Tôi có một kỷ niệm nhỏ với kịch Xuân Trình,
Năm ấy tôi đang học năm thứ 3 ở trường Đại học Tổng hợp thì bị ốm nặng, buộc phải nghỉ học thời gian khá dài, đến mấy tuần. Trong căn buồng nhỏ, thường phải đóng cửa để tránh gió, lại cửa sổ quay về hướng Tây, mặt trời buổi chiều rọi rất nóng, tôi thường nửa mê nửa tỉnh giữa những cơn sốt. Cụ thân sinh tôi, chắc là không muốn tôi buồn, không hiểu nhờ đâu đã tìm được những tập tuần báo văn nghệ từng ba tháng một. Chính trong một tập tuần báo như thế tôi đã đọc được Lập xuân của Xuân Trình.
Thú thật, ngày ấy tôi chưa biết tác giả Xuân Trình là ai, và ngay cả những vấn đề ở nông thôn chúng ta, tôi cũng chưa am hiểu được nhiều. Vậy mà Lập xuân đã cuốn hút tôi đến không sao rời ra được. Sau này, tôi cứ tự hỏi, tại sao không phải là những truyện ngắn, những bài thơ, mà là một vở kịch của một tác giả chưa hề quen biết lại ám ảnh tôi đến thế. Vấn đề đưa khoa học kỹ thuật về với đồng ruộng, vấn đề về thế hệ trẻ, vấn đề về phẩm chất của cán bộ lãnh đạo trước những đòi hỏi của thời đại mới… Tất cả đã được tác giả xây dựng khá logich. Nhân vật hiện lên rõ nét với những biện chứng tâm lý khá thuyết phục. Và ngôn ngữ đối thoại, nhất là ngôn ngữ đối thoại của làng quê miền Bắc Việt Nam thật nhuần nhuyễn, sinh động, làm sống lên một không khí nông thôn của chúng ta trong những năm sáu mươi như có thể nắm bắt cụ thể được.
Tôi không có may mắn xem Lập xuân khi đưa lên sàn diễn tại Hội diễn sân khấu 1970. Đó cũng là thời gian tôi được tập trung để chuẩn bị vào chiến trường B. Điều kiện những năm ở chiến trường cũng không cho phép tôi hiểu nhiều hơn về tác giả Xuân Trình.
Phải mười lăm năm sau, khi được nhà văn Ngô Thảo giới thiệu tôi về Tạp chí Sân khấu và gặp Tổng biên tập là nhà viết kịch Xuân Trình, tôi nhớ ngay đến Lập xuân, và không hiểu sao, gặp anh từ sơ kiến, tôi đã thấy tin ở anh ngay. Một niềm tin hầu như hoàn toàn có tính trực giác.
Với bản tính cố hữu của mình, tôi quí người Tổng biên tập, thủ trưởng trực tiếp, tin như tin một nhà văn giàu phẩm cách, một người anh, nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định, vẫn có gì như là kính nhi viễn chi. Phần anh Xuân Trình với tôi có lẽ cũng có nét dè dặt nào đó. Có thể là anh cũng không thật hy vọng ở tôi nhiều. Vì tôi hơi chậm, ít năng động, ít hòa nhập như anh. Cho đến tận lúc anh bị bạo bệnh mà mất đi, có lẽ trong thâm tâm, anh vẫn coi tôi là một cán bộ dưới quyền hiền lành, mẫn cán, có thể tin cậy ít nhiều, song khó gần gũi, làm sao có thể nói là thân tình.
Nhưng có một câu hỏi từ những năm còn trẻ, khi còn là một sinh viên năm thứ ba ở trường đại học vẫn không ngừng ám ảnh tôi mãi: Vì sao Lập xuân lại cuốn hút tôi, giữ được những ấn tượng trong tôi lâu đến thế. Luận văn của tôi viết về kịch Tsêkhốp. Dạo ấy tôi đọc đi đọc lại Tsêkhốp không biết bao nhiêu lần. Nhất là những vở kịch. Dĩ nhiên Xuân Trình không phải là Tsêkhốp, khác nhau về tài năng, khác nhau về thời đại, khác nhau về những vấn đề đặt ra và giải quyết, khác nhau về số phận các nhân vật… Nhưng dù sao hẳn phải có một mối gần gũi nào đó.
