Xuân Trình – Nhà văn trong nhà viết kịch, PGS TS Tất Thắng

Kịch là một trong 3 thể loại của thi ca, có nghệ thuật của ngôn từ mà ngày  nay người ta thường gọi là văn học – Cùng với Tự sự (văn xuôi) và Thơ (trữ tình). Kịch làm nên nghệ thuật Thi ca, một sáng tạo tuyệt vời của trái tim và bộ óc con người mà chủ thể của nó là nhà văn, một danh hiệu cao quý cho những người cầm bút viết nên những tác phẩm nó là một thế giới, một vũ trụ nhà văn, do nhà văn hư cấu thành. Nếu kịch đã đang và sẽ là một thể loại văn học, thì đương nhiên nhà viết kịch trước hết phải là nhà văn, nhà văn thực thụ, đích thực trong khái niệm này.


Ấy thế mà ở Việt Nam, do chỗ ta là người Việt Nam, ta làm theo cách của ta, nên những ông viết, bà viết kịch trong khi chưa phải là nhà văn đã chễm chệ ngồi trong Ban sáng tác với các nhà viết kịch từ Học Phi, Lộng Chương đến Nguyễn Văn Niêm, từ Hoài Giao, Tào Mạt, Tất Đạt, đến Ngọc Linh, Lê Duy Hạnh, Lê Hoàng, v.v… đều là những nhà văn viết kịch. Thậm chí có các nhà văn xịn từ Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Khải đến Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Lập… đã viết kịch và đóng góp cho kịch những vở kịch, những tác phẩm văn học chân chính, nó làm nên, hoặc ít nhất cũng góp phần làm nên cái chất thi ca, cái chất litteraire cho sân khấu chúng ta. Tôi nghĩ về hội diễn sân khấu kịch nói năm 1999-2000 của ta mà vừa mừng lại vừa lo, khi thấy ở đó hai vở được Huy chương vàng lại là hai vở của các nhà văn thực thụ. Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi và Chí Phèo, một kiệt tác của Nam Cao được Sỹ Hanh viết lại cho sân khấu. Mừng vì, dù sao giới sân khấu của ta cũng đã biết quý trọng và đánh giá cái tính văn học trong kịch. Lo vì trong đội ngũ hùng hậu của  cái gọi là các nhà viết kịch của ta, tư cách nhà văn hơi bị hiếm quá.

Kịch Việt Nam. Ảnh: Báo ĐSPL

Cho nên Xuân Trình mất đi là một thiệt thòi lớn, một tổn thất lớn cho sân khấu ta. Càng nghĩ càng thấy là lớn, bởi vì Xuân Trình là nhân cách nhà văn trong nhà viết kịch.

Nhà văn hay nhà thơ, nhà viết kịch thì xưa kia đều được Aritstốt gọi chung một cái tên là nhà thơ (poète) một con người nghiêm túc hơn so với sử gia (Historien) bởi vì sử gia chỉ ghi lại, chép lại tức là chỉ viết những điều đã xảy ra, còn nhà thơ thì lại có quyền viết những điều có thể xảy ra, thậm chí những xác xuất. Sau này, 21 thế kỷ sau, tức thế kỷ XVIII sau công nguyên, Letxin, nhà viết kịch, nhà văn, nhà lý luận kiệt xuất của chủ nghĩa hiện thực Khai sáng Đức, khi bàn về kịch đề tài lịch sử, lại nhắc lại luận điểm của Aristốt và cho rằng nhà viết kịch lịch sử nên và phải viết những điều có thể xảy ra trong lịch sử, chứ đừng như nhà sử học chỉ đi chép lại những điều đã xảy ra.

Mà làm sao nhà viết kịch có thể sao chép lại những điều có thật xảy ra đôi khi đã vùi chôn trong lịch sử. Vừa mới hôm qua thôi, chỉ có một việc chiếc xe tăng nào là chiếc đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc lập mà còn tranh cãi nhau mãi, nếu không có một nhà báo nữ người Pháp chụp được đích xác chiếc xe tăng ấy thì còn tranh cãi nhau chí choé (các cậu học trò của những chiến sỹ lái xe tăng kia đã cãi nhau vì việc đó).

