‘Nửa ngày về chiều’ nỗi niềm người khao khát lẽ công bằng – Phạm Việt Hà

Xuân Trình với một trái tim đầy mẫn cảm, cả một đời lăn lưng để sống, ba chìm bẩy nổi mà tồn tại, biết đau và biết đồng cảm với những thiệt thòi mất mát của những người dưng ông gặp… để rồi, con mắt tinh tường đã sớm nhìn thấy bao điều nghịch lý trong lẽ thuận chiều, đã gọi ra được những điều bất bình thường, vô lý mà vẫn mặc nhiên tồn tại… Cứ đi giữa dòng đời mà đau đáu xót xa, càng ở cuối con đường kịch của Xuân Trình càng sắc sảo và có sức lay động hơn.


Nửa ngày về chiều là một trong những tác phẩm cuối cùng ông viết, đã được Đoàn kịch nói Hà Nam Ninh (cũ) và Đoàn kịch nói Quân đội dàn dựng tham dự Hội diễn sân khấu năm 1990. Không có may mắn được xem vở diễn, nhưng khi gấp lại những trang kịch, nhân vật của ông cứ ám ảnh tôi biết bao điều về nhân tình thế thái, về  lẽ đời thuận – nghịch, thực – hư; được – mất…, trong đó, nỗi niềm khao khát công bằng cứ khắc khoải, xót xa…

Cái lý do then chốt đẩy cuộc đời Tư Hoằng đến chỗ bơ vơ chính là sự quan liêu cứng nhắc của cơ chế, là sự đãi ngộ với những người có công với nước chưa được quan tâm xứng đáng nên nhân vật rơi vào cảnh mất tự    do và thiếu công bằng. Các con và đồng đội quyết liệt   đòi hỏi công bằng cho ông, còn ông cứ giữ niềm tin sớm muộn gì những bất cập hiện thời sẽ được thay đổi… Xuân Trình cứ vừa đấu tranh, vừa hy vọng, ông đã đặt  Tư Hoằng vào giao điểm của các mối quan hệ để nói cho được hết những nỗi lòng.

Xuân Trình bản lĩnh, sắc nhọn, cứ thủ thỉ mà khơi thêm tột cùng nỗi đau. Ông đưa Tư Hoằng vào nhà trẻ  mồ côi là để mong chia sẻ nỗi cô đơn tột cùng của sự bơ vơ không nơi nương tựa, một hoàn cảnh đáng thương    có thể làm lay động cả những trái tim sắt đá nhất, và   cũng không thể có một lời nào gợi được nỗi cô đơn của Tư Hoằng hơn thế nữa. Kỳ diệu thật, diễn tả nỗi cô đơn nhường ấy mà không cần đến một câu chữ nào tả sự cô đơn, mà thấm, mà đau. 

Công bằng là một lý tưởng tốt đẹp. Chính vì nó mà ba hy sinh, mà chúng con chịu đựng (Lời của Huyện). 

Câu nói mang đấy ý nghĩa khái quát ấy đã được Xuân Trình lấy làm hạt nhân cho nhân vật kịch của mình. Công bằng là vấn đề cốt tử, là khát vọng tốt đẹp mà con người luôn vươn tới. Người ta, ai cũng muốn tạo  dựng  cho mình cuộc sống no đủ, hạnh phúc, nhưng không thể là sự tước đoạt, là sự đi hái ở vườn người. Là người nhạy cảm, Xuân Trình đã cảm được những điều bất ổn, những điều chưa hợp lý đang đặt ra cho chúng ta ngay trên ngưỡng cửa hòa bình. Cứ tưởng rằng, thắng giặc, được tự do là    sẽ có công bằng, nhưng thực chất đó mới chỉ là sự công bằng – một nửa. Có trớ trêu chăng khi Tư Hoằng cả đời chiến đấu để dành lấy công bằng cho dân tộc thì  chính ông lại rơi vào bi kịch của sự thiếu công bằng, và vì thế nên chơ vơ, đơn độc ngay giữa người mình, nước mình? Chính sự bi hài này càng làm nhen thêm những nỗi đau! Xuân Trình viết kịch, vì muốn gửi vào trong từng sáng tạo những vấn đề vốn làm day dứt trái tim đầy mẫn cảm như ông. Một xã hội công bằng – đó là điều ông hằng khao khát mà không chỉ đến Nửa ngày về chiều ông mới đề cập đến, mà đã thấp thoáng trong rất nhiều tác phẩm khác khi ông lên tiếng bênh vực lẽ công bằng, tự do, dân chủ cho những người dân thấp cổ bé họng không biết kêu ai chỉ biết kêu trời mà trời thì… ở quá xa!