Sau ngày anh Xuân Trình mất, để chuẩn bị đưa in tuyển tập kịch (2 tập) của anh ở Nhà xuất bản Sân khấu, tôi có dịp đọc kỹ hơn, hệ thống hơn. Chuyện những người du kích, Quê hương Việt Nam, Bạch đàn liễu, Thời tiết ngày mai, Đợi đến mùa xuân… dù không còn được cái say đắm của thời trẻ nữa, tôi vẫn luôn bị sức hấp dẫn của một biện chứng tâm lý nhân vật với những quan sát hết sức chính xác và một ngôn ngữ đối thoại nhân vật bao giờ cũng sống động, một ngôn ngữ thuần Việt, thuần làng quê Việt Nam và làm bật lên tính cách nhân vật rất rõ. Rất tiếc trong một bài phát biểu với thời gian có hạn, không cho phép tôi được dẫn chứng dài, nhưng chúng ta có thể lật bất cứ trang nào trong tác phẩm của Xuân Trình đế tìm thấy điều này.
Nhiều người sẽ tìm thấy ở kịch Xuân Trình tính luận đề, sự sắc sảo trong cách đặt vấn đề, tính dự báo, những điều này cắt nghĩa tại sao kịch Xuân Trình đã gặp không ít sự cố từ Bạch đàn liễu đến Thời tiết ngày mai hay Mùa hè ở biển... Nhưng với riêng tôi, điều quan tâm nhất là một bút pháp hiện thực ở Xuân Trình, là tính biện chứng tâm lý trong khi xây dựng tính cách, ngôn ngữ nhân vật của Xuân Trình. Chúng tôi nghĩ là vấn đề hàng đầu đặt ra cho một nhà viết kịch, để anh có thực sự thuyết phục cuốn hút người đọc không, để người đọc sống với không khí kịch anh tạo ra không. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao kịch Xuân Trình cho đến bây giờ ta vẫn có thể đọc được. Nó không chỉ diễn mà còn là để đọc. Đây chính là tính văn học của kịch Xuân Trình, giá trị lâu dài của kịch Xuân Trình. Có thể khẳng định một điều, giữa những nhà viết kịch đương đại, Xuân Trình là một trong những người có văn hay nhất.
Không phải một thứ văn tách khỏi đời sống ít nhiều giả tạo sẽ bị mất đi sự cuốn hút khi đặt dưới ánh đèn đêm cùng với trang sách, nghĩa là sẽ không chịu được sự phán xét của chân lý hiện thực đời sống và thời gian, mà là một thứ văn học kịch bản lĩnh, theo bước chân của các nhà cổ điển. Có thể sau này, thời đại đi qua, những vở kịch sẽ còn ít được dàn dựng lên sân khấu, nhưng những người đọc ở thế hệ sau, tôi tin rằng khi đọc kịch Xuân Trình sẽ vẫn còn tìm thấy ở tác phẩm của anh một nhà viết kịch tâm huyết với cuộc đời, giàu tinh tế trong quan sát đời sống, tâm lý, và là một nhà văn hết sức thận trọng trên trang viết, chắt lọc trong ngôn ngữ. Tôi nghĩ, riêng về ngôn ngữ, làm giàu ngôn ngữ văn học trong tác phẩm kịch của Xuân Trình cũng là một đề tài nghiên cứu khá thú vị. Nhất là những ngôn ngữ ở các vùng nông thôn khác nhau của chúng ta mà anh đã đem được vào tác phẩm của anh.
Có thể nói phần nào điều này đã cắt nghĩa được vì sao trong thời gian tôi làm luận văn về nhà viết kịch vĩ đại người Nga – Antôn Tsêkhốp mà tôi vẫn đọc được kịch Xuân Trình. Có thể nói Xuân Trình đã chịu được thử thách trước những trang viết bậc thầy của Tsêkhốp. Điều này quả thật không dễ dàng một chút nào.