Và chỉ mới đời Trần cách đây chưa đầy 10 thế kỷ mà ông bố Trần Quốc Toản là ai cũng còn khó trả lời, huống cho những sự kiện, những sự việc, những chi tiết, tình tiết lịch sử cách đây hàng ngàn năm hoặc lâu hơn nữa! Cho nên,  với kịch lịch sử vấn đề không phải là sao chép, tái hiện lịch sử. Ấy thế cho nên Trúc Đường mới để cho Quang Trung vào ngày mùng 5 tết sau khi đánh tan quân Tôn Sĩ Nghị cùng dân chúng Thăng Long đón tết Nguyên đán đã gửi một cành đào vào Phú Xuân chúc mừng năm mới Ngọc Hân công chúa. Ấy thế cho nên Lê Duy Hạnh mới để cho Dương Vân Nga độc thoại đêm với tâm sự ngổn ngang trước cuộc chuyển từ nhà Đinh sang nhà Lê cùng nỗi bâng khuâng với Lê Hoàn. Ấy thế cho nên Trần Đình Ngôn đã để cho vua Đinh phải khóc vì lũ con cháu nhà vua đã lăm le huynh đệ tương tàn. Còn Tào Mạt thì lại để cho một cung nữ “dạy” cách trị vì non sông đất nước, như những bài học làm vua v.v… và v.v…

Trở lại với Xuân Trình ta thấy đây là một nhà văn thực thụ, bởi vì anh luôn viết, thậm chí chỉ viết những điều có thể xảy ra. Nếu như trong kịch của Xuân Trình ta có bắt gặp những gì là “thật”, là hiện thực thì đó cũng chỉ là  những chi tiết, những tình tiết mà anh lượm lặt từ cuộc sống hằng ngày quanh anh rồi kịch hóa chúng trong tác phẩm của mình và biến chúng thành những chi tiết, những tình tiết có thể có. Những chi tiết, những tình tiết thậm chí cả những sự kiện của Xuân Trình, do đó không gây trong sự tiếp nhận của ta một ấn tượng như thật ngoài đời, mà chỉ là sự cảm nhận cái có thể có trong cái thế giới do anh sáng tạo nên. C

ho nên kịch của Xuân Trình đọc thì hay mà diễn thì “hóc” đấy. Chẳng hạn ở vở Ngày xưa nơi đây là chiến tranh, một tác phẩm kịch đầy chất văn học, Xuân Trình đã dựng nên, sáng tạo nên một thế giới sau chiến tranh tại một vùng mà xưa kia là nơi địch đổ bom đạn xuống, bởi đó là cửa ngõ của một con đường Trường Sơn. Nơi đây, xưa kia từng là một xóm nhỏ đưa đón các chiến sĩ lái xe ra vào… mà bây giờ chiến tranh qua rồi, không còn một nóc nhà nào nữa vì tất cả đã dọn về làng, xóm sau những ngày sơ tán. Thế nhưng ở cái nơi vắng vẻ giữa rừng và bên suối đó vẫn còn một nóc nhà nhỏ, và hơn nữa trong căn nhà nhỏ đó, vẫn còn một ông già lầm lì và một cô gái hồn nhiên đến thơ ngây…

Điều này có thể xảy ra lắm chứ, bởi vì ông già vì lý do nào đó nên vẫn phải cắm nhà tại đây. Đó là cái tình huống xuất phát trong vở kịch Ngày xưa nơi đây là chiến tranh của Xuân Trình. Nhà văn đã sáng tạo ra cái thế giới trên rừng vắng ngày nay, trên mảnh đất mà xưa kia là chiến tranh với những đoàn xe đêm đêm đi về để lại sau đó những trận bom rải thảm, nơi mà người bố gan lì phải chờ đợi một người con vốn là một chiến sĩ lái xe, mà cái oái ăm thay trong lần anh lại lái chiếc xe chở toàn vàng vào chiến trường để đổi lấy súng đạn, do lòng tham nổi lên, người cha đã đẩy người con vào tội lỗi là cho xe lao xuống vực để phi tang, sau khi ông già lấy trộm một hòm vàng và chôn giấu trong cái nền nhà mà xưa kia là chiến tranh ấy.