Số phận hẩm hiu của người sỹ quan già được xây   lên từ nguyên mẫu một đảng viên ở Nghệ An khi về hưu không biết đăng ký hộ khẩu vào đâu chỉ là một trong rất nhiều những thân phận thiệt thòi khác trong xã hội mà  ông gặp. Những người đã hy sinh máu xương cho độc  lập dân tộc, nhưng ngày hoà bình, có trường hợp thậm   chí còn không được công nhận là thương binh vì bị mất giấy tờ, không được công nhận là liệt sỹ vì giấy báo tử thất lạc, người đã chết cứ bị cãi là còn sống nên không được hưởng một sự đãi ngộ nào. Đây là vấn đề nhức nhối mà gần 30 năm qua khi những người có công đã gần đất xa trời, nhiều người đã vĩnh viễn ra đi… mới được giải quyết phần nào ổn thoả.

Xuân Trình cứ vừa đấu tranh, vừa hy vọng, Tư Hoằng trở về sau chiến tranh, đối diện với bao nghịch lý của cơ chế nhưng trong ông vẫn có  niềm tin sắt đá vào cái Chân, cái Thiện của con người. Những điều trớ trêu của số phận đem đến đã không làm lung lạc người sỹ quan già, ông vẫn hoà nhập sôi nổi, quên đi bất hạnh của riêng mình, ngày ngày tập trung các cháu học sinh tập thể dục rèn luyện thân thể để bảo vệ Tổ quốc, hăng hái vận động thanh niên lên đường nhập ngũ với niềm tin tuyệt đối rằng sớm muộn gì những người có công với nước sẽ được đền đáp xứng đáng. Ông vẫn tha thiết tin vào những điều tốt đẹp, vào lẽ phải ở đời: Bố vẫn tin là có và sẽ có nhiều người. Làm người lương thiện   đắt giá lắm con ạ. Nhưng lương thiện mà giàu sang thì   kẻ ác tranh nhau làm người lương thiện hết cả rồi! (Lời ông Hoàng nói với con trai).

Xuân Trình bền bỉ, gắng gỏi mà đầy trân trọng. Ông luôn tìm được những nghịch lý trong lẽ thuận chiều, không tin ngay vào những điều đến từ trực giác, mà tinh tế, nhạy cảm, len nhè nhẹ đến để cảm thông với từng nỗi đau thân phận. Ông là một trong số ít những nhà viết kịch tới được phần vô cùng nhạy cảm của nỗi đau. Thường thì, người đời hay ngụy trang cho nỗi đau bằng những nụ cười, nếu không thạo dò la những điều tinh tế  sẽ không bao giờ chạm tới được.

Tư Hoằng chấp nhận chịu nhiều thua thiệt là bởi vẫn tin ở ngày mai, nhưng cái bề nổi ấy lại làm nhà văn day dứt, thôi thúc ông đi tìm cái mạch ngầm, lật ngược vấn đề để tìm ra nguyên cớ. Trái tim ông vẫn khao khát, vẫn tin rằng sớm muộn gì công bằng cũng đến, nhưng lý trí cũng mách bảo ông công bằng theo đúng nghĩa, theo đúng sự ưu việt của nó còn ở đâu đó, xa xôi… Ít nhất, cho đến lúc ấy, công bằng chưa thành hiện thực mà mới chỉ nằm trong khát khao, trong mơ ước mà thôi.

