Nghĩ về mình trước bàn người đọc là một kịch bản hay. Mới đọc qua một lần hoặc xem qua vở diễn người ta dễ có cảm giác không có gì mới. Vẫn là chuyện chống tiêu cực, chuyện tranh giành địa vị, bè phái tham nhũng như nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ và các tác giả khác đã từng phản ánh. Đã có người nhìn nhận và đánh giá như vậy. Đấy là người ta mới chỉ nhìn thấy một lùm cây xanh rì chứ chưa nhìn kỹ vào cây, cành, hoa, lá.
Nghĩ về mình, với cái tên của nó, tác giả đã muốn khẳng định vấn đề đặt ra trong tác phẩm là vấn đề của những người chân chính. Trong kịch có các nhân vật xấu với những hành động xấu và ác độc nữa. Nhưng vở kịch không nhằm mục đích chính là phê phán chúng. Tác giả muốn lưu ý những người chân chính rằng trong cuộc đấu tranh quyết liệt này không những phải biết nhìn cho rõ đối phương mà còn phải biết nghĩ về mình. Không biết nghĩ về mình thì không thể chiến thắng được cái xấu cái ác. Điều mà tác giả muốn nói với những người chân chính đã thể hiện qua lời thoại của nhân vật Linh: “Mọi sự tranh tối tranh sáng lẫn lộn mù mờ vẫn thường là nơi cho cái ác giấu mặt, cái thiện khờ dại bị thôn tính. Rất đáng tiếc trong cuộc sống hiện nay những người tốt rất thông minh trong công việc, nhẫn nại trong lao động nhưng lại ngờ nghệch khi bảo vệ mình. Cái tốt đông đảo nhưng ít khi trở thành lực lượng, trong khi đó những thế lực ngu dốt, lười biếng, tham lam luôn tìm đến nhau để liên kết thành sức mạnh”. Đó là một vấn đề mới, mà sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung chưa đề cập. Nghĩ về mình như một lời nhắc nhở chân tình và sự cảm thông sâu sắc đối với những người chân chính. Nghĩ về mình cũng là tiếng gọi đoàn kết thống nhất ý chí và hành động các lực lượng tiến bộ, tích cực để chống lại cái xấu, cái ác, bảo vệ những người lương thiện.
Trên một bình diện khác, Nghĩ về mình còn thể hiện một nét mới thông qua đề tài gọi là “chống tiêu cực” là ở chỗ vở kịch không chỉ nhằm góp tiếng nói đấu tranh cho một cơ chế mới như nhiều vở trước đây. Nghĩ về mình là tiếng nói đấu tranh cho số phận của những người lao động chân chính từ nhà trí thức cho đến người công nhân. Trong Nghĩ về mình, các nhân vật: Hiển, kỹ sư giám đốc; Bắc, bí thư đảng uỷ; Vinh, nữ công nhân; Hoà, tổng giám đốc, đã được khắc hoạ những nét tính cách khá sâu sắc tạo nên hình tượng nhân vật cho tác phẩm, mang được những nét khái quát điển hình cho một số lớp người trong xã hội hôm nay. Các nhân vật chính trong Nghĩ về mình không còn là những khái niệm tính cách mà là những con người sống động chân thực với sự phong phú và phức tạp trong mỗi con người, là sự tổng hoà của các mối quan hệ xã hội.
Gần đây những người làm nghệ thuật sân khấu ít chú trọng đến giá trị văn chương trong vở diễn, nếu không nói là họ coi thường, vì phần đông khán giả chẳng chê trách đòi hỏi gì về mặt văn chương của sân khấu cả. Trong tình hình đó, chỉ còn lại một số ít nhà viết kịch vẫn không chịu hạ thấp giá trị của văn chương để chạy theo cái mốt “đời thường” của sân khấu. Xuân Trình là nhà văn, nhà viết kịch nằm trong số ít nhưng đáng trân trọng ấy.
Ngôn ngữ văn học trong kịch bản của Xuân Trình bao giờ cũng đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của đặc trưng sân khấu, đồng thời vẫn đạt tới sự trau chuốt có giá trị văn chương. Đối thoại giữa các nhân vật không phải chỉ có tác dụng dẫn chuyện, thể hiện tính cách, tâm trạng, thúc đẩy xung đột mà giàu hình tượng văn học. Không cầu kỳ đẽo gọt ngôn ngữ, văn học kịch của anh trong sáng dung dị nhưng hàm súc. Nó chắt lọc từ những quan sát, suy ngẫm của anh trước hiện thực đời sống mà thành. Nó thể hiện cái nhìn tinh tế của một người cầm bút sắc sảo, thông minh, luôn luôn có trách nhiệm trước xã hội và con người, luôn luôn khát vọng cải tạo xã hội và hoàn thiện con người. Nó biểu hiện cả cái tài và cái tâm của một nhà viết kịch.
Nghĩ về mình là một kịch bản văn học đáng được ghi nhận, là một trong bước đi vững chắc của Xuân Trình trên con đường sáng tạo, đóng góp sức mình để xây dựng một nền văn nghệ cách mạng giàu tính chiến đấu và giá trị nhân văn: Giải thưởng chính thức của cuộc thi kịch bản 1989 của Hội Nhà văn và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và giải thưởng chính thức văn học công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1986 – 1989) tặng cho kịch bản Nghĩ về mình là sự đánh giá đúng đắn và trân trọng những sáng tạo của nhà viết kịch Xuân Trình.