Tôi không muốn đưa ra những so sánh vì chắc là sẽ thiếu tế nhị, nhưng có thể nói, nhà văn và nhà viết kịch Xuân Trình là một sự thống nhất đầy ý thức. Ta hãy đọc lại tiểu thuyết Thời tiết ngày mai của anh, và ta sẽ thấy rõ hơn về điều này.
Xuân Trình có một tác phẩm tuyển tập những bài viết có tính lý luận, tập hợp rải rác qua nhiều năm, do các bạn đồng nghiệp sưu tầm và in lại sau khi anh mất. Tập tiểu luận Những lời không nói trên sân khấu (Nhà xuất bản Sân khấu – 1995). Tập tiểu luận này ít được biết đến. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là một tác phẩm khá quan trọng của Xuân Trình. Nó cắt nghĩa sâu sắc và đầy đủ ý thức về những bước đường sáng tạo của nhà sáng tác Xuân Trình, bộc lộ những mặt chìm khuất không dễ thấy, dễ bộc lộ của anh.
Tập tiểu luận được viết dưới nhiều góc độ khác nhau của con người tác giả Xuân Trình trong hoạt động thực tiễn. Góc độ một nhà báo – góc độ một nhà phê bình, góc độ một nhà quản lý và sâu sắc nhất có lẽ là góc độ của một nhà văn, nhà viết kịch.
Có một bài viết không dài lắm, chưa đầy mươi trang khổ sách in 13×19, có một tên bài giản dị Tìm những vùng quê cho kịch, nhưng có thể nói Xuân Trình đã cho ta hiểu rất nhiều về hướng đi trong nghệ thuật của anh:
“Cái mà chúng ta gọi là “vùng quê” ấy đối với một người viết văn (ở đây cần nhấn mạnh một điều, tác giả xem nhà viết kịch trước hết phải là nhà văn). Có thể là một nhà máy, một đường phố, một đơn vị quân đội, hoặc một mái trường, xóm thợ… Cũng có thể vùng quê văn chương ấy chính là nơi chôn rau cắt rốn của mình, song cũng có khi là một vùng xa lạ đang trở thành gần gũi. Mỗi người sinh ra thường chỉ có một quê, song nhà văn thì lại không nhất thiết như thế. Thậm chí tôi quan niệm rằng, một nhà văn có nhiều vùng quê riêng thật không phải là điều dễ dàng. Hay ít nhất đối với tôi đó là một công việc phải tốn khá nhiều công sức. Tôi yêu nông thôn nên dĩ nhiên chọn một làng quê cho chính kịch mình.
Quê tôi chính là một làng thuộc vùng chiêm trũng tỉnh Nam Định cũ. Nếu chỉ cần một vùng quê thì đó cũng là một vùng tiêu biểu. Tôi không thể không cảm ơn cái làng của mình đã trang bị cho tôi những vốn liếng hiểu biết về nông thôn khá phong phú, và một tâm hồn đồng quê. Cũng có thể đó là tất cả vốn liếng để tôi bước vào nghề viết văn… Tuy nhiên chỉ một vùng quê ấy không đủ chất liệu để viết nên những tác phẩm, nhất là khi muốn có những tác phẩm phản ánh nông thôn một cách toàn diện.