Đứa con vì thế mà vào tù, mà nhà tù của nó ở một vùng cũng gần cái nơi mà ngày xưa là chiến tranh ấy. Đó là cái thế giới, cái vũ trụ mà Xuân Trình đã sáng tạo nên với những cái có thể có, chứ không phải cái có thật. Cũng như Nguyễn Quang Lập đã sáng tạo nên cái xóm Cát nóng bỏng nơi người ta gửi lại ở đó những phuy xăng trong chiến tranh… để rồi từ đó người gửi thì quên mất, còn người giữ thì cứ phải giữ nó với tất cả máu xương cùng với sự đau khổ cay đắng của mình. Điều đó có thể xảy ra lắm chứ. Cho nên tôi vẫn cho rằng vở Mùa hạ cay đắng là vở hay nhất của Nguyễn Quang Lập, hay bởi vì nhà văn đã sáng tạo nên cái vũ trụ, cái thế giới có thể có của mình.

Một tình tiết khác rất văn học mà Xuân Trình đã sáng tạo nên trong vở Nửa ngày về chiều. Vở kịch này Đoàn kịch nói Nam Định. lúc đó là Đoàn kịch nói Hà Nam Ninh, đã dựng và tham gia Hội diễn sân khấu 1990.

Với tài năng của đạo diễn Đoàn Anh Thắng – Chỉ nguyên một trường hợp người chỉ huy, người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã cống hiến gần cả cuộc đời mình cho quân đội, cho đất nước, lúc về hưu, vào cái buổi nửa ngày về chiều ấy, đã không có chỗ nương thân mà phải ở nhờ một căn nhà trẻ ở quê hương, nơi ông đăng ký hộ khẩu lúc nhập ngũ đã là một thế giới đầy chất văn học do nhà văn sáng tạo nên rồi. Nhớ đồng đội từng vào sinh ra tử tại một thành phố phía Nam, ông vào thăm một biệt thự trong chiến tranh mà vườn cây ở đó được dùng làm nơi chôn nắm xương người chiến sĩ,  liệt  sĩ mà đến ngày hòa bình hài cốt vẫn chưa kịp rời về nghĩa trang… đã là đầu mối cho một tình tiết đầy kịch tính của Xuân Trình. Bởi vì chỉ có trong chiến tranh nơi mà mọi sự phi lý đều có thể diễn ra do chỗ bản thân chiến tranh đã là một cái gì đó siêu phi lý, xét từ góc độ nhân bản  và nhân đạo, thì biệt thự mới biến thành nghĩa trang.

Bây giờ khi cuộc sống hoà bình đến rồi, thì biệt thự lại trở lại cái chức năng nhà ở sang trọng và tĩnh lặng của nó. Cho nên những chiến sĩ đã từng sử dụng cái biệt thự như cái nghĩa trang không thể hiểu nổi người chủ nhân đang sống ở đây… và ngược lại cái người chủ nhân đang sống trong hoà bình, đang sử dụng cái nghĩa trang như một biệt thự cũng không thể hiểu nổi những người lính có đồng đội đã hy sinh và hài cốt đang nằm trong khu vườn biệt thự đó. Thế là họ quay ra làm khổ nhau, thậm chí động chạm vào cái nơi linh thiêng nhất trong tình cảm của nhau một cách rất bình thường, rất hồn nhiên là đằng khác. Điều đó có thể xảy ra lắm chứ. Một hình thái xung đột đã được sáng tạo nên từ suy nghĩ nhà văn.

Các tình tiết nhà văn như thế trong kịch Xuân Trình không phải là hiếm. Một đêm lập xuân xôn xao cả đất trời với những chồi non cựa quậy trong lòng đất thấm đầy sương muối, nó là sự báo hiệu cuộc sống mới, một cung cách làm ăn mới đang có nguy cơ bị tàn lụi; một xóm vắng dưới ánh trăng mờ chiếu đêm đêm văng vẳng tiếng còi tầu vừa xa vừa gần, nghe như lời vẫy gọi những tâm hồn trẻ muốn rời bỏ làng xóm đến những vùng xa, để cho cái xóm vắng đó mãi mãi vẫn vắng mà chính người dân ở đó có đêm từ đường cái trở về đi vẫn bị lạc… Cái cuộc sống trong kịch Xuân Trình là cuộc sống do nhà văn trong nhà viết kịch sáng tạo nên với tất cả tính có thể, tính xác suất đầy tính kịch của nó. Ở vở hài kịch Mùa hè ở biển, Xuân Trình đã xây dựng nên một thế giới mà tất cả đều đã lạc hậu, lạc hậu một cách thảm hại mà nó vẫn cứ hồn nhiên tồn tại, không những tồn tại mà còn gây nên sự đau khổ trong tình cảm con người mà nhân vật Đoàn Xoa là một hiện thân. Một thế giới có thể có, một con người có thể có ấy đã rất chân thật, rất chân thành ngăn cản sự tiến  bộ của con người và xã hội chúng ta, nó làm cho chính những con người chúng ta đang sống, đặc biệt là những người thân trong cái thế giới có thể có ấy, của cái con người lạc hậu ấy đôi khi như bị xúc phạm thậm chí đau khổ, chính điều đó đã tạo nên cái chất trữ tình trong một vở hài kịch.

