô diễn vở Mùa hè ở biển kèm với các vở diễn khác.

Sau đó Mùa hè ở biển lại đi phục vụ khắp nơi từ Nghệ Tĩnh trở ra, cho đến các thành phố lớn và các tỉnh ở phía Bắc. Đi đâu cũng được hoan nghênh. Đây là vở diễn có tới 47 bài của các báo viết khen ngợi vở Mùa hè ở biển, đó cũng là một hiện tượng hiếm có.

Sau vở Đôi mắt, Bão biểnđến Mùa hè ở biển khán giả khó có thể quên được sự cảm nhận, như là dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem đối với Đoàn kịch Nam Hà, rồi Kịch Hà Nam Ninh.

Và tôi tin rằng trong lịch sử sân khấu Việt Nam trong hai thập kỷ 70 và 80 không thể thiếu mà không ghi vở Đôi mắt, Bão biển Mùa hè ở biển của Kịch Nam Hà

– Hà Nam Ninh, để lại mãi mãi cho những thập kỷ và thế kỷ sau. Cùng với vở Tôi và chúng ta tác giả Lưu Quang Vũ (kịch Hà Nội) và Nhân danh công lý đạo diễn Doãn Hoàng Giang đồng tác giả Võ Khắc Nghiêm, (Nhà hát Kịch Trung ương) cũng như Bộ ba vở Bài ca giữ nước của tác giả Tào Mạt do Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần biểu diễn.

Đặc biệt cũng trong năm 1985, được chỉ thị của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn An, Đoàn kịch được đưa vở Mùa hè ở  biển phục vụ Hội nghị của Bộ Nội vụ,   đại biểu từ Huế trở ra, mà Hà Nam Ninh là địa phương đăng cai. Sau đêm diễn các đồng chí lãnh đạo Hội nghị lên tặng hoa cho Đoàn trong đó có đồng chí Hoàng Thọ Đan – Giám đốc Sở Công an Hà Nam Ninh bắt tay tôi và nói: “Các đồng chí diễn hay lắm! Nhưng các đồng chí có sửa” (?). Thắng lợi Mùa hè ở biển, cùng với Đoàn Chèo, Cải lương, Ca múa cùng đi Hội diễn đều đoạt thành tích Huy chương Vàng, Bạc, đã góp phần cho Hà Nam Ninh thắng cả “Ba sân” (Sân khấu, sân cỏ và sân kho). Vì đội bóng Hà Nam Ninh năm đó giành cúp vô địch Quốc gia, sân kho với thu hoạch năng suất, sản lượng lúa, hoa mầu cao nhất. (Chưa kể ngành giáo dục Hà Nam Ninh luôn luôn dẫn đầu toàn quốc).

Trong suốt hơn một tháng, anh Huy Bảo Biên tập viên sân khấu Đài Truyền hình Việt Nam đến gặp tôi nhiều lần, anh xin quay toàn bộ vở Mùa hè ở biển để phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Mặc dù là bạn thân với nhau tôi vẫn phải từ chối. Vì Mùa hè ở biển ra đời khá chật vật kéo dài, tốn kém. Bây giờ đến lúc ra mắt công chúng toàn quốc vừa được phục vụ, vừa doanh thu đảm bảo kinh tế cho đoàn, nếu phát sóng trên Đài Truyền hình sớm e rằng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của Đoàn đi lưu diễn tại các nơi. Huy Bảo bực lắm, anh nổi cáu với tôi ở Nhà khách Bộ Văn hóa, tôi vẫn chỉ cười mong Huy Bảo thông cảm cho tôi.

Sau này chúng tôi vẫn thân với nhau như thường. Có lẽ Huy Bảo cũng nhận thấy lý do của tôi là chính đáng. Sau thành công vở Mùa hè ở biển tác giả Xuân Trình được giới nghệ thuật và công chúng biết đến một cây bút khá chắc tay trong hàng ngũ những kịch tác giả Việt Nam. Chứ trước đó Xuân Trình cũng có nhiều vở đã dựng, nhưng lần này mới đích thực là một thành công rực rỡ. Đạo diễn Phạm Thị Thành qua vở Mùa hè ở biển càng nổi danh. Sau đó là các Đoàn các tỉnh tranh nhau đến mời chị Thành về đạo diễn cho Đoàn mình.

 

Hoàng Khuông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Share this page