Mười mấy năm làm công tác ở Tạp chí và báo Văn nghệ, tôi có điều kiện tiếp xúc với khá nhiều vùng nông thôn. Tài liệu ghi chép được không phải là ít, nhưng mỗi khi ngồi vào bàn viết văn không thể đến với đời sống theo cách nghĩ làm báo được. Đến xã, xuất trình giấy tờ, gặp gỡ với chủ tịch hay bí thư nghe một báo cáo về tình hình chung, đi thăm đồng ruộng và những công trình của hợp tác. Có thể ở lại vài ba ngày nghiên cứu sâu vào một vấn đề nào mình thích thú, hay làm quen với những nhân vật tiêu biểu. Một chuyến đi như thế, nếu muốn viết một bài ký cũng cần phải viết ngay, nếu không, thời gian sẽ xoá mờ những ấn tượng và những ghi chép được trong sổ tay sẽ trở thành khô cứng. Xin các bạn đừng hiểu là tôi cố ý bác bỏ một lối đi thực tế như vậy. Tôi chỉ muốn nói rằng: Chỉ tiếp xúc thực tế như thế đối với một người viết văn, viết kịch là chưa đủ. Ngoài cái cách đi rộng, lại rất cần cắm chân ở một nơi mà đặt ba lô xuống, anh thấy vui như đã về nhà mình. Xa, anh thấy nhớ. Trong ý nghĩ mọi người cái ấn tượng anh là nhà văn nhà báo phải được xóa mờ đi. Mọi người đến với anh như đến với những người có thể tâm sự, có thể giãi bày được. Ai mà chẳng biết chỉ có thể vào sâu được cuộc đời những con người mới tìm ra những cốt truyện kịch lý thú và riêng biệt. Chỉ có quan sát kỹ những con người mà hành động được lặp lại trong nhiều tình huống mới hiểu được thực chất của một lối sống, một cách nghĩ, do chính là chất liệu thật để có thể xây dựng những nhân vật có tính riêng biệt trong tác phẩm. Và tổng hòa trong chất liệu của cuộc sống chân thực ấy mới có thể mách bảo cho anh rằng anh cần nói gì với cuộc sống. Tất cả những việc ấy chỉ có thể làm tốt khi có được một nơi dừng chân để quan sát…” (Tìm những vùng quê cho kịch. Những lời không nói trên sân khấu – NXB Sân khấu – H – 1995).
Có lẽ là điều mong mỏi lớn nhất của nhà viết kịch Xuân Trình khi anh quyết định đến với văn học kịch, đến với nghệ thuật sân khấu, đến với nghề cầm bút. Chúng ta biết, khi còn trẻ, Xuân Trình vốn là một thanh niên xung phong lăn lộn trên những công trường xây dựng, khi chiến tranh nổ ra trở lại, Xuân Trình luôn chọn mũi nhọn tuyến lửa làm nơi cắm sâu đời sống thực tế cho mình.
Anh không thuộc loại nhà văn của những tháp ngà, bằng lòng với những điều nửa vời, coi nghệ thuật chỉ là một cuộc chơi như rất nhiều cây bút trẻ và cả những cây bút không còn trẻ lắm bây giờ vẫn nói. Với Xuân Trình, nhà nghệ sĩ và người công dân là một, và anh xác định rõ anh là một trí thức, một nghệ sĩ theo chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa cộng sản. Nghệ thuật là cách mạng, là nhằm thay đổi thế giới, xây dựng lại một thế giới mới. Điều này quyết định nhằm vào tính cách trong cuộc đời.
Luôn năng nổ trong công việc, luôn lấy hành động làm chuẩn mực đánh giá. Nhiều nhà văn nhà viết kịch hiện nay có ý lảng tránh khái niệm hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng tôi nghĩ, Xuân Trình không bao giờ làm điều này. Mặc dù ta biết, do óc quan sát, luôn suy nghĩ, tìm kiếm, trăn trở, anh đã bị làm phiền không ít với những phương pháp tư tưởng giáo điều của một số người hoặc cố tình hay vô tình đã quên mất phép biện chứng duy vật và biện chứng lịch sử khi nhận rằng mình đi theo chủ nghĩa Mác. Những vở kịch của Xuân Trình, cả một số tác phẩm văn xuôi, những tiểu luận phê bình của anh nữa, luôn trung thành với định hướng xã hội chủ nghĩa. Một định hướng tư tưởng ăn sâu từ máu thịt anh. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói nhiều đến tính dự báo trong tác phẩm Xuân Trình?