Thế nhưng một câu hỏi đương nhiên đặt ra ở đây là, vì sao Xuân Trình lại viết kịch như vậy. Và nếu nói về Thi pháp tác giả thì cái cung cách diễn tả những điều có thể xảy ra ấy có phải là việc thực hiện một chức năng mà có người gọi là chức năng dự báo của văn học không. Tôi không muốn bàn về cái chức năng do một vài nhà lý luận văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa này nêu lên. Và nếu cần dẫn chứng về việc thực thi chức năng đó trong kịch Xuân Trình thì ta cũng có thể kể một số vở, đặc biệt là hai vở Thời tiết ngày mai (đúng như tên một vở kịch của Liên Xô cũ Pagoda Nazaitra) hay Đợi đến mùa xuân.

Tôi muốn nói đến một lý do khác. Nhà văn Xuân Trình viết kịch vì muốn gửi vào cái thế giới nó bao gồm những cảnh đời những con người anh sáng tạo nên ấy một vấn đề nào đó. Có thể đó là một vấn đề xã hội, một vấn đề chính trị, thậm chí một vấn đề thời sự. Nhưng sâu xa trong đó ẩn giấu trong đó vẫn là những vấn đề đạo đức tinh thần của con người đương thời, con người hôm nay, vẫn là những vấn đề nhân bản và nhân đạo. Và đến lượt mình, chỉ có cái thế giới cái vũ trụ với những cái có thể, thậm chí xác xuất ấy mới chứa đựng nổi cái vấn đề mà Xuân Trình đặt ra trong kịch của mình.

Những vấn đề đó mọi người đều đã biết. Ở đây tôi chỉ xin nói lại nó trong vở Nửa ngày về chiều. Thì ra,  từ những điều có thể xảy ra và đầy tính kịch ấy trong cái nửa đời về chiều của người sĩ quan già ở những ngày đầu sau chiến tranh, ta mới thấm thía, mới sửng sốt, đến giật mình khi nghĩ về những vấn đề của hòa bình nó ập đến ngay sau chiến tranh với những hậu quả ghê gớm của nó mà ta không quan tâm đến ngay, mà ta cứ say sưa với chiến thắng trong chiến tranh thì có lúc, có chỗ làm cho ta điêu đứng. Và cái đêm đầu tiên của hoà bình vừa ập đến ở một thành phố Đức, khi mà những con họa mi bay về rợp trời thành phố, khi mà mối tình giữa người lính Nga và cô gái Đức đã xảy ra… để đến nỗi suýt nữa chú lính Nga bị đưa ra toà án quân sự. Cũng lại là một điều có thể xảy ra vào các giây phút chiến tranh vừa hết và hòa bình vừa đến. Và chính những cái điều có thể xảy ra ấy đã chứa đựng một vấn đề lớn của thời đại.

Cho nên ai đó có nói gì thì tuỳ, song tôi trước sau vẫn cho rằng kịch Xô-viết là một nền kịch lớn. Và trước sau tôi vẫn đánh giá cao những nhân cách nhà văn trong nhà viết kịch – và chính cái nhân cách đó đã khiến cho Xuân Trình có thể sáng tạo nên cái cuộc sống, cái đời sống đầy những điều có thể diễn ra trong những Intrigô đầy kịch tính để nó, những điều có thể mà từ xưa Aristốt rồi Létxin đã coi nó như một đặc sản của sáng tạo thi ca đã ẩn chứa giúp anh, nói lên hộ anh những điều anh tâm đắc, những vấn đề anh nung nấu.

 

 

 

PGS.TS Tất Thắng

 

 

 

Share this page