Cuối mùa đông năm Tân Mùi nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình vĩnh biệt đồng nghiệp và công chúng khán giả, độc giả thân yêu, để lại bức thư ngỏ gửi đồng chí Đỗ Mười, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, và những tác phẩm văn học kịch có giá trị tư tưởng sâu sắc, thể hiện lòng thiết tha yêu cuộc sống và ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước xã hội và số phận con người.
Cũng như những bức thư ngỏ gửi lại cuộc đời, mỗi vở kịch của Xuân Trình là một sự khám phá cuộc sống, phát hiện vấn đề, tìm cách lý giải và nhằm tác động vào cuộc sống thúc đẩy xã hội tiến lên trên con đường hoàn thiện nhân cách của con người trong thời đại mới. Nâng niu trân trọng những tác phẩm có giá trị của Xuân Trình, và cũng là để bày tỏ nỗi niềm tiếc thương vô hạn của anh em đồng nghiệp, Nhà hát Kịch đã dàn dựng thành công vở diễn Ngày xưa nơi đây là chiến tranh. Đạo diễn Lê Hùng, họa sĩ Doãn Châu, cùng với Giám đốc Trọng Khôi và diễn viên Nhà hát Kịch đã lao động nghiêm túc và sáng tạo để trình bầy kịch bản văn học của Xuân Trình thành một vở diễn sinh động và có sức thuyết phục.
Ngày xưa nơi đây là chiến tranh là một vở kịch độc đáo có cái lạ cái riêng trong bấy nhiêu tác phẩm của Xuân Trình, có thể xem như là sự thăng hoa của tâm hồn nghệ sĩ và tài năng sáng tạo nơi anh. Vở kịch là sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, giữa triết luận và trữ tình, giữa phê phán và ngợi ca.
Trong vở diễn này sự khám phá phát hiện của nhà văn thật sắc sảo và tinh tế. Tác giả không trình bày cái ác như một nét định hình trong tính cách nhân vật mà ta quen gọi là “phản diện”. Ở đây, cái ác đã bị lôi ra từ trong góc tối của tâm hồn những con người “cơ bản là tốt”. Khi chiến tranh ác liệt xảy ra, con người phải đối mặt với kẻ thù chung, đối mặt hàng ngày với cái chết, cho nên ngay từ những con người bình thường nhất, chủ nghĩa anh hùng cũng thức dậy, vươn mình còn cái xấu, cái ác bị đẩy lùi vào một góc nhỏ và tưởng như nó không còn tồn tại.
Thế nhưng, khi mới chỉ nhận được tín hiệu hòa bình là lập tức cái xấu cái ác từ góc tối nhào ra và hướng con người vào những hành động lỗi lầm hay tội ác. Khi kẻ thù đối mặt mất đi thì lập tức “kẻ thù” vô hình trong tâm khảm mỗi người nổi dậy tấn công.
Cũng trong vở kịch này, sức mạnh đã chiến thắng cái ác lại không phải là bạo lực, không phải là những điều giáo lý đạo đức, mà lại chính là cái đẹp hồn nhiên trong trắng đến ngây thơ của tâm hồn và thể chất con người. Lẽ phải đánh vào nhận thức lý tính để chuyển hóa tư tưởng con người, nhưng không phải dễ. Cái đẹp chân chính hồn nhiên đến thơ mộng đã đánh thức những tình cảm thẩm mỹ cao đẹp chắp cánh cho tâm hồn con người bay lên, bỏ lại dưới mặt bằng thông tục những khát vọng tầm thường nhỏ nhen ti tiện. Cái đẹp ở đây đã có sức mạnh tẩy rửa tâm hồn, hoàn thiện nhân cách. Vở kịch phát hiện những vấn đề nảy sinh sau chiến tranh, nhưng đồng thời cháy bỏng niềm khát khao mơ ước của nhà văn về sự hoàn thiện tâm hồn và nhân cách con người trong thời đại chúng ta.
Với những thủ pháp nghệ thuật kết hợp giữa tả thực và ước lệ, cách điệu, với sức thể hiện nội tâm sâu sắc với những hành vi động tác chọn lọc chuẩn xác, cách xử lý diễn xuất, trang trí, âm nhạc có tìm tòi sáng tạo, đạo diễn Lê Hùng cùng các nghệ sĩ Ngọc Quốc, Chiều Xuân, Thu Hà, Thạc Chuyên, Quang Chiến, Trọng Trinh… đã cố gắng trình bày vở diễn như ý tưởng của nhà viết kịch. Đây cũng là tấm lòng tri kỷ, tri âm của những người anh em đồng nghiệp đối với nhà viết kịch Xuân Trình. Ngày xưa nơi đây là chiến tranh là vở kịch trình diễn giữa mùa xuân của Nhà hát Kịch Việt Nam. Nó là một biểu hiện của tình nghĩa thuỷ chung giữa những người nghệ sĩ đáng được trân trọng và hoan nghênh một cách nhiệt tình.
TS Trần Đình Ngôn