Điều này tôi nghĩ trước hết xuất phát từ tình yêu với chủ nghĩa xã hội, với lý tưởng cộng sản của anh. Chỉ cần nhắc lại tên các tác phẩm của Xuân Trình thôi, ta cũng có thể thấy được lòng yêu cuộc sống và lý tưởng xã hội, sự nhập cuộc hết mình của tác giả này: Những người du kích (1962), Lập xuân (1967), Quê hương Việt Nam (1968), Hận thù từ đâu tới (1972), Bạch đàn liễu (1973), Ngôi nhà trong thành phố (1974), Xóm vắng (1975), Trăng lên đỉnh núi (1977), Đoàn tàu đi về phương Nam (1977), Thời tiết ngày mai (1980), Cuộc đời này là của chúng mình (1985), Mùa hè ở biển (1985), Đợi đến mùa xuân (1986), Cố nhân (1987), Ngày xưa nơi đây là chiến tranh (1988)… Những tên tác phẩm luôn gợi lên sự gần gũi với từng bước đi của thời đại, bước đi lịch sử mà tác giả sống. Ở Xuân Trình ta không bao giờ thấy xuất hiện sự làm dáng, cầu kỳ, làm văn, chơi nghệ thuật. Anh chỉ viết những gì tạo nên sự bức xúc trong anh. Và sự bức xúc này đồng thời cũng là sự bức xúc của chính đời sống hiện thực, của chính thời đại mà anh gắn bó làm một, máu thịt. Như câu thơ của một nhà thơ: Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi.
Ta có thể còn đọc thấy trong tập tiểu luận của Xuân Trình. Những lời không nói trên Sân khấu nhiều đoạn bộc lộ những tha thiết, những day dứt của tác giả: “Sự lặp lại nhiều lần việc quan sát một đối tượng là rất cần thiết với tôi cho việc hình thành nhân vật. Tuy nhiên đó cũng chưa phải là lý do bức thiết nhất khiến tôi phải xây dựng cho mình những vùng quê riêng. Cái bức thiết hơn lại là vấn đề tình cảm. Hiện thực cuộc sống cần phải được nhìn qua cái yêu, cái lo chân thành. Những vấn đề mà tôi muốn nói trong tác phẩm cũng phải có sức giục giã, nóng bỏng của những người mình thân yêu, chứ không phải là những giả định khô cứng bắt nguồn từ sự xếp đặt thông minh khéo léo của một bàn tay có nghề nghiệp” (trang 28).
Và một đoạn khác.
“Tôi nhấn mạnh đến ý nghĩa một nền văn học kịch thật sự. Vì đã đến lúc cần phải nhìn thẳng vào, nói thật rằng, nền văn học kịch của chúng ta nhiều năm qua còn quá thưa thớt và mỏng manh. Mặc dù tốc độ sản xuất ra kịch bản ở nước ta đã đạt được mức kỷ lục mà ít có nền sân khấu nào với tới. Nhưng nó đã trôi qua trước mắt chúng ta chẳng hề ngừng, thậm chí chẳng lưu đọng được gì khi chúng ta cần nói đến một nền văn học kịch thật sự…” (trang l19).
Nỗi lo âu của Xuân Trình cũng là nỗi lo âu của tất cả những người hoạt động sân khấu. Nhưng không phải dễ mà nói lên những điều giản dị, tận đáy lòng với tính chân thành như anh đã nói.
Một nhà viết kịch cùng thế hệ với Xuân Trình đã nói về Xuân Trình rất đúng rằng anh là nhà viết kịch của chủ nghĩa xã hội, tất cả vì chủ nghĩa xã hội, là nhà viết kịch trung thành nhất với phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ đây là một đánh giá khá chính xác.
Xuân Trình, tác giả của Những người du kích, Bạch đàn liễu, Quê hương Việt Nam, Thời tiết ngày mai, Mùa hè ở biển, Đợi đến mùa xuân,… bao giờ cũng cắm rất sâu số phận mình vào vùng quê thân yêu của mình. Đó không chỉ đơn giản là mảnh đất chôn rau cắt rốn của anh. Đó còn là đất nước, Tổ quốc, Nhân dân của anh. Đó còn là lý tưởng cộng sản trước sau như một của anh. Và đó cũng là tình yêu nghệ thuật – nhất là nghệ thuật sân khấu, văn học kịch của anh.
Nhà thơ Ngô Thế Oanh