Xuân Trình bạn văn xuôi

Sau cái chết của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đến cái chết của Xuân Trình đã gây nhiều xúc động cho giới kịch nghệ Việt Nam và đông đảo khán giả cả nước. Đây là một trong những ngọn đèn của kịch nói vụt tắt đột ngột.


Tôi với Xuân Trình là bạn đồng môn, đồng song và đồng chí. Lớn hơn Xuân Trình mấy tuổi – học cùng lớp tôi vẫn nói vui với Xuân Trình cậu là đại đệ, còn mình là tiểu huynh. Chúng tôi chơi thân với nhau, có thể riêng tư đều thổ lộ.

Từ những năm cuối thập niên năm mươi, chúng tôi học cùng khoa Văn Đại học Tổng hợp, nhà Trình trước thư viện Khoa học Hà Nội, trên Đại lộ Lý Thường Kiệt rợp bóng cây. Những đêm sinh hoạt trường, lớp, nhóm về khuya, ký túc xá sinh viên Lò Đúc quá xa, nên ở lại ngủ với Xuân Trình. Nhà Trình gần trường, lúc ấy Trình chưa vợ con, chúng tôi thường nấu cơm ăn với nhau, và cùng say mê đèn sách. Khi trường chủ trương đưa sinh viên về lao động ở nông thôn, vừa học, vừa giúp dân sản xuất.

Hồi ấy cả ông tiến sĩ Lê Văn Thiêm cũng “hạ phóng” cày ruộng với chúng tôi. Trình gặt hái rất nhanh. Sống cùng làng du kích Đại Định, với những du kích nổi tiếng như Tạ Đình Chấm, với bác nông dân Cát Thòn, chúng tôi thường gọi là Võ Tòng – sức mạnh nhấc bổng cái cối xay đá nặng hàng tạ đi vòng quanh sân; với những giai thoại lý thú thêu dệt về vệ sĩ Tạ Đình Đề… Từ đây Trình viết ra vở kịch Những người du kích, tác phẩm về chiến tranh du kích của ta. Hồi ấy Trình chưa  là Đảng viên, tôi được phân công giúp đỡ Trình.  

Xuân Trình thì tư tưởng phóng khoáng, thích tự do và bay bổng, nên anh em phê phán là ảnh hưởng tiểu tư sản. Tôi đã nhiều lần thuyết phục anh em, nhưng thời kỳ còn bảo thủ đè nặng, biết sao(?) Sau này những vở kịch như Lập xuân, tôi và Trình đi Thái Bình, đi Nghệ An bằng cái mobylette tòng tọc của Trình, chúng tôi thay nhau đèo hàng trăm cây số, và Trình đã thai nghén vở kịch ấy. Khi viết Bạch đàn liễu, Ngôi nhà trong Thành phố (1972), Xóm vắng, chúng tôi đều tranh luận với nhau.

Trước cổng trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội năm 1961 Từ trái ngồi: Rồng, Chu Lung, Trác
Hàng giữa: Ngữ, Sâm, Nhuận, Ngọc Trai, Liên
Hàng sau đứng: Trình, Nùng, Long, Ngạn, Phú, Phán, Trực Sau cùng: Vấn, Vũ Công Tiến

Sau ngày miền Nam giải phóng, hễ vào Nam hay ra Bắc chúng tôi đều thăm nhau. Cho đến Cố nhân, Thời tiết ngày mai, kịch bản đều có sự góp ý của tôi. Mùa hè ở biển… mỗi vở kịch Xuân Trình đều có khó khăn, có  vở bị qui quan điểm, có vở đề nghị cấm diễn v.v… Trình đều tìm đến nhà tôi tâm sự. Là bạn bè với nhau, mỗi lần ra Bắc tôi đều báo cho Trình. Trình đã đón tôi lần chót ở Đại hội nhà văn lần thứ tư. Hồi ấy nghe tôi ra, Trình đến 8 Chu Văn An – nhà khách đón tôi, ôm tôi vào lòng vì là tri ân, tri kỷ mà!

Có bữa chúng tôi đi chơi ngoại ô Nghĩa Đô, làng nhỏ trở thành một phố nhiều nhà hộp. Trong hơn mười ngày Đại hội, bữa thì Trình rủ tôi đi với Nguyễn Quang Sáng, bữa thì đi với Nùng. Tôi và Nguyễn Quang Sáng ra họp, đi đâu cũng đi bằng xích lô, Trình đã đưa Lađa cũ kỹ đến cho chúng tôi và “chiêu đãi” bữa thì ở phố Huế cơm giò lụa, bữa ở Yết Kiêu, chỉ đạm bạc một đĩa thịt, đĩa giò và tô rau cải xanh với xị đế.

Chúng tôi thường ít nói, chỉ  trừ khi tranh luận về vấn đề gì. Bữa ấy chúng tôi nói về Ngôi nhà màu hồng ngọc Trình viết 1988. Trình thường tranh thủ ý kiến anh em bạn văn. Nhưng cuối cùng Trình đều chờ ý kiến tôi – Trình nói : “Mày cho tao một nhận xét đi”, Lúc nào Trình cũng tranh thủ sự phê bình nhưng Trình ít nghe ai, thường tôi góp ý rất thẳng, có lúc phật ý bạn, nhưng dầu sao mỗi lần gặp nhau chúng tôi đều thấy mình một trưởng thành trên con đường văn nghiệp.

Trình ra đi thực ra không vội vã, nhưng với tôi vẫn cứ đột ngột. Gần đây, chị Loan ở Nhà xuất bản Sân khấu vào thành phố Hồ Chí Minh in lịch, khi chị ra Hà Nội  tôi có viết thư cho Trình lúc Trình nguy kịch trên giường bệnh. Tôi gửi cho cô Lộc vợ Trình. Lộc ơi! Nói nhỏ với Trình có Tuấn phương Nam xa xa nhắc nhớ đến Trình, bạn của nhau thuở hàn vi, sáng ăn năm xu xôi, đêm đông thiếu áo, lót tờ báo vào ngực cho ấm.

Thế là chúng ta vĩnh biệt Xuân Trình, một tài năng một ngọn đèn rực rỡ chói sáng của làng kịch nói hiện đại nước ta chợt tắt. Với trên hai mươi tác phẩm – nhiều kịch bản có tiếng tăm vang vang niềm tự hào. Vẻ thư sinh như Bạch đàn liễu Xuân Trình có một sức mạnh thu hút lạ lùng, làm việc, làm việc và sáng tạo.

 

Đoàn Minh Tuấn

 

Share this page