Vì thế ông đã để cho kịch của mình một cái kết mở, mỗi người được tự xây cho mình cái kết về số phận nhân vật Tư Hoàng. Thế nhưng, sao cứ khắc khoải, cứ ám ảnh về những khát khao, những ước mơ bình dị của  ông. Xuân Trình đã đặt vấn đề và bênh vực cho lẽ công bằng   ở đời, nhưng ông chỉ nêu mà không giải quyết. Công bằng dường như vẫn cứ ở tương lai và thế hệ chúng ta là những người đi tiếp…

Từ ngày con người ý thức được lẽ công bằng, đã có biết bao thế hệ đã đi, đi bằng nhiều cách, bằng nhiều con đường mà vẫn chưa tới được. Không phải ngẫu nhiên khi Xuân Trình để công bằng cứ lơ lửng trong mỗi ước mơ, khát khao và hy vọng được cụ thể hoá trong số phận Tư Hoằng- cái điều cứ xa vời vợi mà càng cố tìm càng rơi vào bi kịch, cứ mỗi lần nhen nhóm là một lần đối mặt với biến cố, nó như cái đích ở trong vô tận cứ càng đuổi thì càng xa. Cho đến hôm nay, cái được gọi là công bằng mới dừng lại ở những gì tương đối. Công bằng cho mỗi  cá nhân, công bằng trong gia đình, trong xã hội là khát vọng lớn lao nhất của con người mà xã hội càng phát  triển con người càng cần được hưởng sự công bằng.

Ai đó đã từng nói, muốn sống cùng hậu thế, người  viết phải biết cách đi trước thời đại của mình. Tác phẩm của Xuân Trình không chỉ phản ánh chân thực sinh động cuộc sống, lấp lánh cái nhìn nhân bản mà còn ẩn chứa những dự báo lúc mơ hồ, khi rõ rệt về tương lai.

Xuân Trình muốn hướng đến tự do công bằng – vấn  đề muôn thuở cho tất cả mọi người. Ngày hôm nay, công bằng vẫn là mục đích đầu tiên để đất nước chúng ta xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thế giới hôm nay vẫn một ngày không im tiếng súng là bởi người ta cũng đang chiến đấu, hy sinh để đấu tranh cho tự do, hướng tới một xã hội công bằng.

Xuân Trình là người sớm phát hiện ra những bất cập trong chính sách đãi ngộ, trong cách đối xử với những người có công với nước ở giai đoạn đầu sau giải phóng. Cái vấn đề nhạy cảm lẽ ra người ta phải trọng Tình hơn Lý, thì với cái Lý cứng nhắc, ấu trĩ đã vô tình gây thiệt thòi cho bao nhiêu người.

Đặt vấn đề công bằng xã hội những năm 1990 không phải là một cái nhìn mới, nhưng đó là vấn đề muôn thuở, vấn đề luôn ở tương lai, là cái đích để con người mãi mãi phấn đấu. Với thái độ trân trọng, dám nói thẳng, thẳng đến quyết liệt đã thể hiện sự dũng cảm của ngòi bút Xuân Trình. Ông nói thẳng nhưng nói ôn tồn, nhũn nhặn mà hướng thiện chứ không đả phá. Vì thế mà không cần đến những lời thoại nảy lửa, hay mạt sát, độc địa, đặt một vấn đề lớn, vô cùng nhạy cảm,  có sức lay động mà không u ám. Chất văn học thấm đẫm cả trong từng mạch ngầm lời thoại ở nghệ thuật đưa nhân vật kịch đến nhiều không gian khác nhau, ở trong từng ý nghĩa biểu tượng vừa cụ thể lại khái quát như nghĩa trang biệt thự, nhà trẻ mồ côi… Kịch bản vì thế đã có giá trị độc lập, hấp dẫn ngay cả khi tiếp cận nó từ phương diện văn bản – điều mơ ước của nhiều nhà viết kịch.

 

Phạm Việt Hà

 

 

 

Share this page